Sunday, 29 September 2024

BÁO CÁO VIÊN ĐẶC BIỆT LHQ QUAN NGẠI VIỆC CÔNG AN 'MỜI' TS NGUYỄN QUANG A LÀM VIỆC (VOA Tiếng Việt)

 



Báo cáo viên đặc biệt LHQ quan ngại việc công an ‘mời’ TS Nguyễn Quang A làm việc

VOA Tiếng Việt

28/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-vien-dac-biet-lhq-quan-ngai-viec-cong-an-moi-ts-nguyen-quang-a-lam-viec/7802446.html

 

Một báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sau khi nhà chức trách Việt Nam gửi giấy mời hai lần liên tục đến Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A để thẩm vấn về việc ông trả lời phỏng vấn và tham gia hội luận, được đăng trên mạng xã hội.

 

https://gdb.voanews.com/a287144e-1a7a-43ef-ad3c-0e7d6b003fa0_cx0_cy8_cw0_w1023_r1_s.jpg

Báo cáo viên đặc biệt LHQ lên tiếng về vụ TS Nguyễn Quang A bị an ninh mời làm việc.

 

“Tôi quan ngại về các tin tức từ Việt Nam cho thấy Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu, đã bị công an ‘mời’ lên để thẩm vấn liên quan đến các bài đăng và cuộc phỏng vấn trên mạng xã hội của ông”, bà Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Người bảo vệ nhân quyền, nêu nhận định trên trang X hôm 27/9.

 

Ông Nguyễn Quang A bị công an thành phố Hà Nội yêu cầu có mặt lần thứ nhất vào ngày 25/9 với nội dung “giấy mời” là “hỏi về việc tham gia hội luận trên mạng xã hội YouTube”, và lần hai hôm 27/9 với nội dung “hỏi về việc tham gia hội luận, trả lời phỏng vấn trên mạng xã hội”, theo ảnh chụp hai “giấy mời” được luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh ở Mỹ đăng trên Facebook hôm 26/9.

 

“Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị thẩm vấn và quấy rối nhiều lần vì hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông - ông phải được phép tự do bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”, bà Lawlor nhấn mạnh.

 

VOA đã liên lạc với cán bộ phụ trách được nêu trong thư mời của Công an Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ nói thêm về thư mời và đưa ra bình luận về phát biểu trên của Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nhưng chưa được trả lời.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức phản biện nổi tiếng và là một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam, thường xuyên trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, trong đó có tham gia hội luận trực tuyến về các vấn đề chính trị, xã hội, và thời sự liên quan đến Việt Nam trên đài Tiếng nói Hòa Kỳ (VOA). Các bài tham luận được lưu trên trang web chính thức và các nền tảng mạng xã hội khác nhau, trong đó có trang YouTube của VOA Tiếng Việt.

 

Trả lời phỏng vấn VOA sáng ngày 28/9, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho biết rằng ông đã không đến trụ sở Công an Quận Long Biên, Hà Nội, như thư mời yêu cầu.

 

“Tôi là người được mời và tôi từ chối lời mời”, ông Quang A chia sẻ với VOA qua tin nhắn. “Tôi yêu cầu họ không đến nhà riêng của tôi để đưa bất cứ giấy tờ gì và hãy gửi cho tôi qua bưu điện, tôi cũng sẽ trả lời bằng văn bản qua bưu điện”.

 

“Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bạn tôi, đã bị an ninh, công an Việt Nam ‘mời’ hai lần vì các cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí”, giáo sư Larry Diamond, thuộc Viện Hoover và là nhà nghiên cứu cấp cao về Dân chủ Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli (FSI), Đại học Stanford, Hoa Kỳ, viết trên trang X.

 

“Sự việc này xảy ra khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đưa thêm các tù nhân lương tâm mới vào tù để thế chỗ cho các tù nhân lương tâm vừa được thả ra, một trò cũ rích”, ông Diamond bày tỏ.

 

Như tin đã đưa, hôm 21/9, ngay trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm khởi hành cho chuyến làm việc lại Mỹ và tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Hà Nội đã phóng thích các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Thị Minh Hồng và Hoàng Ngọc Giao trước khi họ mãn hạn tù.

 

Vị giáo sư Mỹ cũng bày tỏ lòng biết ơn bà Lawlor “vì đã lên tiếng về hoàn cảnh khó khăn của Tiến sĩ Nguyễn Quang A”.

 

“Ông là một công dân yêu nước và ôn hòa, người chỉ mong muốn một Việt Nam tốt đẹp hơn, tôn trọng quyền của công dân”, giáo sư Diamond thuộc trường Đại học Stanford, đồng thời là cố vấn của Quỹ Quốc gia hỗ trợ Dân chủ (NED), cựu biên tập viên Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy), nêu nhận định.

 

Hồi tháng 5/2023, ông Nguyễn Quang A cũng bị giới hữu trách Việt Nam chặn xuất cảnh với lý do “an ninh quốc gia” khi ông khởi hành đi Thái Lan từ sân bay Nội Bài.

 

Ông Nguyễn Quang A là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) nhưng viện này đã bị chính phủ Việt Nam giải thể trước đây vì có những kiến nghị táo bạo bị xem là đi ngược với đường lối của chính quyền. Ông cũng là người được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007).

 

Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay thực hiện những hành vi nhằm vào người bảo vệ nhân quyền. Hà Nội thường khẳng định các “chính sách nhất quán” về việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận.

 

Bà Mary Lawlor, giáo sư thỉnh giảng thuộc Trung tâm Đổi mới Xã hội, Trường Kinh doanh, Đại học Trinity Dublin, Ireland, được Hội đồng Nhân quyền LHQ bổ nhiệm làm Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình của những Người bảo vệ Nhân quyền vào ngày 1/5/2020. Bà là một chuyên gia độc lập, tham gia vào các cơ chế giám sát và tìm hiểu thực tế của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats