Monday, 30 September 2024

BÌNH TĨNH TRONG NĂM BẦU CỬ (Ngô Nhân Dụng / Blog VOA)

 



Bình tĩnh trong năm bầu cử  

Ngô Nhân Dụng

26/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/binh-tinh-trong-nam-bau-cu/7800442.html

 

Theo nghiên cứu của Pew Research thì năm nay có 15 triệu công dân Mỹ gốc Á châu có thể đi bầu, tăng thêm 2 triệu người so với 4 năm trước. Bản tin của AAPI (Người Mỹ gốc Á châu và Thái Bình Dương) ước tính đảng Dân Chủ sẽ được 42% ủng hộ, Cộng Hòa 22%. Người Mỹ gốc Việt có khuynh hướng khác. Hơn một nửa (51%) thường ủng hộ đảng Cộng Hòa, chỉ có 42% bầu đảng Dân Chủ, theo Pew Research năm 2023.

 

https://gdb.voanews.com/398ad272-17ae-4fa0-98b9-be02b3d7791c_w1023_r1_s.jpg

Hình ghép 2 ứng viên tổng thống năm nay: Bà Harris phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở Rochester, hôm 18 tháng Tám. Ông Trump phát biểu tại buổi vận động hôm 19 tháng Tám ở York. Cả hai thành phố đều ở Pennsylvania, bang chiến trường.

 

Người Việt ở Mỹ quan tâm đến chính trị hơn các sắc dân thiểu số khác. Vì đại đa số chúng ta qua Mỹ để tị nạn chính trị. Người Việt thích bàn chuyện chính trị. Nhất là trong năm bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ. Chỉ còn trên năm tuần nữa sẽ đi bỏ phiếu, thế nào khi gặp nhau quý vị cũng có lúc nói đến chuyện chính trị. Xa hơn một chút, nhiều người sẽ tranh luận nên bầu cho ai.

 

Đó là một chuyện rất nhức đầu. Nếu tránh được thì tốt. Trước hết, tốt cho sức khỏe! Nói là một hoạt động tốn năng lượng. Khi tranh luận thì phải suy nghĩ, bộ óc tiêu hao rất nhiều năng lượng khi phải nghĩ.

 

Cho nên hãy tránh cãi lộn. Tránh nhất là chuyện bầu ai làm tổng thống Mỹ! Chuyện này quan trọng thật, nhưng bình thường dù cãi thắng mình cũng không gây được ảnh hưởng trên người khác. Vả lại, phần lớn ngôi tổng thống Mỹ không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của cá nhân mình (lợi tức, hạnh phúc gia đình, con cái học hành, mua nhà, mua xe, vân vân). Không ảnh hưởng được mà còn gây chia rẽ giữa người Việt với nhau.

 

Ai cũng biết năm nay nước Mỹ đang chia rẽ rất nặng trong cuộc tranh cử tổng thống. Trước đây tôi đã biết những cặp vợ chồng Mỹ bao giờ cũng bỏ phiếu khác nhau. Trong nhà, họ không nói chuyện chính trị, sống với nhau đến hết đời. Bây giờ nhiều người Mỹ đã thay đổi. Ông Donald Trump và bà Kamala Harris mỗi người đều có một số cử tri nhiệt liệt ủng hộ. Người ủng hộ một ứng cử viên này có thể ghét người phía bên kia thậm tệ, có khi coi nhau là thù địch. Chính người đang ứng cử cũng có lúc gọi ai chống mình là “kẻ thù!” Người Mỹ gốc Việt, nếu không khéo, cũng bị lôi cuốn trong cơn sóng chia rẽ đó.

 

Chúng ta nên tránh trao đổi hoăc bàn luận chính trị, dù rất nóng trong lòng! Thường chúng ta biết điều gì, có ý kiến nào, cũng muốn có người nghe. Nếu đó lại là một điều đắc ý, thì nhu cầu chia sẻ càng mạnh. Biết một ngã tư không cho phép quẹo trái khi đèn đỏ, hoặc biết một chợ bán món trái cây nào hạ giá 40%, ai cũng muốn truyền bá kiến thức của mình. Nhưng chuyện bầu tổng thống năm nay thì nên tránh.

 

Trước hết, không nên nói đến chuyện bầu cử với những người mình không biết ý họ sẽ bỏ phiếu cho ai. Người dưng cũng như bạn bè, anh chị em, giữa cha mẹ và con cái cũng vậy. Không nhắc đến, không bàn bạc về lời nói hay việc làm của các ứng cử viên. Không nhắc lại các tin tức mình mới đọc về ông Trump hay bà Harris. Bởi vì chỉ cần loan báo tin tức thôi cũng có thể có lợi hoặc bất lợi cho một người. Người nghe sẽ coi là mình đang tìm cách gây ảnh hưởng! Sẽ gây phản ứng, dù không nói năng mà chỉ ghi đậm trong lòng. Cuối cùng, chỉ nên chia sẻ các tin tức, ý kiến với những người quen thân mà mình biết cũng chọn giống mình.

 

Theo các đề nghị trên đây, hy vọng quý vị sẽ giữ được hòa khí với mọi người. Nhưng còn một vấn đề quan trọng hơn: Cần giữ chính mình tâm an, không xáo động trước các tin tức tranh cử hàng ngày!

 

Nhiều người thiết tha với một ứng cử viên nên mỗi ngày lại coi, đọc tin tức, trên báo, trên truyền hình, nhất là tin trên mạng Internet. Hơn 67 triệu người Mỹ đã theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên, sau đó các báo đài loan tin về phản ứng của họ.

 

Tin tức những cuộc nghiên cứu thăm dò dư luận xuất hiện liên tiếp hàng tháng không nghỉ, ai cao ai thấp tùy theo mỗi cuộc nghiên cứu. Kết quả trên toàn quốc, rồi đến kết quả ở từng địa phương. Các tiểu bang như Michigan, Wisconsin, Georgia, Pennsylvania, North Carolina và Nevada, được coi là “đóng vai trò quyết định” vì mức chênh lệch khít khao, được theo dõi nhiều nhất. Kết quả lên xuống từng ngày, tùy theo mỗi cuộc nghiên cứu. Báo đài đua nhau loan tin về một câu nói hay một cử chỉ của các ứng cử viên. Những chuyện về bà Harris hay ông Trump được nhà báo tìm ra dù từ nhiều năm cũ cũng trở thành tin nóng hổi. Mỗi câu chuyện được người đọc “tiêu hóa” theo ý thích của mình. Người đọc có khuynh hướng tin tưởng vào những kết quả hợp với ý thích của mình, nhưng mỗi ngày có thể lúc vui lúc buồn khi đọc tin rồi vui mừng sung sướng hoặc đau khổ tuyệt vọng; lòng không mấy lúc yên ổn! Một cách tránh, là đừng quá tin tưởng vào các con số đó!

 

Chúng ta cần thận trọng về kết quả những cuộc nghiên cứu dư luận. Cần tìm hiểu mỗi công ty hay cơ sở nghiên cứu đóng vai trò độc lập hay có quan hệ nhiều ít đến các ứng cử viên hoặc các tổ chức hỗ trợ họ, thường gọi là PAC (Political Action Committee). PAC là những tổ chức nhắm mục đích gây quỹ và phân phối tiền tranh cử. Luật pháp quy định hoạt động của họ và quy định cụ thể số tiền các cá nhân có thể đóng góp cho một PAC, hay một PAC đóng góp cho một PAC khác hay các ứng cử viên hay cho một đảng. Khi thấy kết quả nghiên cứu dư luận của một PAC chúng ta phải tìm hiểu trong quá khứ họ đã công bố những kết quả như thế nào, có độc lập hay nghiêng hẳn về một đảng hay một người.

 

Một cách giảm bớt tình trạng lệch lạc khi đọc những kết quả nghiên cứu dư luận là tính con số trung bình do nhiều cuộc nghiên cứu độc lập trong cùng một thời gian. Mỗi cuộc nghiên cứu đều phải công bố “sai số” tức “biên độ sai lầm” (margin of error) theo phương pháp thống kê. Thí dụ, nếu kết quả cho thấy tỷ số dân chúng ủng hộ hai ứng cử viên là 48% và 45%, mà sai số là 5% thì mức chênh lệch “thật sự” có thể là 53% (cộng thêm 5%) và 40% (trừ bớt 5%) hoặc 43% (trừ bớt 5%) và 50% (cộng thêm 5%). Cuộc nghiên cứu càng nhiều người tham dự thì sai số càng nhỏ nhưng khi nào cũng vẫn còn một biên độ sai lầm.

 

Những người làm công việc nghiên cứu phải chọn một số công dân Mỹ để đặt câu hỏi về ý định bỏ phiếu của họ. Quan trọng là chọn được một “mẫu nghiên cứu” ngẫu nhiên, không lệch lạc (random sample). Phải chọn làm sao để số người được phỏng vấn, trong mỗi địa phương, theo tiểu bang và trên toàn quốc, có tính chất tiêu biểu cho tất cả những công dân có ý định đi bỏ phiếu. Mẫu người được nghiên cứu phải theo những tỷ lệ nam – nữ; lợi tức cao thấp, màu da, sắc tộc, tuổi tác, vân vân, phù hợp với số dân tương ứng. Các cơ sở nghiên cứu lâu đời và có thành tích tiên đoán trúng thường do kinh nghiệm đã chọn phỏng vấn một số người trong “mẫu nghiên cứu” phù hợp.

 

Một cách thẩm định kết quả nghiên cứu có đáng tin hay không là coi các ứng cử viên họ làm gì. Nếu thấy nói một ứng cử viên đang thua sít sao tại một tiểu bang đồng thời thấy ứng cử viên đó tăng rất nhiều tiền chi tiêu cổ động ở tiểu bang đó, thì có thể đoán rằng ứng cử viên này đang lo lắng thật, qua các cuộc nghiên cứu của chính họ.

 

Ngoài ra, chúng ta cứ theo dõi tin tức về cuộc tranh cử, cho mỗi câu chuyện, mỗi điểm số một trọng lượng, cất vào trong trí nhớ của mình; để đó, sẽ nghe ngóng và xét lại sau! Không cách nào mình dùng các sự kiện, các con số đó để tiên đoán trúng 100% ai thắng ai thua! Cuối cùng, chuyện ai sẽ thắng, ai sẽ thua cũng không phải là yếu tố chính khiến mình lựa chọn khi bỏ phiếu. Chúng ta đều quyết định bỏ phiếu cho người theo đuổi cùng một mục đích với mình. Không nên thay đổi hàng ngày tùy theo các tin tức!

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats