Monday 22 July 2024

BANGLADESH : CẢNH SÁT BẮN ĐẠN THẬT VÀO NGƯỜI BIỂU TÌNH, TÌNH HÌNH NGÀY CÀNG CĂNG THẲNG (Thùy Dương / RFI)

 



Bangladesh : Cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình, tình hình ngày càng căng thẳng

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 21/07/2024 - 11:45        

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240721-bangladesh-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-b%E1%BA%AFn-%C4%91%E1%BA%A1n-th%E1%BA%ADt-v%C3%A0o-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng

 

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy chưa từng có. Phong trào đòi thay đổi hạn ngạch tuyển công chức vốn bị xem là thiên vị, xuất phát từ giới trẻ, sinh viên, từ một tuần nay đã lan rộng khắp dân chúng và biến thành cuộc đối đầu giữa người biểu tình và chính phủ.

 

HÌNH :

Quân đội được huy động tham gia vãn hồi trật tự và duy trì lệnh giới nghiêm tại Dhaka, thủ đô Bangladesh, ngày 20/07/2024. AP - Rajib Dhar

 

Hôm thứ Bảy 20/07/2024, cảnh sát đã nổ súng bắn đạn thật vào người biểu tình ở thủ đô Dacca, quân đội được triển khai ở nhiều thành phố, khiến tình hình thêm căng thẳng. Số người thiệt mạng không ngừng tăng.

 

Từ Bangalore, thông tín viên trong khu vực,Côme Bastin, gửi về bài tường trình :

 

“Các báo cáo mới nhất cho biết có 130 người chết và người biểu tình đang tiếp tục thách thức cảnh sát ở hầu hết mọi nơi, cho dù lệnh giới nghiêm đã được thiết lập và các trường đại học phải đóng cửa. Đại học chính là nơi phong trào biểu tình của sinh viên nổ ra. Các sinh viên bị chấn động về hạn ngạch tuyển dụng công chức dành cho con em các anh hùng giành độc lập cho đất nước, điều họ xem là sự phân biệt đối xử.

 

Cho dù đường truyền Internet bị cắt, các video vẫn lan truyền trên các mạng xã hội. Cư dân mạng thấy những hình ảnh cảnh sát bắn đạn thật vào đám đông. Thủ tướng so sánh những người biểu tình với các đặc vụ của Pakistan, liên tưởng đến cuộc chiến tranh giải phóng năm 1971, khiến người biểu tình phẫn nộ.

 

Hôm nay (Chủ Nhật) là một ngày mang tính quyết định, bởi vì Tòa tối cao Bangladesh phải ra phán quyết về những hạn ngạch tuyển dụng gây tranh cãi này. Việc Tòa tối cao hủy bỏ hạn ngạch có thể sẽ bình ổn tình hình, cho dù một số người biểu tình hiện giờ đòi hỏi thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Nếu Tòa giữ nguyên hạn ngạch tuyển dụng đó thì sẽ làm nghiêm trọng trọng thêm tình hình căng thẳng vốn đã lên tới cực độ.

 

Thế giới đang dồn sự chú ý  tới Bangladesh, đất nước với 171 triệu dân nhưng đôi khi bị ngó lơ. Ấn Độ, một nước láng giềng và là đồng minh của Bangladesh, xem tình hình là đáng lo ngại và đã cho di tản 1.000 sinh viên. Hoa Kỳ và Canada đều thể hiện quan ngại về tình hình bạo lực ».

 

Theo AFP, Tòa tối cao Bangladesh không hủy bỏ hạn ngạch, nhưng có động thái xoa dịu, giảm hạn ngạch truyển dụng con cháu của những người đấu tranh giành độc lập cho đất nước vào các vị trí công chức. Tòa tối cao Bangladesh hôm nay kêu gọi các sinh viên tham gia phong trào đấu tranh trở lại trường học.

 

------------------------

Các nội dung liên quan

 

BANGLADESH - BẠO LỰC

Bạo động ở Bangladesh : Ít nhất 115 người biểu tình thiệt mạng, 300 cảnh sát bị thương

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats