Monday, 1 April 2024

ĐẢNG LUÔN COI PHẢN BIỆN CỦA DÂN LÀ SAI TRÁI, LÀ THÙ ĐỊCH? (RFA)

 



Đảng luôn coi phản biện của dân là sai trái, thù địch?

RFA
2024.04.01

 https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-party-always-consider-people-s-criticism-as-wrong-n-hostile-04012024134028.html

 

Ông Đỗ Quyết Thắng - Phó trưởng phòng báo chí - xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - phát biểu tại tọa đàm diễn ra hôm 19/3/2024 rằng, Đảng đã xác định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng và đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-party-always-consider-people-s-criticism-as-wrong-n-hostile-04012024134028.html/@@images/91e460bd-91a5-493d-a600-69ca5d0d284f.jpeg

Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng   (AFP)

 

Đảng trầm trọng hóa vấn đề?

 

Nhà giáo Đinh Kim Phúc cho rằng, biên giới giữa cái phản biện, cái đóng góp, chỉ trích hay ‘kêu gọi lật đổ’ rất mong manh. Nó tùy theo nhận định của cơ quan chức năng, mà bản thân ông từng là nạn nhân:

 

“ Khi tôi chống lại những thế lực ma tăng trong Giáo hội Phật giáo hiện nay làm suy đồi tôn giáo, làm mê hoặc quần chúng, cản trở sự phát triển của một xã hội văn minh thì tôi dùng từ “mạt pháp”, một khái niệm về Phật giáo. Tôi bị chụp mũ. Phía chính quyền cho rằng, cái từ “mạt pháp” mà tôi dùng đó là muốn nói về luật pháp của chế độ”.

 

Đó là trường hợp của chính bản thân ông, còn nói về những phản biện trong xã hội, ông Đinh Kim Phúc phân tích:

 

“Nghiên cứu dư luận xã hội có đến nơi đến chốn hay không, hay những người được phân công làm cái việc nghiên cứu dư luận xã hội chỉ báo cáo và nhận xét các nguồn dư luận theo khẩu vị của lãnh đạo, theo ý muốn của lãnh đạo là tất cả đều tốt. Không có xã hội nào hoàn chỉnh mà 100% người dân ủng hộ hoàn toàn đường lối, chính sách của chính quyền. Do đó, xã hội phải có sự phản biện. Và sự phản biện đó chính là thước đo xem trình độ của nhà nước trong việc quản lý của mình trong việc đề ra các chính sách, đề ra các luật lệ tới đâu để xây dựng đất nước phát triển. Chính vì vậy, cần phải khuyến khích dư luận xã hội, cần phải đối thoại và chạm mặt nhau để làm sáng tỏ các vấn đề.

Theo quan điểm của tôi, một xã hội không có phản biện các đường lối, chính sách của nhà nước trong tất cả các vấn đề, là một xã hội không phát triển. Phản biện là điều cần thiết trong một xã hội văn minh. Còn chỉ trích và cố tình bôi đen, cố tình vu khống lại là một vấn đề khác.”

 

Nhắc tới phản biện, hôm 16/2/2023, tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lúc đó là thường trực Ban bí thư đã phát biểu rằng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với vận mệnh và tương lai dân tộc.

 

Ông Thưởng đồng thời đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thật sự tôn trọng và có cơ chế phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với những vấn đề của đất nước.

 

Đến hôm nay, hầu như các vấn đề giới trí thức nêu ra trên các mạng xã hội như việc xử lý một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đều bị coi là xuyên tạc công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của nhà nước và bị coi là thao túng tâm lý. Một bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) hôm cuối tháng ba vừa qua có tựa “Tăng sức chiến đấu chống phần tử cơ hội chính trị” có đề cập yếu tố ‘thao túng tâm lý’ này.

 

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già phân tích:

 

“Thứ nhất là họ nói về cơ hội chính trị. Tôi cho rằng cơ hội này chỉ dành cho những chính trị gia trong việc chạy đua vô các chức vụ. Các chính trị gia luôn tận dụng mọi cơ hội để công kích đối thủ. Như vậy, cơ hội chính trị là một cơ hội rất cần thiết, rất quan trọng cho các chính trị gia làm việc. Đó là điều rất bình thường. Rất tiếc là ở Việt Nam không có cơ hội chính trị bởi mô hình độc đảng toàn trị thì đâu có cạnh tranh chính trị.

 

Về khái niệm thao túng tâm lý, thì ở Việt Nam, muốn thao túng tâm lý thì chỉ có những người rất nổi tiếng, có sức ảnh hưởng thì họ mới đủ khả năng để thao túng tâm lý. Chứ còn những người dân bình thường thì làm sao có đủ khả năng thao túng tâm lý được. Vì vậy, những lời người dân bàn tán, chê bai, chỉ trích, cười cợt thì nên nhìn nhận cho đúng. Đó là dư luận quần chúng. Đó cũng là điều bình thường. Tôi nghĩ rằng ĐCSVN không nên trầm trọng hóa vấn đề.”

 

 

Và, sợ tiếng nói phản biện

 

Nhiều năm trước, ông Võ Văn Thưởng trong vai trò Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từng được truyền thông dẫn lời rằng, không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận, và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý.

 

Sau phát biểu của ông Thưởng, lãnh đạo một số tỉnh, thành đã tổ chức những buổi gặp gỡ và tham vấn trí thức. Chẳng hạn như tại tỉnh ủy Thanh Hóa chiều 28/10/2022; tỉnh ủy Hậu Giang hôm 31/3/2021…

 

Luật sư Lê Quốc Quân thì cho rằng, lãnh đạo lấy ý kiến trí thức nhưng không bao giờ thay đổi, bởi lý tưởng của Đảng là không thay đổi. Ông nói với RFA:

 

“ĐCSVN đang thực thi mục tiêu xã hội hoàn toàn là CNXH và hướng đến việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Về mặt lý thuyết là họ chưa bao giờ thay đổi. Nhưng trong thực tiễn thì họ luôn luôn cần sự thay đổi để tồn tại, cho nên có một sự mâu thuẫn rất rõ ràng giữa lý thuyết và thực tế. Nhưng để bảo đảm việc cầm quyền thì đảng luôn lựa chọn những điểm đúng với lý tưởng của họ để duy trì việc cầm quyền.

Cho nên, những phản biện từ dân mà đúng với chủ trương, chính sách của họ thì họ ủng hộ. Còn không thì họ cũng sẵn sàng điều chỉnh, nhưng chỉ trong Đảng, còn đối với dân chúng thì họ không điều chỉnh. Vì vậy dẫn đến sự mâu thuẫn giữa cái bày tỏ chung của nhân dân và bày tỏ của Đảng. Từ đó Đảng sợ những tiếng nói phản biện”.

 

Tại Việt Nam, những tiếng nói phản biện thường bị kết vào tội vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự - “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam", hoặc Điều 331 Bộ luật Hình sự -  “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, có ít nhất sáu người bị khởi tố theo Điều 331, trong đó năm người bị bắt giam.

 

--------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Ông Trọng chọn người kế cận thế nào?

78 năm cách mạng Tháng Tám: Sớm muộn đến lúc ĐCSVN phải thực hiện ‘quyền tự do dân chủ thực sự’ cho người dân

Quốc hội cần ra luật “giám sát, ràng buộc trách nhiệm hình sự” liên quan công tác nhân sự

Hội nghị Đảng giữa kỳ: “Sẽ lấy phiếu tín nhiệm, nhưng không để ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư nào nghỉ công tác”

Có cách gì giúp thay số cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm, nhũng nhiễu?

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats