Saturday, 6 April 2024

TRUNG QUỐC VÀ BÃI CỎ MÂY (Phạm Văn Luật – Luật Khoa Tạp Chí)

 



TRUNG QUỐC VÀ BÃI CỎ MÂY

Trung Quốc và bãi Cỏ Mây – Kỳ 1: Thao túng hai tuyến đường biển    

Trung Quốc và bãi Cỏ Mây – Kỳ 2: Tung tin giả

Trung Quốc và bãi Cỏ Mây – Kỳ 3: Mập mờ cái gọi là ‘lợi ích cốt lõi’

.

.

.

Trung Quốc và bãi Cỏ Mây – Kỳ 1: Thao túng hai tuyến đường biển    

Phạm Văn Luật  –  Luật Khoa Tạp Chí

APRIL 03 20242:52 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/04/trung-quoc-va-bai-co-may-ky-1-thao-tung-hai-tuyen-duong-bien/?ref=luat-khoa-newsletter

Vì sao Trung Quốc muốn chiếm bãi Cỏ Mây?

Hai tuyến đường thương mại qua Biển Đông. Đồ họa: Tùy Phong/Luật Khoa

Việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế dân sự của Philippines hồi tháng 3 vừa qua ở bãi Cỏ Mây đã đẩy xung đột hai nước này ở Biển Đông lên cao chưa từng có.

Bãi Cỏ Mây là một bãi cạn lúc nổi lúc chìm, nằm cách đường cơ sở của Philippines chỉ khoảng 70 hải lý (gần 130 km). Philippines trực tiếp quản lý thực thể địa lý này từ năm 1999 khi họ kéo con tàu cũ BRP Sierra Madre lên bãi cạn Cỏ Mây để làm nơi cho binh lính đóng quân [1]. Con tàu này vốn được sản xuất từ thế chiến thứ hai, nay đã mục nát và có thể sụp đổ xuống biển bất kỳ lúc nào. Trung Quốc muốn ngăn chặn Philippines thay thế con tàu khác hay bất kỳ hoạt động cải tạo đảo nào của nước này để làm cơ sở cho binh lý trú đóng.

Thực tế, từ trước tới nay, Trung Quốc chỉ tranh cãi ngoại giao với Philippines về bãi Cỏ Mây, nhất là khi quan hệ Mỹ – Philippines thắt chặt quan hệ đồng minh. Từ tháng 3/2023, Trung Quốc hung hăng hơn khi đánh chặn hoạt động tiếp tế của Philippines để nước này rút binh trên con tàu cũ.

Trung Quốc mặc định mọi thứ nằm trong đường chữ U (hay còn gọi là đường lưỡi bò) trên Biển Đông đều thuộc về họ. Cần lưu ý thêm bản thân Trung Quốc cũng không biết đường lưỡi bò gồm các nơi nào. Lúc thì họ công bố có chín đoạn, lúc thì mười đoạn. Họ không công bố chính xác tọa độ của từng đoạn. Tuy nhiên, bãi Cỏ Mây nằm trong đường lưỡi bò này.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bây giờ Trung Quốc lại muốn chiếm bãi Cỏ Mây bằng vũ lực? Người viết cho rằng mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát tuyến đường thương mại hàng hải thứ hai trên Biển Đông.

Để thực hiện mưu đồ này, Trung Quốc cần chiếm lấy bãi Cỏ Mây để củng cố căn cứ quân sự trên đá Vành Khăn (căn cứ này chưa rõ thời gian Trung Quốc xây dựng, nhưng nhiều tài liệu cho thấy nó có thể hoàn thành vào năm 2015 và 2016) và từ đó xây dựng thêm một cụm căn cứ quân sự mới ở phía đông nam của quần đảo Trường Sa.

Âm mưu kiểm soát hai tuyến đường thương mại ở Biển Đông

Cụ thể, trên Biển Đông hiện nay có hai tuyến đường biển:

Tuyến thứ nhất đi qua eo biển Malacca (sau đây gọi là tuyến Malacca). Eo biển này chạy giữa đảo Sumatra của Indonesia và Malaysia, nối Ấn Độ Dương ở phía tây và Biển Đông ở phía đông. Tuyến Malacca sẽ đi vào Biển Đông, ngang qua đá Chữ Thập (Yongshu Jiao 永暑礁, đã bị Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo với diện tích khoảng 270 ha), đá Subi (Zhubi Jiao 渚碧礁, cũng đã bị cải tạo thành đảo nhân tạo, rộng khoảng 400 ha) trên quần đảo Trường Sa.

Trên bản đồ, tuyến Malacca nằm phía tây quần đảo Trường Sa.

Về eo biển Malacca thì đây được xem là cánh cửa kết nối Ấn Độ Dương và Biển Đông, trở thành điểm yết hầu đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ước tính khoảng 20% thương mại hàng hải toàn cầu và 60% dòng chảy thương mại của Trung Quốc được di chuyển qua eo biển Malacca và Biển Đông. [2]

Không chỉ với Trung Quốc, eo biển Malacca còn đóng vai trò tương tự với các nền kinh tế của Đông Bắc Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, khi 80% lượng dầu khí từ Trung Đông vận chuyển đến Đông Bắc Á đi qua eo biển này. [3]

Nói tóm lại, trong hoàn cảnh bình thường, phần lớn tàu thuyền đi từ Ấn Độ Dương tới Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, đều đi qua tuyến Malacca.

Đề cập thêm, ngoài cửa phía tây của eo biển Malacca, trên Ấn Độ Dương, có một chuỗi đảo tên Andaman thuộc chủ quyền của Ấn Độ. Đầu năm 2023, Ấn Độ với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, đã hoàn thành một chuỗi căn cứ quân sự trên tuyến đảo này sau nhiều năm xây dựng. Nhưng chuỗi căn cứ quân sự này lại án ngữ ngay mặt tiền của eo biển Malacca.

Thế nên điều này buộc Trung Quốc phải tính toán lại những gì họ định làm với Ấn Độ trên dãy Himalaya (chưa biết mưu đồ thật sự của Trung Quốc là gì tại Himalaya, nhưng nước này đã điều động quân tới biên giới Ấn Độ và tăng cường các căn cứ quân sự với quy mô cho khoảng 120.000 quân) [4]. Bởi lẽ, nếu tăng cường sức ép đối với Ấn Độ trên đất liền, Trung Quốc sẽ bị quốc gia này khóa cổ tại eo biển Malacca. [5]

Tuyến thứ hai đi qua Indonesia, vòng qua Malaysia, đi qua eo biển đảo Palawan của Philippines rồi vào Biển Đông. Tuyến này nằm phía đông quần đảo Trường Sa. Khi tới Biển Đông, tuyến đường này gặp ngay bãi Cỏ Mây và đá Vành Khăn, cách đảo Palawan khoảng 70 hải lý (gần 130 km).

Tuyến thứ hai thực tế chủ yếu quan trọng với Indonesia và Úc và đóng vai trò dự bị nếu tuyến Malacca có vấn đề. Nếu “bộ Tứ” Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc liên thủ và sử dụng căn cứ quân sự ở đảo Andaman để khóa eo biển Malacca lại thì tàu vận tải của Trung Quốc phải sử dụng tuyến thứ hai để vào Biển Đông.

Vì lý do đó, Trung Quốc tham vọng biến eo biển Palawan thành yết hầu của mình, tương tự như ở eo biển Malacca.

Lúc này, căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đá Vành Khăn ở Trường Sa sẽ trở nên vô cùng quan trọng với Trung Quốc khi nó án ngữ tuyến đường số hai trên Biển Đông. Trung Quốc toan tính các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trong hơn mười năm qua ở Trường Sa sẽ kiểm soát được cả hai tuyến đường này.

Cụ thể, trong vòng một thập niên qua, Trung Quốc xây dựng các cụm cứ điểm phía bắc và phía tây nam Trường Sa. Trong đó, cụm cứ điểm phía bắc gồm các căn cứ tại đá Subi, căn cứ Gaven, Gạc Ma, Huy Gơ. Cụm cứ điểm phía tây nam quần đảo Trường Sa gồm các căn cứ tại đá Châu Viên, đá Chữ Thập. Mỗi cụm cứ điểm có nhiều căn cứ gần nhau, có thể yểm trợ cho nhau.

Nhưng căn cứ đá Vành Khăn có ý nghĩa chiến lược nhất lại đang nằm trơ trọi và không có căn cứ nào khác hỗ trợ. Nhìn xung quanh, gần đá Vành Khăn nhất có bãi Cỏ Mây (khoảng 10 hải lý về phía đông) hiện do Philippines quản lý với một lực lượng quân đội nhỏ đóng quân trên con tàu cũ. Còn cách khoảng 10 hải lý về phía tây bắc là bãi Ba Đầu, thuộc đảo Sinh Tồn Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Nếu có thể đẩy Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây, Trung Quốc sẽ chiếm đóng và xây dựng được căn cứ tại đây để tạo thế tam giác “Cỏ Mây – Gạc Ma – Vành Khăn”.

Eo biển Malacca nếu bị Ấn Độ khóa lại thì sẽ thành “cửa tử” đối với Trung Quốc. Nhưng chiếm được bãi Cỏ Mây, Trung Quốc vẫn có sinh lộ thứ hai. (còn tiếp)

————-

Chú thích

[1] A Game of Shark and Minnow, The New York Times, 2024. Xem thêm tại đây

[2] China and the Malacca Dilemma, Warsaw Institute, 2021. Xem thêm tại đây

[3] The Strait of Malacca, a Key Oil Trade Chokepoint, Links the Indian and Pacific Oceans – U.S. Energy Information Administration. Xem thêm tại đây

[4] Hôm 22/3/2024, học giả Ấn Độ Brahma Chellaney viết trên Nikkei Asia rằng việc Trung Quốc chiếm đất của Ấn Độ đã trở thành một “thảm hoạ chiến lược.” Xem thêm bài viết “China’s Indian land grab has become a strategic disaster” tại đây

[5] Menon R, How India’s New Naval Base at Andamans Will Force Beijing to Reassess Its Strategy, The Indian Express. Xem thêm tại đây

                                                         *****

Trung Quốc và bãi Cỏ Mây – Kỳ 2: Tung tin giả

Phạm Văn Luật  –  Luật Khoa Tạp CHí

APRIL 04 20242:23 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/04/trung-quoc-va-bai-co-may-ky-2-tung-tin-gia

Trung Quốc từng thao túng truyền thông tung tin sai sự thật về tranh chấp Biển Đông. Đồ họa: Tùy Phong/Luật Khoa

Bài viết trước, tác giả đã phân tích âm mưu của Trung Quốc với bãi Cỏ Mây (do Philippines quản lý). Ở kỳ này, người viết tiếp tục phản ánh câu chuyện Trung Quốc dùng chiêu trò truyền thông nhằm bóp méo sự thật.

Tố ngược Philippines và Mỹ cấu kết nhau

Xung đột giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây ở Trường Sa tiếp tục nóng lên khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiếp tục gây hấn bằng việc phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế dân sự của Philippines cho binh sĩ đồn trú trên bãi Cỏ Mây. [1]

Dù đứng ở góc độ nào, hành động của Trung Quốc đã chứng minh nước này là kẻ xâm lược. Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (Tòa PCA) vào năm 2016 khẳng định các bãi cạn lúc nổi lúc chìm không phải là “lãnh thổ” để có thể đòi hỏi chủ quyền. Nhưng với những thực thể lúc nổi lúc chìm, nằm trong 200 hải lý (khoảng 370 km) thềm lục địa của một quốc gia ven biển, thì nó sẽ thuộc về thềm lục địa của quốc gia đó.

Toà PCA cũng khẳng định như vậy với bãi Cỏ Mây hiện do Philippines quản lý: thực thể địa lý này có tính chất lúc nổi lúc chìm và cách bờ biển Philippines khoảng 80 hải lý. Do đó nó thuộc về thềm lục địa Philippines. [2]

Nói cách khác, nhìn từ phán quyết PCA 2016, việc Trung Quốc đánh chặn tàu tiếp tế của Philippines cho bãi Cỏ Mây để cưỡng bách nước này phải rút lui khỏi thực thể mình đang quản lý là một hành vi xâm lược.

Nhưng điều đáng nói, khi mà Philippines lên án hành động Trung Quốc cản trở tàu tiếp vận của mình, thì Trung Quốc lại tố cáo ngược lại Philippines, Hoa Kỳ hiệp đồng tung tin giả và chính hai nước này mới là bên gây ra xung đột.

Cụ thể, tờ Global Times của Trung Quốc viết: Người ta đã phát hiện ngoài việc trực tiếp khuấy động các xung đột ở Biển Đông, Philippines còn hợp tác với một số lực lượng chống Trung Quốc của Hoa Kỳ để phát động một cuộc “chiến tranh nhận thức”. Tất cả nhằm phỉ báng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh Trung Quốc với quốc tế và tạo ra sự chia rẽ giữa Trung Quốc với các quốc gia liên quan trong khu vực này. [3]

Truyền thông bẩn

Đứng trước hành động của Trung Quốc đối với Philippines, Việt Nam khá bình thản. Nhưng đây không hẳn là lựa chọn khôn ngoan. Việt Nam đã quên Trung Quốc từng tấn công mình theo kiểu tin giả này năm 2023?

Còn nhớ, ngày 18/8/2023, Tiến sĩ Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, nói với tờ Inquirer rằng Trung Quốc tạo ra “dư luận chiến” suốt nhiều ngày liền nhằm bóp méo sự thật về tranh chấp Biển Đông, chia rẽ nội bộ Philippines và mối quan hệ hai nước Philippines và Việt Nam.

Ngoài ra, Tiến sĩ Jay Batongbacal và ông Antonio Carpio, nguyên Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, cũng phát ngôn trên tờ Inquirer về việc Trung Quốc đã mua chuộc họ bằng tiền để họ phát ngôn sai sự thật.

Hai vị này cho tờ Inquirer biết vào tháng 7/2023, một số cá nhân không rõ danh tính đã gửi email và tin nhắn cho họ, hứa trả tiền để họ viết về việc “quân sự hóa Biển Đông” của Việt Nam. [4]

Tiến sĩ Jay Batongbacal và ông Antonio Carpio cùng nhiều nhà nghiên cứu, giới an ninh và tư pháp của Philippines không dễ bị dụ dỗ bởi những lời mua chuộc đó. Nhưng có có những tờ báo của Philippines tiếp tay cho chiến dịch truyền thông bẩn này của Trung Quốc. Đó là hai tờ báo của Philippines là Manila Times và Manila Bulletin.

Ngày 16/7/2023, tờ Manila Times vu cáo Việt Nam lên kế hoạch quân sự hóa các thực thể địa lý ở Trường Sa như đảo Phan Vinh (tức Pearson), đá Tiên Nữ (tức Pigeon hoặc Tennent) và bãi Thuyền Chài (tức Maskardo hoặc Barque Canada). Bài báo cũng cho biết Việt Nam sẽ gửi quân đồn trú đến các thực thể địa lý này, sau khi cải tạo, nâng cấp. [5]

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã có quân đồn trú tại các thực thể địa lý trên từ lâu. Trên đảo Phan Vinh, từ lâu Việt Nam đã xây dựng một ngôi chùa, căn cứ quân sự và bố trí nhiều khí tài [6]. Việt Nam cũng đã có quân đồn trú trên đá Tiên Nữ dù quy mô nhỏ hơn căn cứ Phan Vinh [7]. Còn bãi Thuyền Chài là một trong mười hai thực thể mà Việt Nam đã đóng quân trong hai năm 1987 và 1988 [8]. Thuyền Chài cũng là một trong số ít các thực thể địa lý nơi Việt Nam có chăn nuôi, trồng rau xanh và có trạm phát điện. [9]

Manila Times bóp méo sự thật bằng cách biến việc Việt Nam đã đóng quân từ lâu trên ba thực thể Phan Vinh, Tiên Nữ, Thuyền Chài thành một kế hoạch sắp sửa xảy ra. Bằng cách này, tờ báo gọi Việt Nam là bên “hung hăng” (aggressively) trên Biển Đông.

Đến ngày 1/8/2023, tờ Manila Bulletin lại đưa tin về một cuộc biểu tình của khoảng 50 người Philippines phản đối Việt Nam đàn áp ngư dân Philippines và kêu gọi Việt Nam “hãy cho ngư dân của chúng tôi đánh cá để nuôi gia đình mình”, “hãy hiểu hoàn cảnh của những ngư dân nghèo của Philippines”. [10]

Điểm chung của hai tờ báo Philippines này là đều mô tả Việt Nam là bên gây ra căng thẳng trên Biển Đông và gây hại cho Philippines giữa lúc Trung Quốc đang đánh chặn Philippines tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên bãi Cỏ Mây.

Ngay lập tức, sau khi những bài báo đó được đăng tải, Trung Quốc liền tung tin chuyện Philippines từng hứa di dời con tàu cho binh lính đồn trú khỏi bãi Cỏ Mây.

Nhưng chính quyền Philippines lập tức phủ nhận thông tin này. [11]

Đến giữa tháng 8/2023, chính khách và học giả Philippines lên tiếng phản bác thông tin của các tờ báo được xuất bản trong chính nước mình.

Tờ Inquirer đưa tin ông Jonathan Malaya, Thư ký kiêm người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Philippines khẳng định “các tay sai chính trị” của Trung Quốc ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) đang làm xói mòn lập trường của Philippines trước các yêu sách hàng hải của Trung Quốc.

Ông Jonathan Malaya nhắc lại thông tin bẩn của Trung Quốc rằng Philippines từng “hứa sẽ di dời con tàu BRP Sierra Madre khỏi bãi Cỏ Mây”. là một chiêu trò của Bắc Kinh nhằm lay chuyển dư luận Philippines theo hướng có lợi cho Trung Quốc [12]. Trung Quốc đã “ném đá giấu tay” bằng cách điều khiển một số hãng truyền thông Philippines để tấn công Việt Nam.

Những hoạt động tung tin giả của Trung Quốc thông qua các công ty truyền thông nước ngoài không phải là một hoạt động đơn lẻ. Nó là một trong ba loại hình chiến tranh mà nước này gọi là “tam chủng chiến pháp”. Hãy xem xét rõ hơn về ba loại hình chiến tranh này ở kỳ sau. (còn tiếp)

————-

Chú thích

[1] Reuters, China Is “Deliberately Stirring up Trouble” in the South China Sea, Philippines Says. Xem thêm tại đây

[2] Mensah T and others, PCA Case No 2013-19 in the matter of the South China sea arbitration – before – an arbitral tribunal constituted under Annex VII to the 1982 United Nations Convention on the Law of the sea – between – the Republic of the Philippines – and – the People’s Republic of China – Award Arbitral Tribunal (2016). Xem thêm tại đây, đoạn 309, 1040 và 1203

[3] False Report Exposes US Think Tank’s Inglorious Connection with the Philippines, Global Times (Globaltimes.cn). Xem thêm tại đây

[4] Mangosing F, China Using “Operators” to Divide PH on WPS – NSC (INQUIRER.net). Xem thêm tại đây

[5] Baroña JC, Vietnam Beefs up Militarization in WPS. Xem thêm tại đây

[6] Mai Thanh Hải, Đảo Phan Vinh trong thế trận Trường Sa, (thanhnien.vn). Xem thêm tại đây

[7] Đoàn Xá, Đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc (daidoanket.vn). Xem thêm tại đây

[8] Nguyễn Ðình Quân, Tết đầu tiên ở đảo chìm đầu tiên, (Báo điện tử Tiền Phong. Xem thêm tại đây

[9] Hưng Thịnh, Đảo Thuyền Chài (hanoimoi.vn). Xem thêm tại đây

[10] Group Protests in Front of Vietnam’s Embassy to Condemn Militarization of WPS (Manila Bulletin2023). Xem thêm tại đây

[11] Abarca C, China Claims PH has yet to remove BRP Sierra Madre in Ayungin Shoal as promised (INQUIRER.net). Xem thêm tại đây

[12] Mangosing F, China Using “Operators” to Divide PH on WPS — NSC (INQUIRER.net). Xem thêm tại đây

                                                         *****

Trung Quốc và bãi Cỏ Mây – Kỳ 3: Mập mờ cái gọi là ‘lợi ích cốt lõi’

Phạm Văn Luật  –  Luật Khoa Tạp Chí

APRIL 05 202412:23 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/04/trung-quoc-va-bai-co-may-ky-3-map-mo-cai-goi-la-loi-ich-cot-loi

Bằng một diễn ngôn lấp lửng, nước đôi, Trung Quốc loại trừ ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông.

Trung Quốc mập mờ gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Đồ họa: Shiv/Luật Khoa

Ở hai bài viết trước, tác giả đã phân tích mưu đồ thật sự của Trung Quốc khi gây hấn với Philippines ở bãi Cỏ Mây và chiêu trò bóp méo sự thật bằng truyền thông bẩn. Ở bài này, người viết giới thiệu về “tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc đối với một địa bàn cụ thể liên quan tới Việt Nam: Biển Đông.

Năm 2022, ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á của Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, xuất bản quyển sách tên “Beijing’s Global Media Offensive: China’s Uneven Campaign to Influence Asia and the World” (tạm dịch: “Cuộc tấn công truyền thông toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh”). [1]

Joshua Kurlantzick phân tích chiến lược chính trị tổng thể của chính quyền Bắc Kinh để thao túng truyền thông của nước ngoài, ở các địa bàn chính trị chủ chốt, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, các nước khu vực Châu Âu, Đông Nam Á. Mục đích của cuộc chiến truyền thông này là thực hiện chiến lược “dư luận chiến”.

Đây là một trong ba chiến lược chiến tranh mà Trung Quốc gọi là “tam chủng chiến pháp” (三种战法, ba loại hình chiến tranh), được chính thức công bố từ 2003 gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh pháp lý.

Trong đó, chiến tranh tâm lý có mục đích phá vỡ tinh thần đối phương, từ đó triệt hạ năng lực chiến đấu của họ.

Chiến tranh dư luận (dư luận chiến) có mục đích gây ảnh hưởng, định hình, đúc khuôn ý kiến, nhận thức của đám đông, công chúng, ở cả Trung Quốc và quốc tế, thu hút họ ủng hộ các hoạt động quân sự của Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng không phản đối hoặc không dám hành động đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.

Chiến tranh pháp lý nhắm đến việc khai thác, diễn giải, áp dụng luật pháp quốc tế và các nước khác theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ba loại hình chiến tranh này được phối hợp với nhau mật thiết vì đều tác động tới tinh thần (tâm lý, nhận thức) của đối phương.

Trong đó, “dư luận chiến” đã được Trung Quốc nâng cấp lên thành “chiến tranh nhận thức” khi áp dụng AI. Quân đội Trung Quốc có chỉ huy tác chiến liên hợp trong thông tin tuyên truyền.

Diễn ngôn hai mặt

Một trong những cách Trung Quốc thực hiện trò “dư luận chiến” là sử dụng khái niệm nào đó một cách thiếu nhất quán để đối phương lúng túng, không biết phản bác thế nào.

Ví dụ điển hình là “lợi ích cốt lõi” (core interest) mà Trung Quốc dùng cho Biển Đông.

Michael Swaine, nhà nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment of International Peace), phân tích cách Trung Quốc sử dụng khái niệm “lợi ích cốt lõi” giai đoạn 2000 – 2011. [2]

Ông phát hiện rằng những năm 2000, Trung Quốc dùng khái niệm này để ám chỉ Đài Loan, sau đó áp dụng cho Tây Tạng và Tân Cương. Rồi cuối cùng, Trung Quốc gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”.

Với Biển Đông, Trung Quốc từng bước tăng dần “nhận thức” của Mỹ và phương Tây rằng nơi đây là “lợi ích cốt lõi” của họ. Mỹ phải dần thích nghi với “thực tế” này, hơn là tập trung nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề để rồi gây ra nhiều chuyện không thuận lợi cho Trung Quốc.

Năm 2009, Tuyên bố chung Mỹ – Trung được công bố nhân chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama tới Bắc Kinh có câu: “Hai nước nhất trí rằng việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau là điều vô cùng quan trọng. Bởi nó sẽ đảm bảo cho sự tiến bộ ổn định trong quan hệ hai nước.” [3]

Bản tuyên bố chung này không nói rõ Biển Đông có phải là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc hay không. Nhưng cũng trong năm đó, một quan chức cấp cao Trung Quốc nói với Mỹ rằng họ coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. [4]

Trung Quốc không tuyên bố rõ ràng trong một văn bản nào, thay vào đó, lại dùng một quan chức cấp cao để truyền đi thông điệp. Michael Swaine chỉ ra rằng cho đến năm 2011, Trung Quốc luôn né tránh khi được Hoa Kỳ hỏi “Biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc hay không?”. Nhưng Trung Quốc sẽ chủ động nói ra điều đó trong chừng mực có thể kiểm soát tình thế.

Năm 2010, tại sự kiện đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ – Trung, có một quan chức Trung Quốc đề cập với Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là Hillary Clinton rằng “Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. [5]

Thế rồi, đến năm 2011, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Mỹ, phía Trung Quốc lại không trả lời câu hỏi của phóng viên New York Times là Biển Đông có phải là “lợi ích cốt lõi” của họ hay không. [6]

Bằng cách đó, Trung Quốc tạo ra tình huống mập mờ và nước đôi: vừa khẳng định Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình, vừa khiến cho Mỹ không thật sự coi đây là vấn đề quan trọng.

Kết quả Trung Quốc muốn đạt được là Mỹ không thật sự coi Biển Đông là địa bàn trọng yếu để hành động. Không phải ngẫu nhiên khi từ thời Tổng thống Barack Obama đến thời Donald Trump cầm quyền, Trung Quốc ồ ạt cải tạo các đảo và xây dựng căn cứ quân sự ở Trường Sa như tại Subi, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập… mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào từ phía Mỹ.

Loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi

Năm 2022, nhà nghiên cứu Gregory B. Poling xuất bản cuốn sách “On Dangerous Ground: America’s Century in the South China Sea” (tạm dịch: “Trên miền chiến địa: Thế kỷ của Hoa Kỳ ở Biển Đông”) [7]. Tác giả phân tích quá trình Trung Quốc xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo suốt một thập niên qua ở Trường Sa mà không gặp bất kỳ một phản kháng đáng kể nào từ Mỹ.

Phản ứng duy nhất của Mỹ, theo Gregory Poling, là cho tàu chiến thực hành “quyền tự do hàng hải” trên Biển Đông. Hoạt động này của Mỹ về cơ bản không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho Trung Quốc, không khiến cho Trung Quốc phải chùn bước.

Chúng ta có thể thấy gì từ việc Hoa Kỳ và phương Tây phản ứng một cách yếu ớt trong suốt những năm Trung Quốc cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa? Nó minh hoạ chính xác những gì mà Stefan Halper mô tả trong một nghiên cứu của mình về “tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc. [8]

Stefan Halper nói mục tiêu của “tam chủng chiến pháp” là phá vỡ khả năng ra quyết định của đối phương. Nó nuôi dưỡng sự hoài nghi, sự mơ hồ trong nhận thức của đối phương, suy giảm ý chí ra quyết định của họ.

Ngay từ 2013, khi Trung Quốc mới đang khởi động việc chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trong nhiều năm, Stefan Halper đã chỉ ra “tam chủng chiến pháp” được áp dụng thế nào ở Biển Đông.

Bằng cách tung ra những phát ngôn trái ngược nhau hoặc lấp lửng về việc liệu Biển Đông có phải là “lợi ích cốt lõi” hay không, Bắc Kinh “thao túng nhận thức và tâm lý” của Hoa Kỳ để họ thuận lợi hành động. [9]

Năm 2016, Giáo sư chính trị học tại MIT Taylor Fravel đã tổng kết lại chính sách của chính quyền Obama với Biển Đông [10]. Theo Taylor Fravel, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã nhất quán từ những năm 2000, cụ thể gồm ba điểm chính:

  • Nhất quán trung lập trước các tuyên bố chủ quyền.
  • Nhấn mạnh rằng nên theo đuổi những quy trình và nguyên tắc mà các khiếu nại (của bên bị cưỡng bách) hơn là kết quả cuối cùng của hoạt động khiếu nại đó. Mỹ cũng không chú ý tới cách giải quyết các tranh chấp cơ bản.
  • Cho Trung Quốc thấy cái giá phải trả nếu theo đuổi các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cả ba phương hướng hành động này của Mỹ đối với Biển Đông cho thấy rằng Bắc Kinh đã thành công trong việc làm cho Mỹ đứng ngoài cuộc trong vấn đề Biển Đông. Điều đó cũng tạo ra hoài nghi của các nước Đông Nam Á đối với cam kết của Mỹ tại khu vực này.

Tất nhiên không dễ có ngay câu trả lời cho câu hỏi “phải làm gì?”. Nhưng để giải quyết vấn đề thì trước hết phải thừa nhận rằng có vấn đề đang tồn tại. Việt Nam nói riêng và các nước nói chung sẽ có hành động gì khi nhận ra những chiêu gây hấn, thao túng dư luận này của Trung Quốc, nói cách khác, sẽ đối phó “dư luận chiến” như thế nào?

————-

Chú thích

[1] Joshua Kurlantzick, Beijing’s Global Media Offensive: China’s Uneven Campaign to Influence Asia and the World, Oxford UP, 2022

[2] Swaine M, China’s Assertive Behavior Part One: On “Core Interests”. Xem thêm tại đây

[3] Montopoli B, In Full: U.S.-China Joint Statement (Cbsnews.com). Xem thêm tại đây

[4] Financial Times. Xem thêm tại đây

[5] China Actions Meant as Test: Clinton (Theaustralian.com.au). Xem thêm tại đây

[6] China Hedges over Whether South China Sea Is a “Core Interest” Worth War (Published 2011), The New York Times (2024). Xem thêm tại đây

[7] Gregory B. Poling, On Dangerous Ground: America’s Century in the South China Sea, Oxford University Press, 2022

[8] [9] Washington D, China: The three warfares for andy marshall director, office of net assessment office of the secretary of defense, 2013. Xem thêm tại đây

.

.



No comments:

Post a Comment

View My Stats