Saturday 20 July 2024

DI SẢN NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Lê Quốc Quân / Blog VOA)

 



Di sản Nguyễn Phú Trọng

Lê Quốc Quân

19/07/2024

https://www.voatiengviet.com/a/di-san-nguyen-phu-trong-/7704697.html

 

Người Việt có câu “cái quan định luận” để chốt lại một đời người.

 

Nghĩa là khi đậy nắp quan thì mới phân biệt được người tốt hay xấu và di sản họ để lại là gì giữa vô vàn thay đổi của kiếp nhân sinh.

 

Giờ đã đến lúc chúng ta có thể bình tĩnh nhìn lại những di sản của một người mang chân mệnh “đế vương” vừa mới qua đời.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-26a1-08dbb1facfdc_w1023_r1_s.jpg

Ông Nguyễn Phú Trọng đọc diễn từ nhân dịp TT Joe Biden đến Hà Nội ngày 10 tháng Chín, 2023.

 

Con người đặc biệt

 

Ông Nguyễn Phú Trọng là một tổng bí thư đặc biệt của Đảng Cộng Sản (ĐCS) Việt Nam, bởi nếu không phải là một “con người đặc biệt” thì không thể được tập thể coi là “trường hợp đặc biệt”, đứng trên cả Hiến pháp và Điều lệ đảng trong một thời gian khá dài.

 

Ông làm Tổng bí thư 3 nhiệm kỳ liên tiếp mặc dù Điều 17 Điều lệ Đảng ghi “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Khi chỉ là Tổng bí thư, ông cũng đã thay mặt Nhà nước trong rất nhiều hoạt động đối ngoại mặc cho Điều 86 Hiến pháp minh định “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCNVN về đối nội và đối ngoại.”

 

Nói như thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trong một Audio bị rò rỉ ra thì “Tổng bí thư chúng tôi là bằng nguyên thủ quốc gia...”

 

Ông từng là Chủ tịch quốc hội trong suốt 6 năm và sau đó trở thành người thứ 3 trong lịch sử của Đảng cộng sản vừa là tổng bí thư và Chủ tịch nước, chỉ sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

 

Sự liêm khiết đã đảm bảo cho ông một uy tín nhất định trong một thời gian dài và được xem là hình mẫu về “người cộng sản cuối cùng” tha thiết tin vào sự trường tồn của đảng giữa một thế giới đang dịch chuyển từng ngày và một thế hệ công chức với những nhân sinh quan khác hẳn đang định hình.

 

Nhân thân

 

Sinh năm 1944 tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Huyện Đông Anh, Hà Nội trong một gia đình thuần nông và là con út trong số 4 anh chị em, ông học cấp 2 và cấp 3 tại Trường Phổ thông Trung học Nguyễn Gia Thiều trước khi trở thành sinh viên Khoa văn tại Trường Đại Học tổng hợp Hà Nội vào năm 1963.

 

Có lẽ không một tổng bí thư nào của Việt Nam đã dành cả đời để nghiên cứu và trở thành chuyên gia, giáo sư tiến sỹ, có một không hai về lĩnh vực xây dựng đảng. Ông bắt đầu làm việc và vào đảng tại Tạp chí Cộng sản từ năm 1967 khi ông vừa tròn 23 tuổi; bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ tại khoa Xây dựng đảng thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô.

 

Sự nghiệp chính trị của ông thực sự khởi sắc khi ông cùng 19 người khác được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương ĐCS khoá VII, vào giữa nhiệm kỳ 1991-1996.

 

Không chỉ giỏi về lý luận với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương suốt 6 năm (2001-2006), ông còn được cho là biết giải quyết các bài toán thực tiễn trong chính trị nội bộ Đảng nơi độc tài luôn luôn đi kèm với những nước đi quyền bính đầy mưu lược.

 

Vậy Ông đã để lại di sản gì? phải chăng sau “ông” là Hồng thuỷ”? (Après moi, le déluge)

Di sản đối nội: Đốt lò

 

Khi đảm nhiệm 2 chức vụ quan trọng nhất cùng một lúc là Tổng bí thư và Chủ tịch nước, ông khiêm tốn lẩy Kiều “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không”.

 

Có thể nói rằng: Cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay, mọi việc vẫn còn dang dở và không được “vuông tròn” như ông mong ước. Những nhân sự ông gầy dựng đều đã phải ra đi do chiến dịch đốt lò cho chính ông khởi xướng.

 

Đầu tiên, ông đã bắt đầu một kế hoạch có lớp lang để tiến hành tiêu diệt các quan tham, củng cố sự lãnh đạo và gia tăng uy tín của Đảng Cộng sản, thay mặt Bộ chính trị ban hành Quyết định số 162-QD/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung Ương (TW) về phòng, chống tham nhũng do chính ông làm trưởng ban.

 

Tiếp theo là báo đài bắt đầu ca ngợi ông về sự bình dị, liêm khiết đồng thời lên án sự xa hoa và lãng phí của những quan tham trong chính quyền, tạo bức xúc tập thể đối với những con người chỉ biết phá hoại của công và nhũng nhiễu dân chúng.

 

Ông sử dụng nhiều hình ảnh đậm chất văn chương để nói về công cuộc chống tham nhũng. Nhưng cách nói hình tượng nhất của ông khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng rằng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

 

Kể từ đó, những thanh củi nhỏ tầm cấp vụ được đưa vào lò, rồi đến thành viên chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị; cả chủ tịch nước và 2 Phó thủ tướng phải từ chức. Đỉnh điểm là cùng một lúc 3 cựu Uỷ viên Trung Ương đảng cùng dắt tay nhau trước vành móng ngựa trong vụ Việt Á, và trong vòng 2 năm Việt nam đã phải thay thế đến 3 đời Chủ tịch nước. Ông loay hoay tìm kiếm người kế vị nhưng chỉ gặp toàn “củi” cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.

 

Một mặt trừng trị các quan tham, mặt khác xây dựng ông như là tấm gương sáng, là niềm hy vọng của nhiều người, đặc biệt tầng lớp cần lao. Cuốn sách “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” được Báo Nhân dân và NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức in ấn và giới thiệu gồm gồm 263 bài viết, thơ, thư, điện ca ngợi ông là một “Nhà lãnh đạo cấp cao có tầm tư duy chiến lược, luôn trăn trở, lo toan cho dân, cho nước, có lối sống giản dị, không màng quyền lực và vun vén cho gia đình”.

 

Công cuộc đốt lò của ông đã được nhiều người nức nở ca khen, nhưng cũng phơi bày ra trước mắt nhân dân rằng quan chức đảng cộng sản thực sự là một “bầy sâu” và bất cứ ai cũng có thể thành củi. Ông đã mở ra hộp “Pandora” và giờ đây sự dữ luôn lẩn khuất chung quanh hàng ngũ cấp cao nhất của đảng cộng sản.

 

Di sản đối ngoại: Cây tre

 

Về mặt đối ngoại có lẽ chưa ai có được cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ nhiều lãnh đạo thế giới, cả Đông và Tây như ông Nguyễn Phú Trọng.

 

Với 6 năm làm chủ tịch Quốc hội, 12 năm làm Tổng bí thư, trong đó có 3 năm vừa là chủ tịch nước và tổng bí thư, ông đại diện cả Nhà nước và Đảng cộng sản trong nhiều hoạt động đối ngoại và có cơ hội gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo thế giới trong suốt 20 năm qua.

 

Chuyến đi quan trọng đầu tiên là đến Trung Quốc vào năm 2011 sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông đã gặp chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình khi đó đang là Phó chủ tịch nước Trung Quốc.

 

Vào tháng 7 năm 2015, Ông thực hiện chuyến đi lịch sử đến Hoa Kỳ, và là lần đầu tiên một Tổng bí thư của ĐCS Việt Nam được tổng thống Obama tiếp đón và hội đàm tại Nhà Trắng.

Dưới thời của ông, Việt Nam phiêu lưu di chuyển trên một đường ranh quan trọng giữa lúc mâu thuẫn giữa hai cường quốc dâng cao và thế giới như đang chia phe rõ rệt.

 

Đông và Tây chưa đủ, trong 12 năm qua, nền ngoại giao Việt Nam thực sự sôi động bằng việc hội nhập rất cao và rộng mở với thế giới; Hình ảnh đó được ông khái quát là nền ngoại giao cây tre. Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có 6 Đối tác Chiến lược Toàn diện và 12 Đối tác Chiến lược và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do song và đa phương.

 

Vào cuối năm 2023, Ông Nguyễn Phú Trọng còn “vời” được 2 lãnh đạo của 2 cường quốc lớn nhất thế giới là Joe Biden và Tập Cận Bình bước đến trụ sở nhỏ bé của Đảng cộng sản Việt Nam đóng tại số 1 Hùng Vương, Hà Nội để hội đàm hầu kiến tạo một tương lai lâu dài cho Việt Nam.

 

Và cách đây vừa đúng 1 tháng, Ông tiếp Putin cũng ngay tại Trụ sở Trung ương Đảng và đây là lần gặp gỡ nguyên thủ nước ngoài cuối cùng của ông. Chính sách ngoại giao cây tre đang thực sự bấp bênh và đầy thách thức cho những người kế nhiệm giữa một thế giới đang phân cực rõ ràng.

 

Kiểm soát xã hội và bóp nghẹt tự do

 

Tiếc rằng, với quyền lực lớn lao của mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã không đặt được một nền tảng lâu dài có tính hệ thống cho Việt Nam. Hiến pháp 2013 được thông qua vẫn ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Báo chí bị quy hoạch và bất đồng chính kiến bị bắt tràn lan. Xã hội dân sự bị tấn công và ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ.

 

Kinh tế Việt Nam bắt đầu chậm lại và nhiều thiết chế xã hội bị lu mờ. Đã một thời người ta hy vọng có được một Nhà nước Pháp quyền, một xã hội dân sự lành mạnh và nền tư pháp được cải cách. Tất cả những điều đó hầu như đang dừng lại, đặc biệt là tự do báo chí.

 

Giờ đây dân chúng quan tâm đến những tín hiệu từ “Uỷ ban kiểm tra TW” và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng hơn là những luận cứ công khai từ Viện kiểm sát hay Toà án dựa trên tính độc lập của một nền tư pháp lành mạnh.

 

Theo tổ chức Human right watch (HRW) ở Việt Nam đang có hơn 160 tù nhân lương tâm bị giam cầm vì chỉ thực thi các quyền cơ bản của mình và tình hình nhân quyền năm 2023 được tóm tắt bằng một từ: “u ám”.

 

Người ta sẽ nhớ ông những gì?

 

Chiến dịch đốt lò, Ngoại giao cây tre và Đàn áp bất đồng chính kiến là những gì người dân Việt Nam sẽ nhớ mãi về ông.

 

Họ cũng sẽ nhớ đến những “niềm tin chân thành” và “nỗ lực vô vọng” của ông nhằm xây dựng một thế hệ người cộng sản chân chính giữa một xã hội đầy rẫy tư bản đỏ đang trở nên xa lạ với quần chúng cần lao.

 

Dân cũng sẽ nhớ đến hình ảnh ông được Obama tiếp đón tại Nhà Trắng và hình ảnh đứng cạnh Tập Cận Bình giữa tiếng đại bác nổ và quân nhạc cử quốc thiều, rồi sau đó là cam kết về “chia sẻ một tương lai chung” với Trung Quốc.

 

------------------------------------

LIÊN QUAN

 

·       

Ông Tô Lâm đảm nhận việc tổng bí thư khi ông Trọng ‘tập trung điều trị tích cực’

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ‘người đốt lò vĩ đại’ của Việt Nam, qua đời

Chương trình chính luận lớn bị hoãn ở Quảng Trị sau tin TBT Nguyễn Phú Trọng ‘điều trị tích cực’

Ông Tô Lâm đảm nhận vai trò tổng bí thư khi ông Trọng ‘tập trung điều trị tích cực’

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats