Sunday 6 August 2017

TIN CHỌN LỌC : TIN CẬP NHẬT CHỦ NHẬT 6/8/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Tillerson: lệnh trừng phạt mới về Bắc Hàn là “kết quả tốt” --- Trung Quốc thúc giục Bắc Hàn 'ngưng thử tên lửa' --- Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Hàn, chặn $1 tỉ hàng xuất cảng

Hai ngoại trưởng của Mỹ và Nga gặp nhau tại Manila, Philippines, hôm 6/8 bên lề Diễn đàn khu vực của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp nhau kể từ khi Tổng thống Donald Trump miễn cưỡng ký ban hành luật trừng phạt mới nhằm vào Moscow và gọi đó là "sai lầm nghiêm trọng".
Khi tham gia hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Mỹ tại Manila, ông Tillerson đã thảo luận một loạt các vấn đề với các bộ trưởng ASEAN, từ Bắc Triều Tiên cho đến các tranh chấp kéo dài ở Biển Đông và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.
Ông Tillerson đã gặp riêng rẽ tại Manila với các bộ trưởng ngoại giao của Myanmar, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 6/8 khi ông bắt đầu chuyến công du chính thức đầu tiên Đông Nam Á.
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ông Kang Kyung-wha, Ngoại trưởng Tillerson đã gọi các biện pháp trừng phạt mới được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua là "kết quả tốt".
Ông Kang cũng mô tả các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên là "một kết quả rất tốt". - VOA

***
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị Bắc Hàn thôi tiến hành các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn, vài tiếng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn vì chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ông Vương Nghị đã thúc giục người động nhiệm phía Bắc Hàn, ngoại trưởng Ri Yong-ho, rằng Bình Nhưỡng cần tuân thủ các nghị quyết của LHQ trong một cuộc họp hôm Chủ nhật tại Philippines.
Ông Vương không cho biết ông Ri có đáp lời hay không.
Trước đó, một nghị quyết cấm hàng xuất khẩu của Bắc Hàn và hạn chế đầu tư vào nước này đã được thông qua với lá phiếu tuyệt tối.
Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, Nikki Haley, nói rằng đây là "chuỗi trừng phạt nghiêm ngặt nhất với bất kỳ quốc gia nào".
Bình Nhưỡng thử nghiệm hai tên lửa xuyên lục địa trong tháng Bảy và tuyên bố nay có khả năng tấn công Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ về khả năng những tên lửa này có thể bắn trúng đích.
Các vụ thử tên lửa đã bị Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ lên án và dẫn tới việc Liên Hợp Quốc soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới.
Xuất khẩu than, quặng và nguyên liệu thô khác sang Trung Quốc là một trong số ít các nguồn mang lại thu nhập cho Bắc Hàn.
Ước tính cho thấy Bắc Hàn thu được khoảng 3 tỷ USD trị giá xuất khẩu mỗi năm - và các biện pháp trừng phạt có thể loại bỏ 1 tỷ USD từ hoạt động thương mại này.
Đầu năm nay, Trung Quốc ngưng nhập than để tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nhiều lần cho đến nay không có tác dụng ngăn được Bắc Hàn tiếp tục phát triển tên lửa.
Trung Quốc, đồng minh quốc tế duy nhất của Bắc Hàn và là thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lần này.
Trong quá khứ, Bắc Kinh thường bảo vệ Bình Nhưỡng khi có các nghị quyết gây tổn hại cho Bắc Hàn.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley cho biết Hội đồng Bảo an đã tăng biện pháp trừng phạt đối với hoạt động tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn "lên một ngưỡng hoàn toàn mới".
"Hôm nay, Hội đồng Bảo an đã cùng nhau cảnh cáo nhà lãnh đạo Bắc Hàn," bà Haley nói tại Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu.
"Hành vi vô trách nhiệm và bất cẩn của Bắc Hàn vừa được chứng minh đó là cái giá đắt cho chế độ này."
Bà Haley cũng ca ngợi lập trường của Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc, Lưu Kết Nhất, nói nghị quyết đã cho thấy rằng thế giới "có lập trường thống nhất liên quan đến tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".
Ông Lưu hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ rằng Washington không tìm cách thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng hay ưu tiên cho nỗ lực thống nhất nam bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên - cùng với đại sứ Nga - Đại sứ Trung Quốc chỉ trích việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Nam Hàn và kêu gọi Hoa Kỳ ngưng triển khai hệ thống này.
Tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đang diễn ra tại Manila, Phillippines vào cuối tuần này, Nam Hàn cho biết nước này có thể đàm phán trực tiếp với Bắc Hàn.
Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha nói bà sẵn sàng đàm phán với người đồng nhiệm từ Bình Nhưỡng, nếu cơ hội gặp gỡ "diễn ra tự nhiên". - BBC

***
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Bảy đồng thanh chấp thuận một nghị quyết mới nhằm trừng phạt kinh tế lên Bắc Hàn, để buộc quốc gia này quay trở lại bàn hội nghị về chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của họ, qua cách cấm xuất cảng quặng mỏ và hải sản trị giá hơn $1 tỉ, nghĩa là chừng 1/3 tổng số trị giá xuất cảng của quốc gia này hồi năm ngoái.

Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, ca ngợi việc thông qua nghị quyết này, gọi đây là “biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất từ trước tới nay nhắm vào Bắc Hàn.”
Bản nghị quyết cũng sẽ cấm không cho các quốc gia khác tăng số nhân công Bắc Hàn vào làm việc. Đây cũng là một nguồn ngoại tệ quan trọng của chế độ Kim Jong Un.
Đồng thời nghị quyết cũng sẽ cấm không cho có các chương trình liên doanh mới với các công ty Bắc Hàn, cùng cấm có thêm đầu tư ngoại quốc vào các liên doanh hiện hữu.
Nghị quyết mới nhằm trừng phạt Bắc Hàn được đưa ra tiếp theo sau hai cuộc thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa thành công của chế độ Bình Nhưỡng hôm 3 Tháng Bảy và 27 Tháng Bảy năm nay.
Các chuyên gia quân sự cho rằng hỏa tiễn Bắc Hàn nay có khả năng bắn tới các thành phố lớn ở Mỹ. - nguoiviet
|

2.
ASEAN, TQ thông qua khung quy tắc ứng xử trên Biển Đông --- Việt Nam muốn ASEAN có lập trường cứng rắn với Trung Quốc

Các ngoại trưởng Đông Nam Á và Trung Quốc hôm 6/8 thông qua văn kiện khung về đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Họ ca ngợi động thái này là một tiến bộ, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là một chiến thuật câu giờ của Trung Quốc để nước này củng cố sức mạnh trên biển của mình.
Văn kiện khung nhắm đến việc thúc đẩy Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắc là DOC, đã được đưa ra hồi năm 2002.
Hầu như các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều lờ đi DOC, nhất là Trung Quốc. Nước này đã xây 7 đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp.
Các bên nói văn kiện khung chỉ là một bản khái quát về cách thức bộ quy tắc ứng xử sẽ được thiết lập. Nhưng những người chỉ trích nói việc không nêu khái quát về mục tiêu ban đầu, sự cần thiết phải làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý và có thể cưỡng hành, hay có một cơ chế giải quyết tranh chấp là những điều gây nghi ngờ về mức độ hiệu lực của bộ quy tắc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói việc thông qua văn kiện khung tạo ra cơ sở vững chắc để đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay.
Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền về toàn bộ hoặc từng phần Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao và những người chỉ trích tin rằng việc Trung Quốc đột nhiên quan tâm đến bộ quy tắc sau 15 năm trì hoãn là có mục đích kéo dài quá trình đàm phán để câu giờ cho việc hoàn thành những mục tiêu chiến lược của họ ở Biển Đông.
Một số người cho rằng bộ quy tắc được thúc đẩy vào lúc Mỹ, nước lâu nay được coi là có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản những đòi hỏi hàng hải của Trung Quốc, đang bị phân tán vì các vấn đề khác và không đưa ra quan điểm rõ ràng về chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Á, vì vậy làm suy yếu vị thế đàm phán của ASEAN.
Văn kiện khung chưa được công bố, nhưng một văn bản dài 2 trang mà Reuters tiếp cận được cho thấy nó khá khái quát và có nhiều điểm dẫn đến bất đồng.
Ví dụ, nó kêu gọi các bên cam kết với “các mục đích và nguyên tắc” của Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng không quy định việc tuân thủ.
Một số nước ASEAN, kể cả Việt Nam và Philippines, lâu nay nói họ vẫn muốn làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý, điều mà theo các chuyên gia sẽ ít có cơ hội được Trung Quốc chấp nhận.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói ông không cố tiên liệu về nội dung bộ quy tắc, nhưng ông cũng nói bất cứ điều gì được ký kết cũng phải được tuân theo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Philippines Robespierre Bolivar nói việc thông qua văn kiện khung là biểu tượng của cam kết tạo ra một bộ quy tắc “thực chất và có hiệu lực”. - VOA

***
Việt Nam thúc giục các nước Đông Nam Á có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, vào lúc diễn đàn an ninh khu vực bắt đầu họp ở Manila hôm 5/8.

Trước phiên họp thường niên của ngoại trưởng khối ASEAN gồm 10 nước, Việt Nam đã có động thái mạnh bạo nhắm đến Trung Quốc với việc đề xuất chỉnh sửa bản thảo của thông cáo chung có trong kế hoạch.
Tranh chấp Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh hàng đầu của châu Á. Trong vấn đề này, các nước ASEAN nói riêng và các nước châu Á-Thái Bình Dương nói chung, kể cả Trung Quốc và Mỹ, có rất ít đồng thuận.
Trong bối cảnh đó, theo các nhà ngoại giao, Việt Nam không đồng tình với những nỗ lực của Philippines nhằm xoa dịu Trung Quốc.
Vào tối 4/8, Việt Nam tìm cách đưa những từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố của ASEAN dự kiến được công bố sau khi các ngoại trưởng Đông Nam Á họp xong hôm 5/8.
Theo một bản sao mà AFP có được, Việt Nam đã vận động ASEAN bày tỏ quan ngại về “việc xây dựng” ở ngoài biển, ý nói đến sự bùng nổ các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây.
Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung là bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện đã được lên kế hoạch, sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, một điều bị Trung Quốc chống lại.
Việc vận động đã diễn ra khi các ngoại trưởng ASEAN họp không chính thức ngoài kế hoạch vào tối 4/8.
Một nhà ngoại giao tham gia cuộc họp cho AFP biết rằng “cuộc thảo luận thật gay go” và “Việt Nam đơn thương độc mã đòi có những từ ngữ mạnh mẽ về Biển Đông” trong khi “Campuchia và Phippines không mặn mà thể hiện điều đó”.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho hay “các bộ trưởng [ASEAN] đã thông qua bộ khung của Quy tắc Ứng xử để thông qua chung cuộc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc”. Dự kiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ dự hội nghị ở Manila.
Ông Bolivar không nói rõ liệu các ngoại trưởng có thảo luận về COC trong phiên họp không chính thức hôm 4/8 hay không và liệu cuộc thảo luận có suôn sẻ hay không.
Trước đây Philippines từng cùng Việt Nam chỉ trích lớn tiếng nhất về sự bành trướng của Trung Quốc.
Nhưng trong những năm gần đây, Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Duterte đã tìm cách hạ giảm tranh chấp với Trung Quốc để đổi lại hàng tỉ đôla viện trợ và đầu tư phát triển của Trung Quốc.
Cũng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vận động thành công các nước ASEAN khác, nhất là Campuchia và Lao, để họ ủng hộ các động thái ngoại giao của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao nói có phần chắc Việt Nam sẽ thua trong nỗ lực đòi đưa các từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố, khi mà Philippines với tư cách chủ nhà hội nghị có nhiều ảnh hưởng hơn. - VOA
|

3.
Giới ngoại giao Mỹ, Nga sẽ bàn về bạo lực ở Ukraine

Nga cho biết hôm 6/8 rằng Mỹ sẽ sớm đưa đặc sứ chuyên đàm phán về bất ổn ở đông Ukraine tới Moscow để thảo luận về tình hình bạo lực hiện nay.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov thông báo như vậy sau cuộc họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ ở Manila với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.
Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước miễn cưỡng ký ban hành luật về các biện pháp trừng phạt mới dành cho việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, góp phần giúp ông giành chiến thắng.
Ông Lavrov cho biết nhà ngoại giao Mỹ Kurt Volker sẽ gặp đặc sứ của Nga chuyên trách cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Vladislav Surkov. Tháng trước, ông Volker đã đến thăm đông Ukraine, ở đó, những người ly khai được Nga hậu thuẫn đã chiến đấu chống lực lượng của Kyiv trong hơn ba năm.
Đây là cuộc xung đột mà trong lúc nó diễn ra, Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga. Cũng trong cuộc chiến này, 10.000 người đã thiệt mạng.
Chưa có phản ứng ngay của Hoa Kỳ về cuộc họp đã diễn ra bên lề các cuộc đàm phán ngoại giao cấp khu vực. Ông Tillerson đã lờ đi những câu hỏi của các phóng viên khi ông đi ngang qua họ.
Ông Lavrov nói rằng bất chấp các biện pháp trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ, "chúng tôi cảm thấy rằng các đối tác Mỹ của chúng tôi cần phải tiếp tục mở cửa cho cuộc đối thoại. Không có gì thay thế cho điều đó”. - VOA
|

4.
Brexit: Anh Quốc sẵn sàng chi 40 tỉ euro để rời Liên Hiệp Châu Âu

Anh Quốc sẵn sàng trả số tiền 40 tỉ euro cho Liên Hiệp Châu Âu nếu Liên Hiệp đồng ý nới lỏng quan hệ thương mại trong tương lai. AFP ngày 06/08/2017 trích lời một viên chức nhà nước Anh xin được giấu tên cho biết như trên.
Là trung tâm tài chính cũng như một đối tác quan trọng, Anh Quốc sẽ gây thiệt hại tài chính lớn khi rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Do đó, vào tháng 6/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu Luân Đôn phải đền bù một khoản tiền lên tới 100 tỉ euro. Mức bồi thường này có thể xem như “phí ly dị”. Anh Quốc coi đòi hỏi này là một sự “lố bịch”.
Theo các nguồn tin nội bộ, chính phủ Anh hiện đang cân nhắc con số 40 tỉ euro nhưng khoản tiền này sẽ không được trả một lần duy nhất mà sẽ được trả dần từ năm 2019 đến năm 2022, mỗi năm 10 tỉ euro.
Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi thúc đẩy tiến độ Brexit: Bruxelles muốn giải quyết vấn đề quyền lợi của công dân Châu Âu tại Anh, rồi sau đó chuyển sang đàm phán về chính sách thương mại trong tương lai. Vào tháng 07/2017, trưởng đoàn đàm phán của châu Âu, ông Michel Barnier, bày tỏ lo ngại về việc đàm phán thương mại có thể sẽ bị đẩy lùi đến tháng 12/2017 do sự trì trệ của Anh Quốc.
Luân Đôn coi khoản tiền này như “phí thành viên”, cho phép Anh Quốc tiếp tục hưởng lợi ích thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu. - RFI
|

5.
Lục Quân Mỹ ra lệnh ngưng sử dụng drone do Trung Quốc chế tạo


Lục Quân Mỹ vừa ra lệnh cho các đơn vị trực thuộc ngưng sử dụng phi cơ không người lái (drone), do công ty Trung Quốc SZ DJI Technology Co. Ltd. chế tạo, vì những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh mạng trong các sản phẩm này.
Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho hay hôm 2 Tháng Tám, giới trách nhiệm Lục Quân Mỹ gửi văn thư về vấn đề sử dụng tất cả các loại drone của DJI cũng như các hệ thống có phụ kiện và linh kiện do DJI chế tạo.
Văn thư này ra lệnh “ngưng ngay việc sử dụng, tháo gỡ mọi nhu liệu, gỡ ra tất cả các cục pin, và cất vào một nơi riêng trong khi chờ đợi các chỉ thị kế tiếp.”
Văn thư này cũng cho hay các drone do DJI chế tạo là loại được Lục Quân Mỹ sử dụng nhiều nhất trong số các trang bị loại này có bán tự do trên thị trường.
Công ty DJI cho hay họ “ngạc nhiên và thất vọng” về quyết định của Lục Quân Mỹ mà không tham khảo trước, theo Reuters.
Các phân tích gia tại công ty tài chánh Goldman Sachs và Oppenheimer năm 2016 ước tính là DJI chiếm khoảng 70% thị phần các drone sử dụng cho mục đích thương mại và cá nhân trên toàn thế giới.
Các phân tích gia của Goldman cũng cho hay thị trường này, tính cả quân đội, sẽ trị giá hơn $100 tỉ trong vòng năm năm tới, bản tin Reuters cho hay. - nguoiviet
|

6.
Công tố viên trưởng Venezuela bác việc bị sa thải

Công tố viên trưởng Venezuela nói rằng bà bị hội đồng lập hiến mới sa thải vì chính phủ muốn chặn các cuộc điều tra của bà về tham nhũng và lạm dụng nhân quyền.
Luisa Ortega, người chỉ trích Tổng thống Nicolás Maduro, nói rằng bà không chấp nhận việc mình bị sa thải.
Bà Ortega sẽ phải ra tòa vì "hành vi sai trái nghiêm trọng", toà án tối cao cho hay.
Trong khi đó, Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đình chỉ Venezuela "vô thời hạn".
Khối này nói rằng Venezuela sẽ không được tái gia nhập cho đến khi nào các tù nhân chính trị được phóng thích và hội đồng lập hiến mới bị giải tán.
Venezuela đã bị tạm đình chỉ hồi tháng 12/2016 vì không tuân thủ điều lệ của khối.
Hôm 5/8, hội đồng lập hiến mới, do phe ủng hộ chính phủ chi phối, quyết định sa thải bà Ortega, 59 tuổi.
Bà Ortega bị hàng chục nhân viên vệ binh quốc gia ngăn không cho vào văn phòng ở thủ đô Caracas.
Trong thông cáo (bằng tiếng Tây Ban Nha) do văn phòng công tố đưa ra, bà nói chính phủ của ông Maduro đang tiến hành "cuộc đảo chính chống lại hiến pháp".
"Tôi không chấp nhận quyết định này," bà nói. "Đây chỉ là một ví dụ cho thấy những gì sẽ xảy đến với những người dám chống đối chế độ độc tài toàn trị này". - BBC
|

7.
Chào kiểu Hitler, du khách Trung Quốc bị bắt ở Đức

Cảnh sát Đức hôm 5/8 đã bắt hai người Trung Quốc vì chào kiểu Hitler trước tòa nhà lịch sử Reichstag, nơi quốc hội quốc gia Tây Âu này hoạt động.
Reuters dẫn lời cảnh sát Berlin cho biết đã bắt giữ hai người đàn ông tuổi 36 và 49 sau khi thấy họ thực hiện tư thế chào thời Đức Quốc xã rồi dùng điện thoại chụp cho nhau.
Thông cáo của cảnh sát có đoạn nói rằng hai du khách trên bị buộc tội “sử dụng các biểu tượng của những tổ chức phi pháp”, và đã được tại ngoại hầu tra sau khi trả mỗi người 500 euro.
Đức hiện có các luật lệ cứng rắn đối với các phát ngôn, hành động và biểu tượng gây thù hận liên quan tới Hitler và Đức Quốc xã, vốn nắm quyền ở nước này trong khoảng thời gian từ 1933 tới 1945.
Reichstag là môt biểu tượng lớn ở Đức. Nó từng bị hỏa hoạn thiêu rụi năm 1933 trong một vụ việc được cho là do Đức Quốc xã chi trả.
Nhưng phe này sau đó đã đổ lỗi cho Cộng sản, rồi dùng đó làm cái cớ để giới hạn quyền tự do dân sự, theo Reuters. - VOA
|

8.
Băng tan ở núi Alps sẽ lộ ra hằng trăm thi thể

Cảnh sát Thụy Sĩ nói, hằng trăm xác người leo núi mất tích trên dãy núi Alps trong thế kỷ qua sẽ lộ dần trong những năm tới, khi hiện tượng ấm nóng khiến băng giá ở đất nước này bắt đầu tan chảy.
Theo báo The Guardian, nhà chức trách núi Alps ghi nhận được một sự gia tăng quan trọng số thi thể được khám phá trong tháng qua, trong đó vừa mới tìm thấy xác một người đàn ông mất tích cách đây 30 năm.
Toán cấp cứu ở Saas Valley hôm Thứ Ba vừa rồi, được gọi sau khi hai người leo núi báo cáo trông thấy một bàn tay và hai chiếc giày lộ ra trên lớp băng tuyết Hohlaub.
Toán cấp cứu phải mất hai tiếng dùng rìu cuốc tuyết, kể cả tay không, mới đưa được xác người lên khỏi lớp băng, rồi đặt lên máy bay trực thăng chở đến Bern. Chuyên viên pháp y dùng phương pháp thử nghiệm DNA xác định đây là một công dân Đức, sinh năm 1943, bị mất tích trong lần leo núi vào ngày 11 Tháng Tám, 1987.
Vụ khám phá xảy ra không đầy một tuần sau khi thi thể của một cặp nam nữ người Thụy Sĩ mất tích cách đây 75 năm vừa được tìm thấy tại lớp băng tuyết Tsanfleuron. Ông bà Marcelin và Francine Dumoulin mất tích sau khi rời khỏi nhà để đi vắt sữa bò tại một cánh đồng bên trên Chandolin vào ngày 15 Tháng Tám, 1942.
Hôm Thứ Năm vừa rồi, thi hài một người được cho là bị chết trong một vụ rớt máy bay của hãng India Air cách đây hơn 50 năm cũng được tìm thấy trên dãy núi Alps bên phía nước Pháp.
Băng tuyết ở Thụy Sĩ tan nhanh chưa từng thấy từ xưa đến nay, ở mức một cây số khối thể tích nước đá, tức khoảng 900 tỷ lít nước trong năm qua. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Điều tra Nga can thiệp: Gọng kềm tư pháp tiến đến Nhà Trắng

Tại Hoa Kỳ, nỗ lực đưa ra ánh sáng nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ diễn tiến không ngừng. Theo New York Times, lần đầu tiên ban điều tra của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller trực tiếp đòi Nhà Trắng cung cấp tài liệu liên quan đến cựu cố vấn an ninh Michael Flynn. Diễn tiến mới của cuộc điều tra là phanh phui mờ ám tài chính : Michael Flynn nhận tiền của một chính phủ nước ngoài mà "đường dây mối nhợ" có thể dính đến gia đình ông Donald Trump.
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier giải thích:
Trong nghi án Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, một nghi án đang đầu độc nhiệm kỳ của Donald Trump, tướng Michael Flynn chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nhưng sự kiện “vai phụ” lên trang nhất thời sự không bao giờ là một tín hiệu tốt.
Michael Flynn đã phải rời chức vụ cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, 24 ngày sau khi được bổ nhiệm, khi các cuộc tiếp xúc mật với đại sứ Nga bị tiết lộ. Từ khi đó, người ta biết là tổng thống Donald Trump đã vướng lưới, khó mà tháo gỡ một cách an toàn về nghi án được Nga trợ lực trong cuộc bầu cử và về mối quan hệ giữa Nga và ban tham mưu của ông.
Lần này, New York Times đoán chắc là thẩm phán đặc biệt Robert Muller chú ý đến tin đồn một vụ trao tiền bí mật: người nhận là tướng Michael Flynn, kẻ đưa là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này xác nhận các thông tin trước đó là thẩm phán Robert Muller đã mở rộng cuộc điều tra đến các hồ sơ kinh tài và rất có thể liên can đến ông Trump và gia đình.
Trong khi tổng thống Mỹ công khai cảnh báo là không được vi phạm lằn ranh đỏ, Robert Mueller ,cựu giám đốc FBI, một nhân vật nhiều kinh nghiệm và kín đáo, tỏ ra kiên cường lèo lái theo ý mình. Khi đòi hỏi Nhà Trắng phải chuyển giao hồ sơ liên quan đến Michael Flynn, thẩm phán điều tra muốn chứng tỏ quyết tâm độc lập với hành pháp. Liệu ông Robert Mueller có dám chơi tới cùng đến mức có thể bị cách chức hay không? Đã có tin đồn như thế từ mấy tuần nay.
Tuy nhiên, để có thể cách chức thẩm phán đặc biệt, tổng thống Donald Trump phải cách chức bộ trưởng tư pháp trước. Nhưng làm như thế, chủ nhân Nhà Trắng chỉ tạo thêm nghi ngờ ông muốn cản trở pháp luật và làm công luận tin chắc là tổng thống đã phạm tội nên mới độc đoán như vậy. - RFI
|

10.
Bộ Tư pháp có thể nhắm vào phóng viên trong nỗ lực trấn áp rò rỉ thông tin

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đưa ra lời cảnh báo tới các nhà báo trong khi ông đang ra tay trấn áp những vụ rò rỉ thông tin mật ồ ạt đã khiến chính quyền Trump lao đao kể từ tháng 1 tới nay.
"Chúng tôi tôn trọng vai trò quan trọng của báo chí và sẽ dành cho họ sự tôn trọng, nhưng không phải là không có giới hạn," ông Sessions nói hôm thứ Sáu khi ông loan báo Bộ Tư pháp đã tăng gấp ba số vụ điều tra rò rỉ thông tin trong năm nay.
Ông Sessions nói Bộ đang duyệt lại những chỉ dẫn về việc ra trát buộc các nhà báo nộp tài liệu như một phần trong nỗ lực đang được đẩy mạnh nhằm điều tra và truy tố những người rò rỉ thông tin.
Những chỉ dẫn này, do chính quyền Obama ban hành vào năm 2015, gây khó khăn hơn cho Bộ Tư pháp trong việc ra trát buộc các nhà báo nộp danh sách cuộc gọi điện thoại và email trong các cuộc điều tra rò rỉ thông tin.

Dù các quy định này không có hiệu lực pháp lý, song những người vận động cho tự do báo chí coi chúng là hệ trọng đối với khả năng liên lạc với các nguồn tin bí mật của các nhà báo.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ở New York nói rằng nới lỏng những quy định về việc ra trát sẽ có
"Rút lại những biện pháp bảo vệ ít ỏi đối với việc liên lạc trao đổi giữa nhà báo và nguồn tin của họ sẽ làm giảm bớt khả năng của công chúng buộc các nhà lãnh đạo của họ chịu trách nhiệm và làm suy yếu các tiêu chuẩn bảo vệ nguồn tin khắp thế giới mà khó khăn lắm mới đạt được," Nhà nghiên cứu CPJ Alex Ellerbeck nói.
Bộ Tư pháp sửa đổi các chỉ dẫn của mình vào năm 2015 sau khi có những tiết lộ rằng họ đã bí mật thu thập danh sách các cuộc gọi điện thoại của các phóng viên hãng tin AP và nêu tên một phóng viên của Fox News là người đồng mưu trong một vụ rò rỉ khác.
Chính sách được sửa đổi kêu gọi có thêm các mức chấp thuận nữa trước khi phóng viên bị triệu tập ra khai chứng.
Ông Sessions cho biết Bộ Tư pháp đã buộc tội bốn người rò rỉ thông tin mật hoặc "che giấu những liên lạc với các cơ quan tình báo nước ngoài" trong năm nay.
Trong vụ rò rỉ duy nhất được biết đến, Bộ Tư pháp vào tháng 6 đã buộc Reality Leigh Winner, 25 tuổi và là nhân viên hợp đồng với chính phủ, tội gửi bất hợp pháp một văn kiện mật của Cơ quan An ninh Quốc gia tới một website tin tức.
Thông báo của ông Sessions được đưa ra sau khi ông Trump nhiều lần than phiền rằng Bộ Tư pháp chưa quyết liệt điều tra những vụ rò rỉ thông tin mật mà ông nói là xuất phát ra từ các cơ quan tình báo.
Ông Sessions nói ông đồng ý với ông Trump và lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất số lượng các vụ rò rỉ đáng kinh ngạc đang làm suy yếu khả năng của chính phủ chúng ta bảo vệ đất nước này."
Dan Coats, Giám đốc Tình báo Quốc gia, nói không phải tất cả các vụ rò rỉ đều bắt nguồn từ các cơ quan tình báo.
"Chúng đến từ nhiều nguồn khác nhau trong chính phủ, bao gồm cả nhánh hành pháp và kể cả Quốc hội," ông Coats nói.
Theo báo cáo gần đây của Thượng viện, chính quyền Trump trung bình mỗi ngày đối mặt với một vụ rò rỉ thông tin trong bốn tháng đầu nhiệm kỳ.
Báo cáo rà soát những bài báo trong 126 ngày đầu tiên ông Trump tại chức và phát hiện có ít nhất "125 câu chuyện với thông tin bị rò rỉ mà có tiềm năng gây tổn hại đến an ninh quốc gia."
Bản báo cáo nói có 78 vụ rò rỉ liên quan đến cuộc điều tra đang diễn tiến về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và cáo buộc ban vận động Trump thông đồng. - VOA
|

11.
Mỹ ngưng tìm thủy thủ mất tích trên Biển Đông --- Máy bay quân sự Mỹ rơi ngoài khơi Australia

Hải quân Hoa Kỳ đã ngưng tìm kiếm một thủy thủ bị mất tích được cho đã ngã khỏi bong tàu một chiến hạm trên vùng Biển Đông hôm 1/8.
Japan Times dẫn thông cáo của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết như vậy hôm 4/8. Thủy thủ có tên Steven Hopkins được giao nhiệm vụ trên tàu khu trục USS Stethem, vốn thường thả neo ở tỉnh Kanagawa, Nhật.
Thủy thủ này bị mất tích trong một cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Mỹ. Các tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cũng đã tham gia cuộc tìm kiếm kéo dài hơn 3 ngày.
Theo Japan Times, trong một hành động mang tính hợp tác hiếm hoi, các tàu của hải quân Trung Quốc cũng góp sức tìm thủy thủ Hopkins.
Hải quân 3 nước đã dành tổng cộng 79 giờ thực hiện cuộc tìm kiếm “toàn diện” trên một vùng biển rộng lớn, theo thông cáo của Hạm đội 7.
Thời điểm thủy thủ trên mất tích là khi tàu Stethem đang hoạt động cách Vịnh Subic của Philippines 225 km về phía tây, theo Washington Examiner.
Một cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục được tiến hành. - VOA

***
Các nhóm cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm ba binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ mất tích, sau khi chiếc trực thăng đa năng chở họ đâm xuống biển ở ngoài khơi duyên hải phía đông của Australia hôm 5/8.

23 người có mặt trên chiếc trực thăng vận tải đa năng MV-22 Osprey khi nó gặp nạn đã được cứu sống, theo Reuters.
Trong những năm trước, Osprey từng liên quan tới các vụ việc dẫn đến thương vong của binh sĩ Mỹ.
Chiếc trực thăng đa năng này cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard (LHD 6) và đang trong hoạt động thường lệ thì đâm xuống nước.
Xuồng cũng như máy bay trên tàu đã ngay lập tức tiến hành nỗ lực cứu hộ, theo hãng tin Reuters.
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ cho biết đang điều tra vụ việc, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Dù đang đi nghỉ ở New Jersey, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được Chánh văn phòng của ông là John Kelly thông báo về vụ việc. - VOA
|

12.
Thâm thủng mậu dịch của Mỹ còn $43.6 tỷ trong Tháng Sáu


Thâm thủng mậu dịch của Mỹ thu hẹp lại trong Tháng Sáu, khi xuất cảng đạt đến mức cao nhất trong hai năm.
Bộ Thương Mại hôm Thứ Sáu nói rằng mức thâm thủng giảm bớt 5.9% trong Tháng Sáu, xuống còn $43.6 tỷ.
Xuất cảng hàng hóa và dịch vụ tăng 1.2% lên đến $194.4 tỷ, con số cao nhất kể từ Tháng Mười Hai 2014, nhờ mức cầu cao ở ngoại quốc đối với các sản phẩm của Mỹ như đậu nành, phụ tùng máy điện toán cùng nhiều thứ khác.
Dịch vụ xuất khẩu đạt đến một con số kỷ lục $65.4 tỷ. Nhập cảng nói chung giảm 0.2% xuống còn $238 tỷ, do mức cầu giảm về cellphone cùng các sản phẩm gia dụng khác.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này của năm nay, thâm thủng mậu dịch tăng 10.7% lên đến $276.6 tỷ.
Tổng Thống Donald Trump từng cam kết làm cho giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch, điều mà ông cho là do sự thương thuyết mậu dịch tồi, kể cả bị Trung Quốc và các đối tác thương mại của Mỹ lợi dụng.
Thâm thủng về mua bán hàng hóa với Trung Quốc tăng 3.1% trong Tháng Sáu lên thành $32.6 tỷ và tính đến thời điểm này năm nay tăng 6.1% lên thành $170.7 tỷ.
Thâm thủng về mua bán hàng hóa với Mexico giảm 18.3% trong Tháng Sáu, xuống còn $6 tỷ.
Chính phủ Trump đang chuẩn bị tái thương thảo Hiệp Ước Mậu Dịch Vùng Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada. Tổng Thống Donald Trump từng than phiền rằng NAFTA khuyến khích các hãng sản xuất Hoa Kỳ dọn sang Mexico để lợi dụng giá nhân công rẻ. - nguoiviet
|

13.
Lowe’s sa thải công nhân giao hàng khắp nước Mỹ

Hệ thống bán đồ sửa sang nhà cửa Lowe’s có trụ sở đặt tại North Carolina, vừa loan báo cắt giảm thêm việc làm.
Báo Charlotte Observer tường thuật, Lowe’s hôm Thứ Năm, xác nhận việc họ sa thải một con số không được tiết lộ các công nhân giao hàng làm việc tại các địa điểm bán hàng trên khắp Hoa Kỳ.
Công ty sẽ chuyển phần việc giao hàng cho hãng thầu trung gian.
Qua một email, Lowe’s nói rằng họ sử dụng một sự kết hợp của dịch vụ giao hàng tại các địa điểm bị ảnh hưởng, vốn ở những thị trường nơi nhu cầu giao hàng gia tăng vượt khả năng hiện có.
Những thị trường này cũng không được Lowe’s tiết lộ.
Tuy nhiên được biết có hai địa điểm ở North Carolina sẽ bị ảnh hưởng.
Vào đầu mùa Hè này, Lowe’s sa thải khoảng 125 công nhân kỹ thuật, hầu hết tại tổng hành dinh của họ ở Mooresville.
Lowe’s cũng loại bỏ 96 công việc kỹ thuật hồi Tháng Mười và cắt bớt 2,400 công việc làm toàn thời gian, hầu hết là những công việc làm tại các cơ sở bán hàng.
Hồi Tháng Hai, ít nhất cũng có 500 vụ sa thải nhân viên làm việc văn phòng. - nguoiviet
|

14.
Toyota và Mazda cùng mở nhà máy ở Mỹ trị giá $1.6 tỷ

Toyota Motor Corp hôm Thứ Sáu nói, họ dự trù liên minh với đối thủ Mazda Motor Corp, để mở một nhà máy trị giá $1.6 tỷ để cùng hợp tác sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Theo Reuters, nhà máy này sẽ là một bất ngờ đối với giới đầu tư, vào thời điểm mà thương vụ xe hơi ở Mỹ đang chậm lại, nhưng là một tin vui đối với Tổng Thống Donald Trump, người từng hứa hẹn mang lại cho nước Mỹ kỹ nghệ sản xuất và việc làm cho giới công nhân.
Qua mạng xã hội Twitter, ông Trump ca ngợi đây là một “đầu tư vĩ đại trong ngành chế tạo ở Hoa Kỳ.”
Nhà máy mà địa điểm chưa được tiết lộ sẽ sản xuất 300,000 chiếc xe mỗi năm, với sản phẩm phân chia giữa hai công ty chế tạo xe hơi, và sẽ mướn vào khoảng 4,000 người. Nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2021.
Liên minh này còn là nỗ lực để bắt kịp các đối thủ khác trong cuộc đua của kỹ nghệ xe hơi chạy điện, vào lúc mà các qui định về khí thải trên toàn cầu ngày càng khe khắt hơn, đồng thời trên thị trường lại nhập cuộc thêm các tay chơi mới.
Ông Akio Toyoda, chủ tịch công ty Toyota và cũng là cháu của người sáng lập công ty, nói trong cuộc họp báo ở Tokyo: “Sẽ có thêm sự xuất hiện của những đối thủ mới như Apple, Google, vốn chuyên về kỹ thuật tin học, chúng ta cũng cần phải cạnh tranh với họ.”
Trong khi đó, các hãng chế tạo xe hơi truyền thống khác như Daimler và BMW cũng đang cân nhắc xem hướng nào tốt nhất, từ xe chạy điện đến xe tự hành, vốn đòi hỏi sự đầu tư lớn lao để đối đầu với các đối thủ như Google và Tesla.
Một phần trong thỏa ước, ngoài kỹ thuật xe hơi chạy điện, Toyota và Mazda sẽ cùng làm việc để phát triển kỹ thuật thông tin dùng trong xe và các chức năng tự điều khiển xe. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

15.
Thêm tàu cá Việt Nam 'bị đâm chìm'

Giới chức tỉnh Bình Định nói với BBC rằng họ "đang xác minh" vụ một tàu cá mà truyền thông Việt Nam ghi là "bị tàu lạ đâm chìm".
Hôm 6/8, cơ quan chức năng tỉnh tỉnh Bình Địnhđang xác minh thông tin về việc tàu cá BĐ 40482 TS bị 'tàu lạ' chưa rõ số hiệu tông chìm vào sáng cùng ngày, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 48 hải lý về phía tây nam, cách mũi Vũng Tàu khoảng 150 hải lý về phía nam tây nam, theo báo Thanh Niên.
"Bảy ngư dân trên tàu này được tàu cá đi cùng cứu vớt, còn chủ tàu kiêm thuyền trưởng Trương Công Ơn mất tích," báo này tường thuật.
Hôm 6/8, người trực ban thuộc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định nói với BBC rằng họ "đang xác minh" vụ việc và từ chối cung cấp thêm thông tin.
Hôm 24/7, một báo cáo trên website của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định xác nhận một tàu cá khác của ngư dân tỉnh này "bị Hải quân Indonesia bắn làm bốn ngư dân bị thương" nhưng sau đó thông tin này đã bị gỡ.
Truyền thông Việt Nam tiếp đó đưa tin Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Indonesia điều tra vụ hải quân Indonesia bắn tàu cá Việt Nam.
Bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia nói với Reuters rằng hải quân nước này cung cấp "thông tin khác" và nói việc ngư dân Việt đánh bắt bất hợp pháp "là vấn đề dài hạn".
Bà Marsudi nói rằng bà nhấn mạnh với Ngoại trưởng Việt Nam về tầm quan trọng của việc hai nước dàn xếp thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
Hiện chưa rõ về việc bà Marsudi có trao đổi với ông Bình Minh về vấn đề này khi cả hai cùng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean đang diễn ra tại Manila.
Tháng trước, trong thư trả lời BBC về vụ Indonesia trao trả 695 ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ "có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp" và "không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác".
Trưa 11/6, hai tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa các ngư dân này về đến cảng PTSC, thành phố Vũng Tàu, báo Việt Nam cho hay.
Truyền thông Indonesia tường thuật đây là vụ trao trả ngư dân lớn nhất được được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam.
Hồi tháng 5/2017, Indonesia và Việt Nam loan báo tiến hành cuộc điều tra chung sau một vụ đụng độ trên biển nhưng kết quả cuộc điều tra chưa được công bố. - BBC
|

16.
Công ty nước ngoài có rủi ro khi VN chống tham nhũng?

Tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ mới đây có bài đánh giá về nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam và hệ lụy với giới công ty nước ngoài.
Bài viết của Jeremy Tan, nhà nghiên cứu từ tổ chức Control Risks, hãng tư vấn rủi ro toàn cầu, liệt kê một chuỗi các án vụ tham nhũng xảy ra tại Việt Nam trong gần một năm qua trong đó nổi bật nhất là việc loại bỏ ông Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị hồi tháng Năm năm nay.
Trong giai đoạn ngồi ghế Chủ tịch PetroVietnam (PVN) từ năm 2009 đến năm 2011, ông Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là đã xảy ra nhiều sai phạm.
Việc ông Thăng được đưa về Ủy ban Kinh tế Trung ương, nơi có lãnh đạo là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và là người mà tác giả mô tả là nhân vật trung thành với ông Dũng, được xem là "chiếu nghỉ" trước khi sẽ có hành động kỷ luật tiếp theo.
"Ông Thăng được xem là đã lợi dụng mối quan hệ thân cận của mình với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để làm giàu cá nhân," tác giả viết.
Vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, cũng là nhân vật được mô tả là gần gũi với Thủ tướng Dũng, cũng được đề cập.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng phải đối mặt với những gì được cho là một loạt quyết định quản lý yếu kém và lạm dụng chức vụ, cũng xảy ra dưới thời ông Dũng làm thủ tướng.
Các vụ khởi tố nhân vật cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng như Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng OceanBank và nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, hay Trần Phương Bình nguyên tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á, cũng được nói tới.
Bài viết đánh giá ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, người bị khởi tố về cáo buộc gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, là nhân vật núp dưới cái ô chính trị của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình.
"Người cầm lái trong các vụ án chống tham nhũng này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người thường ca ngợi về lập trường chống tham nhũng.
"Tuy nhiên, giới quan sát Việt Nam cho rằng việc ông Trọng chỉ đạo xử lý các vụ này là hệ quả của sự cạnh tranh được nói tới nhiều giữa ông và cựu Thủ tướng Dũng.
"Các cá nhân bị ảnh hưởng cho đến nay, chẳng hạn như ông Đinh La Thăng và ông Vũ Huy Hoàng, đã bị cáo buộc làm giàu cho bản thân và tiến thân chính trị dưới sự bảo trợ của ông Dũng.
"Có thể xem nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng như một chiến dịch có mục tiêu cụ thể nhằm củng cố vị trí của mình bằng việc gỡ bỏ mạng lưới được ông Dũng bảo trợ và hạn chế các ảnh hưởng chính trị còn sót lại của cựu Thủ tướng Dũng," tác giả nhận định.
Cũng có một cách giải thích khác, theo tác giả, rằng nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam là một động thái của chính phủ để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề về kinh tế và những thảm họa môi trường lớn vào năm 2016 vốn làm ảnh hưởng đến vùng biển tại nhiều tỉnh ở miền trung Việt Nam.
Bàn về hệ lụy với các nhà đầu tư nước ngoài và công ty đa quốc gia, tác giả cho rằng hoạt động kinh doanh có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu đối tác phía Việt Nam của họ bị qui chụp là ngả theo một phe phái chính trị nào đó hoặc quá chậm chạp trong việc thay đổi lòng trung thành.
Các cuộc điều tra chống tham nhũng tại Việt Nam, theo tác giả, cũng có thể phát hiện ra các công ty nước ngoài mắc sai phạm với Đạo luật Tham nhũng tại Nước ngoài (của Mỹ) và Đạo luật về Hối lộ của Anh cũng như các luật lệ khác tại nơi mà các nhà đầu tư mở công ty.
Những hợp đồng với các công ty nhà nước bị phát hiện có sai phạm sẽ bị xem là không có giá trị, chẳng hạn như vụ Vinalines mua ụ nổi ''sắt vụn'' với trị giá 83 triệu USD từ Nga.
Các cuộc điều tra giới các quan chức cấp cao trong chính phủ và các chủ doanh nghiệp được bảo kê có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế và phát triển trong các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, xây dựng và bất động sản.
Đây là các mảng có thực trạng quản trị doanh nghiệp yếu kém và quan hệ thân quen cấp địa phương luôn đóng vai trò là đòn bẩy để làm giàu.
Thực tế là các cuộc điều tra của chính phủ thường được tiến hành bí mật và có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm và làm giảm niềm tin nhà đầu tư.
Tác giả lưu ý các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài cũng nên chú ý đến Bộ luật Hình sự vừa thông qua, trong đó bao gồm việc hình sự hóa tội hối lộ liên quan đến các cá nhân và những đơn vị ngoài quốc doanh, cũng như dự thảo Luật phòng chống tham nhũng mới đang được thảo luận trong Quốc hội Việt Nam. - BBC
|

17.
Nổ kho chứa tang vật vũ khí của công an Hà Giang


Kho cất giữ tang vật vũ khí, vật liệu nổ của công an tỉnh Hà Giang bất ngờ phát nổ vào trưa 5 Tháng Tám, khiến người dân một phen hoảng sợ.
Ngày 5 Tháng Tám, nói với báo Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Phương Lan, chủ tịch thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, xác nhận vừa xảy ra một vụ nổ lớn. Vị trí nổ là kho chứa tang vật vũ khí, vật liệu nổ của công an tỉnh nằm giáp ranh giữa hai xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên và phường Minh Khai, thành phố Hà Giang.
“Nơi đây không có người dân sinh sống. Hiện tại công an tỉnh đang họp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ nổ,” bà nói.
Một lãnh đạo xã Phù Linh cho biết, vào khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, có nghe tiếng nổ rất lớn. Nhiều người dân ở cách xa vị trí nổ khoảng 10 cây số vẫn có thể nghe thấy tiếng.
“Tiếng nổ rung chuyển cả một khu vực khiến nhiều người dân hoảng hốt, một lúc sau thì tôi nghe thấy tiếng xe công an, xe chữa cháy kéo còi inh ỏi chạy vào khu vực cất giữ tang vật vũ khí của công an,” vị lãnh đạo này nói.
Ông Trịnh Thành Công, phó chủ tịch phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, cho biết tiếng nổ lớn xảy ra cách ủy ban phường khoảng hơn 1 cây số, chưa ghi nhận có thương vong sau sự việc. Ngay sau khi xảy ra nổ, công an tỉnh đã chốt chặn lối ra vào khu vực bảo vệ hiện trường để điều tra nguyên nhân. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9







No comments:

Post a Comment

View My Stats