Monday 7 August 2017

BẢN TIN NGÀY 7/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Truyền thông trong nước cho biết, sáng hôm qua, một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị “tàu lạ” đâm chìm, tại vị trí cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, khoảng 48 hải lý về phía tây nam, cách mũi Vũng Tàu khoảng 150 hải lý về phía nam tây nam. Tám người trên con tàu bị rớt xuống biển, 7 người được cứu sống, riêng chủ tàu kiêm thuyền trưởng Trương Công Ơn thì mất tích.

Mời đọc thêm: Thông tin mới vụ tàu cá của ngư dân Bình Định bị tàu lạ đâm chìm (ĐV). Bị tàu lạ đâm chìm, 1 ngư dân trên tàu cá BĐ 40482 TS mất tích trên biển (Bộ GTVT). Trích: “Thuyền trưởng Trương Công Ơn sinh năm 1970, hiện đang thường trú ở thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bỉnh Định làm chủ kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 40482 TS hành nghề câu tay“.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: CSVN lấp liếm về hiện trạng Biển Đông. Tác giả đối chiếu chuyện công ty Repsol rút giàn khoan trên thực tế, mặc dù không có tuyên bố chính thức nào từ phía Trung Quốc, cũng như tuyên bố chung chung của người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, cho thấy sự mập mờ, không rõ ràng của lãnh đạo CSVN trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Ông Tuấn viết: “Không cần biết kẻ chủ trương ‘rút lui’ là ai, Nguyễn Phú Trọng và Ngô Xuân Lịch, hay là những ai khác nữa. Trách nhiệm làm mất lãnh thổ, mất chủ quyền… tại những nơi thuộc về VN, từ nền tảng lịch sử cho tới căn cứ pháp lý không thể phản biện, là do đảng CSVN“.

Cuối cùng thì các nước ASEAN cũng đã ra thông cáo chungdài 46 trang, tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50. GS Carl Thayer có bài, bản thảo Tuyên cáo chung của ASEAN về Biển Đông: Có phải Việt Nam đã bị cô lập? Nhưng TTXVN có bài viết của TS Trần Việt Thái, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Học viện Ngoại giao: Nguyên tắc đồng thuận đã tạo nên bản sắc của khối ASEAN.

Mọi người đều biết, ASEAN là một tổ chức rời rạc, cho dù thành lập đã 50 năm, nhưng ASEAN khó kết hợp để tạo ra sức mạnh, đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đối với các vấn đề cấp khu vực và quốc tế. Nắm được điểm yếu đó, Trung Quốc luôn tìm cách chia rẽ ASEAN, bằng cách tách từng chiếc đũa ra khỏi “bó đũa” ASEAN để bẽ gãy. Trước tiên là Campuchia, rồi Lào, Malaysia, Philippines, Brunei… đều bị TQ sử dụng sức mạnh mềm để chia rẽ.

Không có cái gọi là “nguyên tắc đồng thuận vốn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, là nền tảng then chốt cho sự hợp tác của Hiệp hội trong nhiều thập kỷ qua. Đây là nguyên tắc gốc nhằm đảm bảo không một quốc gia thành viên nào bị gạt ra ngoài lề trong những vấn đề quan trọng…”, như lời TS Trần Việt Thái nói.

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Báo Stuttgarter Nachrichte có bài phỏng vấn ông Sigmar Gabriel, ngoại trưởng Đức. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao nước này nói rằng, Đức sẽ không khoan nhượng cho một vụ việc như vậy. Ông Gabriel cho biết: “Những gì đã xảy ra ở Berlin vài ngày cuối tháng 7 vừa qua đã đè nặng rất lớn lên quan hệ Đức-Việt. Nền kinh tế Đức hoảng sợ là điều dễ hiểu, cũng bởi vì thấy rõ ràng sự thiếu tôn trọng trong việc hợp tác với nước Đức và với những quy định của pháp luật của một số cơ quan hữu trách ở Việt Nam.

Trang Thời Báo có bài: Lỗi lầm cốt tử của mật vụ Việt Nam – Hệ thống định vị GPS chống trộm xe. Bài báo cho biết, mật vụ Việt Nam đã mắc phải lỗi lầm cốt tử khi thuê một chiếc xe biển số Tiệp Khắc có gắn hệ thống định vị GPS, để rồi “toàn bộ lộ trình chiếc xe di chuyển đều được lưu trữ lại qua hệ thống định vị GPS“.

Bài báo còn tiết lộ thông tin, nữ cán bộ thuộc Bộ Công thương mà báo chí đưa tin, đã bị bắt cóc cùng với ông Thanh, chính là con gái của một vị bộ trưởng, và là người tình của ông Thanh.

Về một số ý kiến ủng hộ mật vụ VN lẻn vào Đức bắt ông Trịnh Xuân Thanh, biện minh cho chiến dịch chống tham nhũng, GS Phạm Quang Tuấn cho rằng, đây là hành động coi thường luật pháp, và những người ủng hộ hành động đó vì bất cứ lý do gì, đồng nghĩa với việc cho phép chính quyền ngồi trên pháp luật.

Ông Tuấn viết: “Gốc rễ của nạn tham nhũng là do chế độ độc tài độc đảng của một nhóm người không coi luật pháp ra gì, tự cho rằng mình đứng trên luật pháp và thống trị mọi quyền lực chính trị, kinh tế, cảnh sát, tư pháp… Trong chế độ đó bắt 1 TXT thì sẽ có 10 TXT khác thế chỗ, chẳng giải quyết được gì cả. Cổ võ hành động bắt người phi pháp của chế độ cũng không khác gì hùa theo các ‘tòa án nhân dân’ thời đấu tố cải cách ruộng đất…

BBC có bài: VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử Trịnh Xuân Thanh? Bài viết đặt vấn đề, “liệu nước này còn có ‘thẩm quyền’ nữa hay không“, cho thấy VN đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, trả ông Thanh về Đức thì không được, mà xử ông Thanh thì cũng không xong.

Báo Tầm Nhìn có bài: Ghế nóng Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí để trống 5 tháng. Sau khi vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh bị vỡ lỡ thì 5 tháng qua, chiếc ghế “nóng” Chủ tịch PVN vẫn còn bỏ ngõ. Liệu có người nào đủ sức “chịu nhiệt” để ngồi trên chiếc ghế này?



Nhân quyền ở Việt Nam
Liên quan tới vụ bắt bớ 4 nhà hoạt động hồi cuối tháng 7, báo Người Việt có bài: Hai dân biểu Đức đòi CSVN thả ông Nguyễn Bắc Truyển. Bài viết cho biết, hôm 3/8, hai dân biểu Đức là ông Martin Patzelt và Philipp Lengsfeld, thuộc Ủy Ban Nhân Quyền và Nhân Đạo tại Quốc Hội Liên Bang Đức, đã ra một bản thông cáo báo chí, đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển ngay lập tức.

Dân biểu Martin Patzelt nói rằng: “Chúng tôi không hề nhận ra bất cứ điều gì cho thấy ông Truyển đang thách thức quyền lực và pháp luật nhà nước. Ngược lại, ông luôn chú trọng đến việc phải tuân thủ các quyền được ghi trong hiến pháp và tối ưu hóa đời sống xã hội trong lợi ích của quốc gia Việt Nam”.

Dân oan Cấn Thị Thêu và vấn đề đất đai Dương Nội
Anh Trịnh Bá Phương, con trai bà Cấn Thị Thêu, thủ lĩnh dân oan Dương Nội, cho biết, hôm qua anh đã nhận được bức thư của mẹ anh gửi từ nhà tù Gia Trung. Nội dung thư, bà Thêu kể lại quá trình bị các doanh nghiệp cấu kết với chính quyền, trắng trợn cướp đất của gia định bà và những người nông dân Dương Nội.

Bà Thêu cho biết trong thư: Khi lấy đất của nông dân Dương Nội, chính quyền đã “tự áp giá” bồi thường, với giá 201.600 đồng/m2, sau đó niêm yết công khai tại trụ sở để bán đấu giá, với giá khởi điểm là 31,5 triệu đồng/m2.

Bà Cấn Thị Thêu 54 tuổi, đã bị bắt lần đầu hồi tháng 4/2014 và bị xử 15 tháng tù. Bà được trả tự do hồi tháng 7/2015, sau khi “chồng đủ” 15 tháng, nhưng đến tháng 6/2016 bà lại bị bắt lần nữa và bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, xử 20 tháng tù giam.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến tái xuất
Lâu quá mới thấy chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện trên mặt báo: Bà Đặng Thị Hoàng Yến ‘trở về’ thay em trai ngồi ghế nóng tại Tân Tạo, VietNamNet đưa tin. Bài báo cho biết, bà Đặng Thị Hoàng Yến là người ký quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cho bà, thay em trai là ông Đặng Quang Hạnh, giữ chức vụ này trước đó.

Trước đó, sau khi bà Hoàng Yến bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội hồi tháng 5/2012, trong khi cuộc chiến Ba – Tư đang diễn ra, đỉnh điểm là trang Quan Làm Báo xuất hiện, đưa nhiều thông tin gây chấn động về “anh Ba”, rồi QLB bị hack và đưa tin bà Yến là người điều hành trang QLB. Bà Yến lên tiếng đính chính bà “không phải Quan Làm Báo”, rồi từ đó bà biến mất, mà báo chí trong nước gọi đó là sự im lặng bí ẩn của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Chủ tịch hội “xin xe”, hội viên không nhận nhà
Về chuyện ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật, “xin xe”, báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền‘. Bài viết có nêu một ý kiến đáng chú ý của ông Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ thuật VN: “Bây giờ cơ chế thị trường, nếu sáng tác các đề tài bảo vệ Tổ quốc thì không ai mua, đến bảo tàng, chính quyền cũng không mua”.

Về câu chuyện “xin xe” của ông Hữu Thỉnh, Facebooker Phạm Xuân Cần có bài phân tích một khía cạnh khác. Theo đó, trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ, ông Thỉnh và một số “cụ” đã “kiến nghị, đấu tranh để giữ lại một chữ trong Điều lệ của Liên hiệp, mà các cụ cho là hết sức quan trọng, là sống còn, là nếu thiếu thì Liên hiệp và các hội đều chết ngay và luôn…, đó là chữ ‘chính trị’.” Bởi vì, “hai chữ ‘chính trị’ không chỉ làm sang cho Liên hiệp và các Hội của các cụ, mà nó còn là tiền, là quyền các bác ạ“.

Trong khi đó, theo Facebooker Võ Đắc Danh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từ chối nhận nhà do tỉnh Cà Mau cấp. Cô cho biết “mặc dù tui rất cần nhà ở nhưng không phải bằng cách đó, tui có sỉ diện của tui chớ“. Được biết, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hiện “sống chung với người chị chồng trong căn nhà gỗ chật hẹp cạnh bờ sông“.

Thời cộng sản, toàn xài đồ giả!
Báo Lao Động Nghệ An có bài: Xin đừng dối gian!, kể câu chuyện tưởng chừng như chỉ xảy ra trong phim, nhưng lại có thật ngoài đời: ông Phó Chủ tịch Hồ Phi Triều và bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, Phó Chánh văn phòng UBND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, giả vờ ly hôn do sinh con thứ 3, để cứu chiếc ghế phó chủ tịch của người chồng.

Chuyện ly hôn này, ngay cả bố đẻ của ông Triều cũng không hề biết con mình bỏ vợ. Và không có gì tàn nhẫn hơn, khi “trả lời câu hỏi ai là cha đứa bé mà bà Xuân Hồng vừa sinh, ông Hồ Phi Triều, nói: Không biết!

Tác giả bài viết đặt câu hỏi: “Không lẽ chỉ vì chiếc ghế mà không dám nhận con, đẩy tiếng nhơ cho vợ? Không lẽ chỉ vì chiếc ghế mà diễn cả một tấn trò, bất chấp phẩm giá của bản thân, danh dự của gia đình và thanh danh của tổ chức?” Mời đọc thêm: Nghi vấn phó chủ tịch ly hôn giả để sinh con thứ 3 (LĐNA).

Cũng chuyện “hàng giả”, báo Dân Trí có bài: “Tuýt còi” vụ con gái Phó giám đốc sở “xin trẻ” lại 2 tuổi. Bà C, vợ ông Vương Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Phước, làm hồ sơn xin cho con gái là cô Vương Hồng Nhung được giảm 2 tuổi rưỡi, lý do trước đây bà đã làm giấy khai sinh cuội để con bà được “đi học sớm”.

Bài báo còn cho biết, khi còn giữ chức Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài, ông Vương Đức Lâm đã ba lần ký quyết định bổ nhiệm thần tốc con trai của mình là Vương Đức Tặng, từ nhân viên phòng Phòng Tài chính – Kế hoạch, lên nắm giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ, quyền Chủ tịch UBND xã Tân Thành. Mời đọc thêm: Bổ nhiệm “thần tốc”, nhân viên lên Chủ tịch xã… trong 5 tháng! (DT).

Trước đó, ông Lâm còn bị tố sử dụng bằng giả, sửa năm sinh trong giấy khai sinh của ông từ năm 1957 sang 1960.

Dùng tiền lẻ qua trạm thu phí: Phong trào bất tuân dân sự mới
Báo Một Thế Giới có bài: Hàng chục tài xế ‘tấn công’ Trạm thu phí Cai Lậy bằng tiền lẻ, yêu cầu dời trạm. Bài báo cho biết, các tài xế lấy tiền lẻ loại 500 đồng, bỏ trong chai nhựa để mua vé qua Trạm thu phí ở Cai Lậy, Tiền Giang và treo băng rôn trên xe đòi… dời trạm thu phí! Lý do “mức thu phí của trạm này bất hợp lý, quá cao nên bị cánh tài xế phản ứng…”.

Nguồn ảnh: báo MTG

Được biết, đây không phải lần đầu người dân sử dụng phương pháp này để phản đối trạm thu phí. Hồi tháng 4/2017, các tài xế qua trạm BOT Bến Thủy đã dùng tiền lẻ mua vé nhằm phản đối việc thu phí BOT, buộc nhà đầu tư mở cửa barie cả 3 làn xe mà không bán vé.

Vụ án oan Hàn Đức Long
Bài trên báo Kiến Thức: Viện KSND tỉnh Bắc Giang từ chối xin lỗi ông Hàn Đức Long, cũng như bồi thường vì truy tố oan cho ông tội danh hiếp dâm. Viện KSND tỉnh Bắc Giang trả lời như sau: “Việc giải quyết, khôi phục danh dự và bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao (nay là TAND cấp cao tại Hà Nội). Đây là cơ quan gây oan sai sau cùng cho ông Hàn Đức Long, không thuộc trách nhiệm của Viện KSND tỉnh Bắc Giang“.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Bài trên RFI: LHQ chính thức thông qua nghị quyết trừng phạt mạnh Bắc Triều Tiên. Theo lệnh trừng phạt này, mỗi năm, Bắc Triều Tiên sẽ mất khoảng 1 tỉ thu nhập từ xuất khẩu. RFI cho biết: “Từ nay trở đi, Bình Nhưỡng bị cấm xuất khẩu than đá, quặng sắt và thủy sản. Tổng cộng, nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc sẽ khiến Bắc Triều Tiên mất 1/3 thu nhập từ xuất khẩu”.

Trump vui mừng viết trên Twitter: “Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc vừa bỏ phiếu 15-0 để trừng phạt Bắc Triều Tiên.Trung Quốc và Nga đã đứng về phía chúng ta. Tác động tài chính rất lớn!

Ngay sau đó, Trung Quốc thúc giục Bắc Hàn ‘ngưng thử tên lửa’. BBC đưa tin, “vài tiếng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn vì chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, ông Vương Nghị đã thúc giục người động nhiệm phía Bắc Hàn, ngoại trưởng Ri Yong-ho, rằng Bình Nhưỡng cần tuân thủ các nghị quyết của LHQ trong một cuộc họp hôm Chủ nhật tại Philippines. Ông Vương không cho biết ông Ri có đáp lời hay không“.

Báo Express của Anh có bài: Lời đe dọa kỳ lạ của Bắc Hàn, dạy Mỹ “một số cách cư xử” rằng “đừng chĩa cái bản mặt thối tha vào đất nước này”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói: “Nếu Hoa Kỳ đủ ngu xuẩn để chĩa cái mặt thối tha vào đất nước này lần nữa… thì CHDCND Triều Tiên sẽ dạy cho Mỹ một số cách cư xử bằng lực lượng hạt nhân chiến lược mà nó đã cho cả thế giới thấy“.

Tên lửa Hwasong-14 của Bắc Hàn không rõ phóng ngày nào, nhưng hình ảnh đã được hãng tin KCNA tung lên mạng hôm 5/7/2017. Nguồn: Reuters.

Báo NNVN: Triều Tiên dọa nhấn chìm Mỹ trong biển lửa vì lệnh trừng phạt. “Ngày Mỹ dám trêu đùa đất nước chúng tôi bằng roi hạt nhân và lệnh trừng phạt, lục địa Mỹ sẽ bị dìm trong một biển lửa không thể tưởng tượng nổi“.


Chính trường Mỹ và vụ bê bối Trump – Nga
Báo Người Việt: Tân Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc muốn đưa các phụ tá và cả TT Trump “vào nền nếp”. Một hành động nhằm lập lại trật tự trong tòa Bạch Ốc, tướng 4 sao John Kelly đã  triệu tập một cuộc họp khoảng 200 nhân viên cao cấp ở Nhà Trắng, cho biết kỷ luật quân đội sẽ được áp dụng vào các nhân viên trong tòa nhà này.

Báo Bloomberg cho biết, từ bây giờ, ông Kelly sẽ là người quyết định các cuộc gặp của tổng thống với các nhà lập pháp và những người khác. Báo New York Times dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Leon Panetta, nói rằng: “Câu hỏi thực sự là, liệu tổng thống sẽ cho ông ấy quyền hạn mà ông ta cần để thực hiện công việc đó hay không“.

Bài trên VOA: Conway: Trump ‘không bàn việc sa thải Bob Mueller’. Không chỉ lo ngại TT Mỹ sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Session, Thượng viện Mỹ còn lo ngại nhân dịp họ “đi vắng”, Trump sẽ sa thải ông Rober Mueller (Bob), Công Tố viên độc lập, đang điều tra vụ bê bối Trump – Nga.

Trước khi đi nghỉ hè, Thượng viện Mỹ đã đưa ra luật lệ làm cho việc sa thải ông Mueller khó khăn hơn, bằng cách yêu cầu “phải có một thẩm phán tái xét việc sa thải“. Nhưng bà Kellyanne Conway, cố vấn của Trump nói rằng, ông ta chưa bàn về chuyện này. Rất khó để đoán biết ý định của Trump, ngay cả những người thân cận với ông ta.

RFI có bài: Điều tra Nga can thiệp: Gọng kềm tư pháp tiến đến Nhà Trắng. “Trong khi tổng thống Mỹ công khai cảnh báo là không được vi phạm lằn ranh đỏ, Robert Mueller, cựu giám đốc FBI, một nhân vật nhiều kinh nghiệm và kín đáo, tỏ ra kiên cường lèo lái theo ý mình… Liệu ông Robert Mueller có dám chơi tới cùng đến mức có thể bị cách chức hay không?

Du khách TQ bị bắt vì chào kiểu Đức Quốc
Báo Người Việt: Chào kiểu Đức Quốc Xã ở Berlin, hai du khách Trung Quốc bị bắt. Bài báo dẫn nguồn từ AFP, cho biết: “Hai du khách Trung Quốc vừa bị bắt ở Berlin vì chào theo kiểu Đức Quốc Xã, đưa thẳng tay ra phía trước, để chụp hình trước trụ sở Quốc Hội Đức, theo một nữ phát ngôn viên cảnh sát hôm Chủ Nhật“. VOA: Chào kiểu Hitler, du khách Trung Quốc bị bắt ở Đức.

Bổ sung lúc 13h48’ ngày 7/8/2017. Một cộng tác viên bên Đức gửi tin:
Hai du khách người Trung Hoa đã phải trả giá khá đắt cho việc chụp hình của họ vào ngày thứ bảy 5/8/2017 vừa qua trước tòa nhà Quốc Hội ở Berlin. Hai người này đã chụp hình cho nhau với hành động chào kính Hitler – Đưa thẳng cánh tay mặt, bàn tay xòe ra về phía phải 45° cao khỏi đầu.

Hai nhân viên bảo vệ tòa nhà Quốc Hội trong khi tuần tiểu quanh khu vực đã nhìn thấy hai du khách này khi họ chụp hình kỷ niệm cho nhau bằng smartphone. Hành động chào kiểu Hitler đã khiến hai nhân viên bảo vệ báo động cho cảnh sát ở khu vực 34.

Hai người này bị bắt và đưa về đồn cảnh sát khu vực 34. Sau cuộc thẩm vấn, cảnh sát được biết đó là 2 người Trung Hoa 36 và 49 tuổi. Họ sẽ phải đối diện với môt phiên tòa hình sự vì đã biểu lộ một cử chỉ chống lại hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Nước Đức sau thế chiến thứ hai, phía tây với sự bảo trợ của đồng minh, đứng đầu là Mỹ, đã thành lập CHLB Đức với 11 tiểu bang. Hiến pháp Đức ngăn cấm tuyệt đối việc sử dụng những biểu tượng, bích chương, ký hiệu, cờ, sự chào kính Hitler… đã được sử dụng dưới thời Quốc Xã. Mọi sự vi phạm sẽ bị nghiêm trị nặng nề, kể cả với người ngoại quốc trên nước Đức.

Hai du khách nói trên đã rời khỏi đồn cảnh sát số 34 sau khi đóng một số tiền phạt cho mỗi người là 500 euro.

No comments:

Post a Comment

View My Stats