Friday, 19 April 2024

GIẢI CỨU SCB : LỢI BẤT CẬP HẠI (Hiếu Chân / Người Việt)




 

Giải cứu SCB: Lợi bất cập hại!

Hiếu Chân/Người Việt

April 19, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/giai-cuu-scb-loi-bat-cap-hai/

 

Không ngoài dự đoán của giới quan sát, chính phủ Việt Nam đã bơm tiền cứu ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (gọi tắt là SCB) của đại gia Trương Mỹ Lan, ngăn chặn một vụ sụp đổ dây chuyền cả hệ thống tài chính quốc gia. Nhưng cứu được không? Và bao nhiêu tiền là đủ?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/04/A1-Giai-cuu-SCB-1536x1024.jpg

Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (gọi tắt là SCB) của đại gia Trương Mỹ Lan được chính phủ Việt Nam bơm tiền cứu. (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Hãng tin Reuters tiết lộ hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tư, rằng Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) “đã bơm gần $24 tỷ vào ngân hàng SCB để ngăn ngân hàng này sụp đổ, và khoản vay đặc biệt đó cho nhà băng đã tiếp tục ít nhất là đến đầu Tháng Tư.”

 

Sang Thứ Bảy, 19 Tháng Tư, tại cuộc họp báo của NHNN, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc, chính thức xác nhận việc bơm tiền giải cứu SCB nói trên nhưng không xác nhận số tiền bơm ra là bao nhiêu. “SCB đã gây khó khăn hoặc có lẽ đang bị khủng hoảng. Giống như mọi ngân hàng trung ương khác, chúng tôi phải can thiệp. Điều đó phù hợp với quy định của chúng tôi,” ông Tú nói tại cuộc họp báo, theo Reuters.

 

Tại sao phải bỏ ra một số tiền khổng lồ, $24 tỷ như vậy chỉ để giải cứu một ngân hàng? Ông Tú cho biết “SCB là ngân hàng có quy mô, tổng tài sản lớn. Do đó đòi hỏi giải pháp xử lý cũng phải đủ lớn để thực hiện.” Ông nhấn mạnh, việc can thiệp vào nhà băng SCB là để “bảo đảm sự ổn định cho ngân hàng, ổn định hệ thống và bảo đảm an ninh trật tự xã hội,” theo báo Tuổi trẻ.

 

Quy mô của SCB lớn cỡ nào? Theo phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa diễn ra thì vào Tháng Mười, 2022, SCB có vốn điều lệ 15,231 tỷ đồng ($598.5 triệu) với 4,129 cổ đông, trong đó bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối gần 91.536% vốn điều lệ. Vốn ít như vậy nhưng theo báo cáo tài chính quý 2, 2022, của SCB, ngân hàng này đã huy động 594,630 tỷ đồng ($23.3 tỷ) tiền gửi của khách hàng, nhiều gấp 40 lần vốn. Có lẽ số tiền $24 tỷ mà NHNN phải gấp rút bơm vào SCB là nhằm trả cho người gửi tiền, tránh hiện tượng người dân lũ lượt giăng biểu ngữ phản đối, đòi tiền, làm mất an ninh trật tự xã hội mà ông Tú lo sợ.

 

Do SCB tồn tại chủ yếu để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của gia tộc bà Trương Mỹ Lan nên ngân hàng này sử dụng nhiều thủ đoạn để thu hút người dân gửi tiền, như đưa ra mức tiền lời cao hơn hẳn so với tất cả các ngân hàng khác. Tiền cho bà Lan vay chiếm tỷ lệ tới 97% tổng số tiền cho vay của ngân hàng SCB. Theo bản cáo trạng được trình bày tại tòa, trước khi bị bắt vào Tháng Mười năm ngoái, bà Lan và tay chân đã kịp chiếm đoạt của nhà băng SCB mà không có khả năng trả lại 304,096 tỷ đồng ($11.9 tỷ), cộng thêm số tiền lãi phát sinh 129,372 tỷ đồng ($5 tỷ) thành 433,000 tỷ đồng ($17 tỷ). Số tiền khổng lồ này bà ta dùng đầu tư vào hàng ngàn bất động sản, tiêu xài vương giả và hối lộ cho các quan chức chóp bu.

 

Riêng về hành vi hối lộ, bà Trương Mỹ Lan được tiếng là người rất hào phóng, sẵn sàng ném ra những khoản tiền lớn cho các quan chức có thẩm quyền có thể giúp bà đạt được mục đích. Chỉ để sửa đổi kết luận thanh tra theo hướng có lợi cho bà, bà Lan đã biếu không cho trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn $5.2 triệu, khoản tiền mà một người lao động nằm mơ cũng không thấy được. Bà Lan đã cho tay chân mang $1 triệu tiền mặt ra Hà Nội cống nạp cho tướng công an Phạm Quý Ngọ chỉ để viên tướng này ủng hộ bà ta tranh giành miếng đất cảng Khánh Hội khi hoạt động cảng chuyển ra Nhà Bè…

 

Không ai biết được, trong hơn 10 năm làm mưa làm gió ở thành Hồ, bà Trương Mỹ Lan đã đổ ra bao nhiêu tiền để hối lộ, chỉ biết chắc rằng không có sự bảo kê, đỡ đầu mà những khoản hối lộ này mua về, sẽ không có bà Trương Mỹ Lan đứng trước tòa hôm nay. Những khoản tiền hối lộ như vậy bây giờ đã biến thành biệt phủ, thành tài sản của nhiều quan chức, những kẻ giấu mặt đằng sau chiếc váy của người đàn bà mà phiên tòa vừa qua chưa dám đụng tới.

 

Hình dung một cách đơn giản thì ngân hàng SCB huy động tiền của người dân, cung cấp cho bà Trương Mỹ Lan, bà này hối lộ cho các quan chức, rồi bây giờ bà Lan bị án tử hình còn NHNN bơm tiền ra để cứu ngân hàng SCB. Khoản tiền giải cứu khổng lồ này không tự dưng mà có mà lấy từ ngân sách, nghĩa là từ tiền người dân và doanh nghiệp đóng thuế, từ bán tài nguyên quốc gia. Xét cho cùng, đất nước thiệt đơn thiệt kép, chỉ các quan chức giấu mặt được hưởng lợi.

 

Số tiền giải cứu $24 tỷ nhiều hay ít? Số tiền này tương đương 5.6% tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam. Để dễ tưởng tượng, thử làm một vài so sánh nho nhỏ. Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của chính phủ Việt Nam, Bộ Y Tế được phân bổ mỗi năm khoảng 7,627 tỷ đồng ($299.7 triệu) để lo việc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho gần một trăm triệu dân. Số tiền $24 tỷ bơm cho nhà băng SCB đủ để cho Bộ Y Tế hoạt động hơn 78 năm!

 

Nếu không cứu SCB, số tiền này thừa đủ cho Việt Nam xây hai phi trường quốc tế Long Thành để bổ sung cho phi trường Tân Sơn Nhất đang bị quá sức chứa trầm trọng. Đổ tiền ra cứu ngân hàng SCB có nghĩa là nhiều khoản đầu tư thiết yếu cho nền kinh tế và đời sống người dân sẽ bị gác lại trong khi các nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện luôn là nỗi bất bình của xã hội. Các tỉnh miền Tây Nam phần đang bị hạn hán dữ dội, nước cho hàng triệu người bị nhiễm mặn không uống được mà chính quyền vẫn bình chân như vại là một ví dụ bởi vì tiền bạc dùng để cứu ngân hàng thay vì xây hệ thống lọc nước, cung cấp nước cho dân.

 

Đây không phải là lần đầu tiên NHNN lấy tiền của ngân khố quốc gia giải cứu các ngân hàng dù hành động đó bị giới chuyên viên phê phán. Giai đoạn 2011-2013, hàng loạt ngân hàng đứng trên bờ vực sụp đổ, hàng loạt đại gia lâm vào vòng lao lý như các ông bà Trầm Bê của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Trần Bắc Hà – ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV), Hà Văn Thắm – ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Nguyễn Đức Kiên – ngân hàng Á Châu (ACB), Hứa Thị Phấn – ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Phạm Công Danh – ngân hàng Xây Dựng (VNCB)… Thay vì để cho các ngân hàng này bị phá sản, bị đào thải theo quy luật thị trường thì NHNN đã đứng ra bơm tiền giải cứu rồi nhập chúng thành các ngân hàng mới. Cách điều hành thị trường như vậy đã làm sụp đổ nguyên tắc và đạo đức kinh doanh. Thay vì phải chịu trách nhiệm, các đại gia ngân hàng nghĩ rằng, họ cứ thao túng thị trường, cứ rút ruột ngân hàng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và vàng, có thua lỗ thì đã có NHNN hậu thuẫn, không việc gì phải lo sợ. Chính hành động giải cứu vô nguyên tắc đó là một trong những yếu tố làm nảy sinh hiện tượng Trương Mỹ Lan-SCB và cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay.

 

Có điều, so với mười năm trước, cuộc khủng hoảng hiện nay trầm trọng hơn rất nhiều. Ngân hàng SCB chỉ là một quân cờ domino đã đổ trên bàn cờ tài chính Việt Nam, còn không ít ngân hàng khác cũng bị lũng đoạn như vậy, cũng hoạt động theo phương thức của SCB mà chưa bị sờ đến. Dư luận đang truyền tai nhau những tin đồn giật mình về các “ông lớn” khác, quy mô không nhỏ hơn SCB và cũng bị các đại gia bất động sản lũng đoạn. Chỉ riêng với SCB, NHNN đã phải bơm ra $24 tỷ, mai mốt đến lượt các quân cờ domino khác ngã thì NHNN sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền nữa để giải cứu?

 

Số tiền giải cứu SCB tương đương với 25% tổng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam. Hãng tin Reuters nhận định nếu cứ bơm tiền giải cứu như thế thì chẳng mấy chốc kho bạc nhà nước sẽ cạn kiệt. Nhưng hầu như các quan chức lãnh đạo ngành tài chính Việt Nam chẳng quan tâm tới những lời cảnh báo như vậy. Họ chỉ cố duy trì sự ổn định và trật tự xã hội theo chỉ thị của đảng cầm quyền.

 

Nhưng xã hội có ổn định được hay không là chuyện khác. Bơm tiền để duy trì các ngân hàng yếu kém, tránh sự sụp đổ dây chuyền theo kiểu quân cờ domino là biện pháp tốn kém và không giải quyết được gốc rễ vấn đề, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp khiến nợ xấu tăng cao, đồng tiền mất giá, lạm phát phi mã mà cuối cùng nền kinh tế và người dân phải chịu thiệt hại. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng bạc Việt Nam đang bị phá giá mạnh do hành vi bơm tiền của NHNN; mấy hôm gần đây tỷ giá chính thức đã vượt mức 25,000 đồng ăn $1, còn giá vàng thì nhảy múa ở mức trên 80 triệu đồng ($3,140) mỗi lượng. Bóng ma lạm phát phi mã đã bắt đầu đè nặng lên cuộc sống đã hết sức khốn khó của người Việt.

 

Khi bơm tiền giải cứu SCB, giới chức NHNN hy vọng sẽ thu hồi lại bằng việc bán “thanh lý” các tài sản của bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang bị tịch thu. Nhưng kinh nghiệm từ các vụ án như Tăng Minh Phụng, EPCO trước đây cho thấy, việc bán tài sản “thanh lý” chỉ là dịp để các quan chức và các nhóm lợi ích dấm dúi chia chác cho nhau các tài sản đó giống như việc bán sang tay các dinh thự của chính quyền miền Nam hoặc biệt thự của các gia đình giàu có ở Sài Gòn ngày trước. Của một đồng có khi bán chỉ một xu. Tài sản của gia tộc bà Trương Mỹ Lan còn rất nhiều và ngân hàng SCB đang đòi quản lý nhưng cho dù có bán hết thì cũng không đủ để trả lại khoản tiền giải cứu $24 tỷ mà NHNN đã bơm ra.

 

Rốt cuộc, thay vì cải cách tận gốc cung cách quản lý hệ thống ngân hàng để trong tương lai không còn những vụ như Trương Mỹ Lan và SCB thì NHNN lại đem muối bỏ biển, bất chấp những thiệt hại to lớn cho đất nước và nền kinh tế. [qd]







No comments:

Post a Comment

View My Stats