Saturday, 5 November 2022

MỸ TĂNG TỐC CUỘC ĐUA HỎA TIỄN ĐẨY SIÊU MẠNH (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



Mỹ tăng tốc cuộc đua hỏa tiễn đẩy siêu mạnh

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ

2 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/my-tang-toc-cuoc-dua-hoa-tien-day-sieu-manh/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1142090017.jpg

Hỏa tiễn SpaceX Falcon Heavy trong lần phóng ngày 11 Tháng Tư 2019 tại Titusville, Florida; mang theo vệ tinh truyền thông của Lockheed Martin (ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

 

Hỏa tiễn đẩy Falcon Heavy của công ty SpaceX hiện được xem là mạnh nhất thế giới đã được phóng thành công sau ba năm gián đoạn. Nhưng Mỹ còn có hai siêu hỏa tiễn đẩy mạnh hơn cả Falcon Heavy.

 

 

Thành công

 

Hai bộ phận đẩy của Falcon Heavy, “cỗ xe” cao chót vót ba tầng, hỏa tiễn mạnh nhất thế giới đã quay trở lại mặt đất thành công lần nữa vào ngày thứ Ba, 1 Tháng Mười Một, sau lần trở về giữa năm 2019. Được phóng lúc 9g41 sáng, giờ ET từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ở Florida, Falcon Heavy đưa một loạt vệ tinh lên vũ trụ cho quân đội Mỹ trong một sứ mệnh tuyệt mật mang tên “USSF-44”.

 

Được giới thiệu lần đầu vào ngày 6 Tháng Hai 2018, Falcon Heavy thu hút sự chú ý đặc biệt khi Elon Musk, Giám đốc điều hành SpaceX quyết định dùng chính chiếc xe hơi điện chạy đường trường Tesla Roadster “Starman” làm “trọng tải thử nghiệm” phóng lên vũ trụ. Chiếc xe hiện vẫn bay trên không gian, đi theo quỹ đạo rộng quanh Mặt trời và xa như quỹ đạo của sao Hỏa. Kể từ lần thử nghiệm đầu tiên, SpaceX chỉ thực hiện hai sứ mệnh Falcon Heavy khác vào năm 2019 – một, gửi một vệ tinh dịch vụ điện thoại và truyền hình lên quỹ đạo cho công ty vệ tinh Arabsat có trụ sở tại Ả-rập Saudi; và hai, đưa một loạt vệ tinh thử nghiệm cho Bộ Quốc phòng Mỹ lên quỹ đạo của chúng.

 

Falcon Heavy được tạm cho nghỉ vì phần lớn các sứ mệnh mới của SpaceX không cần đến sức mạnh của nó. Thay thế là hỏa tiễn Falcon 9 (cũng của SpaceX) yếu hơn và nó đã thực hiện thành công gần 50 nhiệm vụ chỉ tính riêng trong năm nay. Mỗi lần phóng, Falcon Heavy lại có màn trình diễn ấn tượng. Trong lần phóng ngày thứ Ba, SpaceX chỉ cố gắng thu hồi hai bộ phận đẩy của hỏa tiễn (đó là các ống lớn màu trắng gắn hai bên tầng một để tăng sức mạnh cất cánh cho hỏa tiễn).

 

Theo bản tin từ Bộ chỉ huy các hệ thống vũ trụ (Space Systems Command-SSC) của Quân đội Hoa Kỳ, bộ phận đẩy ở giữa sẽ lao xuống đại dương và nằm lại đó vì không đủ nhiên liệu cho cuộc hành trình về nhà. Hai bộ phận đẩy hai bên hạ cánh đồng bộ và chính xác xuống các tấm đệm trên mặt đất gần bờ biển Florida. Trong quá khứ, SpaceX đã cố hạ cánh cả ba bộ phận đẩy của hỏa tiễn Falcon Heavy trên đất liền và trên biển để có thể được tân trang lại và tái sử dụng cho các sứ mệnh tương lai, giúp tiết giảm chi phí nhưng chỉ… gần thành công. Trong khi hai bộ phận đẩy hai bên hạ cánh chính xác và đồng bộ trên các tấm đệm mặt đất sau khi phóng lên vào Tháng Tư 2019 thì bộ phận đẩy trung tâm của hỏa tiễn chạm xuống một bệ trên biển và bị sóng mạnh hất xuống.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1242907597.jpg

Hỏa tiễn Space Launch System (SLS) tại Trung tâm không gian Kennedy (ảnh: Joel Kowsky/NASA via Getty Images)

 

Cuộc đua hỏa tiễn đẩy mạnh nhất

 

Dù Falcon Heavy là hỏa tiễn mạnh nhất thế giới, vẫn còn hai hỏa tiễn khổng lồ đang chờ soán ngôi. Hỏa tiễn Space Launch System (SLS-Hệ thống Phóng Không gian) của NASA được dự kiến ​​phóng lần đầu tiên vào cuối Tháng Mười Một để gửi con tàu Artemis 1 lên quỹ đạo quanh Mặt trăng sau nhiều lần trì hoãn nhưng hiện nó vẫn còn nằm trong Trung tâm Vũ trụ Kennedy, cách bệ phóng Falcon Heavy vài dặm.

 

Trong khi Falcon Heavy tạo ra lực đẩy khoảng 5 triệu pound, SLS tạo lực đẩy lên tới 8.8 triệu pound (hơn 15% so với hỏa tiễn Saturn V dùng phóng những con tàu đổ bộ lên Mặt trăng trong thế kỷ 20). Trong khi đó, bên kia Guft Coast, tại các cơ sở thử nghiệm ở phía Nam tiểu bang Texas, SpaceX đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho nỗ lực phóng lên quỹ đạo tàu vũ trụ Starship bằng hỏa tiễn siêu mạnh Super Heavy. Cả hai đều lần đầu tiên tham gia sứ mệnh không gian.

 

Dù phi vụ thử nghiệm vẫn đang chờ sự chấp thuận cuối cùng từ cơ quan quản lý liên bang nhưng có khả năng sẽ tiến hành trước cuối năm nay. Hỏa tiễn phóng Starship ​​sẽ vượt qua cả SLS và Falcon Heavy với cách biệt lớn. Super Heavy tạo ra lực đẩy lên đến 17 triệu pound. Cả hỏa tiễn SLS của NASA và Starship của SpaceX đều không thể thiếu trong kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng của NASA sau nửa thế kỷ bỏ quên hành tinh này. SpaceX còn có tham vọng lớn với Starship: Đưa con người và hàng hóa lên sao Hỏa với hy vọng một ngày nào đó sẽ thiết lập một khu định cư lâu dài cho con người ở đó. Không có nhiều thông tin công khai về sứ mệnh USSF-44 – bản tin mới đây của CNN cho biết.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats