Friday, 6 May 2022

NGÀI KÊ và SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO BA VẠN CHÍN NGHÌN TIẾN SĨ CỦA NƯỚC NHÀ (Trần Thanh Cảnh)

 



Ngài Kê và sự nghiệp đào tạo ba vạn chín nghìn tiến sĩ của nước nhà

Trần Thanh Cảnh

06/05/2022

https://baotiengdan.com/2022/05/06/ngai-ke-va-su-nghiep-dao-tao-ba-van-chin-nghin-tien-si-cua-nuoc-nha/

 

LGT: Nhân sự kiện “tiến sĩ cầu lông” đang ồn ào trên mạng, xin được giới thiệu lại câu chuyện đào tạo tiến sĩ, của nhà văn Trần Thanh Cảnh, trích trong sách “Giáo sư Kê truyện” của ông, do nhà xuất bản Hợp Lưu ấn hành.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/05/1-1.png

Ảnh chụp bìa sách “Giáo sư Kê truyện” của tác giả Trần Thanh Cảnh

 

                                                               ***

 

Ngài Kê và sự nghiệp đào tạo ba vạn chín nghìn tiến sĩ của nước nhà

 

1.

Thấm thoắt ngài Giáo sư Tiến sĩ Giang Đình Kê, viện trưởng viện súc sản đã hưu trí được năm năm. Hồi mới nhận quyết định, ngài tuyên bố, “Tao nghỉ là nghỉ, không tơ vương dây dưa gì nữa. Mấy chục năm ròng ra thưa vào bẩm mệt lắm rồi. Chán lắm rồi. Nghỉ hẳn. Làm dân cho khỏe”.

 

Nói là làm. Cơ ngơi ngoài thành phố ngài để lại cho vợ chồng con trai, còn mình về Làng Ngọc sống. Ở quê có bà vợ tuy khỏe mạnh nhưng già. Bà ấy đã theo hội các bà vãi làng lên chùa tụng kinh niệm Phật từ lâu. Chuyện vợ chồng coi như thôi. Còn ở với nhau là chuyện tình nghĩa, con cái, dây mơ rễ má… Là lời bà ấy bảo thế. Chứ ngài Kê chả nói gì. Bởi từ lâu, ngài vẫn “ăn phở” đều. Ngay tại viện. Những hai. Một em kế toán mới ngoài bốn mươi xuân, rừng rực. Một em thư ký gần ba mươi, đương thì. Bọn nhân viên nam trong viện có hơi ghen tỵ, chúng nó nói là ngài có hẳn hai món phở đổi nhau. Một sốt vang. Một tái lăn. Thế nhưng ngài về hưu thì cũng hết tình. Là bởi cái tình tính tang nó chỉ đến thế mà thôi. Ngài Kê hiểu. Yên tâm bàn giao lại cơ đồ cho thằng đệ tử thân thiết. Mà không. Thằng này có thể coi như là con nuôi, nó bằng tuổi con trai ngài, hai thằng lại thân nhau. Thậm chí nó còn quan tâm hầu hạ ngài hơn cả con đẻ kia. Rất ngoan. Bởi thế nên ngài mới kỳ công dựng nó từ thằng kỹ thuật viên chuyên rửa ống nghiệm lên thành giáo sư tiến sĩ viện trưởng thay mình chứ.

 

Thế nhưng hưu là nghỉ. Có điều một số bộ phận trên cơ thể ngài không chấp hành quyết định của tổ chức, chưa chịu hưu cho. Là chuyện cái thằng nhỏ xưa nay vốn là niềm tự hào của ngài. Giời sinh ra đàn ông không giống như đàn bà. Đàn bà như vợ ngài Kê, đến hồi ngoại năm mươi, hết kinh. Tự dưng mọi thứ teo đét như của em bé. Thế là bà ấy cắp chăn ra ngủ riêng, còn bảo, từ giờ ông đừng có động vào người tôi nhé! Thế có chán không chứ lỵ! Ai thèm động. Hai con bồ ở viện lúc đó vú to như núi Phú Sĩ, bướm thì nước tràn trề như giếng thần đầu Làng Ngọc, xơi ngọt như đòng đòng. Thích ăn lúc nào được lúc ấy. Ai động vào cái đồ cổ ấy làm gì. Thằng nhỏ của ngài khi xưa còn đang đương chức đương quyền thì là cả một sự tự hào. Em kế toán, em thư ký vẫn bảo, “Anh như thanh niên”. Nhưng khi ngài có thông báo chuẩn bị bàn giao là cả hai đứa diễn ngay bài phụ nữ đoan trang, động vào người cái là hấm hứ hầm hừ. Ngài Kê thông hiểu sự đời, biết thừa hai nàng ngảng ra, nên cũng không chấp. Chấp nhận tuổi buồn. Lặn thẳng. Thế nhưng rắc rối vẫn là thằng em nhỏ, nó không biết điều đó, vẫn cứ “quậy”, thật là một sự phiền phức kha khá.

 

2. Hồi ngài Kê mới về hưu trí tại làng.

 

Những định sáng tưới hoa, thưởng trà nghe chim hót. Trưa chiều đi chơi giao lưu với bạn bè cùng trang lứa trong làng xưa. Tối đọc sách nghe đài xem ti vi. Thỉnh thoảng lên thành phố thăm cháu. Đời thế là vui… Thế nhưng được vài hôm thì ngài thấy chán phè. Hoa đẹp nhìn mãi thấy nhàm. Chim kêu mãi điếc tai. Bạn bè cũ đến chơi lần đầu còn mặn, lần thứ hai là chuyện đã nhạt như nước ốc. Còn cháu, lên đến nơi, chưa kịp thở nghe nó hỏi, “Ông lại lên đấy à?”. Chán hẳn. Chỉ muốn quay về luôn và ngay. Nhưng về đâu?

 

Tay con trai thấy bố cứ thở ngắn than dài bèn bảo: “Sao ông không đi du lịch hoặc kiếm cái việc gì làm cho nó khuây khỏa?”.

 

Du lịch thì già rồi, thiết gì nữa đâu. Vả lại đi chơi phải có bạn. Có câu, không quan trọng là đi tới đâu, mà là đi với ai kia! Câu này là của bọn trẻ chúng nó đúc kết. Cơ mà cũng thấy đúng với cả cánh già. Rất đúng.

 

Đang buồn gặp hôm tha thẩn sang làng Ao xem hội thì gặp một tay hoành tráng, cũng vừa nghỉ hưu, xưng là giáo sư xã hội học về hưu chuyển sang nghiên cứu văn hóa dân gian. Chuyện trò dăm câu ba điều thấy hợp. Tay này rủ đi “hoạt động”, sống vui sống khỏe sống có ích. Thế là ngài Kê đi làm cái dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị tâm linh kinh tế gà Ao” cùng với ông bạn giáo sư xã hội học. Rồi trong khi đi “điền dã nghiên cứu” ngài Kê gặp một nàng, nhận luôn là em gái thân thiết, làm chỗ đi lại. Dự án ấy thành công ra phết. Kể ra nếu không có vụ cô em gái thân thiết, là nàng Thy bỏ đi lấy chồng và xù luôn cả đám tiền ngài kiếm được ở dự án thì đời nghỉ hưu cũng là vẻ vang. Vụ xì căng đan với em Thy cũng làm ngài mất mặt một thời gian, nhưng rồi mọi việc cũng qua, bởi như người ta vẫn nói, cười ba tháng chứ chẳng ai cười ba năm! Nhất là sau đó chưa đầy năm thì ngài Kê được nhà nước vinh danh Công trạng quốc gia hạng nhất, nên chuyện vớ vẩn xưa coi như quên hẳn. Không còn tỳ vết gì. Tuyệt đối không. Ngài Kê bây giờ là niềm vinh dự không những của Làng Ngọc, của vùng Kinh Bắc, mà là của cả quốc gia kia đấy…

 

3. Những chuyện ấy nhiều người biết rồi, không kể thêm nữa.

 

Chuyện là sau kỳ bầu bán vừa rồi tay viện trưởng Hàn lâm Súc sản đương nhiệm trúng ngay một chân trung ủy kia. Hắn đi họp cấp “chiến lược”, tham mưu chém gió sao đó, ra ngay được cái nghị quyết là đưa nước ta đi tắt đón đầu về “Phổ cập tiến sĩ” trong toàn bộ hệ thống quan chức công quyền, từ cấp thấp nhất cho đến cao nhất. Hệ thống này sẽ là đầu tàu kéo đất nước ra khỏi trì trệ lạc hậu, đưa ngay dân trí nước mình nhảy phắt phát lên sánh hàng với các cường quốc năm châu. Đấy mới là cái đặc thù độc đáo Việt Nam. Thế giới chưa ai làm, ta làm. Thế giới chưa đâu có, ta có. “Đây chính là động lực phát triển mới của chúng ta”. Viện trưởng lên tivi, tay chém gió, mắt nhìn thẳng, hiên ngang phán tiếp: “Các đồng chí thử tưởng tượng xem, một khi hệ thống của ta được phổ cập tiến sĩ. Trung ương tiến sĩ. Tỉnh tiến sĩ. Huyện tiến sĩ. Xã phường tiến sĩ. Các cơ quan ban ngành hội hè đoàn thể cũng toàn tiến sĩ, sẽ kéo theo vô vàn cái văn minh học thức tiến bộ. Tiến sĩ tạp vụ tất nhiên sẽ là đỉnh cao của xúc ấm pha trà, cọ rửa toa lét. Ấm sạch trà ngon lãnh đạo uống vào sảng khoái thông thái sẽ đề ra nhiều chính sách ích dân lợi nước. Toa lét sạch, mọi người trong cơ quan được thư giãn, tinh thần thông suốt, công việc sẽ trôi chảy. Tiến sĩ đánh máy sẽ chấm dứt tình trạng hàng loạt các văn bản pháp quy chưa kịp ban hành ra đã bị nhân dân dè bỉu, phải thu về, mà suy cho cùng là do lỗi của nhân viên đánh máy kém trình độ. Tiến sĩ là nhân viên thu thuế sẽ thấm nhuần được quan điểm, thu thuế của dân như vặt lông vịt đang sống, êm ái nhổ từng cái một, vịt sẽ không kêu, dân sẽ không phàn nàn, xã hội sẽ ổn định và phát triển. Tiến sĩ… tiến sĩ và tiến sĩ…”. Viện trưởng còn nói dài nữa, nhưng đa số đám quần chúng nhân dân nước mình đã chuyển kênh. Bà già thì xem phim truyền hình ngàn tập của Ấn Độ. Bọn trẻ thì phim Hàn, K- pop. Còn cánh đàn ông nhơ nhỡ thì hay dán mắt vào chương trình thời trang thiên thần, có các cô nàng tóc vàng chân dài, xi líp bé bằng cái lá mít nhưng lại có đôi cánh tổ bố sau lưng… Tóm lại là chả ai thèm nghe viện trưởng nói nữa.

 

Thế nhưng đề án “Phổ cập tiến sĩ” đã được thông qua. Kèm theo là khoản kinh phí mấy chục ngàn tỷ.

 

Sáng hôm sau ngài Kê ra ăn sáng ở quán cháo lòng đầu phố, tay Vụ vốn là bạn chơi bi chơi đáo với ngài từ bé, nhưng học kém. Lại thêm bố mẹ là nông dân đặc nên hắn vẫn loanh quanh ở nhà từ bấy đến nay, làm ruộng buôn bán nhì nhằng, sống cũng tạm. Vụ bê bát sang ngồi bàn cùng ngài Kê, hỏi:

 

– Này ông, hai mươi ngàn tỷ viết thành con số thì nó thế nào?

 

– Khe khe khe… Cái số ấy thì tôi cũng quên mẹ nó cách viết sao cho đúng rồi!

 

– Ông là giáo sư tiến sĩ mà còn đek viết được thì dân đen bọn tôi biết viết làm sao?

 

– Thì thế… Mà ông hỏi cái số ấy làm gì?

 

– À, chả là hôm qua xem trên ti vi, cái tay gì đấy vẫn hay về nhà ông nói, hai mươi ngàn tỷ để mua tiến sĩ…

 

– Ông chỉ được cái điếc tai làng sáng tai họ. Hai mươi ngàn tỷ ấy là để đào tạo chứ không phải là để đi mua.

 

– Thì đằng nào chả thế. Đào tạo cũng tiền. Mua cũng tiền. Sao không mua luôn cho nhanh?

 

– Nói như ông thì… sang luôn làng hàng mã Đông Hồ bảo người ta bồi giấy vẽ râu cho ít ông tiến sĩ thì tha hồ mà nhanh nhiều tốt rẻ, nhỉ?

 

– Đúng quá còn gì. Tiến sĩ nước mình cả đống mà xưa nay có thấy làm nên cái trò trống gì đâu. Chế tạo hết phi cơ tàu bò, máy nọ móc kia thì toàn mấy ông nông dân chưa học xong cấp hai. Tiến sĩ thì toàn ngồi như phỗng. Thế thì mua béng tiến sĩ của Đông Hồ chả đỡ tốn tiền nhà nước sao?

 

– Ông thật… chả biết đ*o gì về khoa học cả. Chỉ được cái nói linh tinh.

 

– Kha kha kha… Tôi nông dân chân đất, biết đek gì về khoa học. Chỉ biết bí ngô lai với dưa lê thì ra được cái giống gì…

 

Ngài Kê đang nhai miếng nõn đuôi béo ngậy, cơ mà hơi dai. Vội nuốt. Suýt chết nghẹn. Ngài đỏ mặt tía tai đứng dậy, bỏ dở luôn bát cháo lòng vẫn còn đang bốc khói, đi thẳng về nhà. Tay chủ quán với theo định đòi tiền thì ông Vụ đã bảo, “Để tôi trả cho cả bát của ông ấy luôn”.

 

4.

Về đến nhà vẫn chưa hết tức. Ngài Kê vớ luôn chai lavie trong tủ lạnh uống liên tục từng ngụm nhỏ cho xuôi. Nước lạnh làm ngài trấn tĩnh dần. Ngài tự thề với mình từ giờ trở đi không bao giờ thèm giao du với cái dân làng Ngọc làm gì nữa, rặt một bọn ba que xỏ lá, hở ra là đá đểu… Ngài ngồi hồi lâu rồi cũng nhớ lại đầu đuôi câu chuyện ngày mới về công tác tại Viện Súc sản, có đem lai bí đỏ với dưa lê thật. Hồi ấy cụ thân sinh Giang Đình Khánh đang làm bí thư nên ép cả tỉnh thử nghiệm sản phẩm mới. Mới đầu là người ăn, tháo dạ cả làng, cả huyện cả tỉnh. Kết quả là chính quyền phải mua berberin phát không cho dân, tốn khối. Lại đem cho trâu bò dê lợn ăn. Kết quả còn thảm hơn nữa. Bọn ấy lăn ra chết thẳng cẳng. Sau vụ ấy thì ngài Kê được ông Giang Đình Khánh vận động trên cho đi du học bên Liên Xô thành trì xã hội chủ nghĩa. Cơ mà là việc đã qua mấy chục năm rồi, cớ gì mà mấy cái thằng dân ngu khu đen chúng nó cứ nhắc mãi? Điên cả người…

 

May thay, đúng lúc đó thì ngài Kê có điện thoại. Con Samsung J7 để trên mặt bàn sáng lè lên. Ngài chạm nút nhận cuộc gọi. Tiếng của đương kim viện trưởng Hàn lâm Súc sản oang oang, rõ ra một tay đàn ông đang tầm phong độ, “Alo, ông à! Con đang cho xe về đón ông ra viện bàn chút việc. Ông chuẩn bị mang theo quần áo tư trang, ở lâu dài, lát nữa xe về đi luôn nhé!”. “Có việc gì mà anh triệu tôi gấp thế hử?”. “Không có gì nghiêm trọng cháy nhà chết người đâu. Vui thôi. Ông ra đây rồi con trình cụ thể”.

 

Ngài Kê mừng như chết đuối vớ được cọc, khấp khởi chuẩn bị đi ngay. Ngài đang chán làng Ngọc đến tận cổ. Ra thành phố ở chín người mười làng tuy có lạnh nhạt tí nhưng mà vẫn dễ sống hơn. Ngài đã âm thầm rút ra kinh nghiệm thế sau mấy năm hưu trí về quê. Quê hương là cái đek gì mà khế với ngọt, là cái tổ kiến lửa thì có.

 

5.

Thì ra là đương kim viện trưởng Hàn lâm Súc sản mời ngài Kê ra làm chủ tịch một hội đồng đào tạo tiến sĩ của viện.

 

Bởi trong đề án phổ cập tiến sĩ vừa trình ra, dự là mỗi năm nước ta phải cho ra lò một ngàn ba trăm tiến sĩ. Ba năm là phải có ngay ba nghìn chín trăm ông. Dự kiến là sẽ có tới ba vạn chín nghìn ông nghè cơ… Tính ra mỗi ngày phải đẻ ra ba tiến sĩ rưỡi. Mà đấy là kể cả ngày nghỉ ngày lễ, ngày sóc vọng, tết nguyên đán nguyên tiêu… Nếu trừ những ngày ấy đi thì mỗi ngày các viện, trường đại học nước ta phải cho ra lò cỡ năm phảy bảy mươi lăm ông nghè! Nhưng đấy là nói đi thôi, chứ còn ngược lại chả phải lo. Lo cái gì? Có mà lo bò trắng răng, lo đĩ không biết vén váy, lo quan không biết đút… à, ăn của đút. Bởi chuyện là, thời gian gần đây các trường đại học nước ta mọc lên như nấm sau mưa. Một lúc hàng trăm trường ra đời. Đi đâu cũng thấy trường đại học. Nghe ra toàn những trường đa ngành hoành tráng, sắp hoặc gần gần tương đương quốc tế cả. Có trường quảng cáo, đào tạo liên thông luôn một mạch từ sơ cấp cho tới tiến sĩ, thẳng một lèo, cho tiện! Các cháu học sinh khỏi phải qua kỳ thi quốc gia căng thẳng lôi thôi không cần thiết, cứ có cái bằng phổ thông xong là tới đăng ký học sơ cấp, rồi liên thông liền tù tì ít năm, thành ngay bà cử ông nghè. Quá tiện. Chỉ mỗi tội là trường mở ra nhiều quá, nhanh quá nên trụ sở trường lớp xây chả kịp, thành ra cũng có chút khó khăn. Thế nhưng người nước ta vẫn nói, trong cái khó ló cái khôn. Thì người Việt mình vốn vẫn nổi tiếng tinh ranh đệ nhất thiên hạ. Chưa có trụ sở, giảng đường thì ta thuê, có sao đâu? Các trường bèn đua nhau đi thuê mướn linh tinh cả. Thậm chí có trường mở luôn giảng đường trên khán đài B sân Mỹ Đình. Dưới sân đội tuyển quốc gia thi đấu hăng say vì màu cờ sắc áo, khán giả hò hét tưng bừng. Mặc kệ. Trên phòng khán đài vốn là chỗ của báo chí tác nghiệp, sinh viên vẫn ngồi nghe lời giáo sư giảng dạy, thật là một tinh thần học tập nghiên cứu khoa học say mê lớn lao thế giới này chưa từng có. Thế nên cái chỉ tiêu một ngày cả nước phải đẻ ra năm phảy bảy mươi lăm ông nghè, thực ra cũng không lấy gì làm ghê gớm lắm. Mà ngược lại, trên phải phân bố chỉ tiêu cho các viện trường rất là căng thẳng. Viện nào, trường nào cũng muốn có nhiều chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ. Là bởi đi theo cái chỉ tiêu ấy là kinh phí đi kèm. Mà là nhiều xiền lắm cơ. Toàn xiền chùa. Xơm lắm!

 

Viện trưởng nói với ngài Kê: “Viện mình con giành được chỉ tiêu đào tạo ba trăm tiến sĩ trong ba năm. Nghĩa là mỗi tuần phải cho ra lò ít nhất hai tiến sĩ. Rất căng. Nhưng không thể bỏ được. Đây không những là cơm áo gạo tiền của anh em trong viện còn là nhiệm vụ chính trị. Con tính thế này, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thì ngoài các chuyên ngành xưa nay của viện, con quyết định thành lập thêm một chuyên ngành mới, gọi là Chăn Nuôi Xã Hội Học. Và mời ông ra làm chủ tịch hội đồng khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ!”

 

Ngài Kê nghe đương kim viện trưởng nói một lúc lâu vẫn chưa nghĩ ra thế nghĩa là cái gì. Ngài hoãn binh bằng cách chăm chú thưởng trà và khen trà ngon. Ngài tự nghĩ, mình vốn là thày nó mà một khái niệm cũng chưa hiểu, cũng phải hỏi để cho nó giảng giải cho thì có vẻ hơi bị nhục. Nên ngài suy nghĩ mông lung mãi. Chăn nuôi… thì ngài hiểu, bởi nó vốn là chuyên sâu của ngài từ thời trẻ. Xã hội học… ngài cũng hiểu, bởi cái dịp đi làm dự án Gà Ao với ông bạn giáo sư xã hội học chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian, ngài cũng đã được khai mở ít nhiều. Thế nhưng đây nó lại tích hợp thành một khái niệm mới. Trừu tượng. Kiểu như đông tây y kết hợp với thày cúng. Đòn này khó đỡ đây! Thằng này thế mà hiểm. Đúng là hậu sinh khả úy, trò vượt thày. Chậc chậc chậc… Mà nó là học trò ruột, bấy lâu nay vẫn đi lại như con cháu trong nhà, làm đek gì phải giữ kẽ? Vừa thoáng nghĩ đến đây ngài Kê đã buột ra miệng: “Này, thôi tôi già không có nhiều thời gian để nghĩ, nên cứ hỏi thẳng anh luôn cho nhanh, Chăn Nuôi Xã Hội Học, nghĩa là cái trò vè gì vậy?”. “Ồi!Thực chất vấn đề nó cũng đơn giản thôi. Thế nhưng để đơn giản quá thì làm luận án tiến sĩ thiên hạ cười cho thối mũi. Con nghĩ mãi mới ra được cái tên có vẻ cao siêu bí hiểm và đầy tính học thuật cho những việc ông đã làm đấy” .“Tôi làm? Tôi làm gì đâu?”. “Thì cái dự án ông làm năm kia bên làng Ao: Bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế tâm linh giống Gà Ao chả thành công rực rỡ là gì?”. “Tôi vẫn chưa hiểu”. “Đó! Chính là điển hình của việc tích hợp giữa sản xuất chăn nuôi và xã hội học. Nuôi gà thịt ăn, bán lấy tiền, nó thuộc về Chăn nuôi. Để cúng thành hoàng, trở thành một biểu tượng tâm linh của dân làng, nó thuộc về phạm trù Xã hội học. Tích hợp lại, nó sẽ là một khái niệm mới Chăn Nuôi Xã Hội Học. Ông biết không, tích hợp, bây giờ đang là xu thế của nhân loại đó. Mà phải đưa ra những khái niệm mới, bí hiểm khó hiểu như thế thì mới xứng danh là Viện Hàn lâm chứ”.

 

6.

Thế là ngài Kê làm chủ tịch hội đồng khoa học chuyên ngành Chăn Nuôi Xã Hội Học.

Tay đương kim Viện trưởng Hàn lâm Súc sản rất ngoan. Hắn bố trí cho ngài một phòng làm việc. Bên ngoài có gắn biển đồng, chữ vàng lấp lánh “Chủ tịch hội đồng: Giáo sư tiến sĩ Giang Đình Kê”. Rồi bắt đầu từ căn phòng đó, thày trò bàn bạc vẽ ra rất chi là nhiều đề tài tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh miệt mài nghiên cứu. À không, phải viết là hai thày trò thai nghén rất nhiều ý tưởng khoa học nó mới oách. Toàn những cái mới lạ. Thì khoa học là phải mới lạ mà lại. Nào là:

 

Chăn nuôi gà Ao, nhìn từ góc độ xã hội học”

 

“Bảo tồn và nhân giống gà Ao, nhìn từ góc độ xã hội học”

 

“Tập tính đạp mái của gà Ao, nhìn từ góc độ xã hội học”

 

“Khả năng chịu sống của gà Ao, nhìn từ…”

 

Vân vân và vân vân…

 

Hết gà thì sang vịt, ngan, ngỗng, trâu, bò, dê, lợn… Cứ thế mà phát triển. Vô thiên lủng là đề tài. Thậm chí ngài Kê còn bứt phá, hướng dẫn một nghiên cứu sinh làm đề tài, “Chăn nuôi chim bồ câu, góc nhìn xã hội học với hòa bình thế giới”. Viện trưởng khen cực hay. Trình độ khoa học nước nhà đã tiệm cận với thế giới. Hội đồng khoa học bỏ phiếu cho điểm tuyệt đối, mười, mười, mười… Rộn ràng! Rộn ràng đến nỗi dân xung quanh đổ xô đến vây kín viện để hóng xem chùa. Bởi cứ tưởng là đài truyền hình về quay một chương trình nào đó mà có một tay MC hot nhất nước đêm đêm vẫn gào ông ổng trên sóng…

 

Viện trưởng Hàn lâm Súc sản phấn khởi lắm. Ngài Kê cũng phấn khởi không kém. Rất nhiều tiến sĩ sau khi tốt nghiệp ở viện ra đã lập tức thăng quan tiến chức. Nhiều tiến sĩ đã, đang và sẽ đóng vai chủ chốt cho guồng máy nước nhà. Ngài Kê bỗng thấy cái sự nghiệp về hưu của mình hình như còn rực rỡ hơn khi đương chức. Ngài định thừa thắng xông lên, hướng dẫn con bé học trò yêu mới tuyển được, đang là nhân viên văn thư ở phường làm đề tài “Nuôi bướm và xã hội học”, để lấy cái bằng tiến sĩ, kỳ hội đồng sau đem ra dọa chúng sinh kiếm cái ghế chủ phường. Thế nhưng viện trưởng gạt đi nói: “Thôi thày hướng dẫn nó nuôi dê đi, chứ bướm, nó thuộc bên ngành côn trùng học, không thuộc bên ta quản”. Ngài Kê nghe thấy cũng phải, bèn dắt nữ nghiên cứu sinh vào Ninh Bình mấy tháng. Xơi tiết canh dê. Ăn lẩu dê cơm cháy. Uống rượu ngâm dái dê. Rồi thày trò cùng nhau nghiên cứu bài dê ê ê ê e e e… như thông lệ.

 

7.

Một buổi tối, ngài Kê đang ở nhà.

 

Nhà đây là cái tòa trên thành phố. Từ khi nhận lời ra làm chủ tịch hội đồng thì ngài lại lên đây ở. Còn khu biệt phủ dưới quê lại giao cho bà vợ – vãi già trông nom. Ngài đang thư thái ngồi xem ti vi chương trình thời sự ở phòng khách, thằng cháu thứ hai mới chín tuổi ngồi chơi game trên ipad bên cạnh ông thì tay viện trưởng tới. Xách theo một cặp số mới, bóng loáng. Vì là chỗ người nhà thân thiết nên chẳng cần phải rào đón nhiều lời, viện trưởng nói luôn:

 

– Trong tất cả các hội đồng của viện thì hội đồng của ông là xuất sắc nhất, hoàn thành vượt mức một ngàn năm trăm phần trăm kế hoạch đào tạo tiến sĩ. Các hội đồng khác ì ạch mãi mới được vài cái. Con tính có khi họ kém quá thì chuyển sang cho làm bên hội đồng của ông tuốt.

 

– Khe khe khe… Cái này tùy anh, chứ tôi giờ là cấp dưới của anh. Anh cứ chỉ gì tôi làm ấy.

 

– Ấy con không dám. Cơ mà chuyện nào ra chuyện nấy. Cái vụ ông con mình đào tạo tiến sĩ Chăn Nuôi Xã Hội Học tính ra là ăn đậm ông ạ. Thôi thì của đồng chia ba của nhà chia đôi. Một phần ba con cúng trên. Một phần ba của con. Một phần ba của ông đây ạ.

 

Vừa nói, viện trưởng vừa đẩy cái cặp số vào cạnh ngài Kê. Hắn nói thêm trước khi ra về: “Mã số mở cặp là ngày tháng và hai số cuối năm sinh của ông nhé”.

 

Ngài Kê mở cặp số ra. Từng tệp tiền polyme mệnh giá 500 ngàn mới cứng, đầy chặt. Nhìn những tệp tiền sáng bóng ánh lên một màu mê hoặc, ngài cựu viện trưởng mê man trong một cái khoái cảm quen thuộc mà lâu lắm mới lại được trở về. Ôi. Tiền đông như quân Nguyên! Ngài lâng lâng…

 

Trên ti vi đang quay đến cảnh văn hóa dân gian làng xã, trống phách đàn sáo ầm ĩ cả gian phòng nhưng ngài không nghe thấy gì hết. Vẫn cứ ngất ngây nhìn cặp tiền đầy ắp như bị thôi miên. Thằng cháu chín tuổi bỗng buông ipad, đập tay vào đùi ông nội: “Ông ơi họ đang làm cái gì trong ti vi mà xanh đỏ tím vàng thế kia?”.

 

Ngài Kê bừng tỉnh nhìn màn hình: “Ồ. Làng Đông Hồ làm ông tiến sĩ giấy cháu ạ”. “Họ làm tiến sĩ giấy để làm gì thế ông?”. “ Họ làm để bán cho trẻ con chơi”. “Thế mai ông đem cái cặp tiền này về Đông Hồ mua cho cháu một ông tiến sĩ giấy như thế kia để cháu chơi nhé”. “Được rồi, mai ông về làng mua cho”.

 

Nói rồi ngài Kê xách cái cặp tiền đứng dậy định mang lên phòng riêng cất đi. Đến nửa cầu thang thì nghe tiếng thằng cháu nội lại gọi: “Ông ơi nếu cái cặp tiền ấy chưa đủ để mua tiến sĩ giấy thì bảo bố cháu cho ông vài cái cặp như thế nhé. Hôm qua cũng có người mang đến cho bố cháu mấy cái cặp như thế đấy. Nhà mình nhiều cặp tiền lắm ông ạ”.

 

Nghe cháu nội nói thế, ngài Kê bỗng nhiên bật cười váng nhà. Vừa cười ngài vừa văng, “Đ*o mẹ, một cái cặp này có mà tao mua được cả ba vạn chín nghìn ông tiến sĩ cho mày chơi, chứ đùa” Khe khe khe…

 

T.T.C.

 

https://nguoikechuyenkinhbac.com/giao-su-ke-truyen-phan-6-bid46.html

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats