Tuesday, 1 November 2022

VIỆT NAM NÊN CHÍNH THỨC ĐÒI PHÁP HOÀN TRẢ ÂN & KIẾM TRIỀU NGUYỄN (Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ)

 



LS Cù Huy Hà Vũ: Việt Nam nên chính thức đòi Pháp hoàn trả ấn và kiếm Triều Nguyễn

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Gửi tới BBC từ Hoa Kỳ

2 tháng 11, 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-63481317

 

Website ngày 21/10/2022 của Nhà đấu giá Millon thông báo sẽ bán đấu giá ấn bằng vàng ròng có tên "Kim Bảo Tỷ" (金寶 ), được làm từ thời vua Minh Mạng, biểu tượng quyền lực của Đại Nam dưới triều Nguyễn (Việt Nam, 1802-1945) vào ngày 31/10/2022 tại Paris.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12347/production/_127476547_image.jpg.webp

Các chuyên viên của nhà đấu giá Millon điều hành cuộc bán đấu giá ngày 31/10 tới đây, TaHsi Chang, Jean Gauchet, Anna Kerviel (từ trái sang phải)

 

Cuộc đấu giá này được thông báo trong catalog là Món đồ đấu giá số 101/329.

 

Tôi được biết rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với Nhà đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá ấn vàng nêu trên (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 02 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…)

 

Mặc dù đánh giá cao phản ứng nhanh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi cho rằng đề nghị của Bộ này về thăm dò khả năng đàm phán mua ấn "Kim Bảo Tỷ", còn gọi là "Hoàng Đế Chi Bảo", là không phù hợp vì ấn này, cũng như kiếm "Khải Định niên chế" (啟定年製), thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam.

 

Ngày 27/10 vừa qua, tôi đã gửi một kiến nghị cho các lãnh đạo Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, theo đó giải pháp là đòi lại hai báu vật trên cho Nhà nước Việt Nam.

 

Xin trình bày lập luận đòi lại ấn vàng "Kim bảo tỷ" và kiếm "Khải Định niên chế" trên trang của BBC News Tiếng Việt như sau:

 

Quyền sở hữu của Nhà nước Việt Nam đối với ấn "Kim Bảo Tỷ" và kiếm "Khải Định niên chế"

Ngày 25/8/1945, Hoàng đế Bảo Đại công bố Chiếu thoái vị, bày tỏ "quyết tâm thoái vị, nhường quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Tiếp đó, tại lễ thoái vị ngày 30/08/1945 tại Ngọ Môn, Huế, Hoàng đế Bảo Đại đã trao ấn "Kim Bảo Tỷ" (金寶 ) và kiếm "Khải Định Niên Chế" ( ) cho các đại diện. của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng không Bộ (thân phụ tôi). Như vậy, kể từ ngày đó Chính phủ lâm thời VNDCCH các chính phủ kế nhiệm, trong đó có Chính phủ CH XHCN Việt Nam, là chủ sở hữu của hai báu vật tượng trưng cho vương quyền Việt Nam.

 

Tôi đã trình bày rõ sự kiện chính trị - lịch sử quan trọng vào bậc nhất này của Việt Nam trong bài "Kỳ án ấn và kiếm tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại" gồm 2 kỳ đăng trên VOA Tiếng Việt ngày 2/9/2020, VOA Tiếng Việt ngày 3/9/2020 và trong bài Việt Nam: Bảo tàng Huế tái hiện sai sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị? đăng trên BBC NEWS Tiếng Việt ngày 1/9/2022.

 

Việc chuyển giao quyền sở hữu ấn và kiếm, biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực từ Hoàng đế Bảo Đại cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng được đề cập bằng tiếng Pháp và tiếng Việt trong bản thuyết trình Món đồ đấu giá:

 

"Chiếc ấn triện rồng năm móng này tượng trưng cho quyền cai trị tuyệt đối dưới triều đại nhà Nguyễn, đã trở thành biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực.

 

Quyền sở hữu báu vật này đã được chuyển giao nhiều lần, đặc biệt là khi Vua Bảo Đại thoái vị trước chính quyền Việt Nam, nơi nó được Hoàng đế giao cho đại diện chính quyền cách mạng tại sân Ngọ Môn vào ngày 30 tháng 08 năm 1945. Tại đó, vị Hoàng đế cuối cùng đã thốt lên câu nói nổi tiếng:

 

"Thà làm công dân của một nước độc lập còn hơn làm vua của một nước nô lệ."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/63DF/production/_127476552_image-2.jpg.webp

Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo thời Vua Minh Mạng và bát vàng của Vua Khải Định nhận được quan tâm lớn

 

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12 năm 1946, hai báu vật này đã rơi vào tay người Pháp. Ngày 28/02 năm 1952, trong khi đào móng một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội, để tìm vật liệu xây lô cốt, người Pháp đã phát hiện ấn và kiếm chôn dưới đó. Vào ngày 8/03 năm 1952, Pháp đã tổ chức lễ trao ấn và kiếm cho Cựu Hoàng Bảo Đại với tư cách Quốc trưởng Việt Nam. Ông Lê Thanh Cảnh, Đặc ủy viên của Quốc trưởng Bảo Đại tại Hà Nội, đã thay mặt ông nhận hai báu vật này.

 

Sự kiện này cũng được mô tả trong bản thuyết trình Món đồ đấu giá:

 

"Báu vật này còn mang một vai trò quan trọng và đầy tính biểu tượng tới sự can thiệp của Pháp vào Việt Nam, khi chính quyền Pháp đã cố gắng thành lập một chính phủ chống lại cộng sản với việc bổ nhiệm Vua Bảo Đại ngồi vào cương vị Quốc trưởng. Sau đó chiếc ấn báu được người Pháp trao trả cho vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trong một buổi lễ tấn phong diễn ra vào ngày 08 tháng 03 năm 1952 tại Đà Lạt ."

 

Năm 1953, khi chiến tranh trở nên khốc liệt, Cựu Hoàng Bảo Đại đã chỉ thị cho thứ phi Mộng Điệp vận chuyển ấn và kiếm sang Pháp để giao lại cho Cựu Hoàng hậu Nam Phương và Cựu Thái tử Bảo Long. Năm 1963, Cựu Hoàng hậu Nam Phương qua đời, Bảo Long giữ cả ấn lẫn kiếm.

 

Bản thuyết trình Món đồ đấu giá cũng cho biết về đời sống hôn nhân của Cựu Hoàng Bảo Đại:

 

"Sau những thất bại liên tiếp của quân đội Pháp, nổi bật là trận Điện Biên Phủ, quân Pháp rút khỏi Việt Nam và vua Bảo Đại bị phế truất năm 1955. Từ đó, ông sống lưu vong ở Pháp và không còn được hưởng trợ cấp tài chính của Pháp. Bên cạnh đó, ông cũng ly thân với người vợ đầu là Nam Phương Hoàng Hậu và có lối sống phóng túng, xa xỉ hơn.

 

Năm 1972, ông gặp bà Monique Baudot, người sau này trở thành vợ ông, và phong cho bà làm Công chúa Vĩnh Thụy."

 

Trong hồi ký "Con rồng Việt Nam" (1980) Cựu Hoàng Bảo Đại đã yêu cầu Cựu Thái tử Bảo Long cho mượn ấn để đóng vào cuối cuốn sách nhưng Bảo Long đã từ chối. Sau khi tái hôn với bà Monique Baudot vào năm 1982, Cựu Hoàng đã kiện Bảo Long ra tòa để lấy lại ấn và kiếm. Tòa án ra phán quyết theo đó Bảo Đại được giữ ấn và Bảo Long được giữ kiếm.

 

Cuối cùng, bản thuyết trình Món đồ đấu giá chỉ ra nguồn gốc của ấn:

 

"Nguồn gốc :

- Xuất xứ món đồ:

- Hoàng đế Minh Mạng, triều Nguyễn (1791-1841)

- Hoàng gia triều Nguyễn (theo dòng dõi)

- Tài sản của Hoàng đế Bảo Đại, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (1913 - 1997) - Hoàng đế An Nam và nguyên Quốc trưởng Việt Nam.

- Được thừa kế theo di chúc cho Công chúa Vĩnh Thụy (1946-2021) và sau đó được giữ bởi con cháu gia đình."

 

Như vậy, theo Nhà đấu giá Millon, Cựu Hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại cho bà Monique Baudot - Công chúa VĩnhThụy ấn "Kim Bảo Tỷ" và những người thừa kế của bà đem ấn này ra bán đấu giá.

 

Nhưng như tôi đã nói ở trên, ấn "Kim Bảo Tỷ" và kiếm "Khải Định Niên Chế" đã được Hoàng đế Bảo Đại giao lại cho Chính phủ lâm thời VNDCCH nên đã trở thành tài sản của Nhà nước Việt Nam cho đến nay.

 

Năm 1980, khi xuất bản cuốn hồi ký "Con rồng Việt Nam" của ông, Cựu Hoàng Bảo Đại đã yêu cầu Cựu Thái tử Bảo Long cho mượn ấn để lấy dấu in vào cuối cuốn sách nhưng Bảo Long đã từ chối. Sau khi tái hôn với bà Monique Baudot vào năm 1982, Cựu Hoàng đã kiện Bảo Long ra tòa để lấy lại ấn và kiếm. Tòa án ra phán quyết theo đó Bảo Đại được giữ ấn và Bảo Long được giữ kiếm.

 

Do Cựu hoàng Bảo Đại biết rõ ấn "Kim Bảo Tỷ" và kiếm "Khải Định Niên Chế" thuộc sở hữu của Nhà nước Việt Nam mà cuốn hồi ký "Con rồng Việt Nam" của ông là bằng chứng, việc ông chiếm hữu ấn và kiếm là không ngay tình (possesseur de mauvaise foi - tiếng Pháp). Như vậy, Cựu Hoàng không có quyền sở hữu (droit de propriété - tiếng Pháp) đối với ấn và kiếm này.

 

Điều này, theo tôi, có nghĩa những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long không có quyền hợp pháp để bán hoặc chuyển nhượng hai báu vật này dưới bất kỳ hình thức nào.

 

Hoàn trả ấn và kiếm cho Nhà nước Việt Nam

 

Điều 2276 của Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng bất cứ ai đánh mất hoặc bị trộm một thứ gì đó đều có thể đòi người chiếm hữu trả lại.

 

Kể từ khi Luật số 2008-561 ngày 17/06/2008 của Pháp về cải cách thời hiệu dân sự có hiệu lực, vấn đề thời hạn sở hữu trong trường hợp chiếm hữu không ngay tình đối với động sản đã không được văn bản luật nào đề cập đến. Như vậy, khi chủ sở hữu có động sản bị đánh mất hay bị trộm mất mà đòi lại thì người chiếm hữu động sản không ngay tình phải trả lại động sản cho chủ sở hữu.

 

Căn cứ các quy định trên của Bộ Luật dân sự Pháp, Chính phủ CHXHCN Việt Nam, với tư cách chủ sở hữu ấn "Kim Bảo Tỷ" (金寶 ) và kiếm "Khải Định Niên Chế" ( ), cần khẩn trương cử đại diện khởi kiện những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long ra trước tòa án có thẩm quyền của Pháp để yêu cầu họ hoàn trả hai báu vật này cho Nhà nước Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có thể đề nghị Chính phủ Pháp giúp đỡ để ấn và kiếm này sớm được hoàn trả cho Nhà nước Việt Nam. Giải pháp ngoại giao này cũng hoàn toàn khả thi dựa trên những hành động thiện chí mới đây của Chính phủ Pháp liên quan đến các cổ vật thuộc các nước vốn là thuộc địa của Pháp. Vào năm 2018, Chính phủ Pháp đã trả lại cho Bénin 26 tác phẩm nghệ thuật thuộc vương quốc Dahomey (Bénin ngày nay). Năm 2000, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu nhất trí thông qua đạo luật trả lại những hiện vật thời thuộc địa cho Bénin và Sénegal.

 

Với trình bày trên, tôi đã kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác khẩn trương đòi lại ấn "Kim Bảo Tỷ" và kiếm "Khải Định niên chế" cho Nhà nước Việt Nam bằng đường tố tụng kết hợp với đường ngoại giao như tôi đã đề xuất.

 

Thắng lợi bước đầu

 

Cách đây hai ngày, 29/10/2022, trên website của mình, Nhà đấu giá Millon cho biết ấn "Kim Bảo Tỷ" (Lot 101) đã được rút khỏi danh sách đấu giá hôm nay, 31/10/2022.

 

Theo tôi, việc Nhà đấu giá Millon hoãn cuộc đấu giá ấn "Kim Bảo Tỷ" là để Chính phủ Việt Nam có thời gian cần thiết để đưa ra một yêu cầu hủy bỏ chính thức cuộc đấu giá này với các bằng chứng về quyền sở hữu của Nhà nước Việt Nam đối với biểu tượng quyền lực tối cao này của Triều Nguyễn.

 

Bất luận thế nào, việc Nhà đấu giá Millon hoãn cuộc đấu giá là thắng lợi bước đầu trong cuộc đấu tranh đòi lại ấn vàng "Kim bảo tỷ", tức ấn "Hoàng đế chi bảo", cũng như kiếm "Khải Định niên chế" cho Nhà nước Việt Nam.

 

Trên cơ sở đó, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trong một ngày không xa - như tôi đã bày tỏ trong Kiến nghị nói trên gửi lãnh đạo Việt Nam - hai báu vật này sẽ trở về Tổ quốc Việt Nam trong sự hân hoan của toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước.

 

* Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.

 

-----------------------

TIN LIÊN QUAN

.

Việt Nam chưa hồi đáp yêu cầu của nhà đấu giá Millon về sở hữu ấn 'Hoàng đế chi bảo'

.

Từ chuỗi ngọc Melo của Vua Bảo Đại tới ấn vàng Hoàng đế Chi bảo của Vua Minh Mạng





No comments:

Post a Comment

View My Stats