Kishida
và Marcos Jr. gặp Biden
11/04/2024
https://www.voatiengviet.com/a/kishida-va-marcos-jr-gap-biden/7564719.html
Các chính phủ Mỹ sau này đã rút kinh nghiệm của “Đường Phòng
thủ Acheson” cho nên đã ký các hiệp ước bảo vệ Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines
và Australia.
https://gdb.voanews.com/06a20000-0aff-0242-059e-08db06673d6e_w1023_r1_s.jpg
Ông Tập Cận Bình sẽ phải chọn, nếu ủng hộ Nga, một đồng minh
thất thế, thì sẽ lãnh các hậu quả do lệnh cấm vận của Mỹ. Hình minh hoạ.
Ngày
Thứ Ba 9 tháng 4, chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov,
chuẩn bị cho Tổng thống Vladimir V. Putin sẽ đến Bắc Kinh cầu viện. Tuần trước,
bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet L. Yellen đã nhắc nhở các công ty Trung Quốc sẽ bị
chế tài nếu giúp mua vũ khí cho cuộc chiến của Nga. Ông Tập Cận Bình sẽ phải chọn,
nếu ủng hộ Nga, một đồng minh thất thế, thì sẽ lãnh các hậu quả do lệnh cấm vận
của Mỹ. Trong khi đó, lãnh tụ hai nước đồng minh ở Á Đông cùng qua Mỹ để thúc đẩy
hợp tác mật thiết với nhau hơn.
Ngày
Thứ Năm, Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống
Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. nước Philippines. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu
tiên giữa ba người, và họ nói trước sẽ không nhằm chống lại nước nào khác.
Nhưng ai cũng hiểu, họ sẽ bàn chuyện đối phó với ông Tập Cận Bình. Tổng thống
Marcos chủ động thúc đẩy việc này, vì trên mặt biển, Philippines đang trực tiếp
đối đầu với Trung Cộng.
Hải
quân hai nước mới đụng độ tại khu Thomas Shoal số 2, 194 km cách đảo Palawan của
Philippines và 32 km cách căn cứ quân sự trên đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef)
trong vùng đảo Trường Sa mà Trung Cộng đã chiếm đóng. Trong vùng các bãi cạn
Thomas 2, hải quân Phi đã tự đánh đắm một tàu đổ bộ, Sierra Madre, vào năm
1999, để dùng làm chỗ đóng quân! Trung Cộng đã nhiều lần cản trở các tàu tiếp tế
cho binh sĩ Philippines đồn trú tại đó, với các tàu hải giám phun nước, máy bay
trực thăng. Gần đây, một chiếc tàu Trung Cộng đã đâm ngang sườn một thuyền tiếp
tế của Philippines.
Tổng
thống Marcos Jr. đã phản ứng mạnh mẽ. Ông tuyên bố Philippines sẽ không “hèn
nhát cúi đầu ngậm miệng, chịu khuất phục hay quy hàng.” Phát ngôn viên của Hội
Đồng An ninh Quốc gia ở Manila tuyên bố: “Chúng ta cam kết duy trì và bảo vệ
binh sĩ đóng trên tàu Sierra Madre; bất cứ hành động ngăn cản nào của Trung Quốc
sẽ bị quân đội Phi chống cự.” Thái độ cứng rắn này trái ngược hẳn với sự kiện Gạc
Ma năm 1988 khi quân Trung Cộng tấn công đảo, hải quân Việt Nam được lệnh không
chống cự. Sierra Madre chỉ là một chiếc tàu mắc cạn, quá nhỏ bé so với Gạc Ma với
nhiều hòn đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của nước ta.
Tập
Cận Bình đã thi hành một chương trình bành trướng và củng cố sức mạnh trong
vùng biển Đông Nam Á, sau khi đã thành công chiếm đóng các hòn đảo của Việt
Nam, thế nào cũng phải đụng tới Philippines. Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã
nuôi ảo tưởng kết thân với Trung Cộng, hy vọng sẽ đổi lấy các dự án đầu tư;
nhưng cuối cùng không được gì cả. Ông Marcos bắt buộc phải đổi ngược chiều
chính sách của người tiền nhiệm.
Philippines
nắm thế mạnh về pháp lý. Năm 2016, chính phủ Phi đã kiện Trung Cộng tại Tòa án
Quốc Tế ở Den Haag (The Hague, Hòa Lan) và toàn thắng. Tòa tuyên bố tất cả các
hành động của Trung Quốc trong vùng biển này là “bất hợp pháp,” kể cả bản đồ
“đường chín đoạn,” việc đắp bồi các hòn đảo nhân tạo, xây dựng các phi trường
và căn cứ quân sự.
Một
mình Philippines không đủ sức đối phó với Cộng sản Trung Quốc. Nhưng vùng Biển
Đông nước ta là con đường hàng hải quan trọng nhất ở Á châu; hàng ngàn tỷ đô la
hàng hóa, dầu lửa và nguyên liệu đi qua thường xuyên. Chủ trương đe dọa để bành
trướng của Tập Cận Bình, là động cơ thúc đẩy các nước khác phải đoàn kết chống
lại. Chính phủ Philippines đã liên kết với các nước trong vùng và các nước Âu Mỹ
để cùng bảo vệ quy tắc “hàng hải tự do.” Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar, đang
qua thăm Manila, cũng lên tiếng ủng hộ Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền
theo Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Năm
ngoái, lãnh đạo các nước Nhật và Nam Hàn đã gặp tổng thống Mỹ ở Camp David; năm
nay Philippines thay chỗ của Nam Hàn. Nhật Bản đã viện trợ cho Philippines nhiều
tàu thủy, máy radar và các kỹ thuật tuần tiễu duyên hải. Trong tuần sau, hải
quân Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Australia sẽ tập trận chung trong vùng biển
Đông Nam Á.
Các
chính phủ Mỹ, qua nhiều đời tổng thống thuộc cả hai đảng, đã xây dựng các liên
minh nhắm mục đích đề phòng Trung Cộng: AUKUS (Australia, Anh Quốc UK và Mỹ,
US); Quad (Bốn nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ). Nhiều người Mỹ đặt câu hỏi tại
sao nước họ phải lo bảo vệ các nước khác, ở những vùng xa xôi như vậy. Một lý
do giản dị nhất, là nhiều nước mạnh sẽ lấn áp các nước nhỏ chung quanh nếu họ
không được Mỹ cam kết bảo vệ. Nếu Nga chiếm được Ukraine và các nước thuộc Liên
Xô cũ thì họ sẽ đe dọa nền kinh tế các nước Âu châu và sẽ liên can đến kinh tế
Mỹ. Nếu Trung Cộng chiếm thế “một mình một chợ” ở vùng Á Đông thì nhiều nước sẽ
bị áp lực không tiếp tục giao thương tự do với các nước Âu, Mỹ; sau cùng sẽ gây
thiệt hại cho quyền lợi người Mỹ. Nói chung, ở khắp thế giới, nơi nào vắng mặt
nước Mỹ thì sẽ có các quốc gia khác nhảy vào chiếm chỗ.
Điều
này đã diễn ra trong quá khứ, để lại một bài học dài gần hai phần ba thế kỷ. Đầu
thập niên 1950, Mao Trạch Đông đã chiếm được chính quyền ở Trung Quốc; Stalin bắt
đầu củng cố quyền kiểm soát trên các nước cộng sản Đông Âu. Ngoài việc đóng
quân ở Nhật Bản và Tây Đức, hậu quả của Đại chiến Thứ Hai; giới lãnh đạo Mỹ có
khuynh hướng rút về lo chuyện nội bộ, tránh gặp rắc rối ở các vùng xa xôi. Ngày
12 tháng Giêng năm 1950, tại Câu Lạc Bộ Báo chí Toàn quốc (National Press
Club), ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson đã tuyên bố chủ trương ngoại giao của chính
phủ Mỹ. Các ý kiến của ông đã ảnh hưởng đến cục diện cả thế giới, đến nay vẫn
còn hệ quả.
Bài diễn văn đã vẽ ra một “Đường Chu vi Phòng thủ” của nước Mỹ; trong đó chính
phủ Mỹ chủ trương bảo vệ các vùng phía Tây của Thái Bình Dương – từ các quần đảo
Ryukyu, Kurile của Nhật Bản xuống phía Nam, gồm cả Philippines. Nhưng ông Dean
Acheson không nhắc đến Đài Loan và bán đảo Cao Ly đã chia đôi.
Đối
với Stalin, Mao Trạch Đông và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Nhật Thành, đây là một tín hiệu
quan trọng. Dean Acheson cho thấy chế độ Cộng sản có thể bành trướng tới những
nơi nào Mỹ sẽ bỏ rơi. Sáu tháng sau khi ông Dean Acheson nói, Stalin đã đồng ý
cho Kim Nhật Thành tấn công Nam Hàn, mà trước đó chính ông ta ngăn cản. Mao Trạch
Đông cũng thấy viện trợ vũ khí và gửi cố vấn qua chỉ đạo cuộc chiến chống Pháp ở
Việt Nam, Lào và Campuchia là một vụ đầu tư có lợi lâu dài cho quyền lợi Trung
Quốc.
Chính
phủ Mỹ chỉ gửi quân qua bảo vệ Nam Hàn khi thấy rằng một Đại Quốc thống nhất dưới
chế độ cộng sản sẽ đe dọa Nhật Bản cùng quân đội Mỹ đang trú đóng ở đó. Chứng
kiến cảnh quân Trung Cộng xung phong chết lớp này đến lớp khác trong chiến thuật
biển người ở Cao Ly, chính phủ Mỹ cũng bắt đầu viện trợ cho chính phủ Quốc Dân
Đảng ở Đài Loan để tự vệ.
Các
chính phủ Mỹ sau này đã rút kinh nghiệm của “Đường Phòng thủ Acheson” cho nên
đã ký các hiệp ước bảo vệ Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Australia. Những cuộc
gặp gỡ giữa các người lãnh đạo các nước này ở thủ đô là một cách để dân chúng Mỹ
công nhận và đồng ý những liên minh cần thiết này. Trong tương lai, chính phủ Mỹ
có thể thay đổi nhưng chiến lược trong vùng Á Đông vẫn cần thiết. Nếu các nước
Á Đông không tin tưởng vào những cam kết lâu dài của chính phủ Mỹ thì họ sẽ phải
tìm cách thân thiện với Cộng sản Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment