Tuesday 15 August 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BA 15/8/2017 (Lê Minh Nguyên)





15/8/2017

Tin Thế Giới

1.
Tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thị Tứ, Phi lo ngại ý đồ Bắc Kinh --- Trung Quốc cam kết không chiếm thêm thực thể ở Biển Đông

Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, hôm 15/8 cho biết chính quyền Philippines đang tìm cách xác minh các bản tin tường trình về những hoạt động khả nghị của nhiều chiếc tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ ở Biển Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Đông.

Theo trang tin tức Rappler.com, dân biểu Hạ viện Philippines Gary Alejano dẫn các nguồn tin từ quân đội, báo cáo về “các hoạt động bất thường rất khả nghi của tàu chiến và tàu tuần duyên Trung Quốc cùng ‘một lực lượng dân quân biển’ gần đảo Thị Tứ. Dân biểu Alejano cho biết trong số 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ từ hôm 12/8, có 2 tàu hộ tống, một tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.

Dân biểu đối lập này của Philippines còn tiết lộ rằng cách đây hai ngày, ông nhận được tin rằng một chiếc tàu của chính phủ Philippines, thuộc Phòng Sinh thái Nghề Cá và Tài nguyên Thủy sinh vật, đã bị chặn, không cho tới gần các bãi cạn nằm về hướng Bắc đảo Thị Tứ.

Bản tin nói dân biểu Alejano đã nêu lên sự cố này với Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tại Hạ viện Philippines tối hôm 14/8 trong các cuộc thảo luận về ngân sách Bộ Quốc phòng.

Dân biểu Alejano cảnh báo Trung Quốc có thể có kế hoạch nhằm xâm chiếm các bãi cạn ở phía tây Thị Tứ. Ông nói ông lo lắng Trung Quốc có thể sử dụng “lực lượng dân quân biển” tức là ngư dân, dể tấn công đảo Thị Tứ.

Đảo Thị Tứ, Philippines gọi là đảo Pag-asa, là đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, hiện do Philippines chiếm đóng, nhưng là nơi Việt Nam cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần đảo Thị Tứ nhưng hình như đây là lần đầu tiên các tàu này tiến gần đến cách các bãi cạn của hòn đảo này chưa đầy 5,5 km.

Đại tá Thuỷ quân Lục chiến Arevalo nói sẽ cần vài ngày trước khi có thể kiểm chứng thông tin này. Ông nói:

“Tôi tin rằng vấn đề này giờ thuộc thẩm quyền của Toán đặc nhiệm Biển Tây Philippines.”

Người phát ngôn quân đội Philippines nói ông sẽ không bình luận thêm về vấn đề này cho tới khi đã thấy được toàn cảnh tình hình hiện nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói ông tin tưởng Trung Quốc sẽ không chiếm đóng thêm lãnh thổ, lãnh hải nào khác trong Biển Đông, dựa trên một “thỏa thuận sống chung hòa bình” mà ông nói đã được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano điều giải. - VOA

***
Bộ Trưởng Quốc phòng Philippines vào chiều tối ngày 14 tháng 8 phát biểu trước quốc hội nước này là Trung Quốc cam đoan sẽ không chiếm thêm thực thể nào nữa ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.

Hãng tin Reuters ngày 15 tháng Tám dẫn lời bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana tại buổi điều trần ở quốc hội Phi, rằng Manila và Bắc Kinh trên nguyên tắc đã đạt tới sự đồng thuận hay có thể nói một phương cách tiên quyết liên quan đến vấn đề ngưng chiếm giữ hay sở hữu thêm những thực thể trong khu vực tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa, đặc biệt trên bãi cạn Scaborough là ngư trường của Philippines mà Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.

Vẫn theo lời Bộ Trưởng Quốc phòng Philippinies, trong tương lai nếu Trung Quốc tìm cách chiếm giữ bất cứ đảo nào trong khu vực này thì đó sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng.

Bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana không bình luận điều gì khi các đại biểu quốc hội Phi đề cập đến một báo cáo từ quân đội Philippines là 5 chiếc tàu Trung Quốc xuất hiện rất gần, tức trong vòng 5 ki lô mét, quanh vùng đảo Thị Tứ thuộc vùng đảo Trường Sa. Dân biểu Gary Alejano còn cho Reuters biết là hai hôm trước đây những tàu đánh cá Trung Quốc đã chận một tàu tuần tra của Philippines. - RFA
|
|

2.
Bắc Hàn hoãn kế hoạch tấn công Guam --- Trung Quốc thi hành lệnh chế tài Bắc Triều Tiên


Lãnh tụ Kim Jong Un đã hoãn ra quyết định phóng tên lửa vào Guam để chờ xem bước đi tiếp theo của Hoa Kỳ.

Reuters dẫn lời truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa tin như vậy hôm 15/8, trong bối cảnh tổng thống Hàn Quốc tuyên bố rằng Seoul sẽ tìm cách ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá.

Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng trong vòng hai tuần, ông Kim Jong Un thị sát một đơn vị chỉ huy của quân đội hôm 14/8, xem xét kế hoạch phóng bốn quả tên lửa về phía Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, theo KCNA, hãng tin chính thức của Bắc Hàn.

Bản tin có đoạn: “Ông nói rằng nếu người Mỹ tiếp tục những hành động liều lĩnh, hết sức nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên và vùng phụ cận, thử thách sự tự chế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thì chúng ta sẽ đi tới một quyết định quan trọng như đã thông báo”.

Kế hoạch tấn công Guam của Bình Nhưỡng tuần trước đã làm leo thang căng thẳng tại khu vực, và khiến Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã trong tư thế sẵn sàng, nếu Bắc Hàn hành động thiếu khôn ngoan.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 15/8 nói rằng sẽ không có hành động quân sự nào nếu không có sự đồng thuận của Seoul, và chính phủ của ông sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá.

Cùng ngày, trong một cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông Trump đã đồng ý về ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn Bắc Hàn phóng tên lửa hạt nhân. - VOA

***
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14/8 ban hành lệnh cấm nhập khẩu một vài món hàng từ Bắc Triều Tiên bao gồm than đá, quặng sắt, chì và hải sản. Lệnh cấm có hiệu lực tức thì từ ngày 15/8 được xem là tuân thủ các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc loan báo trong tháng này.

Những biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc phải được thi hành 30 ngày sau khi nghị quyết được thông qua trong cuộc biểu quyết ngày 6/8.

Chính phủ Trung Quốc nói bất cứ tàu hàng nào của Bắc Triều Tiên trên đường đến Trung Quốc sẽ được hải quan làm thủ tục bốc dỡ như thường lệ trước hạn chót chế tài của Liên hiệp quốc.

Lệnh cấm được loan báo vào thời điểm Trung Quốc chịu áp lực của Mỹ thi hành một cách chặt chẽ những chế tài và đóng một vai trò lớn hơn trong việc kìm chế Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng số thương mại của Bắc Triều Tiên và cung cấp một số lượng khổng lồ thực phẩm và năng lượng cho Bình Nhưỡng. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về chiến tranh thương mại

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 15/8 tuyên bố sẽ hành động để bảo vệ các quyền lợi của mình nếu Hoa Kỳ gây tổn hại quan hệ thương mại, sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu điều tra khả năng Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Theo Reuters, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ có một năm để xem có nên mở một cuộc điều tra chính thức về các chính sách sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, mà Nhà Trắng và các tổ chức công nghiệp Mỹ nói là gây tổn hại tới doanh nghiệp và việc làm của Hoa Kỳ.

Một phát ngôn viên không rõ tên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên tôn trọng các số liệu khách quan, hành động thận trọng, tuân thủ các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới, và không gây tổn hại tới các nguyên tắc đa phương.

Thông cáo viết tiếp rằng “nếu phía Hoa Kỳ phớt lờ các số liệu và không tôn trọng các nguyên tắc thương mại đa phương” thì “Trung Quốc sẽ không ngồi yên” và “sẽ có các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc”.

Tuyên bố này giống với một cảnh báo trước đó của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh về chuyện hành động của Mỹ sẽ dẫn tới chiến tranh thương mại không có lợi cho ai.

Các quan chức chính quyền Mỹ ước tính rằng việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ gây thiệt hại tới 600 tỷ đôla.

Tổng thống Trump từng ám chỉ rằng ông sẽ bớt chỉ trích Trung Quốc nếu nước này hành động nhiều hơn để kiềm chế Bắc Hàn cũng như các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. - VOA
|
|

4.
Tranh chấp Ấn-Trung ở Doklam và “Cuộc Chơi Lớn” của châu Á

Căng thẳng từ hai tháng nay tại Doklam, một khu vực hẻo lánh vùng chân núi Himalaya, nằm giữa hai cường quốc châu Á, là Trung Quốc và Ấn Độ, tương đối ít được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng xung đột này có thể dẫn đến những khủng hoảng khó lường.

Trước hết RFI xin giới thiệu bài phân tích của nhà chính trị học Mỹ Michael Auslin “Tranh chấp Doklam có thể giải quyết được không ? Những mối nguy của tình trạng bế tắc tại vùng biên giới Trung- Ấn”. Bài viết được đăng tải (ngày 1/8/2017) trên báo mạng về quan hệ quốc tế Foreign Affairs.

Nhà chính học Mỹ Michael Auslin là tác giả cuốn “Sự chấm dứt của thế kỷ châu Á : Chiến tranh, trì trệ và nguy cơ đối với khu vực năng động nhất thế giới” (1), ra mắt đầu năm nay. Theo tác giả, trong những năm vừa qua, giới lãnh đạo chính trị Mỹ và Đông Á hết sức bận tâm với các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển ở châu Á, có nguy cơ bùng phát thành xung động vũ trang toàn diện.

Căng thẳng Biển Đông và biển Hoa Đông che lấp

Lo ngại Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông và biển Hoa Đông là nguyên do chủ yếu của chính sách xoay trục của Obama sang khu vực châu Á Thái Bình Dương. Gần đây, tổng thống Mỹ Donald Trump tái lập các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông, các đảo mà Việt Nam hoặc Philippines đòi hỏi chủ quyền, cũng là theo hướng này. Hệ quả là các căng thẳng “cũng hết sức nguy hiểm” trên đất liền bị coi nhẹ. Nhà chính trị học Mỹ nhấn mạnh là “chiến tranh tại châu Á” có thể bùng lên từ khu vực cách xa các vùng tranh chấp trên đại dương hàng ngàn cây số. Xung đột có thể đưa khu vực vào “hỗn loạn”.

Nhà chính trị học Mỹ so sánh tranh chấp lãnh thổ phức tạp hiện nay tại châu Á với tình hình châu Âu thế kỷ 19, không chỉ với các điểm căng thẳng nổi rõ, như vĩ tuyến 38, chia đôi hai miền Nam Bắc Triều Tiên, mà còn cả những xung đột tiềm ẩn, như căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa Thái Lan và Cam Bốt xung quanh một ngôi đền cổ, gần đây mới tạm lắng.

Căng thẳng xung quanh khu vực tranh chấp tại cao nguyên Doklam giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt nguồn từ một thỏa thuận mập mờ giữa đế quốc Anh và chính quyền Nhà Thanh hồi cuối thế kỷ 19. Quân đội Ấn Độ hiện nay đang ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường qua khu vực này. Hiện tại hàng ngàn binh lính hai bên đang đối diện nhau, và đang trong tình thế sẵn sàng chiến đấu.

Đọc thêm : Quân đội Ấn-Trung gườm nhau ở biên giới
Tranh chấp tại khu vực cao nguyên Doklam (2) chỉ là một trong những điểm nóng trên hơn 3.000 cây số biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, với hơn trăm ngàn cây số vuông tranh chấp, nhất là tại vùng Aksai Chin (43 180 km2), Trung Quốc kiểm soát, và Arunachal Pradesh (90 000 km2), do Ấn Độ quản lý. Sau cuộc chiến tranh biến giới chớp nhoáng hồi 1962, hai bên – chủ yếu là Trung Quốc – thường xuyên tiến hành các cuộc hành quân vào khu vực tranh chấp của phía bên kia, nhiều đụng độ đã xảy ra.

Căng thẳng hiện nay tại Doklam đặc biệt được chú ý vì đây là khu vực nằm sát với dải đất hẹp Siliguri (chỉ rộng từ 20 km đến 40 km), được coi là một yết hầu của Ấn Độ, nối liền phần lãnh thổ trung tâm với bảy bang miền đông bắc.

Hai thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa quyền uy

Theo nhà chính trị học Mỹ, tình hình hiện nay càng thêm phức tạp, do Ấn Độ và Trung Quốc đang nằm dưới quyền của “các lãnh đạo hùng mạnh theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa”. Hai ông Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) và Narendra Modi được coi là “các thủ lĩnh có sức ảnh hưởng mạnh nhất” trong giai đoạn vài chục năm trở lại đây. Trong tình thế hiện nay, không lãnh đạo bên nào chấp nhận nhân nhượng. Ông Tập Cận Bình đang đứng trước kỳ Đại Hội Đảng có tính quyết định vào mùa thu này, lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tăng cường hơn nữa quyền lực vốn đã rất mạnh của mình. Trong khi đó, thủ tướng Ấn Độ Modi vừa chiến thắng trong một đợt bầu cử, giúp ông rảnh tay hơn trong đối nội.

Tác giả Michael Auslin dự báo chủ nghĩa dân tộc “là một yếu tố then chốt” trong chính sách đối ngoại của cả Trung Quốc và Ấn Độ, các tình cảm bị kích động trong khủng hoảng sẽ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, ông cảnh báo là nếu để căng thẳng bùng phát thành xung đột, Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều.

Xung đột nhỏ, hệ lụy lớn

Trung Quốc không những “mất uy tín” với tư cách là một lãnh đạo quốc tế đang lên, mà các thế lực chống Bắc Kinh tại Tây Tạng và Tân Cương cũng tranh thủ cơ hội để đẩy lùi các lực lượng an ninh Trung Quốc mà họ coi là kẻ chiếm đóng ra khỏi các khu vực này. Về phần Ấn Độ, một thất bại trước một Trung Quốc được trang bị tốt hơn “không chỉ là một nỗi nhục quốc gia”, mà còn tăng thêm cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng các ảnh hưởng của mình tại các quốc gia láng giềng với Ấn Độ, đặc biệt là khiến Pakistan đồng minh của Trung Quốc có điều kiện thổi bùng căng thẳng tại các vùng tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Xung đột Doklam tại vùng Himalaya xa xôi hiểm trở khó có thể bùng lên thành “chiến tranh quy mô”. Tuy nhiên, rất có thể các cường quốc như Nga và Nhật sẽ can dự để ủng hộ về mặt tinh thần, hoặc về phương tiện, đối với một trong hai phía tham chiến.

Tác giả rút ra một nghịch lý : Doklam - một trong những địa điểm hẻo lánh nhất trên thế giới - nhưng lại thể hiện một khía cạnh chủ yếu trong “Cuộc Chơi Lớn” (Great Game) của châu Á hiện nay. Đó là, “do giàu có hơn nhiều, nhờ hàng thập niên phát triển, nhờ thương mại, toàn cầu hóa, các cường quốc châu Á đã hiện đại hóa quân đội, đang nhắm trở lại đòi hỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp”, các tham vọng vốn bị gạt sang một bên trong hàng thập niên vừa qua. Nguy cơ xung đột bùng phát “có thể không xa”.

***
Chuyên gia Ấn Độ : Tín hiệu “giận dữ” của Trung Quốc

Vẫn về căng thẳng Doklam, nhà báo Ấn Độ Praveen Swami, chuyên về các vấn đề an ninh quốc tế có bài “Doklam không phải là vấn đề một con đường”. Tác giả nhấn mạnh cội rễ của căng thẳng hiện nay là do Bắc Kinh muốn gửi đến New Delhi tín hiệu là Trung Quốc “giận dữ” trước việc Ấn Độ tăng cường xây dựng liên minh với các đối thủ tại châu Á của Trung Quốc, và với Hoa Kỳ. Nhà báo Ấn Độ so sánh tình hình biên giới Ấn Trung với cục diện bán đảo Balkan, châu Âu, nơi xung đột bùng phát, châm ngòi cho cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất.

Cũng tác giả này, trong một bài viết khác, “Hai tháng sau cuộc đối đầu tại Doklam, đo lường sức mạnh của Trung Quốc”, lưu ý “con rồng" Trung Quốc sẵn sàng “khạc lửa”, nhưng trên thực tế nó “vẫn chưa đủ nanh vuốt”. Tác giả nhắc lại bài học lịch sử Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới chống Việt Nam năm 1979, hơn 12.000 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng, chủ yếu là con em các gia đình nông dân nghèo, cuộc chiến không được đưa vào lịch sử chính thức (xem thêm : "Cuộc chiến chống Bắc Kinh của cựu binh chiến tranh biên giới với Việt Nam").

Nhà nghiên cứu Onkar Marwah, chuyên gia viện tư vấn độc lập Viện Hòa Bình và Các Nghiên Cứu về Xung Đột, có trụ sở tại New Delhi, có bài “Nếu chiến tranh xảy ra tại Doklam, tại sao Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại”. Theo nhà nghiên cứu Ấn Độ, bất luận kết quả thế nào, Trung Quốc sẽ là bên thua cuộc, cuộc chiến sẽ đẩy New Delhi gần gũi hơn nữa với các quốc gia “phía đông” cũng như “phía tây”, các nước có thể cũng mạnh ngang hoặc thậm chí mạnh hơn Trung Quốc về quân sự hay kinh tế.

Nếu Trung Quốc thực sự chủ trương Con Đường Tơ Lụa hòa bình…

Tuy nhiên vấn đề Doklam không chỉ cần được nhìn nhận dưới góc độ chính trị, quân sự và an ninh, mà các truyền thống văn hóa, lịch sử cũng là những điều hệ trọng.

Nhà nhân học Aadil Brar, đại học British Columbia - Vancouver, Canada, trong bài “Câu chuyện lịch sử ẩn đằng sau cuộc đối đầu ở Doklam” trên Diplomat, thì lưu ý với chính quyền Trung Quốc về lịch sử giao thương, giao lưu văn hóa, tôn giáo lâu đời giữa Ấn Độ và khu vực Tây Tạng, hiện nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, mà Doklam là một trong những huyết mạch.

Kể cả cho đến những năm cuối thập niên 1950, khi Bắc Kinh đã kiểm soát Tây Tạng, một cơ quan thương mại Ấn Độ (Yatung Trading Agency) vẫn được duy trì tại vùng thung lũng Chumbi (thuộc Doklam), trước khi bị chính quyền Trung Quốc "xúi giục dân chúng địa phương" đánh đuổi. Yatung Trading Agency là một bằng chứng cho thấy lịch sử mối quan hệ lâu đời này.

Nhà nhân học khuyến nghị chính quyền Trung Quốc, nếu thực sự chủ trương xây dựng một cách hòa bình kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường nối liền Âu - Á, thì rất nên xem lại giá trị của những mạng lưới giao thông xuyên Himalaya trong lịch sử, từng giúp làm nên nền thương mại thời cổ đại tại khu vực hiểm trở này, thay vì xây cất đường xá để phô trương sức mạnh quân sự. - RFI
|
|

5.
Mỹ tin sẽ có giải pháp hòa bình với Venezuela --- Quân đội Venezuela tập trận giữa căng thẳng với Mỹ

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố tại Buenos Aires ngày 15/8 rằng ông có niềm tin sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho Venezuela thông qua áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Tổng thống nước này, ông Nicolas Maduro.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Argentina, Mauricio Macri, ông Pence cho biết đôi bên đã nhất trí trong các cuộc họp kín về nhu cầu duy trì áp lực lên Tổng thống Venezuela về bầu cử và phóng thích tù nhân chính trị.

Hôm qua, ông Pence cho biết ông cùng Tổng thống Colobia, Juan Manuel Santos, thảo luận các biện pháp chế tài khả dĩ đối với Venezuela..

Tháng rồi, Mỹ áp đặt chế tài đối với Tổng thống Venezuela và các giới chức khác sau khi ông Maduro thành lập Quốc hội Lập hiến do những người trung thành với Đảng Xã hội của ông điều hành để bành trướng quyền lực giữa chiến dịch trấn áp các nhóm đối lập chính trị.

Đe dọa của Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm thứ sáu về hành động quân sự với Venezuela đã bị khu vực lên án.

Hôm qua, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố Hoa Kỳ sẽ mang tất cả sức mạnh kinh tế và ngoại giao để được thấy dân chủ phục hồi tại Venezuela và một chế độ thất bại tại đây đe dọa cả người Mỹ.

Ông Pence nói với các phóng viên tại Cartagena, Colombia là “Tổng thống Donald Trump đã nói rõ là chúng ta sẽ không làm ngơ khi Venezuela trở thành một nước độc tài. Một Venezuela không thành công đe dọa an ninh và thịnh vượng của toàn thể tây bán cầu chúng ta và dân chúng Mỹ." - VOA

***
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã lệnh cho quân đội nước này tiến hành cuộc thao dượt “toàn diện” vào ngày 26 và 27/8.

Đây được coi là phản ứng đối với đe dọa của Tổng thống Donald Trump đưa ra tuần trước về khả năng có hành động quân sự đối với quốc gia Nam Mỹ này.

“Chúng ta phải chuẩn bị để không một ai dám động vào một miếng đất thiêng của Venezuela”, ông Maduro nói trong bài phát biểu được phát trên đài truyền hình và đài phát thanh quốc gia.

Nhà lãnh đạo này cũng lên tiếng kêu gọi người dân Venezuela “bảo vệ hòa bình”.

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng hành động quân sự là một trong các giải pháp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ở Venezuela do tình trạng kinh tế suy sụp và bất ổn chính trị.

Ít ngày sau, hôm 14/8, trong chuyến công du các nước Mỹ Latin kéo dài một tuần, Phó Tổng thống Mike Pence lại có những phát biểu ôn hòa hơn.

Từ tháng Tư tới nay, tình trạng bạo lực ở Venezuela đã cướp đi mạng sống của ít nhất 120 người. - VOA
|
|

6.
Máy bay không người lái của Iran áp sát tàu sân bay Mỹ --- Iran đe dọa tái khởi động chương trình hạt nhân

Một máy bay không người lái của Iran áp sát tàu sân bay Mỹ trong phạm vi 300m trong khi tàu Mỹ đang di chuyển trong hải phận quốc tế ở Vùng Vịnh tiến hành các hoạt động bay, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy Trung ương Các lực lượng Hải quân Mỹ cho biết ngày 14/8.

Người phát ngôn Ian McConnaughey nói “một máy bay không người lái tiếp cận không an toàn và không chuyên nghiệp” khi bay ngang tàu Mỹ USS Nimitz tối ngày 13/8.

Bộ phận kiểm soát máy bay không người lái đã không đáp ứng yêu cầu liên lạc của chúng tôi, ông cho biết.

Trong năm nay, các giới chức Mỹ đã nhiều lần phàn nàn về những vụ tiếp cận không chuyên nghiệp và không an toàn giữa lực lượng hàng hải Iran với Mỹ.

Thứ ba tuần rồi, giới chức Mỹ loan báo một máy bay không người lái của Iran tiếp cận một phản lực chiến đấu Mỹ khi máy bay này chuẩn bị đáp xuống tàu sân bay. Đó là sự cố lần thứ 13 trong năm nay.

Phát ngôn nhân McConnaughey cho hay trong sự cố mới nhất lần này, máy bay không người lái của Iran không có đèn định vị và việc này có thể dẫn tới va đụng và vi phạm luật hàng hải quốc tế. - VOA

***
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 15/8 tuyên bố rằng nước ông muốn tuân thủ thỏa thuận quốc tế ký năm 2015 về chương trình hạt nhân của mình, nhưng nếu Hoa Kỳ tiếp tục “đe dọa và trừng phạt”, thì Iran sẽ nhanh chóng hồi sinh hoạt động hạt nhân ở cấp độ cao hơn trước.

Trong bài phát biểu trước quốc hội và được phát trên truyền hình, ông Rouhani nói rằng Hoa Kỳ không phải là một “đối tác tốt”.

Ông Rouhani nói: “Những ai tìm cách trở lại với ngôn ngữ đe dọa và trừng phạt thì đó là các tù nhân bị ảo giác quá khứ. Họ tự tước đoạt các lợi thế hòa bình”.

Tehran phản đối các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào những người liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như Đội Vệ binh Cách mạng, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đầu tháng này, tiếp sau các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran.

Đôi bên đã đổ lỗi cho nhau vi phạm tinh thần của bản thỏa thuận hạt nhân, vốn đạt được sau các cuộc đàm phán dài hơi giữa Iran và nhóm bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức.

Ông Hussein Banai, nhà phân tích tại Đại học Indiana, nhận định với VOA rằng phát biểu của ông Rouhani cho thấy rằng cả phe theo đường lối cứng rắn và ôn hòa của Iran đều đồng lòng vì chương trình tên lửa của nước này. - VOA
|
|

7.
Máy bay quân sự Trung Quốc lai vãng gần Đài Loan

Đài Loan cho biết phát hiện nhiều máy bay quân sự Trung Quốc dường như bay huấn luyện tại phía nam và phía đông đảo này.

Bộ Quốc phòng nói hai máy bay do thám Trung Quốc Y-8 bay qua Eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines rồi vào Thái Bình Dương theo hướng đông bắc ngày 13/8.

Hai máy bay này được tháp tùng bởi hai máy bay phản lực chiến đấu Su-30 khi bay ngang qua Eo biển Miyabo phía bắc đảo, vẫn theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Đây là lần thứ ba trong tháng các máy bay Trung Quốc bị phát hiện gần không phận Đài Loan, theo thông tấn xã trung ương Đài Loan. Những lần trước đây vào ngày 5 và 8/8 bao gồm máy bay Y-8 và những chiếc khác.

Trung Quốc xem Đài Loan thuộc lãnh thổ Trung Quốc và có thể dùng vũ lực để đặt dưới quyền kiểm soát nếu cần. Cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền chống chéo tại Biển Đông.

Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn đối với Đài Loan kể từ cuộc bầu cử năm ngoái đưa bà Thái Anh Văn có khuynh hướng độc lập lên nắm quyền. Bà Thái từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Lập trường cứng rắn này cho đến nay giới hạn phần lớn vào các biện pháp ngoại giao và kinh tế, dù các nhà bình luận Trung Quốc thường xuyên đề cập đến những bước quân sự để tăng thêm áp lực đối với bà Thái.

Bộ Quốc phòng Đài Loan nói máy bay Trung Quốc vẫn bay bên ngoài vùng nhận diện phòng không của Đài Loan và không có gì phải lo ngại. Mới đây trong tháng trước, Đài Loan từng phái máy bay chiến đấu để đáp ứng với sự hiện diện của máy bay Trung Quốc, nhưng lần này, Bộ Quốc phòng Đài Loan không cho biết máy bay Đài Loan có bay lên nghênh cản máy bay Trung Quốc hay không. - VOA
|
|

8.
Đàm phán NAFTA sẽ gây cấn

Vòng đàm phán thứ nhất giữa Mỹ, Canada và Mexico bắt đầu vào ngày 16/8 về hiệp ước mà Tổng thống Donald Trump gọi là “hiệp ước thương mại tồi tệ nhất.” Ông Trump đổ cho Hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ, gọi tắt là NAFTA, có hiệu lực hai thập niên qua đã cướp đi hàng triệu công ăn việc làm của Mỹ. Ông Trump từng thề quyết sẽ bỏ thỏa thuận này, trừ phi Mỹ giành được những điều kiện công bằng hơn. Nhưng các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng phía Mỹ không có nhiều lựa chọn để cho hiệp ước này thất bại, bởi cái giá của nó rất cao.

Từ khi được ký kết vào năm 1994 – giá trị trao đổi thương mại giữa ba đối tác NAFTA đã tăng từ 290 tỉ đôla lên đến 1,100 tỉ đôla. Nhưng những người chỉ trích nói rằng nó cũng làm cho Mỹ mất đi 5 triệu công việc làm trong ngành sản xuất. Người lớn tiếng chỉ trích nhất trong số đó là Tổng thống Donald Trump. Ông đã thề sẽ đàm phán lại hiệp ước này để giành những điều kiện tốt hơn cho Mỹ.

Tổng thống Trump nói: "Hiệp ước này rất có lợi cho Canada, rất có lợi cho Mexico, nhưng hết sức tai hại cho Mỹ."

Một số nhà kinh tế nói rằng đòi hỏi đó là quá đáng. Bà Laura Dawson, giám đốc Viện nghiên cứu Canada tại Trung tâm Wilson, nói rằng tranh luận về việc mất công việc làm không bao gồm yếu tố Trung Quốc cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tự động.

Bà Dawson nói: "Hiện nay Hoa Kỳ sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn bao giờ hết, nhưng họ sử dụng ít nhân công hơn. "

Những người khác nói rằng NAFTA bị lỗi ngay từ đầu. Ông Bill Spriggs, kinh tế gia trưởng của công đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ, nhận định:

"NAFTA giống một thỏa thuận kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp hơn. Nó không có một ý nghĩa bảo vệ môi trường thiết thực, không có ý nghĩa bảo vệ nhân quyền thiết thực, không có ý nghĩa bảo vệ quyền của người lao động một cách thiết thực.”

Bộ trưởng Ngoại giao Canada hôm thứ Hai 13/8 đã nói trên mạng xã hội rằng NAFTA rất đáng được bảo vệ:

"Quan hệ kinh tế Mỹ- Canada là quan trọng nhất, là lợi ích song phương lớn nhất, mang tính tương tác cao nhất, và hiệu quả nhất thế giới.”

Bất chấp đầu tư vào các nhà máy của Mexico tăng, một số giới chức Mexico nói rằng NAFTA chưa phát huy được hiệu quả tương xứng như những gì được hứa hẹn. Nhưng nhà cựu ngoại giao Mexico Antonio Ortiz-Mena, hiện là cố vấn cấp cao của nhóm tư vấn doanh nghiệp Albright Stonebridge, nói rằng hiệp ước này cần sửa đổi để đáp ứng tác động của xu thế toàn cầu hóa.

Ông Ortiz-Mena nói: "Trong tư cách của một khối, chúng ta có thể cạnh tranh hữu hiệu với những khối khác. Mexico là một phần của giải pháp cho những những thách thức thực tế."

Nhưng mục tiêu của Mỹ là hạ giảm thâm thủng mậu dịch và loại bỏ cơ chế thương mại gây tranh cãi được cho là có lợi cho các nhà xuất khẩu gỗ của Canada có thể làm cho thương lượng trở nên khó khăn hơn.

Bà Daowson nhận định: “Tôi thấy chỉ có trở ngại. Nhưng đó là tính chất của một cuộc đàm phán thương mại có thực chất”

Theo kế hoạch sẽ có bảy vòng đàm phán, và sẽ kết thúc vào tháng 7 năm 2018, trước khi Mexico bầu cử tổng thống. - VOA
|
|

9.
Nhà hoạt động Thái Lan bị tù vì ‘tội khi quân’

Một nhà hoạt động sinh viên của Thái Lan đã bị tuyên án hai năm sáu tháng tù hôm thứ Ba ngày 15/8 vì đã đăng lên Facebook một bài báo của BBC được cho là xúc phạm đến Nhà vua Thái Lan, hãng tin Reuters dẫn lời luật sư của ông cho biết.

Ông Jatupat Boonpattaraksa, còn được biết đến với tên gọi Pai, là người đầu tiên bị buộc tội phỉ báng hoàng gia mà luật Thái gọi là “tội khi quân” dưới thời trị vì của Quốc vương Maha Vajiralongkorn – người lên ngai vào ngày 1/12 năm 2016 sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà.

Jatuput bị bắt hôm 3/12 và bị buộc tội đã đăng lại tiểu sử sơ lược của Tân vương của BBC Tiếng Thái mà nhiều người cho rằng mang tính xúc phạm. Từng là sinh viên luật, Pai là một nhà hoạt động chính trị và người chỉ trích tập đoàn quân sự hiện đang nắm quyền ở Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi năm 2014.

Ông đã nhận tội hôm thứ Ba ngày 14/8 và Tòa đã tuyên án.

“Tòa tuyên án Pai năm năm tù, giảm xuống hai năm rưỡi,” ông Kissandang Nutcharat, luật sư của Jatupat, nói với Reuters. “Pai đã nhận tội… Ông ấy biết rằng chống lại các cáo buộc không có ích gì.”

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người bị bắt giữ vì bị cáo buộc phỉ báng hoàng gia.

Tuần trước, một người đàn ông bị tuyên án 18 năm tù vì đã đăng sáu video clip được cho là xúc phạm hoàng gia.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc chính quyền Thái Lan sử dụng điều luật quá rộng để bịt miệng những người chỉ trích. Một số nhà bình luận chính trị còn nói rằng các điều luật được dùng để ngăn chỉ trích nhằm vào chính phủ và quân đội.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án việc Jatupat bị cầm tù chỉ vì chia sẻ một bản tin và kêu gọi thả tự do cho ông.

“Bản án này cho thấy chính quyền Thái Lan sẵn sàng dùng các đạo luật mang tính đàn áp để bịt miệng các cuộc tranh luận hòa bình đến cùng,” ông Josef Benedict, phó giám đốc chiến dịch phụ trách đông nam Á và Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế, phát biểu trong một thông cáo.

Ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi Nhân quyền, cũng lên án bản án: “Dường như trong số hàng ngàn người chia sẻ bản tin của BBC, họ chỉ nhằm vào Jatupat và truy tố ông vì ông phản đối mạnh mẽ chế độ quân sự hơn là gây tổn hại đến chế độ quân chủ Thái Lan,” Adams cho biết trong một thông cáo.

Luật khi quân hạn chế các hãng tin và các hãng truyền thông đưa tin không tốt về các thành viên hoàng gia. - VOA
|
|

10.
Những hoàng tử bị mất tích của Ả Rập Saudi

Trong hai năm qua, ba hoàng tử Ả Rập sống ở châu Âu đã mất tích. Tất cả đều là những người chỉ trích chính phủ Ả Rập Saudi - và có bằng chứng cho thấy tất cả đã bị bắt cóc và bị đưa bằng phi cơ trở lại Ả Rập Saudi... và người ta không nghe được gì thêm từ họ.

Sáng sớm ngày 12 tháng 6 năm 2003, một hoàng tử Saudi đã được đưa tới cung điện ở ngoại ô Geneva.

Ông tên là Sultan bin Turki bin Abdulaziz, và cung điện thuộc về bác ông, Quốc vương Fahd đã quá cố. Hoàng tử này là con trai yêu thích của quốc vương, Hoàng tử Abdulaziz bin Fahd, người đã mời Sultan tới ăn sáng.

Abdulaziz yêu cầu Sultan trở lại Ảrập Saudi, nơi ông nói xung đột do những chỉ trích của Sultan về giới lãnh đạo Saudi sẽ được giải quyết.

Sultan đã từ chối, và khi đó Abdulaziz xin lỗi đứng lên để đi gọi điện thoại. Một người khác có mặt trong phòng khi đó là Bộ trưởng Các vấn đề Hồi giáo của Ả Rập Saudi, Sheikh Saleh al-Sheikh, cũng rời đi và sau một vài giây những người đàn ông đeo mặt nạ xông vào. Họ đánh Sultan và còng tay ông, sau đó một mũi kim đâm vào cổ ông.

Bất tỉnh, Sultan được đưa ra sân bay Geneva - và được đưa lên một chiếc máy bay Medevac đang đợi trên đường băng.

Ít nhất đó là lời kể của Sultan về vụ việc trước một tòa án Thụy Sĩ nhiều năm sau đó.

Hoàng tử Sultan đã làm gì khiến gia đình ông phải dùng thuốc một cách bạo lực và bắt cóc ông ta?

Năm trước đó, ông đến Châu Âu để chữa bệnh và bắt đầu trả lời phỏng vấn chỉ trích chính phủ Ả Rập Saudi. Ông lên án hồ sơ nhân quyền của quốc gia này, phàn nàn về tình trạng tham nhũng trong các hoàng tử và quan chức, và ông kêu gọi một loạt các cải cách.

Kể từ năm 1932, khi Quốc vương Abdulaziz, vẫn được biết đến là Ibn Saud, thành lập nhà nước Ả-rập Saudi, đất nước này luôn đặt dưới sự cai trị là một chế độ quân chủ tuyệt đối. Họ không chấp nhận bất đồng quan điểm.

Hoàng tử Turki bin Bandar đã từng là một thiếu ta cảnh sát Saudi, người có trách nhiệm bảo vệ chính gia đình hoàng gia. Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi gay gắt trong gia đình về một tài sản thừa kế có tranh chấp khiến ông bị ngồi tù và khi được thả, ông đã trốn sang Paris, nơi mà vào năm 2012, ông bắt đầu đưa các video lên YouTube kêu gọi cải cách tại Ả Rập Saudi.

Chính quyền Saudi đã phản ứng như đã làm với Hoàng tử Sultan, và cố gắng thuyết phục Turki quay về nước. Khi Ahmed al-Salem, Thứ trưởng Bộ Nội vụ gọi điện tới, hoàng tử đã ghi lại cuộc trò chuyện và và đăng nó lên mạng.
"Mọi người mong chờ anh quay về… " Thứ trưởng nói.

"Mong tôi trở về?" Turki đáp. "Thế còn những bức thư mà các sĩ quan của ông gửi cho tôi thì sao?"Đồ điếm, chúng tao sẽ kéo mày về nước như Sultan bin Turki."
Thứ trưởng trả lời một cách an ủi: "Họ sẽ không đụng đến ạnh. Em là em trai của anh."

Turki nói: "Không, họ là từ chính ông," Turki nói. "Bộ Nội vụ cử họ tới."
Turki tiếp tục đăng các video cho đến tháng 7 năm 2015. Sau đó, ông ta biến mất.
Một người bạn, blogger và một nhà hoạt động xã hội, ông Wael al-Khalaf cho biết: "Ông ấy gọi cho tôi mỗi tháng hai lần."

"Sau đó, ông ta biến mất bốn hoặc năm tháng. Tôi thấy nghi ngờ. [Sau đó] tôi nghe từ một quan chức cấp cao của Ả Rập Saudi rằng Turki bin Bandar đang ở chỗ họ. Vậy là họ đã bắt giữ ông, ông ấy đã bị bắt cóc."

Sau một thời gian tìm kiếm tin tức của Turki, tôi tìm thấy một bài viết trong một tờ báo Ma-rốc, nói rằng ông đang sắp trở lại Pháp sau khi một chuyến thăm tới Ma-rốc, khi ông bị bắt và bị tống giam. Sau đó, theo yêu cầu của chính quyền Ả Rập Saudi, ông bị trục xuất với sự chấp thuận của một tòa án Ma-rốc.

Cũng khoảng thời gian khi hoàng tử Turki biến mất thì một hoàng tử Saudi khác, Saud bin Saif al-Nasr - một nhân vật tương đối nhỏ trong hoàng gia có sở thích là các sòng bạc châu Âu và các khách sạn đắt tiền - cũng chia sẻ một số phận tương tự.

Năm 2014, Saud bắt đầu viết những bài báo chỉ trích chế độ quân chủ Ả Rập Saudi.

Ông kêu gọi truy tố các quan chức Ảrập Saudi, những người đã hậu thuẫn cho việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi vào năm trước.
Sau đó, vào tháng 9 năm 2015, Saud còn đi xa hơn.

Sau khi một hoàng tử Ả Rập ẩn danh viết hai bức thư kêu gọi đảo chính để phế truất Quốc vương Salman, Saud đã công khai ủng hộ các lá thư này - thành viên hoàng gia duy nhất làm điều đó. Điều này được xem tương tự như phản bội, và có lẽ nó đã quyết định số phận của ông.

Một vài ngày sau đó, ông viết trên Twitter: "Tôi kêu gọi cả dân tộc hãy biến nội dung của những bức thư này thành áp lực rộng rãi ". Sau đó, tài khoản Twitter của ông bỗng ngưng lặng.

Một hoàng tử bất đồng khác là Hoàng tử Khaled bin Farhan, người bỏ chạy sang Đức vào năm 2013, tin rằng Saud đã bị lừa bay từ Milan sang Rome để thảo luận về một hợp đồng kinh doanh với một công ty Nga-Ý muốn mở chi nhánh tại Vùng Vịnh.

Khaled nói: "Một chiếc máy bay riêng của công ty đã đến và đưa Hoàng tử Saud đi nhưng nó đã không đáp xuống Rome, mà hạ cánh xuống Riyadh.

"Hóa ra tình báo Saudi đã dàn dựng toàn bộ vụ việc này", ông tuyên bố.

"Số phận của Hoàng tử Saud cũng giống như Hoàng tử Turki, đó là nhà tù ... Số phận duy nhất là một nhà tù dưới lòng đất."

Hoàng tử Sultan, ở cấp cao hơn theo trật tự trong hoàng gia, đã bị chuyển qua lại giữa nhà tù và việc quản thúc tại gia. Nhưng sức khoẻ của ông xấu đi, vì vậy năm 2010, gia đình hoàng gia cho phép ông đi chữa bệnh tại Boston, Massachusetts.

Những gì ông làm khi được sống lưu vong an toàn tại Hoa Kỳ đã khiến hoàng gia Saudi kinh hoàng - ông nộp đơn kiện hình sự tại tòa án Thụy Sĩ, cáo buộc Hoàng tử Abdulaziz bin Fahd và Sheikh Saleh al-Sheikh là người chịu trách nhiệm vụ bắt cóc ông năm 2003.

Lần đầu tiên, một thành viên cao cấp trong hoàng gia Ả Rập Saudi khởi kiện tại một tòa án phương Tây, chống lại một thành viên khác trong hoàng gia.

Nhưng chính quyền Thụy Sĩ tỏ ra rất ít quan tâm đến vụ việc này.

Vào tháng 1 năm 2016, Sultan đang lưu lại một khách sạn dành riêng cho ông tại Paris khi, cũng giống như Saud bin Saif al-Nasr, ông đã bị dụ dỗ trên máy bay.

Ông dự định đi thăm cha của mình, cũng là một người nổi tiếng hay chỉ trích chính phủ Ảrập Saudi, tại Cairo, khi lãnh sự quán Ả Rập Saudi đã đề nghị ông và đoàn tùy tùng của ông gồm khoảng 18 người - bao gồm một bác sĩ riêng, y tá và vệ sĩ từ Mỹ và châu Âu - hãy sử dụng một chiếc phi cơ riêng.

Bất chấp những gì đã xảy ra với ông hồi năm 2003, ông chấp nhận.

Hai thành viên đoàn tùy tùng giải thích các sự kiện đã diễn ra như thế nào. Cả hai đều yêu cầu được ẩn danh.

Chiếc máy bay cất cánh với màn hình trên máy bay cho thấy nó đi về phía Cairo. Nhưng sau hai tiếng rưỡi bay màn hình trắng trơn.

Khi hành khách trên máy bay chợt nhận ra rằng họ sắp hạ cánh xuống Ả Rập Saudi, Sultan bắt đầu đập vào cửa buồng lái và kêu cứu. Một thành viên phi hành đoàn ra lệnh cho đoàn tùy tùng của hoàng tử ở nguyên chỗ ngồi của họ.

Những binh lính và phi hành đoàn lôi Sultan từ máy bay xuống. Ông la hét bảo tùy tùng của ông hãy gọi tới đại sứ quán Hoa Kỳ.

Hoàng tử và các nhân viên y tế của ông được đưa đến một biệt thự có bảo vệ vũ trang.

Đó là một tình huống đáng kinh ngạc. Cùng với Hoàng thân Sultan, khoảng 18 người nước ngoài đã bị bắt cóc, đưa đến Ả-rập Xê-út, và bị quân đội Ả Rập Saudi giam giữ.

Không có tin gì về Hoàng tử Sultan kể từ đó.

Tôi đã yêu cầu chính phủ Ả-rập Saudi phản hồi lại trước những cáo buộc trong bộ phim này nhưng họ từ chối bình luận.

Trong khi đó Hoàng thân Khaled, đang sống lưu vong ở Đức, lo lắng rằng ông cũng sẽ bị buộc phải trở về Riyadh.

"Có bốn chúng tôi là thành viên hoàng gia sống tại châu Âu. Chúng tôi đã chỉ trích gia đình và sự cầm quyền của hoàng gia tại Ả-rập Saudi. Ba người trong chúng tôi đã bị bắt cóc, và tôi là người duy nhất còn lại", ông nói.

Liệu ông có thể là người kế tiếp trong danh sách bắt cóc?

"Tôi tin như vậy. Tôi tin như thế từ lâu rồi. Nếu họ có thể làm được, họ đã làm việc đó ngay bây giờ. Tôi rất thận trọng, nhưng nó là giá cho sự tự do của tôi". - BBC
|
|

11.
Nước Ý cuốn theo "giấc mộng Trung Hoa"

Trong số cuối của loạt bài nói về Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, Le Monde (15/08/2017) nói đến « Tham vọng của Trung Quốc và giấc mơ của Ý ».

Từ một thành phố trung bình của Ý, nằm cách Milan khoảng 1 giờ tầu hỏa, Mortara trở nên sôi động từ vài tháng gần đây vì nhà ga thành phố, một trạm vận tải có quy mô lớn của Ý, sẽ được mở rộng thêm, vì Mortara được tập đoàn Changjiu Group chọn là ga cuối của những chuyến tầu đến từ Trung Quốc. Theo phát biểu ngày 05/06 của đại diện nhà ga, « đây là món quà từ trên trời rơi xuống với thành phố ».

Ngay mùa Thu 2017, mỗi tuần sẽ có hai chuyến tầu từ Thành Đô (Chengdu), thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) vượt qua 10.800 km trong vòng 18 ngày để đến Mortara, thuộc vùng Lombardia. Năm 2018 sẽ có 3 chuyến mỗi tuần và sau đó sẽ nâng lên khoảng 10 chuyến. Từ hàng xa xỉ đến danh lam thắng cảnh, từ rượu vang đến ẩm thực, Ý có đủ điều điện để thu hút giới nhà giầu Trung Quốc. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp Ý thoát khỏi hai thập niên khủng hoảng và trì trệ.

Ngoài một kỷ niệm buồn vào năm 2014 khi một nhà đầu tư Thượng Hải, mua lại câu lạc bộ bóng đá Pavie của Mortara hai năm trước đó, « ra đi » với gần 1 triệu euro nợ thuế, nước Ý nói chung và vùng Milan nói riêng thu hút lượng đầu tư đáng kể của Trung Quốc trong những năm gần đây. Nguyên nhân được Andrea Goldstein, kinh tế gia người Ý, nêu lên là quốc gia Nam Âu này « là cánh cửa lý tưởng để đặt chân vào Liên Hiệp Châu Âu ».

Le Monde nhắc lại một vài thương vụ lớn, như công ty sản xuất lốp Pirelli được chuyển nhượng năm 2015 cho tập đoàn ChemChina của nhà nước Trung Quốc. Trên quy mô nhỏ hơn, phải kể đến vụ sáp nhập năm 2008 của Cifa, nhà sản xuất máy trộn bê tông hay Krizia trong lĩnh vực thời trang vào năm 2014. Kín đáo hơn, Trung Quốc còn có cổ phần trong nhiều cơ quan hạ tầng năng lượng (Snam và Terna) hay các doanh nghiệp điều hành đường cao tốc.

Trong lĩnh vực thể thao, vụ hai câu lạc bộ bóng đá lớn Inter Milan (thuộc gia đình Moratti) và Milan AC (thuộc nhà tỉ phú-cựu thủ tướng Ý Berlusconi) được chuyển nhượng cho Trung Quốc vẫn còn gây sốc.

Ngoài ra, thành phố Milan chọn một doanh nghiệp Thượng Hải để cung cấp hệ thống dịch vụ dùng chung xe đạp. Hệ thống hiện đại này hoạt động kết nối thông qua điện thoại di động mà không cần trạm giữ cố định với khoảng 12.000 xe được đưa vào phục vụ ngày tháng 10/2017.

Từ khi nhậm chức năm 2016, thị trưởng Milan liên tục đến Trung Quốc để thắt chặt quan hệ với các nhà đầu tư quan trọng của nước này. Có thể nói, Ý tìm mọi cách để không bị loại khỏi « Con Đường Tơ Lụa Mới » đang được hình thành.

Ngoài thành phố Milan và cảng đường sắt khổng lồ Mortara nằm trong vị trí lý tưởng, thủ đô Roma cũng muốn trở thành cửa ngõ chính dẫn vào châu Âu bằng đường hàng hải. Ngoài ra, phải kể đến Trieste, nằm ở cửa ngõ Trung Âu, và Venice, thành phố của nhà thám hiểm Marco Polo. Tham vọng của Venice là đón những tầu biển khổng lồ từ Trung Quốc tại cảng Porto Marghera. Thậm chí, thị trưởng Luigi Brugnaro còn muốn biến Venice thành « Dubai của châu Âu trong vòng 20 năm tới ».

Để ca ngợi tình hữu nghị Ý-Trung, Bắc Kinh đã mở Viện Khổng Tử tại quê hương Macerata của nhà truyền giáo nổi tiếng Matteo Ricci hồi thế kỷ XVII. - RFI

|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Bạo động Charlottesville: Trump quy trách nhiệm cả đôi bên

Tổng thống Mỹ Donald Trump quy trách nhiệm cả đôi bên, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và phe phản đối, trong vụ bạo động ở Charlottesville, bang Virginia, hôm 12/8 khiến 1 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Lên tiếng ngày 15/8 từ New York, ông Trump nói nhóm phản đối những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ‘cũng rất bạo động.’

Tuy nhiên, ông kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh vì một số dữ kiện về vụ bạo động ở Charlottesville vẫn chưa sáng tỏ.

Trở lại tư gia ở New York lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ từ đầu năm nay, ông Donald Trump đã được chờ đón bởi hàng dài những người biểu tình trên đường phố.

Xe chở Tổng thống dừng chân tại Tháp Trump tối ngày 14/8 trong lúc tránh né người biểu tình la ó “New York ghét ông.”

Hàng ngàn người biểu tình đã xếp hàng chật kín con đường số 5 của khu Manhattan để ‘chờ đón’ Tổng thống cùng với một nhóm khoảng chục người ủng hộ ông Trump.

Người biểu tình mang theo những biểu ngữ như “Thôi thù ghét, Thôi nói láo” trong khi người ủng hộ hô vang khẩu hiệu “Thượng Đế ban phước cho Tổng thống Trump”.

Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra án mạng trong cuộc biểu tình bạo động hôm 12/8 khi một người lao xe làm chết một phụ nữ trong một tuần hành phản đối cuộc biểu tình của những người có chủ trương thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói: “Bạo lực và những người thiệt mạng ở Charlottesville đánh vào chính diện của luật pháp và công lý Mỹ.”

Thống đốc Virginia Terry McAuliffe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi những vụ ẩu đả nổ ra giữa những người biểu tình chủ trương thượng đẳng da trắng tụ tập để phản đối việc dỡ bỏ một bức tượng với những người phản biểu tình ở Charlottesville hôm 12/8. - VOA
|
|

13.
Diễn viên Tom Cruise bị thương khi quay phim ‘Mission: Imposible 6’

Nam diễn viên Tom Cruise bị thương khi đang thu hình một pha mạo hiểm cho phần mới nhất của dòng phim “Mission: Impossible” tại London, Anh, theo trang Business Insider.

Nam diễn viên Tom Cruise, 55 tuổi, được nhiều người biết đến về những pha hành động do chính anh thực hiện. Tuy nhiên, trong lần thu hình gần đây, khi nam diễn viên phải nhảy từ một trần nhà này sang trần nhà khác với sự trợ giúp của dây an toàn, Tom Cruise “bị hụt” khi thực hiện pha nhảy khiến anh va mạnh vào bên hông tòa nhà vào hôm Chủ Nhật.

Một đoạn video do trang TMZ ghi nhận, trong đó cho thấy, sau khi va mạnh vào thành tòa nhà, nam diễn viên trèo lên nóc tòa nhà anh cần nhảy qua, tiến gần đến các nhân viên, trước khi “gục” xuống bằng đầu gối để hồi sức.

Sau đó, nhân viên phim trường kéo nam diễn viên về tòa nhà bên kia bằng dây kéo, và đưa ông ra khỏi góc quay của camera dưới sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Hiện chưa có thông tin chi tiết về độ nặng của vết thương.

Theo trang The Guardian, trong những phần trước đây của dòng phim “Mission: Impossible,” nam diễn viên Tom Cruise từng thực hiện các pha mạo hiểm như: leo lên tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, ở Dubai, vào năm 2011. Ngoài ra, nam diễn viên từng “bị buộc” bên ngoài chiếc máy bay Airbus 400 khi cất cánh, vào năm 2015.

Tom Cruise hiện đang thu hình cho phim “Mission: Impossible 6” tại London, Anh và dự tính ra mắt vào Tháng Bảy 2018 và do Christopher McQuarrie làm đạo diễn. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Việt Nam mua tên lửa hành trình của Ấn Độ

Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos mua của Ấn Độ. Đây là loại tên lửa chống hạm được đánh giá có hiệu quả và nguy hiểm nhất hiện nay trên thế giới.

Tờ World Tribune loan tin này vào ngày 14 tháng 8, cho biết thêm nước Nga, quốc gia đồng sản xuất hệ thống tên lửa hiện đại BrahMos với Ấn Độ, đã đồng ý hợp đồng mua bán loại vũ khí này giữa New Dehli và Hà Nội.

Cũng theo tờ World Tribune, chuyên gia Larkins Dsouza, người sáng lập Cục Hàng không Quốc phòng từ Ấn Độ cho biết Trung Quốc từng phải đối mạnh mẽ việc Hà Nội có thể sở hữu hỏa tiễn BrahMos. Theo vị chuyên gia này thì Bắc Kinh cho rằng việc Ấn Độ cung cấp hỏa tiễn Brahmos choViệt Nam chẳng khác nào hành động can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Hỏa tiễn Brahmos có thể phóng đi từ tàu ngầm, chiến hạm, máy bay hay từ đất liền. Việt Nam cho biết đang xem xét việc sử dụng loại hỏa tiển này từ 6 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga vừa qua. - RFA
|
|

15.
Phúc trình tự do tôn giáo Mỹ: VN hạn chế các nhóm chưa được công nhận


Phúc trình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 15/8 nhấn mạnh rằng chính quyền Hà Nội tiếp tục hạn chế sinh hoạt tôn giáo của các nhóm tôn giáo chưa được nhà nước công nhận, nghiêm trọng nhất là việc chính quyền Quận 2, TP. HCM cưỡng chế chùa Liên Trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Phúc trình dài 29 trang nói rằng Tổng thống, Ngoại trưởng, và Đại sứ Hoa Kỳ trong các cuộc họp với các quan chức cấp cao của Việt Nam đều kêu gọi Việt Nam tăng cường tự do tôn giáo hơn nữa.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Quốc hội Việt Nam, vào tháng 11/2016, đã thông qua Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng, dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2018. Tuy nhiên, cho đến nay luật này vẫn đang chờ một nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện.

Bản phúc trình nói rằng chính quyền tiếp tục hạn chế các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế của các nhóm tôn giáo được công nhận, dù ít nghiêm trọng hơn năm trước. Còn đối với các nhóm tôn giáo chưa có giấy chứng nhận đăng ký thì các hoạt động này rất hạn chế.

Vào tháng 6, Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận toàn quốc đối với Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Kytô (Mặc Môn).

Vào tháng 9, lần đầu tiên kể từ năm 1975, chính quyền cho phép Học viện Công giáo Việt Nam khai giảng khóa Cao học thần học ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bản phúc trình nói chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo.

Nổi bật nhất trong phúc trình tự do tôn giáo 2016 là việc chính quyền Quận 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cưỡng chế chùa Liên Trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào ngày 8/9/2016.

Bản phúc trình cũng nêu trường hợp gần 200 nhân viên chính quyền, công an, dân phòng, an ninh thường phục ngày 2/1/2016 đánh đập một số đan sĩ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mục sư Tin lành người Thượng Ksor Xiêm ở huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, bị công an đánh vì không chịu bỏ đạo vào tháng 12/2015; sau khi được thả về nhà ông đã chết vì thổ huyết vào đầu năm 2016, bản phúc trình cho biết.

Một trường hợp khác là bà Trần Thị Thúy, một tín đồ Hòa Hảo bị giam cầm ở trại An Phước, tỉnh Bình Dương liên tục bị từ chối điều trị khối u bướu trong tử cung và một vết thương ở bụng, dù đã yêu cầu nhiều lần.

Còn vào ngày 7/5/2016, Linh mục Nguyễn Văn Thế bị công an mặc thường phục hành hung bằng dùi cui và gậy sắt sau khi dâng lễ tại một một buôn làng người dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Hoa Kỳ hối thúc chính quyền các cấp cho phép tất cả các nhóm tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV), các hội thánh Tin lành, các nhóm Cao Đài, Hòa Hảo độc lập được tự do sinh hoạt và chấm dứt các hạn chế đối với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký.

Hoa Kỳ đồng thời hối thúc Hà Nội giải quyết một cách ôn hòa các vụ tranh chấp đất đai liên quan đến các tổ chức tôn giáo. - VOA
|
|

16.
Gần 200 người Thượng bị trục xuất về Việt Nam

Bị bác quy chế tị nạn, gần 200 người Thượng vượt biên sang Campuchia đã bị trục xuất về Việt Nam từ tháng Giêng 2017 cho đến nay, theo thông tin của một tổ chức phi chính phủ tại Hoa Kỳ.

Ông Ray Nong thuộc tổ chức The Montagnard Human Rights Organization ở North Carolina hôm thứ Hai 14/8 nói VOA rằng Hà Nội gây áp lực buộc Phnom Penh trục xuất gần 200 người Thượng hồi hương trong tám tháng qua:

“Từ tháng 1 cho đến nay có 200 người bị trục xuất. Có ngày 16 người, có ngày 20 người, có ngày 13 người, họ bị trục xuất từ từ từng nhóm nhỏ để tránh quốc tế biết. Họ bị áp lực từ Việt Nam và một phần từ Campuchia.”

Tờ Phnom Penh Post hôm 10/8 trích lời Cao Ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) nói rằng cơ quan này đã trục xuất hơn 120 người Thượng về Việt Nam.

Tờ báo này còn cho biết vừa qua chỉ có 3 người được cấp quy chế tị nạn ở Campuchia, và 13 người khác đã được đưa sang Philippines, và hiện còn lại khoảng 39 người ở Phnom Penh.

Ông Ray Nong nói chính phủ Việt Nam cử viên chức sang tận trại tị nạn của người Thượng tại Campuchia để vừa khuyên răn, vừa ép buộc họ phải hồi hương:

“Công an Việt Nam từ Buôn Ma Thuột, Pleiku sang tới trại tị nạn của Campuchia đe dọa buộc họ trở về, đừng có theo những người xấu ở Hoa Kỳ, tốt hơn là làm đơn tình nguyện hồi hương, nếu không sẽ bị áp đảo.”

Trong một đợt trục xuất gần đây nhất, tờ Cambodia Daily trích lời một cảnh sát nói rằng vào thứ Năm tuần trước, 13 người Thượng bị Campuchia từ chối yêu cầu xin tị nạn đã bị trục xuất về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế O’yadaw của Campuchia, thông qua cửa khẩu Lệ Thanh ở tỉnh Gia Lai.

Ông Chea Bunthoeun, Phó sở cảnh sát tỉnh Ratanakkiri nói rằng 13 người này nằm trong số một nhóm 16 người Thượng, đa phần theo đạo Tin lành, bị đàn áp tôn giáo và chính trị ở các tỉnh Tây nguyên Việt Nam.

Trong khi đó ông Tan Sovichea, phát ngôn nhân Cơ quan Di trú trực thuộc Bộ Nội vụ Campuchia vào ngày 8/6 nói với truyền thông quốc tế rằng chính phủ Campuchia không trục xuất 16 người Thượng này, việc trở về là do họ “tự nguyện” và được văn phòng Cao ủy Tị nạn LHQ ở Phnom Penh sắp xếp với bên Việt Nam sau khi xét thấy họ không hội đủ điều kiện để được cấp giấy tị nạn.

Trước đó, báo Nhân dân dẫn nguồn tin công an tỉnh Gia Lai loan tin rằng vào ngày 11/6 có 16 người và vào ngày 1/5 có 25 người vượt biên trái phép “tự nguyện” hồi hương thông qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ.

Tờ báo của Đảng Cộng sản nói rằng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) tại Thái-lan phối hợp chính quyền Vương quốc Campuchia và Công an Việt Nam hoàn tất thủ tục trao trả, tiếp nhận những người vượt biên trái phép tự nguyện hồi hương.

“Họ là những nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục vượt biên sang Campuchia trái phép bằng nhiều con đường khác nhau, để được qua một nước thứ 3, nuôi ảo vọng về một cuộc sống giàu có, sung túc, không phải lao động,” theo báo Nhân dân.

Báo Công an tỉnh Đăk Lăk tháng trước nói rằng những người này do do mắc mưu, nghe theo lời Fulro và các đối tượng xấu lừa mị đã vượt biên sang Campuchia vào năm 2015.

Ông Ray chia sẻ rằng khi về Việt Nam, những người Thượng này bị chính quyền theo dõi nghiêm ngặt và không còn đất đai để canh tác.

Tuy nhiên, ông Y Abel Knul, một thầy truyền đạo Tin Lành ở Buôn Tiêu, tỉnh Đăk Lăk nói rằng những người Thượng hồi hương không gặp trở ngại lắm:

“Nói chung, hiện tại đối với chính quyền thì họ không gặp nhiều khó khăn. Họ vẫn sinh hoạt bình thường. Chính quyền cũng không gây khó khăn đối với những người từ Campuchia trở về.”

Tuy nhiên, ông Y Abel xác nhận rằng một số người Thượng trở về không còn đất canh tác do đã bán đất lấy tiền trả cho người giúp họ vượt biên trước kia:

“Khi họ đi thì họ bán hết đất canh tác. Cũng có một số người phải lấy tiền đất, chung tiền để được dẫn đi vượt biên. Tôi biết một số người đã bị lừa.”

Theo ông Ray, một số người Thượng sợ hãi trước việc công an Việt Nam sang Campuchia đe dọa, nên đã tìm cách vượt biên sang Thái Lan:

“Có một số người từ chối hồi hương, họ tìm cách chạy qua Thái Lan. Hiện nay gần 400 người Thượng tị nạn bất hợp pháp tại Thái Lan, trong đó 6 người hiện đang ở trong tù.”

Nhưng sang Thái Lan tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Ray nói những người Thượng ở Thái Lan đang trong tình trạng khốn khổ và sống trong sợ hãi. Họ không nhận được trợ cấp mà phải tự sống ở thôn quê, làm công cho nông dân Thái. Tuy nhiên, gần đây Thái Lan ra quy định không được thuê lao động nhập cư bất hợp pháp.

Được biết từ năm 2001 khoảng trên dưới 3.000 người Thượng băng rừng chạy sang Campuchia với lý do được họ cho biết nhằm tránh bị đàn áp sau những cuộc biểu tình đòi quyền lợi đất đai và đòi tự do thờ phượng tại quê nhà họ ở các tỉnh Tây Nguyên.

Đa phần trong số họ đã cải đạo sang Tin Lành. Những người Thượng này nói với hãng tin Aljazeera rằng đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo sau năm 1975. - VOA
|
|

17.
Các dự án BOT ở Việt Nam có mờ ám?

Các dự án BOT về giao thông đường bộ ở Việt Nam có khả năng “phục vụ lợi ích nhóm”, một nhà quan sát từ Việt Nam nói trong bối cảnh người dân ngày càng phản đối các trạm thu phí BOT mà gần đây nhất là tình trạng tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí đường tránh thị xã Cai Lậy.

Trong lúc này, lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải hứa sẽ xem xét yêu cầu của tỉnh Tiền Giang về việc giảm phí sử dụng đường tránh thị xã Cai Lậy để giải quyết tình trạng khủng hoảng ở đây trong những ngày vừa qua.

BOT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Building-Operate-Transfer, tức là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao – một hình thức giao cho tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cho phép họ thu phí để hoàn vốn đầu tư cũng như sinh lợi.

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều dự án BOT cùng với chúng là các trạm thu phí rải từ bắc đến nam. Phần lớn các trạm thu phí này đi vào hoạt động suôn sẻ tuy nhiên gần đây đã xảy ra phản ứng đối với các trạm thu phí Bến Thủy ở Hà Tĩnh và Cai Lậy ở Tiền Giang.

Nhận định về các dự án BOT với VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, nói: “Việc làm BOT ở Việt Nam bây giờ là một cái tệ - Đó thực sự chuyển quyền thu phí, thu thuế của Nhà nước sang cho một số tư nhân. Đó không phải là một chính sách phát triển khôn ngoan.”

Ông A cho rằng những dự án hạ tầng cơ sở lẽ ra Nhà nước phải đứng ra làm và giám sát chặt chẽ nhưng Nhà nước lại vịn vào cái cớ không có tiền nên phải kêu gọi xã hội hóa nhưng “thực chất là bán đường cho tư nhân.”

“Nguy hiểm hơn nữa là các dự án BOT chuyển vào tay những người cánh hẩu hay có liên hệ với những người cầm quyền. Điều đó làm cho người dân bức xúc và gây ra những xáo trộn về mặt xã hội,” ông nói thêm.

“(Các dự án BOT) luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, móc ngoặc với chính quyền rất lớn,” ông nói.

Khi được hỏi liệu một mình Nhà nước có đủ sức đảm đương việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khi nhu cầu kinh tế-xã hội là rất lớn, ông A nói: “Tôi nghĩ là nếu Nhà nước làm và làm khéo thì chắc chắn sẽ không bị thất thoát như việc bán hạ tầng cơ sở cho tư nhân.”

Ông A cũng khẳng định rằng ông không phản đối các dự án BOT nhưng ông cho rằng “cần giám sát chặt chẽ” và “cần công khai minh bạch”.

Theo ông A thì để công bằng cho người tham gia giao thông thì các dự án BOT “nên làm đoạn mới hoàn toàn” và để cho người dân có sự lựa chọn muốn dùng hay không dùng đoạn đường BOT. Ông cũng lên án việc “chủ đầu tư chỉ làm sơ sơ mà cũng dựng trạm thu phí” và cho rằng “đây là việc bóc lột nhân dân”.

Về phản ứng của cánh tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí đường tránh Cai Lậy, ông A cho rằng các tài xế “sử dụng quyền hợp pháp của mình để phản ứng những điều bất hợp lý”.

Khi được hỏi hành động phản đối của các tài xế có làm ảnh hưởng đến lợi ích của những người tham gia giao thông khác cũng như cả cộng đồng, ông A trả lời: “Việc làm như thế trong một thời gian nhất định có làm ùn tắc giao thông, nhưng đó là cái giá phải chịu. Nếu người ta bỏ việc thu phí ít nhất trong thời gian trước mắt thì sẽ giải tỏa được ách tắc giao thông.”

Về cách giải quyết tình hình ở trạm thu phí Cai Lậy, ông A nói rằng “con đường mới tốt (tức đường tránh thị xã Cai Lậy) thu phí không sao” nhưng “không được thu phí (Quốc lộ 1) đã có từ trước.”

Riêng về khoản 300 tỷ mà nhà đầu tư nói họ đã dùng để nâng cấp Quốc lộ 1 để làm cơ sở đặt trạm thu phí ở Quốc lộ 1 cho tuyến đường tránh, ông A yêu cầu “nhà đầu tư phải công khai tất cả mọi chi phí”.

Trạm thu phí tuyến đường tránh Cai Lậy đã đi vào hoạt động từ ngày 1/8 nhưng đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của giới tài xế với lý do là phí quá cao và vị trí đặt trạm khiến những người không dùng tuyến đường tránh cũng phải trả phí.

Tuy nhiên, nhà đầu tư giải thích rằng do thời gian họ được phép thu phí ngắn nên họ phải đẩy phí cao lên và họ cũng đã bỏ tiền ra nâng cấp 26km đường Quốc lộ 1 qua Thị xã Cai Lậy nên họ phải đặt trạm trên Quốc lộ 1.

Trong lúc này, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết đã mời nhà đầu tư ra Hà Nội để bàn phương án giải quyết các đề xuất của tỉnh Tiền Giang và người dân, báo mạng VnExpress đưa tin.

"Đề xuất của địa phương là giảm từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng, nhà đầu tư sẵn sàng. Suy cho cùng thì vẫn là một tủ tiền đấy, thay vì phương án thu gần bảy năm thì kéo dài 12 - 13 năm," ông Nghĩa được dẫn lời nói. - VOA
|
|

18.
Những 'căn cứ' nào của VN ở Trường Sa có thể bị tấn công?

Việt Nam hiện có 48 cơ sở trên 27 đảo, bãi đá và bãi ngầm ở khu vực Quần đảo Trường Sa, theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), một tổ chức chuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích và trao đổi chính sách về các vấn đề an ninh hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).

Con số này không bao gồm hai cơ sở xây cất trên Đá Núi Le (tên tiếng Anh là Cornwallis South Reef) vốn bị bão gây hư hại hồi cuối năm 2015 và hiện không rõ bị bỏ hoang hay là không, bài viết đăng đầu tháng Tám 2017 của AMTI nói.

Sự quan tâm quốc tế nổi lên sau các tường thuật được đưa ra trong thời gian cuối tháng Bảy theo đó nói Việt Nam buộc phải ngưng các hoạt động dầu khí ở Lô 136-3 ở Bãi Tư Chính (tên tiếng Anh là Vanguard Bank) do sức ép từ Trung Quốc.

Việt Nam đã tiến hành xây cất, cơi nới, bồi đắp trên 10 trong số các đảo, bãi đá mà Hà Nội nắm quyền kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa, và tính đến nay, Việt Nam đã bồi đắp được thêm 120acre diện tích tại các địa điểm này, theo AMTI.

Tuy nhiên, đáng chú ý là đa phần cơ sở mà Việt Nam xây cất tại Quần đảo Trường Sa không nằm trên các hòn đảo mà chủ yếu được dựng nổi trên các bãi ngầm, các rặng đá, AMTI nói, bởi vậy, các 'tiền đồn' này cực kỳ dễ bị tấn công trong lúc khả năng phòng ngự hoặc giao nhận đồ tiếp tế lại khá hạn chế.

Ý thức được điểm bất lợi, kể từ 2014, khi quan hệ Việt - Trung xấu đi trầm trọng sau vụ Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là của mình, Việt Nam đã mở rộng các cơ sở trên biển. Tuy nhiên, mức độ tăng cường mới chỉ được thực hiện ở quy mô khiêm tốn.

Phóng viên BBC Bill Hayton trong bài tường thuật hôm 24/7 dẫn nguồn trong ngành dầu khí Á châu theo đó nói rằng giới lãnh đạo của Repsol, nhà thầu dầu khí ký hợp đồng thăm dò khai thác ở Lô 136-3 với Việt Nam "được chính phủ tại Hà Nội thông báo rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò".

Tuy nhiên, Bill Hayton cũng nói với BBC Tiếng Việt rằng nguồn tin của ông không cho biết thêm chi tiết về mối đe dọa này, cũng như các căn cứ nào của Việt Nam có thể là đối tượng bị tấn công.

Các địa điểm Việt Nam kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa

Dựa trên các thu thập và phân tích dữ liệu qua vệ tinh, AMTI nói rằng tại nhiều địa điểm, Việt Nam đã xây phức hợp nhiều cơ sở trên cùng một bãi ngầm hoặc rặng đá, khiến người ta khó có thể xác định được chính xác là Hà Nội thực sự đang chiếm giữ bao nhiêu đảo, bãi đá, bãi ngầm.

Trong một bài viết đăng hồi giữa năm ngoái, trang Diplomat dẫn nguồn báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, số ra ngày 22/4/1988 nói rằng Việt Nam kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu với Trung Quốc hôm 14/3/1988 trong trận hải chiến Gạc Ma, chiếm giữ tổng số 21 đảo, bãi đá, bãi ngầm lớn nhỏ ở Trường Sa.

Trong số 21 thực thể này, có 9 là các đảo nổi, và 12 là đảo chìm mà Việt Nam có các công trình được xây trên đó.

Việt Nam nói họ duy trì 33 điểm đóng quân tại Trường Sa, trong lúc giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam lâu năm dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói Việt Nam có 48 cơ sở tại đây.

AMTI cũng xác định Việt Nam hiện đã xây dựng được 48 'tiền đồn', nhưng là trên 27 thay vì chỉ 21 thực thể trên biển. - BBC
|
|

19.
Lãnh đạo VN phải 'không cơ hội, vụ lợi'

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên "có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước", theo truyền thông tại Việt Nam.

Toàn văn quy định chưa được tiết lộ. Tuy vậy, báo chí nói cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý "phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Ngoài ra, các cán bộ cao cấp này phải tuân thủ các điều như "sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư".

"Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt."

"Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", ''tự chuyển hóa" trong nội bộ."

"Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi."

Truyền thông nhà nước nói ngoài quy định chung, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh cao cấp.

Bình luận trên báo Việt Nam, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương nói: "Nếu cán bộ có tham vọng quyền lực thì dễ tìm mọi cách, mọi cơ hội để chạy chức, chạy quyền nhằm thăng quan, tiến chức."

Yêu cầu "tuyệt đối không tham vọng quyền lực" cũng trở thành đề tài bàn luận trên Facebook.

Một số người đã đăng trên Facebook, tự nhận họ "không có tham vọng quyền lực", dường như là cách bình phẩm hài hước. - BBC
|
|

20.
Singapore phạt roi ba Việt kiều Anh vì tội tấn công tình dục

Ba người Anh gốc Việt bị kết án tù và nhận roi vọt tại Singapore vì đã quan hệ tình dục với một phụ nữ say xỉn.

Khong Tam Thanh, Vu Thai Son và Michael Le vừa phải ra tòa tuần này vì tội hãm hiếp một phụ nữ trong phòng khách sạn ở Singapore hồi tháng 9/2016.

Ba người đàn ông này, đều ở độ tuổi 20, sau đó đã nhận tội để xin giảm án.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoo Sheau Peng lên án hành động của ba thanh niên này và kết án họ từ 5 năm rưỡi đến 6 năm rưỡi tù giam, hãng tin AFP đưa tin.

Mỗi người cũng phải chịu từ năm đến tám lần vọt roi. Vọt roi là hình phạt có từ thời thuộc địa Anh ở Singapre. Người chịu phạt bị vọt mạnh bằng một roi nan.

Ba người đàn ông này bay đến Singapore tháng 9/2016 cùng một nhóm bạn để dự một buổi tiệc trước ngày cưới cho chú rể, anh trai của Khong.

Sau khi dự một lễ hội âm nhạc điện tử, họ gặp một phụ nữ người Malaysia 23 tuổi trong hộp đêm. Cô này đồng ý quan hệ tình dục với một người trong nhóm tại phòng khách sạn của anh ta.

Sau đó cô thiếp đi, và ba người đàn ông nói trên lần lượt hãm hiếp cô.

Cô tỉnh dậy khi Michael Le đang nằm trên người cô, và đi báo cảnh sát sau đó.

Ban đầu, sau khi đã nhận tội và xin giảm án, ba người đàn ông này bị kết tội dâm ô và khống chế người trái phép, truyền thông Singapore đưa tin.

Phóng viên Karishma Vaswani của BBC tại Singapore nói ba người này tỏ ra nhẹ nhõm ra mặt sau khi thẩm phán tuyên án.

Cô Vaswani nói vụ án này đã gây tranh cãi ở Singapore, với nhiều người đặt câu hỏi trên mạng xã hội vì sao mấy người Anh gốc Việt này lại được giảm án. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments:

Post a Comment

View My Stats