Wednesday 29 March 2017

TRƯNG CẦU DÂN Ý VỀ ĐỘC LẬP SCOTLAND : ANH & SCOTLAND KHÔNG NHƯỢNG BỘ NHAU (Thụy My - RFI)




Thụy My – RFI
Đăng ngày 28-03-2017 

Chỉ còn hai ngày nữa là kích hoạt điều 50 của hiệp ước Lisboa để khởi động tiến trình Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua, 27/03/2017, thủ tướng Theresa May đến Scotland để cố gắng chận đứng những lời kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về độc lập của xứ này. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa bà May và người đồng nhiệm Scotland Nicola Sturgeon không có tiến triển nào đáng kể.

Thủ tướng Anh Theresa May (P) gặp đồng nhiệm Scotland Nicola Sturgeon, tại Glasgow, ngày 27/03/2017REUTERS/Russell Cheyne

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :

« Cuộc gặp tay đôi lần thứ hai này tuy được cho là « nghiêm túc và thân mật », nhưng không khí đã khác hẳn so với cuộc hội kiến hồi tháng 07/2016. Lần này không có bắt tay, không họp báo, chỉ có vài bức ảnh chính thức, cho thấy hai nhà lãnh đạo kém thoải mái như thế nào. Phải nói rằng nếu bà Theresa May đến để thảo luận về việc kích hoạt điều 50, thì bà Nicola Sturgeon chủ yếu lại muốn bàn về một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập.

Thủ tướng Scotland cũng không giấu diếm sự bất mãn sau cuộc gặp, cho rằng người đồng nhiệm Anh đã không lắng nghe các đòi hỏi của bà về Brexit, trong khi người Scotland đa số đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Hơn nữa bà Theresa May không hề bảo đảm việc giao bớt quyền lực cho Scotland, một khi Luân Đôn nắm lại quyền hành từ tay Bruxelles sau Brexit.

Về phía thủ tướng Anh thì nhận định đây không phải là lúc để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập, nhấn mạnh rằng trong lúc này rất cần đoàn kết giữa bốn nước đã hợp thành Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, để tạo nên sức mạnh.

Cả hai nữ thủ tướng đều tỏ ra không hề muốn nhượng bộ. Và cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Scotland hôm nay để cho phép bà Nicola Sturgeon đòi hỏi trưng cầu dân ý lần hai, chắc chắn sẽ được Downing Street đón nhận với cùng một mức độ cứng rắn ».

-------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 28-03-2017 

Ngày 29/03/2017, Luân Đôn chính thức thông báo với Bruxelles quyết định giã từ Liên Hiệp Châu Âu. Từ lúc khởi động điều khoản 50 của hiệp định Lisboa cho đến khi « ly dị », chính phủ Anh có hai năm đàm phán gay go để «bảo vệ quyền lợi ». Tuy nhiên, dù muốn dù không, Brexit là tiếng chuông kết liễu chuyến du hành châu Âu của Anh Quốc, và sẽ không tránh được thiệt hại khó lường, theo nhận định của giới kinh tế và ngoại giao.

Khi vận động cử tri Liên Hiệp Anh tham gia trưng cầu dân ý 23/06/ 2016, phe chống Brexit vẽ ra một bức tranh hấp dẫn nhân danh chủ quyền quốc gia : chống làn sóng di dân, bảo vệ thị trường, bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ sức mua của người dân… Nói tóm lại, một khi thoát khỏi « guồng máy quyết định từ Bruxelles » thì Liên Hiệp Anh sẽ lấy lại uy thế đại cường của thời vàng son nhờ vào khối thịnh vượng chung và… đồng minh Hoa Kỳ. Thực tế ra sao ?

Chín tháng trôi qua kể từ khi 51,9 % cử tri quyết định Brexit, tình hình kinh tế Liên Hiệp Anh tương đối yên ổn, không xảy ra « bão tố tài chính » như dự báo của những người chủ trương ở lại với châu Âu. Với tân thủ tướng Theresa May cương nghị, với Ngân Hàng Trung Ương sẵn sàng bơm hàng tỷ bảng Anh chống khan hiếm tiền mặt, cùng với niềm tin và kỷ luật của người tiêu dùng, kinh tế của quốc đảo vượt qua được thử thách đầu tiên. Tăng trưởng GDP có thể lên đến 2% trong năm 2017.

Vấn đề mấu chốt là người tình ly thân này chưa đụng với « thực tế khăn gói ra khỏi nhà ». Thời gian đàm phán trong hai năm tới, tính từ ngày 29/03/2017 mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị hành trang rời bến cảng. Theo nhận định đầy lo âu của Paul Drechsler, chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân CBI, thì nước Anh chỉ mới « bò lên đỉnh dốc của điều khoản 50 » và sẽ biết thế nào là « gió lốc » khi ngồi vào bàn đàm phán. Chủ nhân của giới chủ doanh nghiệp Anh lo ngại kịch bản tồi tệ nhất là không đạt được thỏa thuận mới về thương mại hầu giảm nhẹ cơn chấn động một khi rời thị trường chung. Về điểm này, thủ tướng Anh tuyên bố rất tự tin : Luân Đôn bất cần thỏa thuận nếu Bruxelles đặt điều kiện quá khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nina Skero được AFP trích dẫn, tuyên bố của bà Theresa May chỉ là đòn tâm lý trước khi mặc cả. Xác suất cao nhất là hai bên sẽ đạt được một hiệp định thương mại song phương trong hai năm tới. Nhưng thời gian dằng co, bất định sẽ làm hoạt động kinh tế Anh, nhất là 50% mậu dịch tùy thuộc vào thị trường châu Âu, bị trì trệ.
Trong bối cảnh này, đồng minh Hoa Kỳ lại chọn tỷ phú Donald Trump với chủ trương bảo hộ kinh tế Mỹ, làm tổng thống.

Nếu thương lượng thất bại, hai lãnh vực kinh tế chủ lực của Anh là xe hơi, đang manh nha khởi sắc, và dịch vụ tài chính sẽ trả giá nặng. Trở lại quy chế của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, xe hơi của Anh sẽ bị đánh thuế nhập khẩu thêm 10%. Trong tình hình bất trắc này, không có công ty xe hơi nào muốn phát triển.

Mà muốn phát triển thì cũng cần nhân lực. Theo AFP, giới doanh nghiệp Anh kêu gào phải duy trì làn sóng di dân từ Liên Hiệp Châu Âu để trẻ hóa lao động, để thay thế những người về hưu. Mọi lãnh vực từ thương mại khách sạn, nhà hàng, xây dựng đều đối mặt với nguy cơ thiếu nhân công.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng bị đe dọa. Khi ra khỏi thị trường chung, doanh nghiệp Anh sẽ mất « hộ chiếu châu Âu » bảo đảm quyền tự do cung cấp dịch vụ trên toàn châu lục. Hệ quả là nhiều công ty tài chính và ngân hàng chuẩn bị bỏ nước Anh. Theo dự đoán, ít nhất 240.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ biến mất.

Sức mua của người dân cũng giảm xuống. Do hàng nhập khẩu lên giá vì khan hiếm và vì bảng Anh mất giá, dân Anh bắt đầu cảm nhận được hệ quả tiêu cực của Brexit.

Cuối cùng, nguy cơ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia cũng bị đe dọa. Với chủ trương ở lại châu Âu, 62% phiếu chống Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý, Scotland tính chuyện độc lập với Liên Hiệp Anh. Sau vụ tấn công làm chết 4 người hồi tuần trước, mà Daech tự cho là thủ phạm, đích thân thủ tướng Theresa May nhìn nhận « rất cần chia sẻ thông tin tình báo » với Liên Hiệp Châu Âu, nên không thể mặc cả được.

Bình luận về những hệ quả xấu của Brexit, nhà ngoại giao Anh lão thành 86 tuổi, Crispin Tickell, thành viên phái đoàn đàm phán gia nhập Thị Trường Chung Châu Âu trong thập niên 1970 than tiếc : « Chính sách ngoại giao Anh do những kẻ không hiểu gì và rất có thể bị nung nấu bởi tâm lý ghét người nước ngoài, quyết định. Thật là một thảm họa ».





No comments:

Post a Comment

View My Stats