Monday, 15 April 2024

TUẦN BẬN RỘN CỦA QUAN HỆ VIỆT-TRUNG (Trọng Phụng / Luật Khoa Tạp Chí)

 


TUẦN TIN

Tuần bận rộn của quan hệ Việt-Trung

TRỌNG PHỤNG  -  LUẬT KHOA TẠP CHÍ

APR 13, 2024

https://www.luatkhoa.com/2024/04/tuan-ban-ron-cua-quan-he-viet-trung/

 

Các sự kiện nổi bật:

·        Cấp tập các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc

·        Việt Nam lên tiếng sau khi nhiều nước tập trận trên Biển Đông

·        Doanh nhân Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình


 

Cấp tập các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc

 

Các quan chức Việt Nam có một tuần thực sự bận rộn với người hàng xóm phương Bắc. Trong khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Bắc Kinh thì Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng đồng thời tiếp người đồng cấp ở biên giới Việt-Trung.

 

·        Hai cuộc tiếp xúc này diễn ra ngay sau hai chuyến thăm Trung Quốc nối tiếp nhau của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hồi cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới mất chức.

 

·        Gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 8/4 tại Bắc Kinh, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh phát triển quan hệ với nước láng giềng là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, theo VnExpress. Ông cũng tái khẳng định quan điểm “Một Trung Quốc” của Việt Nam. 

 

·        Ông Huệ cũng bày tỏ mong muốn Trung Quốc phối hợp cùng Việt Nam nâng cao hiệu suất thông quan nhằm thúc đẩy thương mại.

 

·        Cũng trong chuyến thăm này, lần đầu tiên Quốc hội hai nước thành lập Uỷ ban Hợp tác nhằm trao đổi kinh nghiệm lập pháp, đào tạo đại biểu, bên cạnh các hoạt động khác. Ủy ban dự kiến họp hai năm một lần, do hai nước luân phiên tổ chức.

 

·        Khi ông Huệ còn đang bận rộn ở Bắc Kinh thì Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đang gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) trong hai ngày 11-12/4. Trong chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng giữa hai nước lần thứ tám này, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc thiết lập đường dây nóng giữa Quân chủng Hải quân Việt Nam và Chiến khu miền Nam của Trung Quốc. Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng và thương mại quân sự.

 

·        Ngày 9/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam đặt mục tiêu khởi công tuyến đường sắt cao tốc tới Trung Quốc vào năm 2030. Theo kế hoạch, một trong những tuyến đường cao tốc sẽ chạy từ thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh qua Hà Nội đến Lào Cai - tỉnh giáp ranh với Vân Nam (Trung Quốc); tuyến còn lại sẽ chạy từ Hà Nội đến Lạng Sơn - tỉnh giáp khu vực Quảng Tây của Trung Quốc, theo Reuters.

 

Đọc thêm: “Một Trung Quốc” qua các đời tổng thống Hoa Kỳ  

 

 

Trung Quốc, Mỹ - Nhật - Úc - Philippines tập trận tại Biển Đông, Việt Nam lên tiếng

 

Ngày 11/4, Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, Việt Nam đề nghị hoạt động của các nước liên quan cần phù hợp với luật pháp quốc tế - nhất là công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - trước động thái các nước đồng loạt tập trận trên vùng biển đang có tranh chấp này, theo RFA tiếng Việt.

 

·        Trước đó, ngày 7/4, quân đội Trung Quốc đã tổ chức tuần tra hỗn hợp trên biển và trên không tại khu vực này - cùng thời điểm diễn ra “hoạt động phối hợp trên biển” giữa Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc. 

 

·        Cuộc tập trung này diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Philippines, trong đó bao gồm cuộc thảo luận về các sự cố gần đây ở Biển Đông. 

 

·        Ngày 4/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo người đồng cấp Bùi Thanh Sơn rằng Việt Nam phải cảnh giác để không tham gia vào các “bè phái” nhằm phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Lời ông Nghị được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines vừa có thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước, cũng như có giao thiệp và hợp tác với các cường quốc khác về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

 

Đọc thêm: Chính phủ nợ người dân một lập trường về Biển Đông

 

 

Vụ SCB: Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình

 

Chiều 11/4, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án 20 năm tù về tội đưa hối lộ; 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt: tử hình, theo VnExpress.

 

·        Ngoài ra, hội đồng xét xử buộc bà Lan bồi thường gần 674.000 tỷ đồng.  

 

·        Phiên xử sơ thẩm có 85 bị cáo khác bị tuyên án; nhóm bị cáo buộc tội tham ô tài sản và nhận hối lộ lĩnh án nặng nhất - chung thân, trong đó có 3 bị cáo chủ chốt tại SCB (Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn) và bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

 

·        Một số nhà quan sát cho rằng việc tòa tuyên án tử cho bà Trương Mỹ Lan là một cách “ngầm” khuyến khích nữ doanh nhân bồi hoàn số tiền còn thiếu. 

 

·        Tháng 12/2023, tại phiên xử phúc thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu”, đại diện Viện Kiểm sát đã từng đề nghị giảm án (từ chung thân xuống 20 năm tù) cho hai bị cáo vì đã “thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt”, “cố gắng hết sức khắc phục hậu quả”, v.v.

 

·        Theo quy định, TAND cấp cao có thể xem xét và tiến hành phiên xét xử phúc thẩm vụ án SCB nếu bản án của TAND TP. Hồ Chí Minh bị kháng cáo, kháng nghị.

 

Đọc thêm: Bóng ma của những tòa tháp chọc trời: Từ tham nhũng bất động sản Trung Quốc, nghĩ về Việt Nam

 

 

Cựu Thiếu tướng công an Đỗ Hữu Ca lĩnh án 10 năm tù

 

Chiều 12/4, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên án ông Đỗ Hữu Ca cùng 12 bị cáo khác vì lần lượt liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và mua bán trái phép hóa đơn, đưa - nhận hối lộ và trốn thuế, theo báo Tuổi trẻ.

 

·        Tại tòa, ban đầu ông Ca không thừa nhận việc lừa đảo nhưng sau một đêm đã thay đổi lời khai, khai nhận việc cầm 35 tỷ đồng của vợ chồng Trương Xuân Đước để “chạy án”, chứ không phải đơn thuần để “cứu người em”. Ông Đước bị cáo buộc lập, quản lý điều hành 26 công ty mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

 

·        Cựu Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca được công luận biết đến qua vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng xảy ra từ năm 2007; và nổi tiếng trong vai trò chủ công trong vụ cưỡng chế đất tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012 đối với ông Đoàn Văn Vươn.

 

Đọc thêm: Danh sách những quan chức liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Chưởng


Tin vắn

 

Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh bị miễn nhiệm: Sáng 8/4, Hội đồng Nhân dân tỉnh này miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch và Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua hình thức biểu quyết với kết quả 100% đối với ông Lê Trí Thành và Nguyễn Hồng Quang. Trước đó, tháng 6/2021, ông Thành và ông Quang tái đắc cử hai vị trí này cũng với tỷ lệ 100%, theo VnExpress.

 

Liên đoàn Khmer Krom (KKF) kêu gọi loại Việt Nam khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: Ngày 4/4, trên trang change.org, KKF gửi thư ngỏ đề nghị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đình chỉ tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền; đồng thời đề nghị chính quyền trả tự do cho những người bản địa đang bị bắt giam, RFA Việt ngữ đưa tin ngày 9/4.

 

Bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, Bộ Ngoại giao phản pháo: Phản hồi qua email với VOA về báo cáo của các nhóm nhân quyền quốc tế lên án Chỉ thị “mật” số 24 của Bộ Chính trị về “an ninh quốc gia”, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho rằng đó là những thông tin “có mục đích xấu nhằm tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”.

 

Hoa khôi Nam Em bị phạt 10 triệu đồng, kiến nghị chặn tài khoản Facebook, TikTok: Trước đó, ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đã xử phạt hành chính (37,5 triệu đồng) đối với Nam Em vì hành vi cung cấp “thông tin gây hoang mang trong nhân dân”. Sau đó, hoa khôi này tiếp tục “nhiều lần livestream độc hại” nên sở này ra quyết định phạt hành chính ở mức tăng nặng thêm, theo báo Tuổi trẻ. Ngày 12/4, tài khoản Facebook của Nam Em đã biến mất, còn tài khoản TikTok bị chuyển về chế độ riêng tư.

 

Hai bé gái bị bắt cóc để quay video khiêu dâm: Ngày 10/4, Công an quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) khởi tố, bắt tạm giam Phạm Huỳnh Nhật Vi để điều tra hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Thiếu nữ 21 tuổi bị cáo buộc bắt cóc hai bé gái trên phố đi bộ Nguyễn Huệ về căn hộ của mình để quay video khiêu dâm để gửi cho người nước ngoài, theo VnExpress.

 

PEN America vinh danh nhà báo Phạm Đoan Trang: Tổ chức Văn bút Quốc tế Hoa Kỳ (có trụ sở tại Hoa Kỳ) quyết định trao giải thưởng Tự do Viết lách Barbey năm 2024 cho tác giả-blogger-nhà báo Phạm Đoan Trang vào ngày 16/5. Hiện Đoan Trang đang thụ án chín năm tù tại Việt Nam. Vì vậy, luật sư của cô, luật sư Đặng Đình Mạnh và người bạn Trần Quỳnh Vi – đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí – sẽ thay mặt Đoan Trang tới nhận giải, theo AP. 


Bài đáng chú ý trong tuần

 

Việt Nam coi bản án tử hình của tỷ phú là chiến thắng cho nền quản trị trong sạch? Không hề! 

Charlie Campbell - Time.com

“[...] quy mô và mức độ ‘trắng trợn’ của vụ án vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Bà Trương Mỹ Lan đã xây dựng một đế chế bất động sản rộng lớn, ở một đất nước Lê-nin-nít - nơi tất cả đất đai thuộc về nhà nước. Điều đó không thể xảy ra nếu không có sự kết nối và bảo vệ của giới tinh hoa chính trị [...]”.

 

Những cuộc sống “mắc cạn” ở chợ nổi Cái Răng

Kiều Mai - Mekongeye.com

“Theo đánh giá của một số chuyên gia, sự xuất hiện của dự án bờ kè sông Cần Thơ, với mục tiêu chống sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn thoát lũ và an toàn giao thông đường thủy là một yếu tố khác đẩy nhanh quá trình tiêu vong của chợ nổi Cái Răng.”

 

Đăng ở các mục: Tuần tin

TÁC GIẢ

Trọng Phụng





No comments:

Post a Comment

View My Stats