Thursday, 18 April 2024

CHUYỆN GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM : XIN ĐỪNG BAO CHE LẦM LỖI (Nguyễn Đình Cống)

 



Chuyện giáo dục ở Việt Nam: Xin đừng bao che lầm lỗi

Nguyễn Đình Cống

18/04/2024

https://baotiengdan.com/2024/04/18/chuyen-giao-duc-o-viet-nam-xin-dung-bao-che-lam-loi/

 

Đó là việc bà Bùi Trân Phượng có ý bao che cho những người phải chịu trách nhiệm chính về sự lạc lối, sự suy thoái của nền giáo dục Việt Nam.

 

Trước đây trong bài “Xin mạnh dạn chen ngang ý kiến của TS Bùi Trần Phượng”, nói về việc bà Phượng trình bày rất hay về tự do, về khai phóng trong giáo dục, tôi có đưa ra nhận xét: “Tôi cảm phục và kính trọng bà Phượng, hình dung bà như con chim Phượng cất tiếng hót hay giữa bầu trời giông bão, nhưng trong tiếng hót ấy hình như ẩn chứa tâm trạng ‘kinh cung chi điểu’ (Phải cung rày đã sợ làn cây cong – Nguyễn Du)”.

 

Gần đây, khi tìm hiểu về bà Phượng, qua Google tôi đọc được bài viết: “Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Chưa bao giờ giáo dục khó khăn như bây giờ”, đăng trên báo Người Đô Thị, ngày 1-11-2023. Trong bài, bà Phượng nói rằng: “Từ cái nhìn của người trong nghề và cũng là người có chút nghiên cứu về lịch sử, tôi cho rằng chưa có thời kỳ nào mà giáo dục khó khăn như bây giờ”.

 

Bà nói thêm: “Tôi nghĩ không có chữ nào đúng hơn của Giáo sư Hoàng Tụy là ‘một nền giáo dục lạc lối’. Sự lạc lối của giáo dục cộng với tình hình xã hội có những phức tạp riêng. Phức tạp không do lỗi của ai hết. Do khách quan thế giới ngày nay hỗn loạn, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn, nhiều trật tự không còn được duy trì, chiến tranh bùng nổ chỗ này chỗ nọ, đủ thứ vấn đề về môi trường, rất nhiều điều khoa học chưa có lời giải kịp thời… Đây là các vấn đề toàn cầu nhưng có vẻ như ở Việt Nam trầm trọng hơn”.

 

Bà Phượng cho rằng, sự lạc lối tạo ra sự phức tạp và “không do lỗi của ai hết” vì đây là vấn đề “khách quan thế giới”. Tuy có viết “ở Việt Nam trầm trọng hơn” nhưng lại đặt sau cụm từ “nhưng có vẻ” để làm giảm nhẹ vấn đề.

 

Trình bày như trên, thậm chí có người còn huênh hoang hơn, cho rằng giáo dục vẫn phát triển tốt, nhưng do người của Hội đồng Lý luận hoặc Tuyên giáo của Đảng nói ra, thì nghe xong người ta chỉ cười rồi cho qua. Nhưng đây là phát biểu của một chuyên gia về giáo dục, một người có được sự kính trọng và tín nhiệm rộng rãi, thì khác.

 

Bọn bồi bút có thể dựa vào phát biểu của bà Phượng để lu loa, hoặc để lên án tôi, là người đã từng viết bài “Ai phải chịu trách nhiệm chính về sự suy thoái của giáo dục”, đăng trên trang Tiếng Dân ngày 1-11-2023, trong đó tổi chỉ ra lỗi của những người lãnh đạo cao nhất của nhà nước, của các bộ trưởng bộ giáo dục, của những người vạch đường chỉ lối.

 

Bọn bồi bút cũng có thể dựa vào ý kiến “không do lỗi của ai hết” để bao che cho những người thực chất dẫn dắt dân chúng đi sai đường, nhưng vẫn kiêu ngạo rằng, họ là chân lý của thời đại và bắt mọi người phải nhớ ơn sâu, nghĩa nặng.

 

Bọn bồi bút vì miếng cơm manh áo mà bán rẻ lương tâm, nhưng còn bà Phượng, bà bao che có lẽ chỉ vì quá sợ. Tôi biết, có thể bà không sợ cho bản thân, mà bà lo sợ cho con cháu bà.

Được sợ là một quyền tự do của con người. Biết sợ để mà tránh, nhưng sợ đến nỗi hạ thấp mình để bao che cho những người gây ra lỗi lầm trong hệ thống này, thì khác. Sự bao che của một người nổi tiếng cho hành động lỗi lầm thì cũng nguy hiểm như người gây ra lỗi lầm đó.

 

Tôi nghĩ, nếu bà Phượng bỏ lững câu nói của giáo sư Hoàng tụy để mọi người ngẫm nghĩ theo ý riêng thì hay hơn nhiều.

 

Bà cũng bắt đầu chạm vào ngụy biện khi đổ lỗi cho khách quan như chiến tranh. Tôi không tin rằng đất nước mình đang lâm vào cảnh chiến tranh như ở Israel để giáo dục phải bị lạc lối như ở Việt Nam. Kể cả khi cuộc chiến khốc liệt diễn ra nhiều năm ở miền Nam hồi tháng 4 năm 1975 trở về trước, chiến tranh cũng chẳng gây ảnh hưởng nhiều đến tự do và khai phóng, vốn là bản chất của giáo dục.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats