Friday, 5 April 2024

SÀI GÒN VÀI CƠN KHỦNG HOẢNG (Phạm Công Luận / Saigon Nhỏ)

 



Sài Gòn vài cơn khủng hoảng

Phạm Công Luận  -  Saigon Nhỏ

4 tháng 4, 2024

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/sai-gon-muon-neo/sai-gon-vai-con-khung-hoang/

 

Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20, cuộc sống đời thường có những thời khắc vô cùng khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hầu hết người dân Sài Gòn-Gia Định.

 

Đó là thời gian khủng hoàng kinh tế thế giới bắt đầu từ 1929 đến giữa thập niên 1930.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/GettyImages-1475553631-1024x673.jpg

Đường phố Sài Gòn những năm 1950. (Hình: Graphic House/Archive Photos/Getty Images)

 

Ký giả Tế Xuyên kể tỉ mỉ câu chuyện này trên báo Đuốc Nhà Nam xuân Tân Hợi 1971. Năm 1932, ông từng thấy cả dẫy phố đường de la Somme (Hàm Nghi) – Catinat (Đồng Khởi) – Sabourain (Lưu Văn Lang) hầu hết bỏ trống khoá cửa, chỉ vài căn có người mướn. Chợ Bến Thành buôn bán ế ẩm, cho dù một con vịt quay treo tòn ten ở quán bán có 6 xu một con nhỏ, 8 xu con lớn. Gạo thì 4 cắc 4 giạ mà lại là thứ gạo nấu cơm mềm dẻo, thơm phức…

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/Pham-Cong-Luan-Chan-dung-mot-nguoi-dan-ong-Sai-gon-nam-1955-1024x1240.jpg

Chân dung một người đàn ông Sài gòn năm 1955. (Hình: Raymond Cauchetier)

 

Những kẻ thất nghiệp dám mướn phố lầu mà ở, những căn phố ở trung tâm, gần chợ Sài Gòn. Họ có cách để ở khỏi tốn tiền: chỉ xoay đủ tiền trả tiền phố tháng đầu, tới từ tháng sau không trả tiếp nữa, ở lì luôn cả năm. Khi người thâu tiền phố đến đưa biên lai thâu tiền thì họ chỉ cười trừ. Tiền đâu mà trả, người thâu tiền cũng thông cảm vì hoàn cảnh của thầy ta chắc cũng chẳng hơn gì người thuê nhà. Có khi ngượng quá thì lánh mặt, cho vợ con “đại diện” mà trả lời rằng: “Tháng này túng quá, thôi để tháng sau trả luôn thể.” Tháng sau? Rồi tháng sau nữa… kéo dài cả 10 tháng, 12 tháng như vậy.

 

Người thu tiền thét rồi thối chí sau hai ba lần sẽ không đến nữa, báo cáo cho chủ đối phó. Đối phó cách gì? Nhiều lắm là đưa ra tòa xin trục xuất thôi, vì người mướn phố không có một món đồ gì đáng giá để tịch thu. Kẻ nghèo chỉ có vỏn vẹn một cái ghế bố để ngủ và một cái rương hay cái vali cũ kỹ đựng ba bộ quần áo rẻ tiền.

 

Cái lối mướn phố “luân chuyển” đã thành kế sách của dân nghèo: ở căn này một thời gian rồi lại ở đến căn kia, trả tiền phố có một tháng đầu ở đến một năm hay tám tháng, ít lắm cũng là sáu tháng.

 

Đi ngoài đường thấy vắng vẻ buồn hiu. Những căn phố đóng cửa im ỉm. Những căn phố chết. Sài Gòn lúc ấy như là thành phố chết hay đang hấp hối. Nạn thất nghiệp tràn lan, kiếm được một việc làm là cả một cái may mắn như trúng “số đuôi.” Công chức, tư chức có “sở mần” rồi thì cố mà giữ lấy, cố chiều chuộng ông “sếp” để khỏi bể nồi gạo.

 

Lao động lại càng cực khổ hơn vì phải đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm manh áo và ít người có lấy một cái gì gọi là “nhà” để ở. Phần nhiều họ đóng đô ở ngay hàng ba với những căn phố trống. Với tất cả nồi niêu xoong chảo, cả thê tử đùm đề, họ sống cố thủ tại đó, vì có ai mướn căn phố ấy đâu. Đêm đến họ bẻ khóa cửa, di cư bớt bầy con vào ngủ trong nhà, sáng đến lại móc khoá và cửa để khoá hờ, khoá tượng trưng cho người quản lý dãy phố khỏi la rầy.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/Pham-Cong-Luan-Khu-Ma-Lang-nam-1968-Eddi-Adams-986x1536.jpg

Khu Mã Lạng năm 1968. (Hình: Eddi Adams)

 

Trước cơn bịnh kinh tế trầm trọng đó, một nhà thầu khoán ở miền Trung là Trần Quang An, từng học trường Công Chánh Hà Nội tự xưng là “bác sĩ kinh tế” lên sân khấu một nhà hát ở Phan Thiết, diễn thuyết về nạn kinh tế khủng hoảng và tuyên bố đem tài “kinh bang tế thế” giải quyết nạn đồ thán cho đồng bào.

 

Ông còn chạy vào Sài Gòn để kê toa, toan chữa bệnh kinh tế khủng hoảng cho toàn dân. Toa thuốc của ông giản dị lắm: tìm biết đúng nhu cầu hàng tháng của mỗi gia đình (bao nhiêu gạo, bao nhiêu than, bao nhiêu mắm muối, tương cà) phân phối cho từng nhà. Tóm lại là mua tận gốc bán tận ngọn, mua gộp lại để có thể trả giá rẻ. Một hình thức “hợp tác xã” nhưng bác sĩ kinh tế gọi là “Entrepots-Warrant.”

 

Ông dùng Sài Gòn làm thí điểm. Ông in ra cả mấy vạn tập “câu hỏi” về nhu cầu bếp núc của mỗi gia đình, phát cho từng nhà xin trả lời để ông ước lượng số hàng phải mua dự trữ trong những “Entrepots Warrant” của ông. Ông thuê một dãy 24 căn phố trệt ở đường Jean Eudel (nay là đường Nguyễn Tất Thành) Khánh Hội, để làm kho chứa hàng.

 

Nhưng ông thất bại lớn. Vì người Vỉệt Nam thế hệ trước quen sống với nếp sống cổ truyền “tén vén tương cà” đâu có hiểu lợi ích của một biện pháp kinh tế xa lạ mà họ còn nghi ngờ là một thủ đoạn gì đây? Toa thuốc kinh tế của “bác sĩ” Trần Quang An chưa kịp cứu dân độ thế đã bị xếp xó, 24 căn phố của ông thuê bị bỏ trống cả năm rồi trả lại cho chủ phố.

 

Các nhà buôn lỗ lã, bị đóng cửa vì vỡ nợ, vì khánh tận. Nhà băng Đông Dương, nền tảng của đại tư bản Pháp, quơ lưỡi hái mà giết chết thương gia nầy đến điền chủ kia. Chờ đến lúc các tiểu thương trung thương Pháp cũng khó sống, muốn nghẹt thở, chết ngộp. Đám thương gia Pháp cầm đầu, các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở Sài Gòn, trong các phòng họp nhóm. Họ la thét, thảo kiến nghị, đòi phá giá đồng bạc. Nhưng chỉ là tiếng kêu giữa bãi sa mạc, chẳng đi đến đâu vì phái đại lý tài Pháp vững như bàn thạch.

 

Lúc đó, nếu ai có người thân ở nông thôn miền Nam để có thể về tạm trú trốn khủng hoảng kinh tế ở Sài Gòn thì thật là may mắn. Lúa bán không được, công việc làm ăn buôn bán ngưng trệ, song nông gia ở dưới đó vẫn sống đầy đủ. Gạo có sẵn, không bán được thì để ăn, dân quê không phải lo nạn đói. Nhà nào ở quê cũng chất lúa đầy lẫm, đầy kho, gà vịt nuôi cả bầy, không phải để bán mà để ăn hàng ngày. Ngoài ra nhà nào cũng có một hai lu mắm, cá đồng tràn trề không thiếu.

 

                                                                 

                                                         **

 

Đến năm 1945, Nam bộ kháng chiến, Sài Gòn – Gia Định tràn đầy binh lửa. Chú Nguyễn Cương Phú, một facebooker lớn tuổi đang sống ở Úc kể năm đó nhà chú đang sống yên bình với cửa tiệm giày dép guốc ở chợ Bến Thành, một trái bom thả xuống chợ Bến Thành, làm sụp một góc chợ.

 

Gia đình chú tản cư về Gò Công, đến khi quay trở lại thì tiệm tan hoang. Để lo một gia đình có của ăn của để, nhà từng có tám người giúp việc, mẹ của chú trở thành bà bán cơm bình dân cho phu thợ ăn trong chợ Phú Nhuận, và chú phải đi giúp việc một thầy thuốc Đông y để được nuôi cơm.

 

Lúc đó, nhà ông ngoại tôi bên Khánh Hội, trên đường Quai De La Marne (Bến Vân Đồn, Quận 4) cũng đang lao đao vì ông ngoại, đang làm việc công sở Tây thì bị bệnh mắt, ánh nhìn ngày càng mờ dần. Bà ngoại tôi phải bán cái tiệm tạp hóa và một tiệm rượu có môn bài đang kinh doanh để lấy tiền chữa cho ông nhưng đành chịu thua vì bệnh không hết, khi các bác sĩ Pháp tập trung cho cuộc chiến.

 

Sau cả nhà phải tản cư về Củ Chi và ông ngoại cũng mất cuối năm 1945. Trước đó, người anh lớn nhất của ông ngoại tôi khoảng năm 1944 bị chết trong một trận bom gần cầu Ông Lãnh. Rồi đến lượt cậu ruột tôi, Nguyễn Công Linh, lấy xong Đip-lôm, bị bệnh ban phải vô nằm nhà thương Dejean de la Bâtie (Trung Tâm Cấp Cứu Sài Gòn). Chỉ vài ngày sau, một trái lựu đạn nổ phía ngoài vách tường sát bên giường gây sức ép khiến cậu mất khi chỉ 22 tuổi. Ngôi nhà ông cố tôi ở Khánh Hội ly tán từ đó, may mà còn giữ được một phần căn nhà cho đến ngày nay.

 

Ông anh lớn nhất của tôi còn ghi lại một câu chuyện năm 1953, lần đầu anh nếm mùi giới nghiêm khi đã về Phú Nhuận. Lúc đó, người chị thứ tư mới sanh. Chị có tật khóc cả đêm nên cả nhà vất vả vô cùng trong khi ba tôi đi vắng. Năm đó chiến sự vẫn còn tiếp diễn, lính Lê Dương được tăng cường đầy dẫy khắp Sài Gòn-Gia Định. Tối cứ đến 8 giờ là giới nghiêm, ai ra đường không có lý do báo trước hoặc thấy bóng là bắn.

 

Ai có việc bệnh hoạn sinh nở cần di chuyển phải cầm đèn bão đi theo, xét đúng mới cho đi. Chị Tư lại hay nóng sốt ban đêm, má tôi thường dùng khăn thấm giấm đánh lưng cho hạ nhiệt. Một đêm đã khuya, trán chị nóng quá, má rầu rĩ nói phải chi có được lá trầu về đánh lưng cho em hạ sốt. Nhà cách vườn trầu chỉ khoảng năm chục mét nhưng đi qua khỏang sân trống không phải là chuyện dễ dàng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/Pham-Cong-Luan-Mot-khu-nha-bi-chay-o-Sai-gon-nam-1955-1280x1340.jpg

Một khu nhà bị cháy ở Sài gòn năm 1955. (Hình: Raymond Cauchetier)

 

Cái lô cốt có lính Lê Dương gác sừng sững trước mặt hễ thấy bóng người là bắn ngay lập tức. Thương em và thương cả má, anh tôi quyết định đi hái lá trầu. Chui ra khỏi nhà, anh bỏ lơ tiếng gọi giật của má, sát người xuống bò chầm chậm trong đêm tối. Anh kể chỉ năm chục mét đất trong vườn mà như dài dằng dặc tưởng chừng sẽ có một phát súng và mình ngã lăn ra, bỏ má và đứa em thơ.

 

Ác liệt là đêm đó lại có trăng sáng. Anh vừa bò vừa van vái vong hồn ông bà phù hộ cho đến cây trầu, hái vội nắm lá trầu rồi bò về. Đến tới cửa nhà, mồ hôi ướt đẫm.

 

Tôi lớn lên, sống ở Phú Nhuận khá êm đềm trừ vài lần đáng nhớ. Không khí chiến tranh trong mắt tôi chỉ là những hàng chữ chi chít trên báo Đại Dân Tộc, Trắng Đen, Điện Tín mà ba tôi mua đọc hằng ngày. Thỉnh thoảng có tin báo tử của những người đi lính trong xóm. Máy bay hàng ngày bay qua lại trên đầu, nhiều nhất là trực thăng. Nhiều lần con nít trong xóm phát hiện có “máy bay thả giấy” (truyền đơn) phía xa và chạy đi lượm. Giao thừa Tết Mậu Thân, tiếng pháo bỗng nhiên rộn rã hơn rất nhiều.

 

Tôi được hứa cho đi chơi vào ngày mùng Một. Sáng hôm sau, ba bảo cả thành phố giới nghiêm rồi, trên đài đã có lệnh chính thức nên không đi được. Đêm đó, cả nhà chui xuống nằm dưới bộ ván bằng gỗ sây rất cứng, có lót bao cát phía trên mà không biết ba tôi đã chuẩn bị từ bao giờ để tránh đạn lạc.

 

Từ đó, khu xóm tôi thỉnh thoảng có những ngưới lính đội nón sắt hành quân đi ngang qua, đám con nít thấy thành nón của họ treo lủng lẳng vài gói nhỏ không biết là gì. Rồi tình hình dần êm ắng. Ông anh tôi bảo Tết Mậu Thân coi vậy không căng thẳng bằng hồi đảo chánh ông Diệm lúc anh còn nhỏ vì khi ấy nhìn lên trời thấy máy bay bắn nhau với khói đạn từng cụm và đạn rớt trên mái tôn rổn rảng.

 

Đến Tháng Tư năm 1975. Trước mái hiên, cả nhà tôi chứng kiến trên bầu trời phía sân bay Tân Sơn Nhứt có hai chiếc máy bay quần thảo nhau. Đêm 28 hay 29 Tháng Tư, tiếng súng ầm ì và tiếng đạn rớt như ai gõ vào chảo, cứ lanh canh, ục oạc gần xa. Sau đó là ngày 30 Tháng Tư, và sau đó nữa là hơn chục năm sống thời bao cấp.

 

Cùng với bao người, gia đình tôi trải qua những tháng ngày khó khăn. Nhiều gia đình khổ sở vì có người thân ra đi vì bệnh tật không có thuốc đặc trị, vượt biên mất tích, đi kinh tế mới,… Những năm 1980 thiếu thốn, lụt bão, lên đường ra chiến trường, đổi tiền… Những năm đó, gánh nặng đè nặng lên vai người lớn, riêng đám học trò nhỏ chúng tôi thì cho gì ăn nấy, mặc nấy và vẫn vô tư lớn lên.

 

Người Sài Gòn-Gia Định từng đối diện nhiều đợt biến động, những lần khủng hoảng trong trăm năm qua. Các bi kịch xảy ra không sao kể xiết. Mỗi nhà mỗi cảnh, không ai có thể thông cảm hết cho ai. Dù gặp chuyện gì, ai cũng nuôi động lực là hy vọng và lạc quan. Hy vọng sẽ có lúc thoát ra được những khó khăn, không lẽ thế này mãi!

 

Có mất mát cũng phải gượng dậy để sống tiếp và giúp nhau vượt qua. Đó là nếp nghĩ của người thành phố này, dù có gốc gác lâu đời ở đây hay mới nhập cư sau này.

 

 

 

 

Ông cụ người Anh 111 tuổi là đàn ông lớn tuổi nhất thế giới

Người Việt

April 5, 2024

 https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/ong-cu-nguoi-anh-111-tuoi-la-dan-ong-lon-tuoi-nhat-the-gioi/

 

SOUTHPORT, Anh (NV) Ông cụ người Anh 111 tuổi là đàn ông lớn tuổi nhất thế giới còn sống, Kỷ Lục Guinness Thế Giới (GWR) loan báo hôm Thứ Năm, 4 Tháng Tư.

 

Ông John Tinniswood, cư dân Southport, England, cho hay ông sống thọ “chỉ nhờ may mắn.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/04/TS-ong-cu.jpg

Ông John Tinniswood được Guinness World Records trao giấy chứng nhận là người đàn ông lớn tuổi nhất thế giới còn sống hôm Thứ Năm, 4 Tháng Tư. (Hình: Guinness World Records)

 

“Người ta một là sống thọ, hai là sống không thọ, chứ chẳng làm gì khác được,” ông nói với GWR.

 

 

GWR trao danh hiệu này cho ông Tinniswood sau khi người đàn ông lớn tuổi nhất thế giới trước đó, ông Juan Vincente Perez Mora ở Venezuela, 114 tuổi, qua đời hôm Thứ Ba.

 

Ông Tinniswood sinh ở Liverpool, Anh, ngày 26 Tháng Tám, 1912.

 

Ông cưới vợ năm 1942 và họ sống với nhau được 44 năm tới khi vợ ông qua đời năm 1986.

 

Ông có một con gái, sinh năm 1943, bốn cháu ngoại và ba cháu cố.

 

Hiện tại, ông sống trong nhà dưỡng lão ở Southport và vẫn tự làm việc lặt vặt và nghe tin tức trên radio mỗi ngày.

 

Ông nói ông không ăn uống gì đặc biệt nhưng món ông thích nhất vẫn là cá và “chip,” mỗi Thứ Sáu.

 

Ông khuyên mọi người “luyện tập trí óc” và “điều độ.”

 

“Uống nhiều quá, ăn nhiều quá, hay đi bộ nhiều quá; làm việc gì cũng nhiều quá thì cuối cùng sẽ chịu thiệt hại,” ông cho biết.

 

Người phụ nữ lớn tuổi nhất thế giới còn sống, cũng là người lớn tuổi nhất thế giới còn sống nói chung, là bà Maria Branyas Morena ở Tây Ban Nha, tròn 117 tuổi mới đây. (Th.Long

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats