Nga
thay đổi chiến thuật, “gặm nhấm” lực lượng Ukraina
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 09/04/2024 - 12:07
Gần đây, Nga đã áp dụng các chiến thuật mới trong cuộc chiến ở
Ukraina kéo dài từ hơn hai năm qua. Trong lúc Kiev vẫn mong đợi thêm viện trợ
quân sự từ phương Tây, Nga gặm nhấm từ từ lãnh thổ Ukraina, làm tiêu hao nguồn
lực của Kiev ; đồng thời, Nga thực hiện các bước tấn công “hiệu quả” hơn,
như trong đợt tấn công quy mô lớn vào hạ tầng năng lượng của Ukraina.
Quân nhân Ukraina được chụp lại qua kính nhìn ban đêm (NVG),
trên tiền tuyến gần Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 20/03/2024. AP -
Alex Babenko
Theo
báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), kể từ tháng 10/2023, Nga đã chiếm
được 505 km2 từ lãnh thổ Ukraina. Tuần báo Pháp Le Point nhận định rằng sự tiến triển của lực lượng
Nga khá chậm chạp, nhưng lại duy trì cường độ. Hôm 30/03/2024, lần đầu tiên
trong vòng 6 tháng, Ukraina đã đẩy lùi được một tiểu đoàn Nga ở gần Adiivka,
đây là một nỗ lực đáng kể khi thành phố Adiivka rơi vào tay Nga từ giữa tháng
Hai. Mặc dù đã phá hủy được nhiều xe bọc thép của Nga, nhưng quân đội Ukraina
đã phải rút lui về giữ thế thủ trên nhiều mặt trận. Báo cáo của ISW cũng chỉ ra
rằng khả năng tấn công của quân đội Nga đã buộc Ukraina phải tiêu hao nhiều lực
lượng, cả về nhân lực và nguồn lực vốn đã hạn chế để tự vệ.
Trên
thực tế, nhà tư vấn về rủi ro toàn cầu, Stéphane Audrand, trả lời Le Point, cho
rằng “Nga đang tập trung gặm nhấm quân đội Ukraina hơn là lãnh thổ nước này”.
Từ nhiều tháng qua, các đơn vị của Kiev trên chiến tuyến không có sự luân chuyển
quân, những tổn thất về nhân lực (bị giết, bị thương, hay bị quân Nga bắt giữ),
lại không được thay thế. Gần đây, Ukraina đã hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống còn
25 tuổi. Điều này cho thấy Ukraina đang rất cần nguồn lực.
Đọc
thêm : Ukraina tìm cách «
lôi kéo » các nước Tây Balkan cùng sản xuất đạn dược
Trên
chiến trường, Kiev thiếu hụt đạn dược và lợi thế vẫn luôn nghiêng về phía Nga.
Không quân Nga cũng hoạt động tích cực, thực hiện hàng trăm phi vụ mỗi ngày. Loại
bom FAB-250 và FAB-500 được trang bị thêm cánh và cho phép bay xa đến 70 km đến
gần mục tiêu hơn. Các máy bay ném bom của Nga vẫn nằm ngoài tầm bắn của các hệ
thống phòng không Ukraina. Các máy bay này tấn công vào tiền tuyến, đặc biệt là
các trung tâm chỉ huy và các kho hậu cần của Ukraina, theo như nhận định của
Stéphane Audrand.
Theo
Le Point, nếu nhận được các chiến đấu cơ F-16, và các tên lửa không đối không,
áp lực đối với quân đội Ukraina có thể sẽ giảm đi. Cuộc săn lùng đạn dược, do
CH Séc khởi xướng, sẽ cung cấp cho Ukraina 800 000 đạn pháo loại
150 152 mm. Trong lúc chờ đợi viện trợ, Kiev tăng cường sử dụng drone để
chống đỡ các vụ tấn công của Nga. Nhiều video cho thấy các drone loại FPV(First
Person View) đã tấn công các xe bọc thép và lính Nga trên bộ.
Nga
cải tiến kho vũ khí cũ
Tuy
nhiên, những thiệt hại của quân Nga trên chiến trường lại thường xuyên được bù
đắp. Các kho vũ khí của Nga được cải tiến, ví dụ như các xe tăng cũ được trang
bị thêm vỏ bọc và các thiết bị điện tử. Các vũ khí này không phải chất lượng
cao nhưng dẫu sao cũng làm tăng thêm số xe tăng trong kho vũ khí của Nga.
Theo
ước tính của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh (IISS), được công bố vào
tháng 2, Nga vẫn còn đủ số xe bọc thép chất lượng thấp hơn trong kho, để
bù đắp tổn thất trong khoảng ba năm nữa.
Gần
đây, Nga cũng tăng cường sử dụng các thiết bị hạng nhẹ nhưng mang tính cơ động
hơn, theo như nhận định của Alexander Clarkson, giảng viên tại King’s College London. Loại xe địa hình AVT
( all-terrain vehicle) do Trung Quốc sản xuất, xuất hiện trên chiến tuyến ở
Ukraina vào cuối năm 2023, ngày càng được Nga sử dụng nhiều hơn trong thời gian
gần đây. Mặc dù không được bọc thép, những chiếc xe AVT này thường bị các drone
của Ukraina phát hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, khả năng di chuyển nhanh chóng,
không tạo ra nhiều bụi, có thể khéo léo hạ gục đối thủ một cách bất ngờ. Trang
World Reviews Politics, trích dẫn nhận định của nhà phân tích quân sự Rob Lee,
thuộc tổ chức tư vấn Foreign Policy Research Institute, cho rằng “việc
tăng cường sử dụng loại xe AVT và các thiết bị hạng nhẹ khác hiệu quả hơn, cho
thấy các đơn vị của Nga vẫn có thể thích ứng với những thách thức mới, bất chấp
những rối loạn trong chế độ Putin”. Sau nhiều sai sót đẫm máu khi lái AVT,
lính Nga dần thích nghi và học được những cách lẫn tránh drone của Ukraina, dễ
dàng di chuyển trên chiến tuyến.
Theo
báo cáo của Viện Nghiên Cứu chiến tranh, vốn theo dõi thường nhật cuộc xung đột,
Nga cũng đã sử dụng nhiều phương tiện hơn so với quan sát trước đây trong các
cuộc tấn công chiến thuật, “quân đội Nga có thể không còn bị hạn chế hoặc lo ngại
về tổn thất xe bọc thép và xe tăng”.
Về
phía Ukaina, các xe tăng Leopard, Abrams hay Challenger dĩ nhiên là hiện đại
hơn, có khả năng phòng thủ tốt hơn, nhưng số lượng lại ít hơn. Phần lớn các vũ
khí của Ukraina chủ yếu có từ thời Liên Xô. Do đó mà Ukraina phải tăng cường
phòng thủ, xây dựng các chiến hào và các boongke ngầm ở miền đông đất nước.
Thay
đổi chiến lược tấn công vào cơ sở năng lượng của Ukraina
Từ
cuối tháng Ba, Nga cũng đã tăng cường các chiến dịch tấn công vào các cơ sở
năng lượng của Ukraina, với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi xâm lược Ukraina.
Giới chuyên gia cho rằng Nga đã thay đổi chiến lược. Thay vì tấn công vào dịp
cuối năm, trước mùa đông, khi Ukraina đã có sự chuẩn bị, phòng thủ, quân đội
Nga nay thực hiện công tác trinh sát trước, xác định rõ mục tiêu và thiệt hại của
cuộc tấn công, cũng như các vị trí phòng thủ của các cơ sở năng lượng, và thường
chọn những nơi ít phòng thủ. Trước kia, Nga dùng 3 drone và hai tên lửa tấn
công vào mục tiêu, thì nay, Nga phóng 6 tên lửa và 15 drone vào mục tiêu đó.
Nhiều cơ sở năng lượng có thể sẽ không được sửa chữa kịp thời trước mùa đông
năm sau.
Theo
báo Financial Times, trong đợt tấn công phá hủy lưới điện Ukraina, Nga sử dụng
các loại vũ khí hiện đại hơn, thay vì “đánh bừa” như trước kia. Ví dụ như vụ tấn
công vào một nhà máy điện than, Nga sử dụng tên lửa đạn đạo dẫn đường trị giá
100 triệu đô la, và để bắn hạ thì chỉ có thể sử dụng hệ thống phòng không
Patriot mà Ukraina không có nhiều.
Đội
ngũ "tân binh" Nga
Thêm
vào đó, còn một mối nguy khác đang rình rập Kiev. Sắc lệnh tuyển lính nghĩa vụ
quân sự của Vladimir Putin, hồi cuối tháng Ba vừa qua, cho phép huy động khoảng
150 000 lính từ 18 đến 30 tuổi. Khả năng tác chiến của lực lượng “tân
binh” này chắc chắn sẽ chưa tốt, nhưng đủ để tiến vào một mặt trận mà
Ukraina ít phòng thủ hơn. Như vậy, Nga có thể nhanh chóng thành lập một đội ngũ
mới sẵn sàng chiến đấu ngay mùa hè này và đe dọa Kharkiv, thành phố lớn thứ hai
Ukraina.
Kharkiv
có khoảng 1,5 triệu dân sinh sống trước chiến tranh, với vị trí chiến lược, là
trạm trung chuyển về đường bộ và đường sắt ở miền đông Ukraina. Nơi đây cũng tập
trung nhiều hoạt động công nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất vũ khí.
Theo
nguồn tin từ tình báo Ukraina, được The Economist trích dẫn, Nga đang thực hiện đợt huấn
luyện quy mô lớn ở Siberia, với sự tham gia của khoảng 120 000 binh lính.
Đầu tháng Tư, 03/04, tổng thống Ukraina dự báo khả năng Nga có thể huy động
thêm 300 000 lính. Kharkiv được coi là một trong những mục tiêu tấn công của
Nga. Dù đây chỉ là một khả năng, nhưng truyền thông Nga đã nhiều lần đưa tin và
mục đích có thể là gieo rắc nỗi sợ hãi cho cư dân Kharkiv, những người vẫn ở lại,
hoặc là để xoa dịu phe ủng hộ chiến tranh, sau các cuộc tấn công của Ukraina ở
Belogrod.
The
Economist nhận định rằng có thể Nga sẽ khó chiếm được Kharkiv, nhưng không loại
trừ khả năng quân đội của điện Kremlin sẽ “làm liều”, “phá huỷ thành phố,
như là trường hợp ở Aleppo”.
-----------------------------
Các
nội dung liên quan
PHÂN
TÍCH
Chiến
tranh Ukraina đã làm Pháp thay đổi cách nhìn với NATO
CHIẾN
TRANH NGA - UKRAINA
Chiến
tranh Ukraina: Quân Nga gia tăng tấn công một thành phố trọng yếu ở miền đông
CHIẾN
TRANH UKRAINA - HOA KỲ - VIỆN TRỢ
Tổng
thống Zelensky cảnh báo : « Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận »
No comments:
Post a Comment