Thursday, 3 November 2022

LIÊN HIỆP QUỐC CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG BĂNG SƠN TOÀN CẦU SẼ TAN HẾT VÀO NĂM 2050 (BBC News)

 



NỘI DUNG  :

 

LHQ cảnh báo tình trạng băng sơn toàn cầu sẽ tan hết vào năm 2050   

Patrick Hughes,  BBC News

.

LHQ cảnh báo: Giảm khí thải quá ít, nhiệt độ sẽ tăng ít nhất 2,6°C  

Trọng Thành  -  RFI

 

==================================================

.

.

LHQ cảnh báo tình trạng băng sơn toàn cầu sẽ tan hết vào năm 2050   

Patrick Hughes

Phóng viên khoa học, khí hậu BBC

3 tháng 11 2022, 19:19 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2qzgy7jp0o

 

Các băng sơn trên toàn cầu - bao gồm cả những băng sơn cuối cùng ở châu Phi - sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bị biến mất vào năm 2050 do tình trạng biến đổi khí hậu, Liên Hiệp Quốc nói trong một bản phúc trình.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/cdd8/live/bfd03df0-5b6a-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Băng sơn

 

Phúc trình của UNESCO cho biết băng sơn ở một phần ba các di sản thế giới của Liên Hiệp Quốc sẽ tan chảy trong vòng ba thập niên.

 

Các băng sơn cuối cùng trên Đỉnh Kilimanjaro sẽ biến mất, giống như các băng sơn trên dãy Alps và Công viên Quốc gia Yosemite ở Hoa Kỳ.

 

Các tác giả bản phúc trình nói băng sơn sẽ tan chảy bất kể thế giới có hành động thế nào nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

 

Bản phúc trình đưa ra dự báo dựa trên dữ liệu vệ tinh, được công bố vào lúc các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị nhóm họp tại Ai Cập cho hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 vào tuần tới.

 

Có khoảng 18.600 băng sơn đã được xác định trên 50 di sản thế giới của Liên Hiệp Quốc. Chúng chiếm gần 10% diện tích bị đóng băng của Trái Đất và bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng cùng những nơi linh thiêng đối với người dân địa phương.

 

Sự thu nhỏ dần và biến mất của các băng sơn là "một trong những bằng chứng ấn tượng nhất cho thấy khí hậu Trái Đất đang ấm lên", bản phúc trình nói.

 

"Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể sai, nhưng đây là một khoa học khó khăn," Tales Carvalho Resende, một trong các tác giả của dự án UNESCO, cho biết.

 

"Các băng sơn là một trong những chỉ số có giá trị về biến đổi khí hậu, bởi vì chúng có thể nhìn thấy được. Đây là điều mà chúng ta thực sự có thể thấy đang xảy ra."

 

Các băng sơn có ở hai phần ba di sản thế giới còn lại của Liên Hiệp Quốc có thể được cứu, nhưng chỉ khi thế giới giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, các tác giả cho biết.

 

Một phúc trình khác của Liên Hiệp Quốc công bố vào tuần trước cho thấy thế giới hiện không có "lối đi đáng tin" để đạt được điều đó.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/eb72/live/f59ef610-5b6a-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Lớp băng sơn tại Công viên Quốc gia Yosemite đang có nguy cơ biến mất

 

Các dự báo được xây dựng dựa trên một phúc trình trước đó, sử dụng các mô hình để tính toán các băng sơn thuộc Di sản Thế giới sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian.

 

“Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử là điều này đang diễn ra quá nhanh," Beata Csatho, nhà băng học từ Đại học Buffalo, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.

 

“Vào giữa thập niên 1900, các băng sơn khá ổn định. "Sau đó là một cuộc thu nhỏ lại cực kỳ nhanh," bà nói.

 

Các di sản thế giới được liệt kê là có băng sơn sẽ biến mất vào năm 2050 là:

 

·         Rừng Hyrcanian (Iran)

·         Công viên Quốc gia Durmitor (Montenegro)

·         Công viên Quốc gia Virunga (Cộng hòa Dân chủ Congo)

·         Khu Di tích Lịch sử và Thắng cảnh Hoàng Long (Huanglong) (Trung Quốc)

·         Công viên Quốc gia Yellowstone (Hoa Kỳ)

·         Công viên Quốc gia Mount Kenya / Rừng Tự nhiên (Kenya)

·         Pyrenees Mont Perdu (Pháp, Tây Ban Nha)

·         Công viên Quốc gia Dãy Rwenzori (Uganda)

·         Cao nguyên Putorana (Nga)

·         Swiss Tectonic Arena Sardona (Thụy Sĩ)

·         Công viên Quốc gia Nahanni (Canada)

·         Công viên Quốc gia Lorentz (Indonesia)

·         Hệ thống Tự nhiên Khu bảo tồn Đảo Wrangel (Nga)

·         Công viên Quốc gia Kilimanjaro (Tanzania)

·         Công viên Quốc gia Yosemite (Hoa Kỳ)

·         Dolomites (Ý)

·         Rừng Virgin Komi (Nga)

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/43e2/live/48d06a80-5b6b-11ed-adc6-47dd5fed4ba3.jpg.webp

Các cộng đồng địa phương và người dân bản địa sẽ phải hứng chịu tình trạng lụt lội do băng tan gây ra

 

Bản phúc trình cho biết, việc mất băng ở các Di sản Thế giới có thể góp tới 4,5% vào việc mực nước biển dâng toàn cầu mà chúng ta quan sát được trong thời gian từ 2000 đến 2020. Các băng sơn này mất đi 58 tỷ tấn băng mỗi năm - tương đương với tổng lượng nước hàng năm được sử dụng ở Pháp và Tây Ban Nha.

 

Nhiều người cũng phụ thuộc vào các sông băng làm nguồn nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, và việc mất nước có thể dẫn đến khan hiếm nước ngọt trong mùa khô, Giáo sư Duncan Quincey, chuyên gia về băng sơn tại Đại học Leeds, Anh, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nói.

 

“Điều đó dẫn đến các vấn đề an ninh lương thực vì họ đã sử dụng nước đó để tưới tiêu cho cây trồng của mình,” ông Quincey nói.

 

Các tác giả của bản phúc trình cho biết các cộng đồng địa phương và người dân bản địa sẽ phải gánh chịu gánh nặng của lũ lụt do mất mát sông băng, đồng thời kêu gọi áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu rủi ro thiên tai 

 

Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất mà chúng ta cần làm là hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

 

"Có một thông điệp về hy vọng ở đây," Carvalho Resende nói. "Nếu chúng ta có thể làm thế nào đó cắt giảm đáng kể lượng khí thải, chúng ta sẽ có cơ hội cứu được hầu hết các băng sơn này."

 

"Đây thực sự là một lời kêu gọi hành động ở mọi cấp độ - không chỉ ở cấp độ chính trị, mà ở cấp độ chúng ta với tư cách là con người."

 

----------------------

.

.

LHQ cảnh báo: Giảm khí thải quá ít, nhiệt độ sẽ tăng ít nhất 2,6°C  

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 31/10/2022 - 15:23

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221031-giam-khi-thai-qua-it-trai-dat-tang-qua-2-do-6

 

Hơn một tuần trước hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP27, ngày 27/10/2022, Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP/PNUE) đã công bố một báo cáo, dự báo nhân loại đang đi đến một thế giới với nhiệt độ sẽ cao hơn ít nhất 2,6°C, do tổng số các cam kết cắt giảm khí thải vẫn thấp ‘‘một cách đáng buồn’’, gần như không khá gì hơn một năm trước, trái ngược hoàn toàn với các kỳ vọng.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/adcef1fa-5921-11ed-a57d-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/2022-10-27T142618Z_352365407_RC2P9X9TV468_RTRMADP_3_CLIMATE-UN-FUNDS-COAL.webp

Ảnh minh họa : Một nhà máy nhiệt điện, một trong những nguồn khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính. REUTERS - Siphiwe Sibeko

 

Cảnh báo nói trên được báo Pháp ví như ‘‘một tảng đá ném xuống ao’’, hình ảnh ví von để nhấn mạnh đến cú sốc truyền thông của bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về khí hậu. Các thách thức với cuộc chiến khí hậu cụ thể ra sao, mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.  

 

Báo cáo của LHQ có những điểm gì đáng chú ý ?  

 

Báo cáo của UNEP tập hợp các cam kết cắt giảm khí thải mới, được bổ sung từ năm ngoái đến nay, tính đến cuối tháng 9/2022. Theo đó, chỉ có 24 nước đệ trình ‘‘các đóng góp được xác định ở quy mô quốc gia’’ (NDC) (hoàn toàn mới, hoặc được sửa đổi). Theo tính toán của UNEP, tổng số các cam kết mới không nhiều, chỉ cho phép cắt giảm được thêm từ 5% đến 10% tổng lượng khí thải toàn cầu năm 2030. Trong khi đó, để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, phải cắt giảm 30%, và để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, phải giảm 45%.

 

Nỗ lực cắt giảm khí thải như vậy thấp hơn khoảng từ 3 lần đến 9 lần so với mức cần thiết.  Nhiệt độ thế giới hiện nay đã tăng hơn 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cứ theo đà như hiện nay, chỉ vài năm tới, mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ vượt quá 1,5°C, mục tiêu phấn đấu được đề ra trong Hiệp định Paris 2015. Hiện nay, chưa cần mức tăng nhiệt độ vượt quá 1,5°C mà nhân loại đã phải đối mặt với hàng loạt biến đổi khí hậu, môi trường dữ dội, như bão tố, lũ lụt khô hạn, cháy rừng thường xuyên hơn, dữ dội hơn nhiều.  

 

Chỉ cần mức tăng nhiệt độ vượt quá 1,5°C, nhân loại sẽ rất khó xoay xở. Và vượt quá 2°C sẽ là đại thảm họa. Chưa nói đến 2,6°C, theo dự báo của UNEP. Theo thẩm định của UNEP, tổng hợp các nỗ lực cắt giảm hiện nay, mức tăng nhiệt độ Trái đất có xác suất 66% giới hạn được ở mức 2,6°C. Cũng có nghĩa là rất nhiều khả năng nhiệt độ còn vượt quá mức tăng đáng sợ này.  

 

Trả lời AFP, tác giả chính của bản báo cáo, Anne Olhoff, nhận định : với năm 2022 sắp qua, lại ‘‘thêm một năm thất bát’’ nữa. Các nỗ lực không thể nói là không có, nhưng ''còn xa mới đủ mức''. Cùng lúc với bản báo cáo gây chấn động, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh: ‘‘nhân loại chúng ta đang lao thẳng đến một đại thảm họa toàn cầu’’. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc thẳng thừng chỉ ra một lực cản chủ yếu đối với cuộc chiến khí hậu : ông khẩn thiết lên án cách hành xử giả dối ‘‘greenwashing’’, tức đề ra các mục tiêu khí hậu chỉ để đánh bóng hình ảnh, nhưng không thực hiện.  

 

Giới khoa học môi trường phản ứng ra sao ?   

 

Hãng tin Pháp AFP chú ý đến lá thư ngỏ, do nhóm mang tên Scientist Rebeillon (tạm dịch Cuộc nổi dậy của nhà khoa học) công bố hôm 27/10/2022. Ký tên vào lá thư ngỏ nói trên của nhóm Scientist Rebeillon có khoảng 1.000 khoa học gia từ bốn chục quốc gia, trong đó có nhiều khoa học gia là thành viên của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC).  

 

Thư ngỏ của 1.000 khoa học kêu gọi đối diện với sự thực. Đó là ‘‘mục tiêu 1,5°C đã chết’’. Nhóm Scientist Rebeillon lên án thái độ bị coi là không thực tế, khi ‘‘không còn có gì có có thể bảo vệ tính khả thi của mục tiêu 1,5°C, vậy mà đông đảo các nhà khoa học hàng đầu, và phong trào môi trường vẫn nhắm mắt trước thực tế này’’.  

 

Hệ quả nguy hiểm, theo Scientist Rebeillon, là thái độ này tạo không khí thuận lợi cho phép ‘‘các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và giới cầm quyền nhân đó tiếp tục cưỡng lại việc từ bỏ nhanh chóng các năng lượng hóa thạch’’.  

 

Thư ngỏ của 1.000 nhà khoa học kêu gọi ‘‘cộng đồng khoa học quốc tế đang làm việc về tất cả các khía cạnh của biến đổi khí hậu, ra một tuyên bố trước hội nghị COP27’’.

 

Từ bỏ mục tiêu ảo tưởng 1,5°C để tập trung toàn lực cho việc giữ dưới 2°C

 

Một tuyên bố như vậy có ý nghĩa gì ? Theo thư ngỏ của 1.000 khoa học gia : tuyên bố của cộng đồng khoa học quốc tế cần phải ‘‘chỉ ra một cách rõ ràng là không thể đạt được mục tiêu 1,5°C’’, đã trở thành ảo tưởng, và tập trung vào việc dồn toàn lực cho các biện pháp có thể giúp giới hạn mức tăng nhiệt độ không quá 2°C.  

 

Dồn toàn lực vào các biện pháp giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C như vậy sẽ giúp cho việc đưa đến với công chúng các thông tin về những thách thức khổng lồ của việc cắt giảm khí thải. Cần dè dặt trong việc tin cậy vào tiềm năng của ‘‘các công nghệ phát thải âm’’ (như các công nghệ chôn khí thải dưới đất, hấp thu khí thải trong đất, trong lòng biển, trong sinh khối…) để tránh rơi vào các ảo tưởng mới, làm giảm bớt nỗ lực căn bản nhất, là cắt giảm khí thải, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch.  

 

Lá thư ngỏ của 1.000 khoa học gia nhắc lại 3 cột trụ chính của chính sách khí hậu, là cắt giảm khí thải, thích nghi với biến đổi khí hậu và đền bù tổn thất do biến đổi khí hậu. Điểm được chú ý đặc biệt là việc đền bù các tổn thất do biến đổi khí hậu. Thư ngỏ xác định rõ là ‘‘các quốc gia giầu có vẫn còn lời hứa chưa thực hiện được, cấp 100 tỉ đô la/năm cho các nước nghèo nhất, để giúp đối phó với biến đổi khí hậu’’. Món nợ tín dụng liên quan đến lời hứa 100 tỉ đô la/năm sẽ là một trong các nội dung chính của hội nghị Khí hậu COP26, tổ chức tại Ai Cập, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 06 đến ngày 18/11 tới. 

 

Hội nghị COP27 có thể giúp được gì cho ‘‘cuộc chiến khí hậu’’ ?   

 

Các hội nghị khí hậu COP của LHQ gây rất nhiều thất vọng trong công luận quốc tế. Nhiều người không tin tưởng là thêm một hội nghị COP có thể giúp cải thiện được tình hình. Trên thực tế, Hội nghị COP27 có thể giúp được gì cho ‘‘cuộc chiến khí hậu’’ ?   

 

Về chủ đề này, nhật báo La Croix có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề : ‘‘COP27 : 100 tỉ đô la nằm ở tâm điểm căng thẳng’’. Lời hứa từ 13 năm nay của khối các nước công nghiệp tính đến năm 2020, theo một thống kê của OCDE tháng 9/2022, mới chỉ đạt hơn 83 tỉ đô la. Đã tăng 4% so với năm trước, nhưng còn hụt tới 17 tỉ.  

 

Khoản tiền 100 tỉ tín dụng là cái giá ban đầu mà các cường quốc công nghiệp dự định chi ra để thực thi ‘‘trách nhiệm lịch sử’‘ của mình đối với mô hình phát triển kinh tế, dẫn đến tình trạng khí thải hâm nóng Trái đất như hiện nay, và đây cũng là điều đáp ứng đòi hỏi của công lý. Cụ thể là hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất hành tinh, vốn gần như không chịu trách nhiệm gì về khí thải, nhưng lại phải gánh chịu các tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu.  

 

100 tỉ đô la cam kết : Món nợ chưa hoàn của các nước giàu

 

Báo La Croix không chỉ điểm ra việc các cường quốc công nghiệp đã thất hứa trong việc cấp đủ 100 tỉ đô la tín dụng hàng năm, mà còn nêu bật hàng loạt điểm bất cập nghiêm trọng trong việc sử dụng các khoản tín dụng đã có. Cụ thể là, theo Hiệp định Khí hậu Paris 2015, các khoản tài trợ phải được chia thành hai phần đều nhau. Một phần cho cắt giảm khí thải, phần kia cho các dự án thích nghi với biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy các khoản tài trợ cho vế thích nghi chỉ chiếm 34% tổng tài trợ cho khí hậu, ít hơn nhiều so với dự kiến.  

 

Chi cho cắt giảm khí thải là chi cho các nước phát triển hoặc đang phát triển, các quốc gia nghèo nhất gần như không đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải, mà chủ yếu cần tiền để đối phó với biến đổi khí hậu, hậu quả của khí thải. Chỉ trích cũng tập trung vào việc nhiều khoản tín dụng đã được chi ra nhưng không đến được với nhiều quốc gia nghèo lâm nạn, như Somalia đang chìm trong nạn đói, do khô hạn nặng – hệ quả của biến đổi khí hậu, với gần một nửa dân cư bị đe dọa, hơn 213.00 người có nguy cơ chết đói.  

 

Nước giàu ''Đền bù tổn thất'' : Ẩn số của COP27

 

Báo tài chính Pháp La Tribune nhấn mạnh đến một hồ sơ quan trọng khác được trông đợi tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập. Đó là vấn đề đền bù ‘‘các tổn thất’’ do biến đổi khí hậu. Không phải chỉ để giúp các nước nghèo thích nghi, các nước giàu phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại. Đây là điều mà cho đến này, các nước giàu về cơ bản tránh né. Hội nghị COP27, lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, là một thời khắc của sự thật.

 

Theo một ước tính, vào năm 2030, chỉ riêng các tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu sẽ lên đến 530 tỉ đô la/năm. Càng chậm đầu tư cho cắt giảm khí thải, cái giá để khắc phục hậu quả về kinh tế sẽ càng lớn, chưa kể đến các tổn thất ghê gớm khác. Theo La Tribune, nếu COP27 không đạt được một thỏa thuận về ‘‘các thiệt hại và đền bù’’, niềm tin của các nước nghèo vào các nước giàu vốn đã không nhiều, sẽ sụt giảm hơn nữa.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Biến đổi khí hậu: “Thảm họa” được dự báo, nhưng quyết tâm ngăn chặn vẫn yếu ớt

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats