Saturday, 5 November 2022

KHI GIÁO DỤC TRỞ THÀNH XÃ HỘI ĐEN (Lâm Công Tử / Saigon Nhỏ)

 



Khi giáo dục trở thành xã hội đen

Lâm Công Tử

5 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/khi-giao-duc-tro-thanh-xa-hoi-den/

 

Nền giáo dục XHCN có nói đến hết thế kỷ này chưa chắc đã hết. Móc túi phụ huynh học sinh bằng sách giáo khoa, bằng dạy thêm học thêm, bằng mua bằng bán lớp chưa đủ, nay lại xuất hiện thêm một hình thái mới tồi tệ hơn, dã man hơn và nhất là làm cho phụ huynh đau khổ hơn khi tiếp tục bị bóc lột, trấn áp với những chiêu trò không một quốc gia nào trên thế giới này nghĩ ra được: “Đòi nợ thuê”.

 

Việt Nam vốn đã đứng đầu thế giới về việc cho phép thành lập những công ty đòi nợ thuê, những món nợ không phải chính thức cho vay từ ngân hàng có luật lệ hẳn hoi mà những công ty này đại diện cho những thế lực xã hội đen đội lốt công ty này tập đoàn nọ, cho vay với lãi suất trên trời; và khi người vay mất khả năng trả nợ sẽ bị côn đồ tới tận nhà dùng bạo lực bắt buộc khổ chủ phải tìm mọi cách để trả cả vốn lẫn lãi, bất kể hoàn cảnh của họ có đủ ăn hay không.

 

Những cảnh khổ từ đòi nợ thuê đã được báo chí vạch trần hàng ngàn ngàn vụ trên mọi nẻo đường đất nước. Nơi nào có người cơ nhỡ, thua thiệt trên lĩnh vực kinh tế, nơi đó có kẻ cho vay nặng lãi và bọn đòi nợ thuê kết hợp lại để bóc lột những hạt gạo cuối cùng trong nhà người dân trót vay tiền nóng của chúng. Hình ảnh chị Dậu bán chó trở thành bình thường trong xã hội này, khi mọi tầng lớp dân chúng đều là chị Dậu cả thì sự so sánh nay đã trở thành khập khiễng.

 

Đòi nợ thuê vốn chỉ “lưu hành” trong xã hội đen nhưng đến hôm nay thì người dân bắt đầu thấy rõ bất kể là ai trong xã hội này cũng có thể bị xã hội đen đòi nợ, ngay cả khi mình chưa bao giờ vay nợ của chúng. Chỉ hơi khác một chút, thay vì xã hội đen ngoài đời thì nay là bọn đòi nợ thuê nằm trong giáo dục.

 

Đọc bản tin của báo Tiền Phong mới thấy xã hội đen trong ngành giáo dục đòi nợ thuê như thế nào. Sáng ngày 31 Tháng Mười 2022, trong lễ chào cờ toàn trường, hai học sinh trường Tiểu học Sơn Lâm bị ông Hiệu trưởng Phan Đình Thống dùng loa phát thanh của trường kêu tên và buộc hai em phải nói với cha mẹ đóng tiền bảo hiểm bắt buộc. Do cảm thấy nhục nhã, cha của hai em này vác dao tới trường bắt ông Hiệu trưởng Phan Đình Thống phải quỳ xin lỗi. Công an đã bắt và truy tố người cha nhưng kẻ đại diện xã hội đen đòi nợ vẫn nhơn nhơn tự cho rằng mình không hề làm sai khi đòi nợ học sinh

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/hinhthutien_rion.jpg

Ghế ngồi cũng phải đóng phí (thanhnien)

 

Chuyện vỡ lở ra thiên hạ mới biết nhưng đâu phải một mình ông Hiệu trưởng Thống mới là xã hội đen! Thật ra dưới mái trường XHCH, học sinh ngoài việc mang chiếc cặp nặng nề ra, còn có một thứ khác nặng nề hơn nhiều lần dành cho cha mẹ, ông bà của em đó là danh sách số tiền phải đóng trong năm học mà mỗi trường đều có “tiêu chí” riêng của mình. Những món tiền này có khi không công khai “danh phận” của chúng với lý do nhạy cảm, mọi thứ tiền khác đều được liệt kê ra và phụ huynh học sinh có bổn phận thanh toán, nếu không sẽ bị nhắc nhở, thúc giục thậm chí làm khó, như trường hợp của trường Tiểu học Sơn Lâm.

 

Học sinh nhà giàu thì không nói làm gì nhưng con em nhà khó khăn thì việc đòi tiền này trở thành nỗi ám ảnh. Thử tưởng tượng mỗi lần vào lớp, giáo viên chủ nhiệm, hay bất cứ thầy cô nào đều lật tấm giấy nhỏ đọc tên các em chưa đóng tiền cho nhà trường thì làm sao các em không xấu hổ cho được? Số tiền nợ không hề vay ấy không khác nào “tiền chuộc” trong những vụ bắt cóc tống tiền, các em chỉ được tự do khi tiền chuộc ấy được đóng đầy đủ, bằng không các thầy cô phải thi nhau “vận động”.

 

Dĩ nhiên không có văn bản nào yêu cầu thầy cô giáo làm cái công việc đòi nợ thuê này nhưng thực tế cho thấy không thầy cô giáo nào thoát được cái uy lực đè nặng trên đôi vai của họ. Nếu tích cực, họ sẽ được Hiệu trưởng biểu dương, ngược lại con đường sư phạm của họ xem như đầy ổ gà trắc trở. Nền giáo dục đã nhơ bẩn nay lại càng bốc mùi hơn khi câu chuyện đòi nợ được cộng đồng chia sẻ.

 

Những người buôn gánh bán bưng, những phụ hồ, gác cổng cơ quan với đồng lương èo uột…, nếu trong nhà có bốn đứa con đang đi học thì số tiền bảo hiểm bắt buộc phải đóng gần 600 ngàn một em cho một năm. Gánh nặng này có khác nào tiền cho vay nặng lãi?

 

Các khoản thu trong năm học

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/Cac-Loai-Phi.jpg

“Kính thưa” các loại phí! (laodong)

 

Hãy nhìn lại danh sách con em mang về cho gia đình, chúng ta sẽ nhận ra số tiền phải đóng gồm: Tiền học phí; Tiền Bảo hiểm y tế học sinh; Tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Tiền đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu; Tiền phục vụ bán trú; Tiền học hai buổi/ngày; Tiền học phẩm cho học sinh mầm non; Tiền nước uống học sinh; Tiền viện trợ, quà, biếu, tặng, cho: nhà trường được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để mua sắm trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học…

 

Ngoài những thứ tiền được cho phép thu, còn vô số những thứ tiền không tên, nhạy cảm khác như Tiền mua bàn ghế; Tiền bảo vệ tiết học; Tiền chọn giáo viên Chủ nhiệm; Tiền xây trạm biến áp; Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; Bảo vệ an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

 

Cái danh sách dài lê thê này liệu có làm cho chúng ta chóng mặt nhưng góp phần cho thầy cô có đời sống khá hơn? Xin thưa ngay, hoàn toàn không. Số tiền ma quỷ này sẽ được cúng cho các sở giáo dục, cho những quan chức giáo dục gần xa có dịp về tham quan hay “thanh tra” trường, cho Hiệu trưởng hay cùng lắm là cho vài giáo viên chủ nhiệm có chọn lọc. Không thầy cô bình thường nào có thể chấm mút số tiền bất nhân ấy.

 

Giáo dục là xương sống của quốc gia nhưng nền giáo dục XHCN đã chứng minh rằng chúng không cần sự phát triển của quốc gia mà chúng cần bóc lột để làm giàu chờ ngày hạ cánh về “làm người tử tế”. Những rác rưởi của xã hội đã công khai “thường trú” trong từng gia đình, bất kể sức khỏe và môi trường của những người đang sinh sống trong đó. Chừng nào phụ huynh học sinh còn bóp bụng đóng đầy đủ mọi thứ tiền cho con em mình thì chừng đó hình thái đòi nợ thuê trong giáo dục sẽ còn tồn tại. Hay là chúng ta đang tập “sống chung với lũ mọi rợ” lấy chữ nghĩa làm phương tiện tống tiền chúng ta?

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats