Saturday, 5 August 2017

VIỆT NAM : HỔ NÀO KHÔNG KHÁT MÁU, RUỔI NÀO KHÔNG UẾ TẠP ? (Nguoi Viet Online)




August 2, 2017

HÀ NỘI (NV) – Những diễn biến mới nhất trong sự kiện Trịnh Xuân Thanh đầu thú cho thấy, Việt Nam đang học Trung Quốc diễn bài quyền “đả hổ, diệt ruồi.”

Trung Quốc đi trước
“Ðả hổ, diệt ruồi” là một cách Trung Quốc ví von công cuộc chống tham nhũng ở xứ này. Tường thuật của truyền thông quốc tế về phương thức tìm-diệt tham nhũng ở Trung Quốc cho thấy, hệ thống tư pháp Trung Quốc “đả hổ, diệt ruồi” theo giáo trình: Chọn một cá nhân làm điểm đột phá, khống chế – biến đương sự thành “vũ khí,” hạ gục những cá nhân khác, gom tất cả thành một sợi xích để cột ông trùm.

Từ khi Trung Quốc tiến hành “đả hồ, diệt ruồi,” số người chuyển tài sản ra ngoại quốc, sau đó đào tẩu là một làn sóng lan rộng trong hệ thống công quyền ở Trung Quốc. Ðể đả cho bằng được hổ, diệt cho bằng được ruồi, Trung Quốc tung mật vụ ra ngoại quốc, bí mật săn tìm, bắt cóc cả ruồi lẫn hổ, áp giải về nguyên quán.

Cuối năm 2014, Tân Hoa Xã công bố một thống kê, theo đó trong vòng hai năm, mật vụ Trung Quốc đã săn tìm bắt giữ-áp giải 288 nghi can dính líu đến tham nhũng đang lẩn trốn tại 56 quốc gia (Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Nam Phi, Nam Hàn,…) đưa về Trung Quốc.

Bí mật săn tìm-bắt giữ-áp giải ai đó về Trung Quốc là “bắt cóc, xâm phạm chủ quyền của quốc gia mà người bị bắt giữ-áp giải đang cư trú. Do mật vụ Trung Quốc không màng chuyện này, hạ tuần Tháng Tám năm 2015, chính phủ Hoa Kỳ chính thức lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc. Vào thời điểm đó, New York Times cho biết, từ 2014 đến Tháng Tám năm 2015, mật vụ Trung Quốc đã tham gia “hồi hương” 930 nghi can tham nhũng và chỉ có 70 là “tự nguyện hồi hương.”

Kể từ khi mật vụ Trung Quốc tung hoành khắp thế giới, lẩn trốn ở ngoại quốc không còn là thượng sách, tự tử trở thành một làn sóng mới mà hàng trăm viên chức Trung Quốc lựa chọn khi thấy khó thoát khỏi các cáo buộc tham nhũng.

Việt Nam nhảy múa phía sau
Có thể xem trường hợp Trịnh Xuân Thanh, từng là đại biểu Quốc Hội Việt Nam, phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đã được “qui hoạch” làm thứ trưởng Bộ Công Thương là một ví dụ minh họa cho chuyện ngay cả trong chống tham nhũng, Việt Nam cũng bắt chước Trung Quốc.

Ông Thanh – nhân vật lẽ ra phải chịu trách nhiệm chính khi Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) “thất thoát” 3,700 tỉ lại thăng tiến một cách phi thường. Quan lộ của ông Thanh chỉ gập ghềnh rồi tắc từ khi nội các Việt Nam đổi chủ – ông Nguyễn Tấn Dũng rời chính trường ra về “làm người tử tế,” ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế thủ tướng.

Hệ thống tư pháp Việt Nam mở hồ sơ về Trịnh Xuân Thanh từ một chuyện rất nhỏ: Ông Thanh dùng xe hơi tuy do tư nhân làm chủ nhưng lại mang biển số dành cho công xa. Chuyện rất nhỏ đó trở thành một scandal vì sau khi “kiểm tra việc cấp biển số công xa cho xe thuộc sở hữu tư nhân,” hệ thống tư pháp Việt Nam mới “phát giác” ông Thanh phải chịu trách nhiệm trong vụ PVC “thất thoát” 3,200 tỉ, ngoài ra, bỏ qua lựa chọn-cất nhắc một nhân vật như thế rõ ràng là “sai lầm nghiêm trọng.”

Giống như hàng ngàn trường hợp đã xảy ra ở Trung Quốc, ông Thanh cũng đột nhiên mất tích trước khi hệ thống tư pháp Việt Nam xác định ông là bị can.

Bởi công chúng quan tâm, đòi phải “làm rõ,” hệ thống tư pháp Việt Nam “phải mở rộng điều tra” từ PVC sang PVN (Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam, mẹ của PVC, thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải), rồi Bộ Công Thương – nơi tiếp nhận ông Thanh và tiếp tục sắp xếp, đẩy ông Thanh lên cao hơn trong ngành này. Ông Vũ Huy Hoàng, nhân vật giữ vai trò bộ trưởng Công Thương suốt hai nhiệm kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng đảm trách vai trò thủ tướng, bị xác định là phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, trong nhiều trường hợp, chứ không riêng trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Ông Hoàng bị đảng CSVN cảnh cáo, bị tước hàm bộ trưởng mà ông đã từng mang.

Khi điều tra về Trịnh Xuân Thanh, hệ thống tư pháp Việt Nam tất nhiên không thể bỏ qua vai trò của ông Ðinh La Thăng, người đảm nhận trọng trách điều hành PVN, sau đó được cất nhắc làm bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải trong nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng. Tất nhiên là không khó để xác định ông Thăng cũng “phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng” trong nhiều trường hợp, chứ không riêng trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Ông Thăng cũng bị đảng CSVN cảnh cáo, mất chức bí thư Thành Ủy Sài Gòn và khỏi Bộ Chính Trị – cơ quan quyền lực cao nhất ở Việt Nam. 

Ký thác tương lai cho những “hổ” và “ruồi” khác?
Ngày 2 Tháng Tám, chính phủ Ðức cáo buộc tình báo Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hôm 23 Tháng Bảy rồi áp giải về Việt Nam, đồng thời yêu cầu tùy viên an ninh tòa đại sứ Việt Nam phải rời Ðức trong 48 giờ.

Trước đó, tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là một phần trong những tin đồn liên quan tới việc Trịnh Xuân Thanh sa lưới. Sau khi tin đồn bùng lên, hôm trước, bộ trưởng Công An Việt Nam khẳng định, chưa có thông tin nào về chuyện này, hôm sau, thuộc cấp của ông ta loan báo Trịnh Xuân Thanh vừa “đầu thú.”

Những tình tiết ấy chẳng khác gì những tình tiết liên quan tới “đả hổ, diệt ruồi” ở Trung Quốc. “Ðầu thú” có thể là nhằm vô hiệu hóa các cáo buộc của việc bắt cóc nhưng cũng có thể là một thỏa thuận đổi “khoan hồng” lấy “thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra trong việc làm rõ vụ án.” Hệ thống tư pháp Trung Quốc đã làm như vậy nhiều lần khi “đả hổ, diệt ruồi.”

Chuỗi sự kiện vừa kể cho phép suy đoán, có ít nhất một sợi dây xích đang bị bứt đứt từng mắt. Còn chuyện sợi xích này bị bứt tới đâu, có tới mắt cuối cùng (?) và cột người nắm đầu sợi xích hay không lại là chuyện khác.

Chuỗi sự kiện vừa kể cũng cho phép suy đoán, công chúng tiếp tục bị đảng CSVN chủ động dẫn dụ. Bình luận về trường hợp Trịnh Xuân Thanh đang trở thành chủ đề chính cả trên truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội. Hy vọng “đả hổ, diệt ruồi,” tái lập công bằng xã hội lại le lói. Hy vọng đó cũng giống như cách nay vài năm, từ các tin đồn, những nhận định dồn dập của nhiều nhân vật có uy tín với công chúng, người ta hy vọng Việt Nam sẽ lắc đầu với chủ nghĩa Cộng Sản, sẽ có “tổng thống” và ông Nguyễn Tấn Dũng là ứng viên sáng giá nhất, bởi ông Dũng chủ trương “theo Mỹ, chống Tàu.” Hy vọng vốn có giá trị như phao lúc người ta tuyệt vọng về tương lai đã xóa sạch trách nhiệm của ông Dũng khiến Việt Nam vốn đã rơi xuống hố, giờ liên tục tụt xuống sâu hơn chưa biết bao giờ đụng đáy.

Hệ thống tư pháp Việt Nam vừa khởi tố ông Trầm Bê – một trùm tài chính, nhân vật liên tục gây choáng váng trong một thời gian dài vì nuốt gọn một số ngân hàng mà khi nhả ra, chúng chỉ còn là những cái xác. Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam không những không chịu tống táng mà còn “mua lại với giá 0 đồng” (bản chất là dùng ngân sách để hà hơi tiếp sức) nhằm giảm nhẹ hậu quả, giữ cho tình thế không nghiêm trọng tới mức phải làm đến cùng để truy cứu trách nhiệm.

Nói cách khác, dường như một sợi xích khác cũng đang được bứt từng mắt. Theo logic thì giống như Trịnh Xuân Thanh, sau Trầm Bê sẽ có một ủy viên Bộ Chính Trị khác bị kỷ luật. Tuy nhiên cần nhớ là logic không hiện diện ở Việt Nam.

Chẳng phải công chúng, hệ thống truyền thông chính thống ở Việt Nam mà hình như truyền thông ngoại quốc cũng bị dẫn dắt. Cách nay vài ngày, tin đồn vụ Trịnh Xuân Thanh đầu thú được hệ thống truyền thông Việt Nam chính thức hóa. Giờ, tới lượt Taz, một tờ báo ở Ðức hôm 1 Tháng Tám đăng bài điều tra, chính thức hóa tin đồn vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Ðức. Tường thuật của Taz cho thấy, có những “nhân chứng độc lập” chủ động cung cấp các thông tin này để Taz điều tra.

Không phải tự nhiên mà giá trị của các tin đồn ở Việt Nam càng ngày càng lớn. Khi sự ngao ngán đã tới đỉnh, tin đồn dễ làm nhiều người quên Trịnh Xuân Thanh là một con ruồi hút máu mủ của dân lành, hướng sự quan tâm vào việc Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư), Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng) xấu xa, đê tiện ra sao. Khi sự ngao ngán đã tới đỉnh, vỗ tay hoan hô “đả hổ, diệt ruồi” cũng dễ làm người quên truy nguyên cơ chế tạo ra hổ và ruồi ở Việt Nam. Quên yếu tố cốt lõi là phải loại bỏ toàn bộ cơ chế đó, dọn dẹp sạch sẽ cả hổ lẫn ruồi.

Ðã là hổ thì con nào không khát máu, ngại xé thịt, gặm và đã là ruồi thì con nào sạch, không uế tạp? (G.Ð)




No comments:

Post a Comment

View My Stats