Đăng ngày 10-08-2017
Tạp
chí Anh The Economist (ngày 05/08/2017) đăng trên trang bìa
hình ảnh biếm họa “cây nấm” hạt nhân nổ tung trên trời, từ đó
lộ ra một bên là khuôn mặt của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, còn bên kia
là tổng thống Mỹ Donald Trump đang gườm gườm quan sát nhau. Phía dưới là ba từ
nhỏ : “It could happen” (Điều này có thể xảy ra).
Theo Pierre Haski, tác giả bài viết “Tại sao
có thể xảy ra chiến tranh với Bắc Triều Tiên?” trên trang l’Obs (07/08/2017),
hình ảnh biếm họa đó tóm tắt tuyệt vời tính chất phức tạp của hồ sơ hạt nhân Bắc
Triều Tiên. Theo ông, trong mọi rủi ro trên trái đất, nguy cơ xảy ra một cuộc
chiến xung quanh và vì vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đang ở mức cao nhất, dù
trước đó, ông luôn đồng tình với ý kiến, mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân hay bắn
tên lửa, thì một cuộc xung đột vẫn là điều không thể, ngay cả khi nhiều người
đưa ra giả thuyết Thế Chiến thứ ba.
Nếu
xảy ra chiến tranh, “tất cả đều thua cuộc”
Thời thế đã thay đổi, trước hết là Donald Trump được
bầu làm tổng thống Mỹ. Tân chủ nhân Nhà Trắng là người vừa “dốt đặc” về
địa chính trị, vừa bốc đồng và khó lường. Tiếp theo là thế lực đang lên như diều
gặp gió của Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong vòng 30 năm
gần đây. Trở thành nhân vật số một của đảng Cộng Sản từ năm 2012, ông đang chuẩn
bị tiếp tục thêm một nhiệm kỳ 5 năm vào kỳ đại hội diễn ra vào tháng 09/2017.
Tạp chí The Economist cũng dựng nên
một kịch bản chiến tranh dựa trên sự giao thoa giữa hành động khiêu khích của
Kim Jong Un và thái độ hống hách bốc đồng của Donald Trump. Thế nhưng, theo
Pierre Haski, kịch bản của The Economist kết thúc chẳng tốt đẹp
gì, vì một cuộc tấn công mang tính trừng phạt của Mỹ nhắm vào những khu vực
quân sự của Bắc Triều Tiên sẽ khiến Bình Nhưỡng trả đũa bằng hạt nhân vào Hàn
Quốc. Nếu Mỹ cũng đáp trả Bắc Triều Tiên bằng hạt nhân, thì không chỉ Kim Jong
Un chết, mà hàng trăm nghìn người dân miền Bắc cũng thiệt mạng. Và như tạp chí
Anh nhấn mạnh, “tất cả các bên đều thua cuộc!”
Thảm kịch này sẽ là hậu quả của việc lần đầu tiên
nguyên tử được sử dụng vì mục đích quân sự kể từ năm 1945 sau hai thảm họa
Hiroshima và Nagasaki và sự buông lỏng loại vũ khí răn đe từ thời điểm đó. Thảm
kịch này có vẻ thái quá, nhưng không phải hoàn toàn phi thực tế. Trước hết, vì
Bắc Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ thật sự, không chỉ về quá trình làm chủ
vũ khí nguyên tử, mà còn về công nghệ vũ khí đạn đạo. Tiếp theo, là vì, trong hồ
sơ này, chỉ có những giải pháp xấu, nên có nguy cơ lựa chọn giải pháp xấu nhất.
“Người
bạn mới” Tập Cận Bình phớt lờ yêu cầu của Trump
Hoa Kỳ có thể cảm thấy bị đe dọa bởi một quốc gia suốt
ngày rao giảng lòng căm thù đối với Mỹ. Hơn nữa, Bắc Triều Tiên đang gần đến
lúc làm chủ khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa có thể tấn công tới bờ
Tây của Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng đã có thể, hoặc sắp có thể, tấn công được những mục
tiêu gần như Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng, thậm
chí xa hơn là lãnh thổ Hawaï của Mỹ.
Đầu năm 2017, sau vụ thử tên lửa đầu tiên của Bắc
Triều Tiên trong nhiệm kỳ của tân chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump viết trên
Twitter : “Điều này sẽ không xảy ra nữa”. Lời khẳng định mà đến bây
giờ vẫn khó biến thành hành động, thêm vào đó là những từ ngữ hung hăng trên một
dòng tweet càng khiêu khích Kim Jong Un muốn tiếp tục vì chắc rằng thu hút được
sự chú ý của người được cho là quyền lực nhất thế giới.
Lúc đầu, Donald Trump cho rằng đã tìm được một giải
pháp đơn giản với Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên vì tưởng đã thuyết
phục được "người bạn mới" Tập Cận Bình vào tháng
04/2017 tại Mar-a-Lago, bang Florida, giữa miếng pho-mát và trái lê, và nhất là
thông báo bắn 59 tên lửa Tomahawk vào Syria trong lúc ăn tráng miệng với đồng
nhiệm Trung Quốc.
Sau vài tin tweet có vẻ khích lệ, Donald Trump lại
viết tweet thể hiện thái độ bực mình khi thấy Trung Quốc từ chối sử dụng thực sự
ảnh hưởng để thuyết phục Bình Nhưỡng, dù Bắc Kinh và Washington cùng thông qua
những biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên tại Hội Đồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc.
Bắc
Triều Tiên trong chiến lược châu Á của Trung Quốc
Điều mà Donald Trump thấy khó hiểu, đó là Trung Quốc
đặt Bắc Triều Tiên vào chiến lược chung về châu Á, mà không phải là một vấn đề
tách biệt. Điều này giải thích tại sao, dù có lợi thế là điểm trung chuyển chất
đốt và tiếp viện cho Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh vẫn từ chối khóa tay một nước mà
từ lâu không còn được coi là một "đồng minh" nữa,
cho dù giữa hai nước vẫn tồn tại thỏa thuận hữu nghị, hợp tác và tương trợ, được
ký vào năm 1961, dưới thời Mao Trạch Đông. Cần nhắc lại là Mao đã mất một người
con trai trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong đó có khoảng một triệu
lính "tình nguyện" Trung Quốc tham chiến.
Hiện tại, Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh để đòi lại vai
trò cường quốc thống trị ở châu Á, vai trò bị Mỹ chiếm từ năm 1945. Với Trung
Quốc, đây chỉ là vấn đề lập lại trật tự của mọi việc, chấm dứt một thế kỷ rưỡi
từ khi tiếp xúc với phương Tây mà kết quả là đã đánh bật sự thống trị của Trung
Quốc tại châu Á.
Trong nhãn quan của Trung Quốc, phải tránh để Hoa Kỳ
tận dụng sự kiện chế độ Bình Nhưỡng có thể sụp đổ, tiếp theo là hai miền Triều
Tiên thống nhất dưới sự chỉ đạo của Hàn Quốc, mạnh hơn về kinh tế, để giúp
Washington mở rộng ảnh hưởng trên toàn bán đảo. Đây chính là cơn ác mộng đối với
Bắc Kinh và buộc Bắc Kinh phải triển khai lực lượng quân sự hùng mạnh tại phía
nam tới biên giới.
Hành
động đơn phương hay ngoại giao
Ở thành phố Đan Đông (Dandong) của Trung Quốc, cách
thành phố Sinuiju của Bắc Triều Tiên bằng con sông Áp Lục (Yalu), điểm trung
chuyển chính giữa hai nước, người Trung Quốc vẫn giữ kỷ niệm sâu cay về bộ
khung cây cầu thép bị bom Mỹ phá hủy trong cuộc chiến Triều Tiên. Một cây cầu
hiện đại được xây bên cạnh nhưng cây cầu cũ trở thành một di vật mang ý nghĩa
chính trị rõ ràng.
Nhà báo Pierre Haski, dẫn lời một chuyên gia hiểu rõ
tâm trạng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cho rằng trong trường hợp Mỹ tấn
công chế độ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh sẽ cho triển khai quân trên lãnh thổ Bắc Triều
Tiên, có thể đến tận vĩ tuyến 28 chia cắt hai miền Nam-Bắc sau thỏa thuận đình
chiến năm 1953, để tránh chế độ của Kim Jong Un sụp đổ, dẫu rằng vẫn có cái
nhìn coi thường đối với tầng lớp lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Vậy Donald Trump có thể làm được gì? Nguyên thủ Mỹ
có thể phớt lờ tất cả các yếu tố này và vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận “việc
đã rồi” về chủ thuyết đơn phương hành động của Mỹ như đã từng làm
trong quá khứ… Tính toán này có nhiều rủi ro. Khả năng này bị các tướng lĩnh và
ngoại trưởng Rex Tillerson phản đối rõ ràng, nhưng lại có vẻ “cám dỗ” tổng
thống Mỹ, đang thất bại trên nhiều “mặt trận” khác, để đạt được
một thành công mà ông cho là “dễ dàng” ở miền đất chẳng khiến
ông quan tâm.
Hoặc cũng có thể ông đi theo con đường ngoại giao đã
từng thử nghiệm trong quá khứ, dù cũng thất bại, song vẫn là cách tốt nhất để
giải quyết một vấn đề kiểu này. Như trong hồ sơ nguyên tử với Iran, các nhà đàm
phán của nhóm 5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp
Quốc : Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) cũng phải mất nhiều năm để
đạt được thỏa thuận với Teheran, dù đúng là Donald Trump đang muốn phá thành quả
của người tiền nhiệm Obama.
Khác với Iran, Bắc Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân
và một thỏa thuận chắc chỉ để xác nhận điều này, đưa vấn đề vào khuôn khổ và vô
hiệu hoá vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng chừng nào còn có thể.
Kỷ
nguyên “hậu Mỹ”
Từ Bill Clinton, mỗi đời tổng thống Mỹ đều tìm cách
đàm phán với chính quyền Bắc Triều Tiên. Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright
thậm chí được chào mừng tại một sân vận động ở Bình Nhưỡng vào lúc đàm phán được
cho là tiến triển. Nhưng Bắc Triều Tiên chưa bao giờ tôn trọng các cam kết ngừng
phát triển vũ khí nguyên tử, vì nghi ngờ phía Mỹ không từ bỏ ý định “thay
đổi chế độ” nhằm lật đổ dòng họ Kim ở Bình Nhưỡng.
Có rất nhiều khúc mắc cần được giải quyết, trong đó
một số mang tính chính trị và pháp luật, như chính thức chấm dứt tình trạng chiến
tranh từ năm 1953, vì giữa hai miền không có một hiệp định hòa bình nào mà chỉ
là một thỏa thuận hưu chiến. Một số vấn đề khác mang tính địa chính trị như vị
trí tương ứng của Mỹ và Trung Quốc tại châu Á. Cuối cùng, những lo lắng khác
mang tính tâm lý, như việc hiểu rõ được các ý định xấu của nhau.
Vấn đề ở chỗ, như một nhà phân tích Úc từng nhấn mạnh,
là “Trump không có chính sách về châu Á và chắc hẳn sẽ không có”.
Và đây chính là một trở ngại lớn. Nhà phân tích Michael Wesley, thuộc đại học
quốc gia Úc, nhấn mạnh rằng “Trump quan sát châu Á khác với các tổng thống
Mỹ từ thời Theodore Roosevelt. Các nhà tiền nhiệm xem châu Á là điểm cốt yếu
cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ, Trump thì lại nghĩ rằng châu Á phát triển nhờ
khai thác tính hào phóng của Mỹ”. Vẫn theo ông Wesley, cách nhìn này, hay
đúng hơn là thiếu tầm nhìn, đưa châu Á vào kỷ nguyên “hậu Hoa Kỳ”,
và đẩy các nước châu Á tỏ ra dễ dãi hơn trước sức mạnh Trung Hoa đang trỗi dậy.
Ngoài tính khí kỳ quặc của Kim Jong Un và mối nguy
hiểm thực sự của nguyên tử Bắc Triều Tiên, điều cốt yếu là những gì đang diễn
ra đằng sau cuộc đọ sức với Donald Trump. Đó là điều biến cuộc xung đột tiềm
tàng này trở thành nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay, và biến lời tiên tri
trên trang bìa tạp chí The Economist trở nên đáng tin, đồng thời
vẫn hy vọng lời tiên tri sẽ không thành hiện thực.
*
LIÊN QUAN :
LIÊN QUAN :
No comments:
Post a Comment