Wednesday, 9 August 2017

BẢN TIN NGÀY 9/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA đặt câu hỏi: Việt Nam có thể ngả về Mỹ chống TQ ở Biển Đông? Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu thêm sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai nước, liệu Mỹ có chấp nhận giúp một nước cộng sản chống lại một nước cộng sản khác hay không? Cũng như câu hỏi, quyền lợi giữa Mỹ với TQ so với quyền lợi giữa Mỹ với Việt Nam, bên nào lớn hơn?

RFA có bài: Tàu chiến USS San Diego cập cảng Cam Ranh. “Chặng dừng chân của tàu Hải quân Hoa Kỳ USS San Diego tại cảng Cam Ranh lần đầu tiên được cho là đánh dấu thêm bằng chứng thể hiện chiều sâu của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua tăng cường quan hệ dân sự và quân sự“.

Tàu chuyển quân đổ bộ USS San Diego. Ảnh: Hải quân Mỹ

Về thông tin: Ngoại trưởng Trung-Việt có gặp nhau tại Manila hay không? Báo chí trong nước và nước ngoài đưa tin khác nhau, nơi nói có, chỗ nói không. Thật ra thì ông Vương Nghị và ông Phạm Bình Minh có gặp nhau, nhưng không có cuộc họp song phương như kế hoạch. Họ chỉ gặp nhau bên lề, nghĩa là “kéo nhau ra một bên để nói chuyện, và công bố ảnh hai ông Vương Nghị và Phạm Bình Minh bắt tay nhau“, mà chẳng bàn bạc gì cả.

Báo China Daily công kích Việt Nam: Việt Nam lạc điệu so với tất cả các nước ASEAN còn lại. Bài báo viết, “Hà Nội đã có một phát biểu thiếu hài hòa hơn bởi đạo đức giả, cố gắng đưa ngôn ngữ cứng rắn để chỉ trích việc xây dựng đảo của TQ ở Biển Đông, một điều mà Việt Nam đã làm trước, dẫn đến sự chậm trễ trong việc đưa ra tuyên bố chung hôm thứ Bảy. Nhưng không một nước thành viên ASEAN nào có cùng quan điểm, nên các cụm từ đề nghị của Việt Nam không được đưa vào thông cáo, công bố hôm Chủ nhật“.

RFI có bài tóm lược: Báo Trung Quốc đả kích Việt Nam vì chống Bắc Kinh tại ASEAN. Trích: “Việt Nam giống như một kẻ đi ăn trộm nhưng lại hô ‘bắt trộm’ vì Việt Nam cũng bồi đắp đảo đá tại Biển Đông trong những năm gần đây, đồng thời tăng cường quân đội trong khu vực”.

Về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), đài VOV có bài: TS Trần Việt Thái: “Không nên đặt tất cả kỳ vọng vào COC”. TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, thuộc Học viện Ngoại giao, nói rằng, cho dù có xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thành công đi nữa, thì COC vẫn chỉ là một bộ quy tắc ứng xử, không có giá trị nhiều.

Về mặt pháp lý, COC không thể bằng UNCLOS và mức độ giá trị của nó cũng bị giới hạn. COC chỉ có thể giúp duy trì hòa bình ổn định, “đóng góp vào định hướng trong quản lý thái độ và cách hành xử của các nước trên Biển Đông“. COC không phải là công cụ để xử lý các tranh chấp, “càng không phải là công cụ để giải quyết tranh chấp liên quan đến tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ“.

Chuyện đàm phán COC, Facebooker Hưng Phạm Ngọc cho rằng: “Cách TQ đặt điều kiện không có ‘cường quốc bên ngoài’ can thiệp mới đồng ý đàm phán, cho thấy ý định sử dụng quá trình đàm phán để gạt Mỹ, Nhật ra ngoài. Thế nên, trong trò chơi ngôn từ sắp diễn ra, chìa khóa được ngầm hiểu là cụm từ ‘cường quốc bên ngoài’ mà thấy trước là ASEAN có khả năng cao thua cơ một lần nữa“.

Trang Diplomat có bài: Có phải Trung Quốc thắng tại Hội nghị các bộ trưởng ASEAN ở Manila? Bài viết cho biết, trong một buổi họp báo ở Manila, Ngoại trưởng TQ, ông Vương Nghị gọi hội nghị thượng đỉnh ASEAN là “cuộc họp thành công với bầu không khí rất tích cực và thân thiện“. Ông Vương nói thêm rằng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN đã “bước vào một giai đoạn mới, phát triển toàn diện“. BBC có bài tóm lược các tờ báo nước ngoài: Diễn đàn ASEAN có lợi cho Trung Quốc?


Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Blogger Lê Anh Hùng có bài: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tương lai nào cho Trần Đại Quang? Về tin đồn Trịnh Xuân Thanh trốn thoát khỏi Việt Nam là nhờ Chủ tịch nước Trần Đại Quang bật đèn xanh, ông Hùng cho biết, từ khi ông Thanh bị bắt cóc đưa về nước đến nay, chỉ một lần duy nhất, ông Quang xuất hiện trên truyền thông hôm 26/7. Tác giả lo ngại, có khả năng “ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước“.

Chuyện xin tị nạn của Trịnh Xuân Thanh, trang Luật Khoa có bài lý giải: Vì sao Trịnh Xuân Thanh có thể xin tị nạn chính trị ở Đức? Và vì sao Đức giận dữ với Việt Nam? Ông Thanh có thể xin tị nạn ở Đức, vì “một người vẫn có quyền xin tị nạn chính trị ở một nước khác khi đang bị chính quốc gia của mình truy nã“.

Do Đức đã bãi bỏ án tử hình, nếu ông Thanh chứng minh được ông sẽ không được xét xử công bằng khi bị dẫn độ về nước và ông có thể nhận bản án tử hình, thì ông Thanh có cơ hội tị nạn. Trong khi chính phủ Đức cân nhắc đơn xin tị nạn của Trịnh Xuân Thanh, cũng như xem xét yêu cầu dẫn độ của chính phủ Việt Nam, hướng dẫn VN các thủ tục pháp lý cho việc dẫn độ ông Thanh, thì Việt Nam đột ngột bắt cóc ông ta, điều này đã làm cho Đức giận dữ.
Trong khi Đức điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đến lượt Cộng hòa Czech cũng điều tra vụ này. Theo VOA đưa tin, phát ngôn viên của Cảnh sát Cộng hòa Czech cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng cảnh sát đang xử lý hồ sơ này. Tuy nhiên, vì lý do nghiệp vụ, chúng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết”.

Trên trang mạng Thời Báo đăng bài viết của tác giả Thục Quyên có tựa đề: Đối trị nhà cầm quyền Việt Nam, làm sao khỏi hại đến dân? Theo tác giả, “Đức cũng thừa biết Việt Nam nếu mất thêm sự ủng hộ của Âu Châu sau khi đã bị Mỹ lơ là, thì càng nhanh chóng bị Trung Quốc khống chế. Nhưng đồng thời khuynh hướng chống những chính phủ độc tài có hành động khủng bố (với dân của họ), dù phải hy sinh những lợi ích kinh tế của Đức, càng ngày càng quyết liệt“.

Tác giả kêu gọi những người dân Việt, “thay vì đuổi theo những tin tức giật gân vô bổ về nhân vật Trịnh Xuân Thanh, nên dành thời gian suy nghĩ để đóng góp ý kiến cho ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, mà cũng là để giúp chính mình, trong tình thế tối đen của dân tộc“.

Vụ bà Hồ Thị Kim Thoa
Báo trong nước đưa tin, Ban Bí thư của Đảng đã quyết định miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Thoa.


Đảng CSVN lừa dân
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có bài viết: Lừa đảo dân. Ông Chênh thắc mắc, tại sao hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng luôn gọi Trung Quốc, Cu Ba, Nga là “chỗ bạn tốt, tin cậy, ưu việt,…” nhưng khi mắc bệnh thì không dám qua đó chữa, mà phải chạy qua mấy nước “tư bản giãy chết?”

Ông Chênh viết: “Nhưng điều đáng nói ở đây là các bác trắng trợn lừa người dân. Các bác biết mấy nước cộng sản hoặc đã từng kinh qua cộng sản thân thiết ấy cũng giống như Việt Nam, trình độ y tế chẳng ra gì, dịch vụ tệ hại, lương tâm nghề nghiệp yếu kém, tình người thiếu vắng, nhưng các bác cứ hô lên là tốt đẹp để tuyên truyền cái định hướng XHCN là ưu việt“.

Còn đây là những người đã từng “ở trong chăn” của đảng CSVN đã bị lừa ra sao: Những nhân sĩ trí thức theo đảng cộng sản sau cách mạng tháng Tám.

Ông Bùi Tín, cựu Đại tá QĐND Việt Nam, cho biết: “Cha tôi lúc đó không hiểu gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản đâu. Sau này nghĩ lại thì cũng có thể nói rằng cha tôi bị ông Hồ Chí Minh lừa dối. Lừa dối theo cái nghĩa là ông Hồ Chí Minh giấu rất kỹ tung tích cộng sản của mình. Cũng được hưởng vinh danh, cũng được sử dụng lại với chính quyền mới, nhưng về cơ bản là bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối...”

Về phiên tòa xử 14 cán bộ xã Đồng Tâm
Theo tin từ báo Dân Trí, sáng 8/8, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức đưa ra xét xử 14 bị cáo là cựu cán bộ xã Đồng Tâm và cán bộ huyện Mỹ Đức về 2 tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng truy tố, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, một số cựu cán bộ chủ chốt của xã “vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định“.
Như độc giả đã biết, vụ xử 14 cựu cán bộ hôm nay, không liên quan gì đến vụ khủng hoảng Đồng Tâm hồi tháng 4. TS Nguyễn Quang A nhận định, vụ xử này chỉ “để lót đường cho vụ khủng bố bà con Đồng Tâm. Nếu là vụ liên quan đến Đồng Tâm thì phải đưa kẻ đã ký quyết định bắt cụ Kình và ba-bốn người ở Đồng Tâm, cũng như mấy kẻ đã ra tay hành hung cụ Kình ra tòa xét xử…“.

Facebooker Trịnh Anh Tuấn cũng đã cung cấp 22 trang cáo trạng của VKS Nhân dân huyện Mỹ Đức. Anh Tuấn cho biết: “Điểm đặc biệt là toàn bộ cáo trạng thể hiện những sai phạm KHÔNG liên quan đến khu vực đất Đồng Sênh tranh chấp giữa người dân và Viettel thời gian qua. Việc mua bán, chia chác này thuộc nhiều khu vực khác tại xã Đồng Tâm“.

Facebook Công Lê có đăng tải một video clip phát trực tiếp, trong đó, ông Lê Đình Kình cho biết, dù là nguyên đơn, nhưng ông và người dân xã Đồng Tâm không hề biết gì về thời gian mở phiên tòa này, cũng như 14 người bị mang ra xét xử này không liên quan đến đất quốc phòng. Họ là những người dùng đất nông nghiệp Đồng Tâm ở vị trí khác để trao tặng nhau:


Mời xem clip phiên tòa xét xử 14 cán bộ Đồng Tâm: https://www.youtube.com/watch?v=mdrC7G52vjg

Lũ lụt ở Tây Bắc
Nhà văn Võ Thị Hảo có bài: Ai bỏ qua thủ phạm “giết người hàng loạt”? Tác giả nói rằng, những trận lũ lớn nhất ở VN hàng ngàn năm qua, cũng không thể tàn phá đất nước, giết chết người dân nhiều như hiện nay. Bà Hảo nói rằng, ũ lụt đang xảy ra ở VN trong mấy năm qua là do thủy điện, và “chỉ có ‘bom nước’ thủy điện, từ những bàn tay giết người máu lạnh mới có thể tạo ra những tàn phá kinh hoàng tựa ngày tận thế như vậy“.

Tác giả viết: “Cần chỉ rõ thủ phạm. Cần theo đuổi đến cùng thủ phạm. Kẻ cấm đoán báo chí đưa tin là tội ác và phải bị đưa ra trước vành móng ngựa cùng những kẻ máu lạnh xả lũ giết người hàng loạt. Vì mạng người là vô giá. Vậy mà đã hàng loạt người, và sẽ còn hàng loạt người nữa, ngay đây thôi, và sau này, sẽ chết hoặc dở sống dở chết vì những thủ phạm này nếu chúng ta tiếp tục im lặng“.


Mời xem clip lũ lụt kinh hoàng ở Tây Bắc: https://www.youtube.com/watch?v=amJuFQBbdYo

Thảm họa Formosa
Facebooker Phạm Thanh Nghiên cho biết, Facebooker Võ Hồng Ly, một người bền bỉ tranh đấu, bảo vệ môi trường, chống Formosa. Cô Nghiên viết: “Hầu như tuần nào vào các ngày Chúa Nhật trong suốt gần một năm qua tôi cũng thấy Ly cầm khẩu hiệu bảo vệ môi trường, chống Formosa, có lúc là khẩu hiệu đòi nhân quyền – trên đường phố. Một mình, chỉ một mình Ly thôi, bền bỉ và quả cảm“.

Một trong những hình ảnh của cô Võ Hồng Ly. Ảnh: FB Phạm Thanh Nghiên

Về thông tin phản đối Formosa, VOA có bài: Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình bị truy tố thêm tội danh. Ông Bình là người tích cực tham gia các hoạt động phản đối công ty Formosa, đã gây thảm họa môi trường biển miền trung ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông đã bị một nhóm công an bắt hôm 15/5/2017, khi ông đang ở trên xe ô tô, cùng với linh mục Nguyễn Đình Thục. Ông đã bị giam ở Nghệ An, sau đó chuyển ra trại giam B14 ở Hà Nội.

Vĩnh Tân, tàn phá môi trường
Báo Bình Thuận: Đất nhiễm mặn, ngập úng, ô nhiễm quanh khu vực bãi xỉ Vĩnh Tân: Cần có sự giám sát chặt chẽ. Ông Phan Văn Tuấn, một người dân ở gần bãi xỉ cho biết, cây cối trong vườn nhà ông bị chết hết, “chỉ tầm 1 năm nay đất của ông không trồng được gì nữa, nước giếng cũng bỏ vì nhiễm mặn, nước sinh hoạt thì mua từng bình chịu không nổi“.

Về chuyện nhận chìm chất thải của Vĩnh Tân, báo Pháp luật TP cho biết, “khối lượng vật chất nạo vét tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân dự kiến lên đến hơn 4 triệu m3 chứ không chỉ có gần 1 triệu m3 của Vĩnh Tân 1“. Vậy thì, hơn 4 triệu m3 bùn, cát sẽ vào đâu? Theo đề xuất của tỉnh Bình Thuận, để giải quyết khối lượng bùn thải này, thay cho việc nhận chìm, nên tận dụng để lấn biến và bồi đắp những vị trí bờ biển bị sạt lở!

Tai họa tại mỏ sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh
Theo báo Dân Việt, gần chục năm nay, hàng ngàn hộ dân sống trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, đã phải vật vã chịu cảnh “Đi không được, ở không xong“.

Bài báo cho biết: “Gần chục năm nay, hàng ngàn hộ dân sống trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh không chỉ phải sống khổ trong tình cảnh thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày bị ô nhiễm, mà còn phải chịu hệ lụy nợ nần, nhiều khu tái định cư xây xong bỏ hoang xuống cấp trầm trọng“.

Nhà máy Bô xít Tân Rai xả thải gây ô nhiễm
Theo báo Đất Việt, người dân phản ánh, lợi dụng trời mưa, nhà máy Bauxite Tân Rai đã xả thải ra ngoài. Bài báo cho biết, nhiều người dân sống xung quanh nơi xả thải gần như phát bệnh, giống bị ngộ độc khi hít phải mùi này.
Mặc dù việc xả thải này làm “sủi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối nồng nặc…“, nhưng kết quả quan trắc cũng như báo cáo từ Phòng TN-MT huyện Bảo Lâm cho rằng, “nước thải vẫn an toàn với môi trường, nằm trong ngưỡng cho phép“.

Tài nguyên cạn kiệt
Báo VietNamNet dẫn lời ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, báo động, với mức độ sử dụng vật liệu cát như hiện nay, thì đến năm 2020 sẽ không còn cát để xây dựng. Theo ông Bắc, nhu cầu từ năm 2016 đến năm 2020 cần hơn 2 tỉ m3 cát, nhưng nguồn vật liệu này ngày càng khan hiếm, nên giá cả tăng lên từng ngày.

Với nhu cầu sử dụng khổng lồ như vậy, thì việc Bộ Xây dựng đề xuất vật liệu như đất, phế thải công nghiệp,… thay thế cát sông để san lấp, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa kể nó có bảo đảm chất lượng hay không.

Giáo dục Việt Nam: Ngày càng u ám
Báo VnExpress có bài: Thí sinh 3,6 điểm Toán vẫn đỗ Cao đẳng Sư phạm Toán. Bài báo cho biết, “đặc biệt, 2 thí sinh đỗ ngành Sư phạm Lịch sử, nhưng điểm thi THPT quốc gia môn này chỉ được 2,5 và 3,5. Có trường hợp đỗ Sư phạm Toán, Sư phạm tiếng Anh nhưng điểm thi môn chuyên ngành là 3,6“.

LS Lê Văn Luân bình luận: “Sau bao nhiêu năm diệt giặc dốt, chúng ta đang trồng gì cho những thế hệ mai sau bằng những lớp người gieo trồng với trình độ như thế này? Những người ngu dốt làm thầy người khác thì hoặc là những kẻ thông minh trở nên thất học, hoặc đào tạo ra những đứa trẻ còn ngu hơn cả người đang dạy chúng“.

Báo Giáo Dục đặt câu hỏi: Vì đâu mà đầu vào ngành sư phạm rơi vào thảm cảnh thấp chưa từng có? Theo đó, thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm tại các địa phương cho thấy, đa phần các trường đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15,5 điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng, “chúng ta không sử dụng và chọn lọc, giáo viên cứ vào biên chế là yên tâm, ai dạy được cũng như thế, ai dạy giỏi cũng như nhau. Đãi ngộ, phân công lao động, chúng ta cứ áp dụng một công thức trả lương giáo viên bao nhiêu năm rồi đến nay vẫn thế”.

RFA có bài: Khi điểm chuẩn vào ngành Sư Phạm quá thấp. Nhà giáo Phạm Toàn từ Hà Nội, nhận định: “Bây giờ nói học sinh thi vào thì nó là nạn nhân chứ không phải tác nhân. Chính trường Sư Phạm phải thay đổi cách huấn luyện, thay đổi cách đào tạo thì còn gỡ lại được, nhưng các trường Sư Phạm làm gì có trình độ để mà thay đổi cách đào tạo”.


Hội SVNQ Việt Nam yêu cầu hội viên gỡ bỏ ứng dụng Zalo
Sau khi yêu cầu hội viên gỡ bỏ trình duyệt Cốc Cốc và phần mềm diệt virus BKav, Hội SVNQ Việt Nam yêu cầu tất cả các hội viên của mình phải gỡ bỏ ứng dụng Zalo. Hội SVNQ Việt Nam cho biết, “Zalo, một phần mềm Việt Nam, cũng như Cốc cốc và BKAV của Nguyễn Tử Quảng, đang kết hợp với Baomoi.com và làm những điều không được minh bạch cho lắm với bạn và smartphone của bạn“.

Lý do nữa để có yêu cầu trên là, “khi một số hội viên của Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam hội họp, không có gì ngăn cấm phần mềm Zalo có thể biết nơi các bạn hội họp“.

Chủ nghĩa lý lịch, còn tồn tại đến bao giờ?
Bài trên báo Zing: Phó chủ tịch xã sai khi phê bình cả nhà cô gái trong sơ yếu lý lịch. Một học sinh ở Nam Sách, Hải Dương khi đến xin dấu xác nhận nhân thân vào “sơ yếu lý lịch”, đã bị Phó chủ tịch xã phê nội dung “bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”.

Sau khi sự việc trên được đưa lên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo LS Hoàng Trọng Giáp, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, nói rằng, việc xã bút phê nội dung như trên đã vi phạm quy định của pháp luật. Còn ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã cho biết, “địa phương không còn cách nào khác để cho người dân chấp hành, nên cán bộ xã mới ghi nội dung lên phần xác nhận lý lịch“.

Mời độc giả xem video clip vị Phó CT xã nhận sai sót: https://www.facebook.com/vtcnewsvn/videos/1477998998915398/

Bất cập các trạm thu phí BOT
Liên quan đến việc tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí Cai Lậy, theo báo Zing, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang khẳng định: ‘Bạc cắc cũng phải thu’. Theo ông Hiệp thì “Tiền nào cũng là tiền. Tài xế đưa bạc cắc thì chúng tôi cũng thu để hồi vốn và có nhân viên làm việc này”.

Ông cũng cho biết việc BOT Tiền Giang thu phí các phương tiện, đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 là “có sự đồng ý từ Bộ Tài chính, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang“. Xem ra ông Hiệp không muốn hiểu ý của tài xế rồi, họ đâu có coi khinh tiền nhỏ, họ làm vậy là để phản đối, tỏ thái độ không đồng tình với cái cách thu phí của các ông. Mời đọc thêm: Bỏ tiền lẻ vào chai – những câu hỏi? (RFA).

Đóng tàu theo nghị định 67/CP: Hết tiền sửa chữa 
Theo báo Thanh Niên, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã làm việc với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, Nam Định và 5 ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để bàn phương án sửa chữa, tuy nhiên, công ty đóng tàu than hết tiền sửa tàu!

Sau khi lấy mẫu vỏ thép để kiểm định, có tới 4/5 vỏ tàu không đạt chất lượng. Trước tình hình đó, một số chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải thay lại thép mới đúng như hợp đồng, nhưng Công ty này đã “năn nỉ ngư dân cho sơn, sửa lại tàu vì nếu tháo ra thay lại thép mới sẽ mất từ 8 – 10 tháng, rất khó khăn và công ty không có tiền“.

Việc thu hồi đất sân golf Tân Sơn Nhất
Trong buổi hội nghị sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn khẳng định, nếu muốn thì Chính phủ có thể thu hồi bất cứ lúc nào cũng được, không có vấn đề gì cả.

Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị quân đội “tuyệt đối không được ký kết hợp đồng mới cho thuê đất quốc phòng cũng như liên doanh liên kết trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để tập trung cho việc quy hoạch lại“. Bộ Quốc phòng cũng cho biết, trong vòng một tháng phải giải tỏa dứt điểm 3 cây xăng và 50 ki-ốt dọc đường Trường Chinh, không cho thuê làm ki-ốt nữa.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Reuters đưa tin, Bắc Hàn cân nhắc nghiêm túc kế hoạch tấn công đảo Guam. Bắc Hàn cho biết, nước này đang “kiểm tra kỹ” một kế hoạch tấn công đảo Guam, thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ, bằng tên lửa, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Bắc Hàn rằng, bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ, sẽ đối mặt với “bão lửa và giận dữ”.

Trước đó, Trump cảnh báo sẽ có ‘bão lửa và giận dữ’ nếu Bắc Hàn đe dọa Mỹ. Ông Trump nói với các phóng viên ở Bedminster, New Jersey: “Tốt hơn hết, Bắc Hàn không nên gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Hoa Kỳ. Họ sẽ phải đối mặt với bão lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng chứng kiến“.


Kim Jong-un và các Lãnh đạo Bắc Hàn vui mừng khi chứng kiến vụ thử tên lửa Hwasong-12 ngày 15/5/2017. Ảnh: Reuters/ KCNA

Chính trường Nga
RFI có bài: Cựu bộ trưởng kinh tế Nga ra tòa vì nhận hối lộ 2 triệu đô la. Ông Alexei Oulioukaïev, cựu bộ trưởng Kinh Tế Nga ra tòa vì tội tham nhũng, nhưng ông phủ nhận toàn bộ cáo trạng. Khi còn là đương kim bộ trưởng, ông Oulioukaïev đã bị bắt hồi tháng 11/2016, vì nhận hối lộ 2 triệu đô la.

Bài báo cho biết: “Nhiều nhà quan sát ở Nga thì tin rằng vị bộ trưởng này là nạn nhân của một cuộc tranh giành quyền lực cấp cao. Rõ ràng là cựu bộ trưởng Ouloukaïev đã từng bị thất sủng vì những tin đồn về việc ‘mất ghế’ của ông đã được lan truyền từ nhiều tháng trước… Hai triệu đô la mà ông cựu bộ trưởng Nga có thể đã đòi để đổi lại sự hậu thuẫn cho thương vụ trị giá 5,2 tỷ đô, đúng là một trò cười trong mắt giới chuyên gia quan sát tham nhũng của Nga”.

Nhà báo Thái “nổi loạn”
VOA có bài: Nhà báo Thái bị cáo buộc nổi loạn vì nói xấu chế độ trên Facebook. Ông Pravit Rojanaphruk, phóng viên kỳ cựu của báo mạng Khaosod đã bị cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cáo buộc “nói xấu chế độ” khi ông dùng mạng xã hội chỉ trích chính phủ quân đội  lên nắm quyền, sau cuộc đảo chính năm 2014.

Ông Rojanaphruk nói với các phóng viên, rằng: “Tôi không ngạc nhiên gì với cáo buộc đó. Như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta đang sống dưới chế độ quân nhân cầm quyền. Ai chỉ trích họ sẽ phải trả giá”.

Ngày này năm xưa
Ngày này, 43 năm trước, Tổng thống Richard Nixon đã từ chức. Một ngày sau khi đọc bài diễn văn từ chức trước quốc dân trên TV hôm 8/8/1974, Tổng thống Nixon gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ là Henry Kissinger, chỉ vỏn vẹn hơn chục từ: “Thưa ngài Bộ Trưởng: Tôi xin phép từ chức Tổng Thống Hoa Kỳ ngay từ bây giờ“. Ảnh chụp bức thư: http://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2017/08/H1-158.jpg

Cho đến nay, Nixon là tổng thống Mỹ duy nhất bị hạ bệ do vụ bê bối Watergate. Nixon chọn cách từ chức thay vì bị Quốc hội Mỹ đem ra luận tội. Mời đọc lại: Muốn truất phế một tổng thống Mỹ, có dễ không?

----------------------
Bài Mới Nhất










No comments:

Post a Comment

View My Stats