Mấy
kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4-1975 (Kỳ 1)
03/04/2024
https://baotiengdan.com/2024/04/03/may-ky-niem-ve-mot-doan-doi-sau-thang-4-1975-ky-1/
Gần nửa thế kỷ qua, những ngày tháng tư hàng năm bao giờ cũng
là thời khoảng mang đến cho nhiều lớp người Việt Nam những kỷ niệm khó quên,
nhiều ám ảnh nặng nề của quá khứ. Chúng được mở đầu bằng “Ngày nói dối” (1.4)
và kết thúc bằng thời điểm 30.4 làm thay đổi số phận của hàng triệu con người.
Lớp người từng trải qua những ngày tháng tư ấy nay hầu hết đã
thuộc về thành phần “thất, bát, cửu thập cổ lai hy”. Một số người đã bị thời
gian loại ra khỏi sân khấu cuộc đời, số còn lại, người thì nghễnh ngãng, người
phải vật lộn với nhiều căn bệnh mãn tính lăm le vùi dập kiếp người. Một thiểu số
còn lưu giữ trong ký ức của mình những hình ảnh cũ trong tâm thế không vui,
cũng chẳng buồn, coi như đó là những màn biến ảo, đầy hỷ nộ ái ố, trong một vở
trường kịch kéo dài.
Những câu chuyện vụn vặt này được kể ra không phải để trách
phiền quá khứ, hay nung nấu thêm những tình cảm đã một thời dằn vặt mỗi con người.
Kể lại chúng chỉ để bổ sung vào bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam sau
1975, vì chúng là một phần không thể thiếu của lịch sử.
Tại miền Nam, sau tháng 4.1975, trùng trùng lớp lớp những con
người cùng sẻ chia với nhau một số phận, cùng nếm chung với nhau sự cay đắng của
kiếp người, nhưng nhiều năm sau, khi trở lại với cuộc sống đời thường, mỗi người
một hoàn cảnh, một tâm trạng, một cái nhìn riêng rẽ về cuộc sống, và cũng có thể
từ đó, nhiều sự phân hóa bắt đầu.
Người kể chuyện hôm nay rất yêu cái chất “Ta về” của một Tô
Thùy Yên, coi những gì mình đã trải qua sau tháng 4.1975 là một “kiếp nạn”, trở
về gia đình với một tâm trạng tuy có buồn đau nhưng không oán hận cuộc đời.
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
Vì thế, hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui
buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào
những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một
quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với
một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình.
I) BƯỚC VÀO CUỘC ĐỜI MỚI
Những ngày sau 30.4.1975, quang cảnh của thành phố Sài Gòn và
hầu hết các tỉnh dưới vĩ tuyến 17 đã làm yên lòng những người chiến thắng. Hàng
triệu con người từng cầm súng chiến đấu hay điều hành bộ máy cầm quyền cũ chấp
nhận sự thay đổi số phận một cách an nhiên, họ rùng rùng đi trình diện đăng ký
với mong mỏi làm lại cuộc đời, dù biết rằng sẽ không ít chông gai. Họ tham dự
những buổi học ngắn ngày tại địa phương để nắm bắt được ít nhiều quy luật của một
xã hội mới, hoặc với những người ở cấp bậc, chức vụ cao hơn, sự tập trung “học
tập cải tạo” (HTCT) với thời gian được tin là sẽ kéo dài 10 ngày hay một tháng
cũng được tuân thủ ngoài sự dự tưởng của nhiều người.
Khoảng thượng tuần tháng 5.1975, mình thơ thẩn trước cổng Bộ
Nội vụ cũ, định len lách vào để trình diện đăng ký, cốt có được cái giấy chứng
nhận có giá trị duy nhất như một thẻ thông hành. Chạm mặt người bạn đồng môn
Nguyễn Văn Thọ, được bạn đưa ra một sáng kiến bất ngờ: bọn mình là Phụ tá Tỉnh
trưởng kinh tế (xếp ngang Phó Tỉnh trưởng hành chánh) trong hệ thống của Phó Thủ
tướng Nguyễn Văn Hảo (Phó Thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm Bộ trưởng Canh
nông), trình diện chi ở đây, hãy qua Ban quân quản Nông nghiệp (tại Bộ Canh
nông cũ) mà trình diện!
Thế là chiếc xe đạp cà tàng đưa hai anh quan chức ngã ngựa chạy
cà rịch cà tang qua Bộ Canh nông (cũ) ở đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trình diện
với Ban Quân quản Nông nghiệp, lúc bấy giờ còn nằm trong tay các cán bộ tập kết
người miền Nam. Trình diện xong, bọn mình được xếp vào thành phần chuyên viên của
ông Hảo, được nhận vào làm việc tại văn phòng cũ của ông Hảo chung với Bộ Canh
nông, với thu nhập theo quy chế tạm thời lúc bấy giờ:
– Công chức cũ hạng A (Kỹ sư, Đốc sự …): 23.000 đ/tháng
– Công chức cũ hạng B (Cán sự, Tham sự, Thư ký …): 20.000
đ/tháng
– Công chức cũ hạng C (Tùy phái, tài xế …): 17.000 đ/tháng
(Giá tham khảo vào tháng 5.1975: 160.000 đ/ 1 lượng vàng)
Vào thời điểm này, các lớp học tại địa phương kéo dài 3 ngày
dành cho hạ sĩ quan và binh sĩ của chế độ cũ được tổ chức khắp nơi; sau 3 ngày,
họ “hồ hởi, phấn khởi” (tiếng mới không có tại miền Nam trước tháng 4.1975), cầm
tấm giấy chứng nhận đi làm lại cuộc đời.
Khoảng 10.6.1975, Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định
ban hành thông cáo yêu cầu đi trình diện tập trung cải tạo các thành phần sau:
công chức từ chức vụ Phó Quận, Phó Ty đến Phó Tổng thống, sĩ quan từ cấp Thiếu
tá trở lên. Thông cáo ân cần nhắc nhở các đương sự: “mang theo tiền bạc, vật dụng
đủ dùng trong một tháng”. Mỗi đương sự phải đóng cho cơ quan tổ chức học tập
hơn 13.000 đ là tiền nuôi ăn của một tháng đó.
Khoảng ngày 11 hay 12.6.1975, anh Ba Lộc, Trưởng ban quân quản
Nông nghiệp, triệu tập các viên chức cũ thuộc diện tập trung cải tạo với lời nhắc
nhở mà người viết bài này vẫn còn nhớ rõ: “các anh nên đi trình diện học tập,
vì việc này rất có lợi cho các anh!
”Cái “lợi” đó, trong suy nghĩ của mọi người, chính là cái giấy
chứng nhận đã hoàn thành thời gian cải tạo, để có thể tạo dựng lại cuộc đời từ
con số không, hoặc tốt hơn nữa, là sự trở lại cơ quan nông nghiệp mình đã từ đó
ra đi.
Cũng theo thông cáo trên, thời gian trình diện cải tạo dành
cho hai thành phần sĩ quan và viên chức trên là các ngày 13,14 và 15.6.1975. Sĩ
quan trình diện ở nhiều nơi, riêng thành phần dân sự thì ngày 13 và 14.6 tại
trường Gia Long, ngày 15.6 tại trường Trưng vương, gần Thảo cầm viên (Sở thú).
Một sự tình cờ đã chi phối khá nhiều vào lịch trình diện này:
ngày 13.6 rơi vào “ngày thứ sáu 13”, một điều kỵ của người Công giáo; còn ngày
14.6 lại là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, người Phật giáo ít ai quên câu: Mùng
5, mười bốn, hăm ba – Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn. Phải chăng sự tình cờ
này đã biến ngày 15.6 còn lại thành ngày “ám ảnh” của mọi người?
Mình thì không dị đoan, song vì lưu luyến hai cô con gái còn
quá nhỏ (6 và 3 tuổi) nên cũng chờ đến ngày cuối cùng mới đi trình diện.
Sáng ngày hôm ấy, dòng người xếp hàng chờ “nhập trường” Trưng
vương trải dài từ cổng Thảo cầm viên đến đường Hồng Thập tự (nay là Nguyễn Thị
Minh Khai), ban tổ chức cho vào từng nhóm một để còn có thì giờ lập nhiều thủ tục
khác ở trường. Tiếng là gọi đến cấp Phó Tổng thống, song trong thành phần trình
diện, chỉ có một ông cựu Chủ tịch Hạ viện (Nguyễn Bá Lương) và một ông cựu Chủ
tịch Tối cao pháp viện (Trần Minh Tiết), từng là hai nhân vật thứ 4 và thứ 5 của
chế độ. Riêng với thành phần dân biểu, nghị sĩ, một số người – tự nhận hoặc được
báo chí xếp hạng – thuộc “thành phần thứ ba” như Lý Quý Chung (Chánh Trinh), Hồ
Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba… thì được miễn đi học, sau đó lại còn được
phép phát hành tờ báo Tin Sáng, và chỉ “hoàn thành nhiệm vụ” vào đầu thập niên
1980.
Với các cựu dân biểu, nghị sĩ khác phải đi HTCT, chuyện cũng
chưa hết. Họ xoay được từ Ban quân quản Quốc hội một tờ giấy giới thiệu, có lẽ
nhằm giúp họ được … vào tù sớm và nhanh hơn, nên trong lúc dòng người xếp hàng
có thứ tự đang nôn nóng đợi đến phiên mình thì khoảng một chục ông dân cử ấy từ
đâu chen ngang vào, xuất trình tờ giấy giới thiệu cầm trên tay như tấm bùa hộ mệnh.
Sự xuất hiện bất ngờ của đám người bon chen này đã gây ra một
phản ứng sôi nổi của đám đông, căng thẳng đến mức mấy cán bộ bảo vệ trẻ xem đây
là dịp thử súng tốt nhất. Họ chỉa thẳng mũi súng lên trời, thị uy bằng mấy loạt
đạn nhắm vào tàng cây me cổ thụ gần nhất. Một trận mưa lá me rơi lên đầu các sĩ
tử, và nếu lúc đó được như bây giờ, đã có smartphone để quay phim hay chụp ảnh,
thì đó sẽ là một trong những khung hình đẹp và lãng mạn nhất kể từ tháng
4.1975!
Cuối cùng thì mọi việc cũng êm xuôi. Đại đa số “sĩ tử” được nhập
trường Trưng vương, lập thủ tục “nhập học”. Một thiểu số không nhỏ bị từ chối
vì trường đã quá đông, mà trời sắp tối, phải lủi thủi trở về nhà trong tâm trạng
bất an.
Mà họ có lý khi bất an như vậy! Vì tuy chỉ mới sau hơn một
tháng mà chính quyền nhân dân đã hoạt động có hiệu quả. Với tai mắt nhân dân,
ngay trong đêm 15.6 đó, hầu hết những người không được cho “nhập trường” đều bị
gõ cửa nhà và bị dẫn giải đi, với cái tội “trốn trình diện cải tạo”. Mặc cho đã
thanh minh thanh nga với mọi lý do lý trấu, họ bị tống hết vào trại giam Chí
Hòa, cung cấp bữa tiệc máu bất ngờ cho đám muỗi đói, để rồi sáng hôm sau, sau
khi các cơ quan đều biết rõ về lý do bất khả kháng của họ, họ mới được thả về.
Cuối tháng 6, họ được lệnh đi trình diện bổ sung, theo diện HTCT 30 ngày, cùng
lúc với các sĩ quan cấp úy, được thông báo phải “mang theo tiền bạc và vật dụng
đủ dùng trong 10 ngày”!
*****
Mấy kỷ niệm về một đoạn
đời sau tháng 4-1975 (Kỳ 2)
05/04/2024
https://baotiengdan.com/2024/04/05/may-ky-niem-ve-mot-doan-doi-sau-thang-4-1975-ky-2/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/2-2.jpeg
Một hình ảnh tại làng cô nhi Long Thành. Cơ sở này được thành
lập năm 1967, có 3.000 em cô nhi, đến năm 1972, bị giải thể. Tấm bảng trong ảnh
mang dòng chữ Việt và Anh có nghĩa “Xin đừng bắn vào làng cô nhi”. Ảnh của nhà
báo Larry Burows in trên tạp chí Life (Mỹ), đăng lại trên Flickr.com
II)
NHỮNG ĐOÀN XE GIỮA ĐÊM HÔM KHUYA KHOẮT
Với
số tiền ăn đã đóng hơn 13.000 đồng cho một tháng, ngay buổi chiều nhập trường
Trưng Vương, mọi người đã nhìn thấy nhiều chiếc xe của nhà hàng Á Đông và nhà
hàng Đồng Khánh chở thức ăn tới. Bữa ăn sang trọng gấp 3, gấp 4 một bữa ăn
thông thường hàng ngày! Sự yên tâm, phấn khởi nhờ thế mà tăng lên.
Khoảng
10 giờ 30 tối hôm sau, 16.6.1975, mọi người được lệnh tập trung hết dưới sân
trường Trưng Vương, mang theo đầy đủ tư trang, vật dụng. Sau những thông báo và
quy định cần thiết về trật tự, sự im lặng cần thiết trong hành trình sắp tới, mọi
người lặng lẽ leo lên những chiếc xe GMC bít bùng, khung xe được bao bọc bởi những
tấm bạt nối với nhau, để lộ nhiều chỗ hở, giúp người trong xe có thể nhìn
thoáng ra ngoài.
Xe
bắt đầu lăn bánh vào khoảng 11 giờ khuya, trong một thành phố ngủ yên như đã chết.
Chúng tôi nhìn vẻ im vắng của nó qua những khe hở của tấm bạt phủ trùm xe, biết
rằng xe đang chạy về hướng Biên Hòa. Rồi xe rẽ phải về hướng Vũng Tàu. Có những
tiếng thì thào: Chẳng lẽ họ sẽ đưa mình xuống tàu?
Câu
hỏi được sớm trả lời khi xe đột ngột dừng lại và rẽ trái, đi lên một khoảng dốc
lài. Rồi xe dừng hẳn, tắt máy. Chúng tôi nhảy xuống xe. Một vài người chợt nhận
ra đây từng là “Làng cô nhi Long Thành”, nơi mà trước đó vài năm, cứ vào mỗi chủ
nhật, nhiều người kéo nhau lên để thực hiện công tác thiện nguyện đối với hàng
ngàn em cô nhi bất hạnh. Người điều hành làng cô nhi lúc đó có cái tên mộc mạc
là “ông Tư Sự”, sau nghe nói là người của ‘bên thắng cuộc’.
Làng
cô nhi Long Thành đêm 16.6 ấy chỉ còn là một khu vực hoang vu, những dãy nhà
dài trống hoác, im lìm. Theo sự sắp xếp đội, tổ khi chúng tôi vào trình diện ở
trường Trưng vương, mỗi người được phân vào một dãy nhà dài độ 60 mét, ngăn
thành 4 căn, dãy đầu tiên mang số 1, còn gọi là A16, dãy số 2 là A14, và cứ như
thế tiến dần lên. Tiếp nhận chúng tôi là những cán bộ miền Nam tập kết, vui vẻ,
thân thiện. Tại nhà 2, nơi tôi đến, anh cán bộ bỏ tiền túi ra đi mua những
khoanh kẽm giăng dọc theo nhà để mọi người có chỗ máng dây mùng.
Tiếc
là những con người vẫn còn mang dáng dấp chơn chất, dễ gần ấy chỉ tạm thời đảm
nhận công việc, trong lúc đợi trung ương cử về những cán bộ chuyên trách thuộc
Cục quản lý trại giam Bộ Nội vụ. Và ngày ấy đã đến, chỉ sau không đầy một tuần
lễ, với những cán bộ mới phần lớn xuất phát từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
gương mặt khắc khổ và tiếng nói nặng chịch, khó nghe.
III)
HỌC VIÊN HAY TRẠI VIÊN?
Trong
khoảng thời gian tiếp sau tháng 6.1975 ấy, không phải mọi việc đều đã rõ ràng.
Nhiều sự thực lộ dần ra, nhanh hay chậm còn tùy vào sự tìm hiểu và nhạy bén của
mỗi người.
Trước
tiên là cách gọi dành cho những sĩ quan, viên chức chế độ VNCH đi “học tập cải
tạo” (HTCT) dài hạn. Trong năm đầu tiên, họ được gọi là “học viên”, với cách hiểu
họ còn là “nghi can”, chưa thành án. Cũng vì thế, làng cô nhi Long Thành, nơi họ
đến học tập, có tên là “Trường 15 NV”, chứ chưa phải là “trại”. NV là cách viết
tắt của hai chữ Nội vụ, trường do Cục quản lý trại giam, Bộ Nội vụ, trực tiếp
quản lý, phân biệt với phần lớn các trường trại ở các tỉnh, do chính quyền địa
phương trực tiếp quản lý.
Trong
lúc các tướng tá được sắp xếp ở nhiều trung tâm khác nhau thì tất cả thành phần
dân sự được tập trung hết vào trường 15 NV Long Thành (một huyện của tỉnh Đồng
Nai lúc bấy giờ). Từ ngày 17.6.1975, nơi đây có gần 3.000 học viên, được chia
thành 4 khối:
–
Khối 1 đông đảo nhất, gồm công chức hành chánh, thẩm phán, dân biểu, nghị sĩ… Hầu
hết “tinh hoa” của chế độ đã bại trận nằm trong khối này, từ ông cựu Chủ tịch Hạ
viện, ông cựu Chủ tịch Tối cao Pháp viện, đến ông cựu Tổng trưởng Tài chánh,
các dân biểu, nghị sĩ trưởng khối trong Quốc hội…
–
Khối 2 gồm thành viên các đảng phái “phản động” từ cấp Phó bí thư quận, huyện
trở lên, nhiều nhất là đảng Dân Chủ của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, kế đến
là các thành viên đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc dân đảng.
Trong
khối này có ít nhất hai nhân vật nổi bật nhất.
Người
thứ nhất là cụ Vũ Hồng Khanh, người từng lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng và hợp
tác cùng chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống Pháp sau năm 1945. Sau gần
50 năm, mình vẫn còn nhớ hình ảnh của cụ: Búi tóc nhỏ sau gáy, bộ bà ba đen,
chiều chiều, cụ hòa vào dòng người đi tản bộ trên “đại lộ hoàng hôn”. Khi đi, cụ
hơi cúi người về phía trước, hai bàn tay nắm chặt lại phía sau lưng, rảo bước một
mình, không trò chuyện với ai.
Người
thứ hai là luật sư Nguyễn Lâm Sanh, trước tháng 4.1975 là Phó chủ tịch Liên
minh Á châu chống Cộng (chủ tịch là ông Phan Huy Quát, cựu Thủ tướng VNCH, sau
chết trong một trại cải tạo). Nghe kể rằng trước khi ra khu, luật sư Nguyễn Hữu
Thọ có mở chung văn phòng với LS Sanh, khi ra khu, ông Thọ có nhờ ông Sanh chăm
sóc giúp gia đình, và nghe đâu ông Sanh từng cho một người con trai của ông Thọ
sang Pháp học (?). Những chi tiết này chì là nghe qua lời đồn đãi, còn cần kiểm
chứng rõ ràng hơn, xin kể lại với tất cả sự dè dặt.
Đến
khoảng tháng 10 năm 1975, Cục quản lý trại giam Bộ Nội vụ cử một đoàn cán bộ
đông đảo lên Long Thành để hoàn tất hồ sơ mỗi học viên. Họ chụp ảnh, lăn tay và
làm nhiều thủ tục cần thiết khác cho học viên. Nghe đâu ông Nguyễn Hữu Thọ, lúc
đó là Phó Chủ tịch nước, có nhờ người con trai lên theo đoàn công tác, thăm LS
Nguyễn Lâm Sanh, kèm theo mấy món quà. Đó cũng chỉ là “nghe đâu” thôi, xin
không coi đó là thông tin có căn cứ xác đáng!
–
Khối 3 gồm toàn các viên chức thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, mà theo
thông cáo của Ủy ban Quân quản là “thuộc thành phần trung cấp trở lên”. Sự khác
biệt trong cách hiểu từ “trung cấp” đã dẫn đến một hệ quả cười ra nước mắt. Người
miền Nam lúc ấy hiểu từ công chức “trung cấp” là những người thuộc hạng B, từ
ngạch thư ký đánh máy trở lên. Thế là các cô cậu nhân viên đánh máy ở Phủ Đặc ủy
rùng rùng đi trình diện học tập cải tạo, một số rất đông là nữ.
Mãi
đến khoảng 6 tháng sau, sau khi xem kỹ hồ sơ, biết họ chỉ là những nhân viên thừa
hành cấp thấp, Cục quản lý trại giam đã trả tự do cho họ. Trong số những người
về đợt này, có con trai anh Nguyễn Đình Xướng, người đàn anh của anh em Quốc
gia Hành chánh, chức vụ cuối cùng là Tổng Quản trị Hành chánh Phủ Tổng thống,
mà người viết bài này từng có một bài viết dài về anh trên Facebook.
Vẫn
còn nhớ rõ hình ảnh anh Xướng đứng ở đầu nhà gọi nhắn theo cậu con trai hối hả
đi theo đoàn người ra cổng trại trong ngày được trả tự do ấy.
Trong
số các viên chức “trung cấp” thật sự của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo trình
diện cải tạo thuộc khối 3, có khá nhiều người từng tốt nghiệp khóa Cao học Hành
chánh. Trong một dịp họ sắp tốt nghiệp, Phủ Đặc ủy quá cần người, đã được phép
Phủ Thủ tướng qua Học viện Quốc gia Hành chánh chọn nhiều người trong số họ để
đưa sang Phủ làm việc ngay sau khi họ tốt nghiệp. Đa số những người này bị chọn
ngoài ý muốn. Riêng người viết bài này có một người bạn đồng môn, đồng song,
làm Chánh Sở Bắc Việt vụ tại Phủ nói trên, cái tên sở nghe qua đã lạnh người!
–
Khối 4 gồm các sĩ quan cảnh sát từ cấp Thiếu tá trở lên. Trước năm 1972, khi
ngành cảnh sát chưa chuyển qua chế độ cấp bậc như quân đội, họ là những viên chức
thuộc ngạch Quận trưởng cảnh sát (có bằng Cử nhân luật trở lên), hoặc Biên tập
viên cảnh sát có thâm niên. Đại đa số họ thuộc phái nam, chỉ có một số rất ít
là nữ, trong đó có nữ Thiếu tá NTT, biệt đội trưởng biệt đội Thiên Nga, một tổ
chức đặc biệt gồm toàn nữ trong guồng máy cảnh sát VNCH lúc bấy giờ.
Khối
1 đông hơn cả, được phân cho khoảng 6 dãy nhà, từ nhà 1 đến nhà 6, Dãy đầu tiên
gọi là Nhà 1, có ít nhất hai nhân vật khá nổi tiếng thời đó. Đó là luật sư Trần
Văn Tuyên, một nhân sĩ trí thức từng thuộc nhóm Caravelle, rất được công chúng
ngưỡng mộ. Người thứ hai là nhà báo, nhà hoạt động chính trị Phạm Thái, bút
danh của ông Nguyễn Ngọc Tân (?), thành viên đảng Đại Việt. Trong số mấy ngàn học
viên ở Long Thành lúc đó, ông Phạm Thái có vinh dự được các phương tiện truyền
thông nhắc đến nhiều về việc trước năm 1975, ông từng có bài báo lên án vở kịch
Lá Sầu Riêng của kịch sĩ Kim Cương là sản phẩm tuyên truyền cho phía CS. Mà thật
vậy, sau 1975, chính tác giả vở kịch và nhiều cây bút XHCN đã khẳng định điều
đó.
Ông
Phạm Thái thường qua nhà 2, nơi tui ở, để nói chuyện, và chứng tỏ một kiến văn
quảng bác về nhiều vấn đề chính trị, xã hội trên thế giới. Theo yêu cầu của anh
em, ông còn mở lớp dạy Hán văn, song chỉ mấy ngày sau, lớp học này bị buộc phải
giải tán. Với quan điểm và quá trình hoạt động chính trị của ông, ai cũng nghĩ
rằng thời gian ở trại của ông sẽ phải thâm niên hơn nhiều so với đa số những
người khác. Nhưng không, mọi suy đoán đều sai lạc một cách thảm hại.
Chỉ
khoảng 2 tháng sau, ông Phạm Thái được ra về theo một quyết định mà trong đó,
ông được ghi là can tội “Giám đốc”, một chức vụ mà không ai từng nghe nhắc đến
về ông. Đây là sự bất ngờ lạ lẫm nhất, để rồi lại có tin đồn rằng ông là anh của
phu nhân một vị lãnh đạo rất cao từng có thời gian mấy năm ở lại miền Nam sau
hiệp định Genève 1954. Đây cũng là một loại “tin đồn vô căn cứ” khác.
Về
mặt nhân sự, dãy nhà 2 của tui có lẽ là một trong mấy nơi hùng hậu nhất. Ở đây
có các ông:
–
Trần Minh Tiết, cựu Chủ tịch Tối cao Pháp viện
–
Lưu Văn Tính, chuyên gia tài chính, cựu Tổng trưởng Tài chánh, trước tháng
4.1975 là cố vấn tài chánh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
–
Nguyễn Xuân Phong, Trưởng phái đoàn VNCH tại hòa đàm Paris trước tháng 2.1973
–
KTS Ngô Viết Thụ, khôi nguyên giải La Mã, người tái thiết dinh Độc lập vào đầu
thập niên 1960
–
Anh Nguyễn Đình Xướng, Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh) thời Ngô Đình Diệm, chức
vụ cuối cùng: Tổng Quản trị Hành chánh Phủ Tổng thống
–
Cụ Phạm Trọng Nhân, nhân viên ngoại giao kỳ cựu, cựu Đại sứ VNCH, chức vụ cuối
cùng: Giám đốc Nha nghi lễ Bộ Ngoại giao…
Trong
một bài viết trên Facebook vào cuối tháng 4 một năm nào đó, tui có nhắc đến sự
“gặp gỡ” tình cờ tại trại Long Thành giữa ông cựu trưởng phái đoàn hòa đàm VNCH
Nguyễn Xuân Phong và ông cựu trưởng phái đoàn hòa đàm VNDCCH Xuân Thủy, có khác
chăng là lúc đó Nguyễn Xuân Phong là một tù nhân đứng bên cửa sổ nhìn ra, còn
Xuân Thủy là một cán bộ cao cấp đi thị sát trại, có một nhóm cán bộ lãnh đạo trại
khép nép theo sau. Trong tình huống bất ngờ đó, tui tình cờ đứng cạnh ông
Phong, tò mò liếc qua, thấy ông chống tay lên hông, nhìn cảnh tượng diễn ra bằng
một đôi mắt thật bình thản.
(Còn
nữa)
*****
Mấy kỷ niệm về một đoạn
đời sau tháng 4-1975 (Kỳ 3)
08/04/2024
https://baotiengdan.com/2024/04/08/may-ky-niem-ve-mot-doan-doi-sau-thang-4-1975-ky-3/
(Hồi
ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi
cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và
không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế
kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình
tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình…).
Thân
tặng Moc Nguyen và các bạn đồng
cảnh ngộ ở Long Thành, Xuyên Mộc (1975-1982).
IV)
CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA SAU THỜI HẠN MỘT THÁNG?
Trong
tháng đầu tiên ở Long Thành, mọi người được trải qua một đời sống thoải mái, xe
của các nhà hàng Á Đông và Đồng Khánh tiếp tục chở thức ăn lên. Song ngay trong
buổi sáng đầu tiên sau cái đêm khuya được chở lên trại bằng xe camion bít bùng,
mọi người sớm chứng kiến một cảnh tượng lạ lẫm. Một chiếc GMC không mui chở
theo khoảng một chục thanh, tráng niên gầy gò, trên thân người chỉ độc một chiếc
quần đùi. Những anh này được thả xuống, với cuốc xẻng trên tay, bắt đầu đào những
hố xí dọc theo hàng rào kẽm gai vây quanh làng cô nhi cũ.
Cảnh
tượng lúc ấy giữa chúng tôi và nhóm người này là một trời một vực. Một bên là
ăn trắng mặc trơn, một bên là tả tơi, ốm đói. Đứng cách nhau độ 3-4 mươi mét, một
người trong chúng tôi bỗng kịp nhận ra một trong số người mặc quần đùi này là
anh Trưởng ty Công chánh Phước Long!
Ôi,
vậy họ là những công chức, quân nhân thuộc tỉnh Phước Long cũ, bị quân đội miền
Bắc bắt làm tù nhân chiến tranh sau khi tỉnh Phước Long thất thủ toàn diện vào
tháng 1.1975! Sự kiện đánh chiếm tỉnh Phước Long – một vi phạm nghiêm trọng hiệp
định Paris 1973 – là phép thử quan trọng đầu tiên, cho thấy chính quyền Mỹ hậu
Nixon đã quay lưng hẳn với người bạn đồng minh của mình!
Người
trong nhóm chúng tôi mừng thấy lại bạn cũ. Họ gọi nhau, nhận ra nhau, và anh
Trưởng ty Công chánh đã chỉ vào cơ thể ốm yếu của mình, nói to một câu bất ngờ:
“Rồi tụi bây cũng sẽ như tụi tao bây giờ!”.
Câu
nói đó hầu như không thuyết phục được ai, vì cuộc học tập cải tạo (HTCT) kéo
dài chỉ 30 ngày là “niềm tin tất thắng” của hầu hết chúng tôi. Và chúng tôi
nhanh chóng quên đi câu nói của anh Trưởng ty Công chánh Phước Long!
Khi
đi trình diện HTCT, một số người trong chúng tôi không quên mang theo những gói
hạt giống, nhiều nhất là hạt rau muống, xới khu đất rộng ngăn cách nhà ở với
hàng rào, làm thành từng luống nhỏ, gieo xuống những hạt mầm, như ươm lấy niềm
hy vọng trong cuộc sống mới. Chàng tuổi trẻ lúc ấy mới 31 tuổi, là tuổi khởi đầu
của giai đoạn đẹp nhất trong đời người, nhìn những lá rau muống xanh tươi nhú
lên khỏi mặt luống trồng, tức cảnh sinh tình, viết nên những câu thơ chứa chan
hy vọng:
Anh
ngồi xuống ngọn đồi đầy cỏ dại,
Nghe
mồ hôi từng giọt nóng trên mình,
Hạt
giống nào trong giây phút hồi sinh,
Hơi
thở nhẹ len vào từng thớ đất …
Mình
yêu nhất hai câu cuối của đoạn thơ này, chúng nói lên sự lạc quan, sự bừng nở của
một cuộc sống mới mà mình đang hướng về.
Nhiều
người đàn ông có dịp trở về đời sống trẻ thơ của mình. Họ tháo những cánh cửa sổ
làm bằng cây thao lao (bằng lăng) còn dính vào khung cửa, gỡ từng miếng lá sách
ra, dùng cưa tự chế, cưa thành những bộ xếp hình 7 mảnh, cái hình chữ nhật, cái
hình tam giác, cái hình thang, xếp lại thành ra hàng trăm hình tượng khác nhau.
Gặp những miếng ván to hơn, họ cưa thành 4 bánh xe là 4 chân con thỏ, tạo hình
mình con thỏ, đầu và đuôi con thỏ, tất cả được gắn lại với nhau, khi đẩy bánh
xe đi, cái đầu và cái đuôi con thỏ lúc la lúc lắc cùng một nhịp.
Người
viết bài này là kẻ vụng về bậc nhất, vậy mà lòng thương con và nỗi nhớ gia đình
cũng khiến xui anh ta làm được hai bộ xếp hình và hai con thỏ, trông đợi một lần
thăm gặp để tặng cho con.
Chúng
tôi cứ sống êm đềm như thế thì bỗng nhiên vào khoảng 15 ngày sau, người ta dựng
lên trên khoảng đất trống một ngôi nhà gỗ lợp tole, bốn bề không có vách che.
Trong ngôi nhà đó, người ta đóng mấy dãy kệ, và lạ lùng hơn nữa là có cả một
chiếc ghế hớt tóc! Chả lẽ người ta còn nghĩ đến việc chăm sóc sắc đẹp cho chúng
tôi, để sau 30 ngày, trả chúng tôi về với gia đình?
Một
buổi trưa, để tránh cái nóng nực và chật chội của dãy nhà chứa gần 300 con người,
chúng tôi kéo nhau ra ngôi nhà mới dựng, chưa biết để làm gì. Tôi ngồi cạnh Phạm
Đình Thăng, người bạn cùng trường, cùng khóa, có biệt danh là “Thăng đại sư”,
vì anh giỏi tài kể chuyện Tam Quốc Chí, lúc kể chuyện, luôn đặt một tay trước
ngực và tự xưng là “bần đạo”. Trong câu chuyện, đột nhiên Thăng tuyên bố một
câu “khó nghe”, tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ: “Có một lúc nào đó, mày sẽ thấy
thời gian cải tạo một năm là lý tưởng, rồi có một lúc nào đó, mày thấy 3 năm là
lý tưởng”.
Tôi
cho lời nói của Thăng chỉ là chuyện bông đùa, không tin được. Mãi đến sau này mới
biết nguyên ủy của câu nói. Thăng là người Quảng Ngãi, trước 1954, mẹ anh từng
trải qua nhiều năm ở Liên khu V, tích lũy nhiều kinh nghiệm, hôm anh chuẩn bị
hành lý đi trình diện cải tạo, bà ân cần nhắc nhở: “Con không đi một tháng
đâu, phải chuẩn bị tinh thần ở lâu dài”. Bà cụ quả là một người sáng suốt!
Mặc
dù sự hiện diện của ngôi nhà mới dựng dành làm căng-tin và chiếc ghế hớt tóc
như một thách thức, song “niềm tin 30 ngày” vẫn không tàn lụi trong mỗi chúng
tôi. Chúng tôi an ủi nhau bằng lập luận rằng, người ta làm căng-tin để đón người
mới tới, sau khi chúng tôi đã ra về.
Những
ngày thứ 27-28, tâm trạng nhiều người luôn căng thẳng, họ suy luận khá
“logique” rằng thì là khi người ta chở mình lên Long Thành bằng những chuyến xe
bít bùng chạy trong đêm khuya vắng thì khi trả chúng ta về, cũng sẽ bằng một
cách thức như thế!
Từ
ngọn đồi cao của làng cô nhi cũ nhìn xuống, đèn pha của xe cộ chạy ra Vũng Tàu
như một sự trêu ngươi. Chúng tôi mong chúng rẽ trái, chỉa đèn về hướng ngọn đồi
nơi chúng tôi đang mong ngóng, song chúng hết sức vô tình, cứ pha đèn chạy thẳng
hướng Vũng Tàu!
Cuối
cùng thì chúng tôi cũng không phải hồi hộp lâu nữa. Có lẽ những người có trách
nhiệm sợ để lâu, chúng tôi hồi hộp quá, đứt gân máu mà chết.
Vào
ngày thứ 31 hay 32 gì đó, chúng tôi được tập họp lại, nhận một thông báo rõ
ràng và dứt khoát: “Sau một tháng, kể từ nay, cách mạng sẽ nuôi ăn các anh!”
Một
trời hy vọng sụp đổ! Chị thẩm phán PTH, cái bụng thè lè 5-6 tháng, bật khóc như
chưa bao giờ được khóc!
Chị
thẩm phán có đủ lý do để khóc như vậy, vì làm sao biết chị sẽ sinh con ở đâu?
May mà trong đợt về đầu tiên sau hai tháng, chị có tên chung với nhà hoạt động
chính trị Phạm Thái đã kể trên.
Về
chung với ông Thái và chị PTH trong đợt này, còn có một người đặc biệt nữa. Anh
đi trình diện cải tạo với tư cách một viên chức của Bộ Chiêu hồi, cơ quan có ân
oán bậc nhất với bên thắng cuộc. Nhiều người tin rằng anh sẽ đi mút mùa Lệ Thủy,
song theo một bản tin đăng trên báo SGGP lúc bấy giờ, sau hiệp định Geneve
1954, gia đình anh ở Bàn Cờ là nơi đón tiếp thường xuyên ông L.D, có lúc vào
ra, có lúc ở lại lâu dài. Bài báo đã tiết lộ sự việc một cách hết sức rõ ràng
nên không ai ngạc nhiên khi một viên chức làm ở Bộ Chiêu hồi như anh lại được về
sớm như vậy.
Sau
ngày thứ 30, sự thay đổi chế độ dinh dưỡng diễn ra nhanh quá, giá trị khẩu phần
ăn đang từ hơn 400 đ do sự tự đóng góp của học viên bỗng tụt xuống còn dưới 100
đ/ngày theo chế độ tập trung cải tạo. Gạo chứa đầy hạt cỏ, chỉ riêng việc loại
bỏ chúng cũng tốn rất nhiều thì giờ. Không lâu sau, lần đầu tiên, chúng tôi làm
quen với một thứ lương thực chưa bao giờ nghe nói tới: Bo bo.
Những
hạt nhỏ bé này có lớp vỏ như hạt bắp (ngô), nếu không bị nhai nát, mà chỉ nuốt
trộng, thì khi xuống bao tử, chúng không coi axit trong dịch vị ra gì, nhập thế
nào thì xuất thế đó, không một chất dinh dưỡng nào ngấm vào cơ thể.
Khi
chưa vào trại, nghe dến phương pháp dưỡng sinh Ohsawa với gạo lứt muối mè, phải
nhai đủ 100 cái rồi mới nuốt, mình đã ngán ngẩm lắm rồi. Vậy mà hôm đó mình thử
nhai một ngụm bo bo xem sao, kết quả là phải nhai gần… 120 cái, chúng mới chịu
nát ra hết để có thể yên lòng mà nuốt xuống bụng!
Căng-tin
lúc ấy đã bắt đầu hoạt động, song tiền bạc mang theo cũng chẳng còn bao nhiêu,
vì tưởng chỉ cần tiêu xài trong một tháng. Nhà bếp cũng hoạt động với thành phần
thợ nấu thuê mướn từ bên ngoài, học viên thay nhau xuống đó làm những việc nặng
nhọc như bửa củi, xách nước, khiêng cơm.
Nhiều
người quen nếp sống cũ, cơ thể phản ứng, làm phát sinh những thòm thèm kỳ lạ. Một
dược sĩ nổi tiếng khắp miền Nam, chủ một hãng dược lớn, đã mò xuống bếp nhờ người
bạn quen kiếm cho một miếng… cơm cháy. Dẫu sao, sự thòm thèm đó còn dễ chịu,
khó chịu nhất là những bệnh hoạn dễ phát sinh do sức đề kháng của cơ thể bị giảm
sút nặng nề. Đó sẽ là câu chuyện của những bài viết sau.
No comments:
Post a Comment