Sunday, 15 September 2024

CHUYÊN GIA : QUAN HỆ VIỆT - MỸ MỘT NĂM SAU NÂNG CẤP QUAN HỆ VẪN CHƯA CÓ NHIỀU ĐỘT PHÁ (RFA)

 



Quan hệ Việt - Mỹ một năm sau nâng cấp quan hệ vẫn chưa có nhiều đột phá: chuyên gia

RFA

2024.09.12

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-relations-one-year-after-upgrading-relations-09122024150121.html

 

Ngày 11/9/2024 là đúng một năm Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện.  Nhân dịp này, RFA thực hiện phỏng vấn với Thạc sỹ, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Hoàng Việt để nhìn quan hệ hợp tác hai nước trong năm vừa qua. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-relations-one-year-after-upgrading-relations-09122024150121.html/@@images/03bdc322-ae12-415a-ab37-c61318c5e515.jpeg

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm và nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam hồi tháng 9/2023   (AFP)

 

Cao NguyênTheo ông, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã mang lại những lợi ích cụ thể gì cho Việt Nam trong năm vừa qua, lĩnh vực nào ông cho là có những bước tiến hợp tác mạnh mẽ nhất?

 

Ths. Hoàng Việt: Nói chung là quan hệ của Việt Nam gần đây đã phát triển nhanh chóng. Đã có những phát triển vượt bật từ trước, sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ phải kể từ năm 2010, đặc biệt là phát triển mạnh là từ 2014, sau sự kiện mà Trung Quốc đã đặt một cái giàn khoan vào Vùng Đặc quyền Kinh tế Việt Nam và Việt Nam cảm thấy rằng là cần phải bứt phá và thoát ra khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc. Cho nên quan hệ Việt Nam với Mỹ được phát triển thêm một cái bước khác, một giai đoạn khác.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-relations-one-year-after-upgrading-relations-09122024150121.html/000_hkg9799979.jpg/@@images/d60b8a51-bc6a-4de4-88b8-e80122ccb70e.jpeg

Biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Ảnh: AFP

 

Cho đến tháng 9 năm ngoái, khi Tổng thống Biden sang Việt Nam, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, đã mở ra rất nhiều cái cơ hội cho hai bên hợp tác.

 

Tuy nhiên, trong vòng một năm qua thì thời gian nó cũng tương đối ngắn. Và bản thân hai nước cũng có nhiều cái biến động trong chính trị trong nội bộ. Việt Nam thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Bên Mỹ thì đang bước vào một cuộc bầu cử. Cho nên là vẫn chưa có nhiều cái sự thay đổi nhiều, tức là cái bước tiến mới kể từ năm ngoái. 

 

Thực ra, trước đó thì quan hệ thương mại của hai bên vẫn đã phát triển rồi, nhưng mà người ta vẫn đang kỳ vọng là sau khi mà nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất, thì phát triển quan hệ kinh tế thương mại nó sẽ đột phá, nhưng mà cho đến nay thì vẫn chưa. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-relations-one-year-after-upgrading-relations-09122024150121.html/000_33uv77v.jpg/@@images/8cae9a63-b1b3-4d98-83e0-0d063a52e44e.jpeg

Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam hồi tháng 9/2023. Ảnh: AFP

 

Năm ngoái khi mà Tổng thống Biden sang, thì cũng có lời hứa với Việt Nam là muốn thúc đẩy những công ty, những tập đoàn sản xuất chip và chất bán dẫn đến đầu tư ở Việt Nam. Đến nay, đã có nhiều cái đoàn đến thăm Việt Nam và ký nhiều cái biên bản ghi nhớ MOU. Nhưng mà trong thực tế thì vẫn chưa có một doanh nghiệp nào của Mỹ thực sự triển khai dự án sản xuất chip và chất bán dẫn ở Việt Nam kể từ sau khi hai bên nâng cấp quan hệ. 

 

                                                            *

Cao Nguyên: Theo Tờ thông tin của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội công bố nhân một năm Việt-Mỹ nâng cấp mối quan hệ,  trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động chung, như Mỹ công bố Chương trình Khách mời Quốc tế về Đào tạo Lãnh đạo thiết kế riêng nhằm hỗ trợ các cán bộ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Việt Nam; Trong tháng 7, tàu USS Blue Ridge của Hải quân Hoa Kỳ và tàu tuần tra Waesche của Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ đã đến thăm cảng Cam Ranh và tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng và văn hóa tại Khánh Hòa… 

Với những hợp tác như vậy thì thái độ của Trung Quốc như thế nào? Ông nhận thấy có kiềm chế được sự quấy nhiễu của Trung Quốc trên biển Đông trong năm qua? Ít nhất là đối với Việt Nam?

 

Ths. Hoàng Việt: Thực ra cái vấn đề này thì cũng rất khó để nói. Bởi vì, thứ nhất là Trung Quốc thì không bao giờ thích chuyện mà Việt Nam xích lại gần với Mỹ. Cái đó là điều chắc chắn. Bởi vì Trung Quốc và Mỹ là cạnh tranh nhau, cạnh tranh nhau đủ có mọi thứ. Cạnh tranh nhau cả về ảnh hưởng trên thế giới và đặc biệt là khu vực châu Á và khu vực Biển Đông, nơi mà các cường quốc Mỹ và Trung Quốc đều muốn duy trì cái ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Bởi vì khu vực Biển Đông đóng vai trò rất quan trọng, cho nên kể cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tạo cái ảnh hưởng của mình tại khu vực này. 

 

Trong cái bối cảnh đó thì Việt Nam cũng đang phải cố tìm cách khéo léo. Tức là sau khi mà hai bên đẩy lên cái đối tác chiến lược toàn diện thì cho thấy cái lòng tin của hai bên nó cũng đã khác. 

 

Nếu như trước đây Việt Nam vẫn e ngại Mỹ trong một số trường hợp. Ví dụ như là e ngại về Cách mạng màu hay là e ngại về việc mà Mỹ tìm cách can thiệp vào chính trị nội bộ của Việt Nam… Thì phía Mỹ cũng đã rất nhiều lần khẳng định và kể cả ông Biden cũng khẳng định trong chuyến thăm năm ngoái là Mỹ tôn trọng cái thể chế của Việt Nam. Và chắc chắn là Mỹ cũng không dại gì mà can thiệp vào chính trị đội của Việt Nam cả.

 

Mặt thứ hai thì Việt Nam cũng e ngại việc là Trung Quốc sẽ cảm thấy không hài lòng. Chắc chắn là Trung Quốc không hài lòng rồi. Nhưng mà cái việc mà Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ nó cũng là một cái nhu cầu tất yếu của Việt Nam. Bởi vì, Mỹ là một quốc gia mà cái thị trường lớn nhất trên thế giới và nền công nghệ khoa học cũng như kinh tế thị trường có rất nhiều bước phát triển mà Việt Nam cần phải học hỏi. Cho nên việc phát triển mối quan hệ Việt Nam với cả Mỹ lên mức cao nhất nó là một cái nhu cầu không thể thiếu nếu Việt Nam muốn phát triển.

 

Thế còn cái câu hỏi là liệu nó có làm giảm bớt sự đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông hay không thì cái này nó cũng có một phần nào trong đó thôi. Câu chuyện trên Biển Đông, trong trường hợp Philippines hiện nay, Philippines là đồng minh của Mỹ và có Hiệp định hỗ tương quân sự từ năm 1951 và Philippines là đồng minh thân thiết của Mỹ. Thế nhưng mà không phải vì những chuyện đó mà Trung Quốc lại nhẹ tay với cả Philippines mà thậm chí Trung Quốc cũng mượn cớ để đẩy nó cao hơn. Cho nên, bảo là nếu mà quan hệ với Mỹ khiến cho Trung Quốc chùn tay ở Biển Đông thì điều đấy hoàn toàn là khó.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-relations-one-year-after-upgrading-relations-09122024150121.html/000_36et8bz.jpg/@@images/954aa922-9194-43d1-bbc5-40e085782864.jpeg

Các tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ảnh: AFP

 

Nhưng mà, cũng bởi vì Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam thì khiến cho Trung Quốc cũng phải đánh giá cái vị trí của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc nó khác trước. Nếu như không có quốc gia như Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam thì rõ ràng là Trung Quốc sẽ coi Việt Nam như một cái dạng chư hầu. Chúng ta đã thấy những chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp Trung Quốc sang Việt Nam và thậm chí cuối năm ngoái ông Tập Cận Bình cũng đã sang thăm Việt Nam. 

 

Việt Nam đã khéo léo cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến Trung Quốc cảm thấy cần phải cạnh tranh với cả Mỹ. Và vì cạnh tranh với Mỹ thì Trung Quốc bắt đầu mới có những cái gọi là quan hệ cũng tương đối là tôn trọng Việt Nam. Thế thì một mặt nào đó Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ thì cũng tạo cho Trung Quốc một cái tâm lý là cần phải đối xử Việt Nam một cách ngang hàng hơn, chứ không phải muốn làm gì thì làm như trước.

 

                                                          *

Cao Nguyên: Khi đọc Tờ thông tin do Sứ quán Mỹ công bố, tôi nhận thấy có rất nhiều chương trình hoặc gói viện trợ, hỗ trợ từ Mỹ dành cho Việt Nam. Vậy phía Mỹ được gì từ Việt Nam trong năm qua, với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện?

 

Ths. Hoàng Việt: Có lẽ Mỹ sẽ mong Việt Nam có một cái vai trò tích cực hơn trong cái khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

 

Thứ hai, Mỹ cũng mong muốn có những trao đổi về quốc phòng nhiều hơn đối với Việt Nam. Chúng ta đã thấy là gần đây có cái chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang. Chuyến thăm đã cho thấy là một số những hé mở trong cái Bản tuyên bố của hai bên và bên Mỹ đưa ra có nhắc tới là hai bên đang muốn thúc đẩy thương mại quốc phòng. Và có lẽ đấy cũng là một điều mà cả hai bên đều mong muốn.

 

Một mặt, Việt Nam cũng đang cần hiện đại hóa sức mạnh trên biển của mình, trong đó có hải quân và đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển. Thế thì Việt Nam cũng cần có sự giúp đỡ không chỉ của Mỹ mà nhiều cái quốc gia đồng minh của Mỹ. Ví dụ như Nhật Bản, Ấn Độ... Những quốc gia này đều có thể là giúp Việt Nam để nâng cấp, tăng cường cái sức mạnh trên biển. Và đây là việc Việt Nam rất cần. 

 

Trung Quốc đang sử dụng cái gọi là chiến thuật vùng xám trên biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc đang áp dụng cái chiến thuật này đối với cả Philippines, lấn áp với Philippines, đòi hỏi những quốc gia như Việt Nam hay Philippines muốn chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc thì phải có cái lực lượng chấp pháp trên biển mạnh để có thể đương đầu được.

Trong bối cảnh đó thì Việt Nam rất là cần sự giúp đỡ của Mỹ. Trong một năm vừa qua, sau khi hai bên đã nâng cấp quan hệ thì cảnh sát biển Việt Nam đã được Mỹ huấn luyện nhiều hơn. Huấn luyện cả về sử dụng máy bay không người lái, rồi huấn luyện trong cái việc tác chiến trên biển, hay là quản lý những vấn đề trên biển, rồi kiểm soát thông tin trên biển.... Điều đấy rõ ràng là một bước tiến mới. 

 

Việt Nam cũng đang tìm kiếm một số vũ khí huấn luyện từ phía Mỹ. Trong chuyến thăm của ông Phan Văn Giang sang Mỹ có nhắc tới thương mại quốc phòng thì đó cũng là điều mà có lẽ hai bên cũng mong chờ. Việt Nam thì cũng muốn nâng cấp cái năng lực của mình. Mỹ cũng muốn cung cấp cho Việt Nam một số vũ khí để có thể là giảm bớt thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia này.

 

                                                          *

 

Cao Nguyên:  Đâu là thách thức trong quá trình duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước?

 

Ths. Hoàng Việt: Có rất nhiều cái thách thức. Một là, Việt Nam và Mỹ nó có rất nhiều kế hoạch để phát triển. Trong đó có cả phát triển về dự án năng lượng hạt nhân dân sự, hay là phát triển về hoạt động hợp tác về quân sự và quốc phòng. 

 

Theo tôi biết là Mỹ cũng rất nhiều lần muốn có những cái tàu chiến hoặc là tàu sân bay đến Việt Nam. Thế còn Việt Nam hiện nay cũng đang mong chờ phát triển kinh tế thương mại và đặc biệt là đang muốn là "lót ổ cho đại bàng". Tức là muốn kéo nhiều tập đoàn sản xuất chip và chất bán dẫn từ Mỹ đặt nhà máy tại Việt Nam. 

 

Cho đến nay thì đó vẫn là thách thức đấy. Bởi vì, Việt Nam còn nhiều cái rào cản, cả về thủ tục hành chính, cả về năng lượng, về cái khả năng cung cấp năng lượng điện, năng lượng xanh chẳng hạn.... thì vẫn là những khả năng mà Việt Nam chưa vẫn chưa mời chào được các doanh nghiệp chip và chất bán dẫn từ Mỹ tới.

 

Vấn đề thứ hai là tiềm năng của Việt Nam về đất hiếm. Việt Nam được coi là một quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng mà đất hiếm của Việt Nam phân bố rất là lẻ tẻ và đòi hỏi có công nghệ khai thác đủ hiện đại để mà khai thác mới có giá trị kinh tế. Và điều này thì Việt Nam cũng rất cần tới vai trò của Mỹ. Bởi vì Mỹ có công nghệ về đất hiếm rất hiện đại. Đấy là những cái mà Việt Nam vẫn đang mong chờ.

 

Phía Mỹ thì mong chờ không chỉ phát triển về kinh tế thương mại mà phát triển về quân sự quốc phòng. Nhưng mà Việt Nam thì một mặt cũng đang cố gắng đi từng bước từng bước để giải thích cho Trung Quốc. 

 

                                                          *

 

Cao Nguyên: Thế thì nhân quyền thì sao. Ông có nghĩ nhân quyền cũng là một thách thức trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không?

 

Ths. Hoàng Việt: Nhân quyền vẫn là một cái vấn đề mà hai bên luôn luôn có những cái nhìn khác nhau. Việt Nam thì cho rằng là ở Việt Nam, trong bối cảnh của Việt Nam và cái nhìn của Việt Nam thì nhân quyền sẽ khác, không sẽ giống Mỹ được. 

 

Nhưng mà có lẽ là Chính phủ Mỹ, dù là chính phủ Dân chủ hay Cộng hòa thì cũng vẫn nhìn ở Việt Nam ở trong một cái mức độ khác. Hiện nay thì quan hệ giữa hai nước rất là tốt đẹp. Vì thế cho nên có lẽ vấn đề nhân quyền cũng là một cái vấn đề Mỹ sẽ luôn luôn đề cập tới với Việt Nam, nhưng mà nó là một cái mức độ nhẹ hơn so với trước đây. 

 

 

Cao Nguyên: Thạc sĩ Hoàng Việt, một lần nữa cám ơn ông vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

 

--------------------------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Hội thảo Việt Mỹ 2024:  quan hệ Việt Mỹ sẽ ngày càng trưởng thành hơn

Chuyên gia: Việt Nam khó đạt chuẩn để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

Mỹ hứa hẹn đầu tư công nghệ, liệu Việt Nam có đủ năng lực tiếp nhận?

Kết quả chuyến thăm Hà Nội của TT Biden: P2 - Cơ hội & thách thức

Kết quả chuyến thăm Hà Nội của TT Biden: P1 - Chú trọng kinh tế hơn an ninh quốc phòng?






No comments:

Post a Comment

View My Stats