Saturday 25 March 2017

NHẤT THỂ HÓA hay CHUYỂN HÓA THỂ CHẾ (Bùi Quang Vơm - Thông Luận)




25/03/2017

Có thể nói, gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tính đến chuyện tự chuyển hóa để tự biến mình thành một thể chế hợp thức với các loại hình thể chế chính trị phổ biến đang tồn tại trên thế giới. Điều này, mặc dù không phải là một phát kiến mới mà đã là chuyện được đặt ra từ rất lâu trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng cộng sản. Nhưng trước đó, việc đồng nhất hóa thể chế với hệ thống chính trị toàn cầu chưa phải là áp lực thúc ép khách quan, mà nó ẩn chứa những mục đích khác.

Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội 12

Thể chế chính trị không tương thích với hệ thống các thể chế chính trị phổ biến trên thế giới gây bất cập lớn cho các mối quan hệ quốc tế. Ở một phía, việc không có các định chế tương ứng gây khó khăn trong các nghi lễ đối ngoại, đặc biệt các nghi lễ đã trở thành tập quán quốc tế. Ở phía khác, sự khác biệt, không đồng nhất trong các khái niệm triết học, chính trị và luật học, tạo ra những khập khiễng trong hệ thống pháp luật, gây khó khăn trong việc áp dụng các bộ luật quốc tế vào các hoạt động quốc gia cũng như các vận dụng luật pháp quốc gia đối chiếu với luật pháp quốc tế, gây trì trệ cho hoạt động quản trị cả kinh tế lẫn hành chính.

Sự khác biệt giữa kết cấu các định chế của thể chế so sánh với hệ thống các định chế phổ cập quốc tế bộc lộ những khuyết tật và đặt câu hỏi cho tính chính danh của chế độ. Trong một sân chơi được thừa nhận bởi tất cả, cái riêng biệt phản ánh cái chính đạo, bất chính danh.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chính sách lớn, tận dụng tiềm lực vốn, trình độ công nghệ, tri thức và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của thế giới để tạo động lực cho tăng trưởng, cơ sở cho sự ổn định của chế độ. Sự tương thích với hệ thống chính trị̣ thế giới là một yêu cầu có tính bức thiết.

Một trong những chính sách đối ngoại quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam là tìm kiếm sự thừa nhận quốc tế, đặc biệt là của các quốc gia có vai trò quyết định trong sinh hoạt quốc tế như Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu, các nền dân chủ lớn. Thể chế Đảng lãnh đạo quốc gia, đứng trên Nhà nước, đứng trên Quốc hội và đứng trên Chính phủ. Chủ tịch đảng đứng trên Nguyên thủ quốc gia, đứng trên Thủ tướng chính phủ là loại hình không có kết cấu tương ứng trong hệ thống các thể chế phổ cập quốc tế.

Chuyến đi Mỹ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015 phải mất hơn một năm chuẩn bị, hàng trăm các cuộc bàn thảo giữa các bộ môn của hai quốc gia, và phải cần cả một chuyến tập dượt trước bằng một chuyến thăm Mỹ "vô tiền khoáng hậu" trong tập quán ngoại giao thế giới của ông Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Và một trong những nội dung quan trong nhất được đề cập trong tuyên bố chung của chuyến viếng thăm là "tôn trọng sự bình đẳng về chủ quyền cũng như thể chế chính trị của nhau".

Tương lai quan hệ Việt-Mỹ sẽ vô cùng khó khăn

Nhưng nếu điều đó phần nào đã được chính phủ của Tổng thống Obama lập lờ nhân nhượng, thì tính hợp thức và tính chính danh mù mờ đó đang phải chờ đợi một thử thách mới vô cùng khó khăn với chính phủ mới của Tổng thống Donald Trump. Không thể có một ông Tổng bí thư đảng lại sang thăm Mỹ với tư các người cao nhất của quốc gia một lần nữa. Với tính cách cứng rắn, dứt khoát và không nhân nhượng, tính chất mập mờ của thể chế đảng đứng trên nhà nước của chế độ cộng sản Việt Nam, đến Mỹ sẽ không có ai tiếp. Cũng có nghĩa là quan hệ sẽ không thể là chiến lược.

Tương lai quan hệ Việt-Mỹ sẽ vô cùng khó khăn. Nền kinh tế với một cơ cấu kinh tế quốc doanh chiếm tỷ trọng gần 70% tổng tài sản quốc gia sẽ không thể được xem là nền kinh tế thị trường. Một thể chế Đảng chính trị đứng trên cả Quốc hội lập pháp, trên Nguyên thủ quốc gia, và trên Thủ tướng chính phủ, sẽ không thể được chấp nhận bởi hệ thống chính trị Hoa Kỳ, thiết lập trên nền Tam quyền phân Lập, đặc biệt dưới quyền Tổng thống Donald Trump.

Một trong những lối thoát phải tính đến là Nhất thể hóa chế độ đảng trị, khoác chiếc áo Pháp Quyền - Rule of law ra ngoài bộ mặt của đảng. Tổng bí thư đảng sẽ đồng thời là Nguyên thủ quốc gia. Chế độ đảng trị sẽ được thay thế bằng một thể chế bao gồm một Nguyên thủ quốc gia được bầu bởi toàn thể quốc dân qua phổ thông đầu phiếu và một Thủ tướng chính phủ do Nguyên thủ đề cử nhưng do Quốc hội bầu.

Bộ máy tuyên truyền đang khởi động tăng tốc, sẽ là trọng tâm của Hội nghị trung ương 6 đại hội XII, tổ chức vào quý III năm nay. Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư đã được giao cho đề tài...

Tuy nhiên, chủ trương nhất thể hóa hệ thống không chỉ có mục đích duy nhất là đồng nhất hóa thể chế chính trị Việt Nam với hệ thống thể chế phổ cập thế giới, mà còn nhằm tới nhiều mục tiêu khác.

Việc nhất thể hóa giữa hai bộ máy đảng và bộ máy nhà nước, sẽ trước hết giải thoát cho cuộc khủng hoảng tài chính ngân sách. Cùng một lúc, ngân sách phải chi cho cả hai bộ máy quan liêu : một bộ máy công chức hành chính và dịch vụ công vụ của Chính phủ từ trung ương xuống địa phương ; một bộ máy Đảng với đầy đủ các cơ quan, các bộ phận có cùng một chức năng như vậy ; cộng thêm các tổ chức thuộc hệ thống chính trị nối dài như Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh.

Hệ thống này bao gồm 2,7 triệu công chức, viên chức ; 56.000 đơn vị sự nghiệp công, tiêu tốn 400.000 tỉ đồng (20 tỷ USD) chiếm 67% tổng chi thường xuyên của ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tại kỳ họp giữa tháng Ba năm 2017 của Ủy ban Thường vụ quốc hội, đã phải thanh minh về việc không thể giảm nợ công, vì "năm 2016 dự báo giá trị thực tế GDP là 5,1 triệu tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 4,6 triệu tỷ đồng".

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết : "...nguồn thu ra sao không biết, nhưng phần chi lương cho đội ngũ bị phản ánh có đến 30% công chức không làm gì cả vẫn phải giữ nguyên" và kết luận "chi tiêu như thế thì chỉ có chết".

Hệ thống các Tập đoàn và Doanh nghiệp nhà nước chính là các cơ quan kinh tài cho bộ máy của đảng, vì các tổ chức này, bề ngoài là tổ chức kinh doanh, nhưng là các tổ chức của đảng và chịu sự chỉ đạo của đảng. Lãnh đạo của doanh nghiêp là các cán bộ chính trị do đảng bổ nhiệm. Các chỉ tiêu giao nộp ngân sách đối với các doanh nghiệp quốc doanh được ấn định thông qua nghị quyết đảng như một nghĩa vụ và trách nhiệm đảng viên. Các chỉ tiêu này mặc dù có vỏ bọc là thuế lợi nhuận, nhưng thực chất là các nghĩa vụ được phân chia gánh vác, trở thành tiêu chí để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và tiêu chuẩn để quy hoạch phát triển cán bộ.

Nhưng quy luật thị trường không biết tới phẩm chất chính trị của cán bộ lãnh đạo, mà đòi hỏi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp quốc doanh, do trình độ và bản chất quản trị thấp kém, năng suất lạo động lạc hậu, dẫn đến kết quả kinh doanh luôn luôn thua lỗ, chỉ tiêu giao nộp ngân sách luôn là một áp lực giữa mục tiêu chính trị và sự tồn tại như một tổ chức kinh doanh.

Nhất thể hóa chức danh hai bộ máy đảng và chính quyền nếu giải quyết triệt để sẽ giảm ít nhất 1/2 số lượng công viên chức, giảm một nửa chi phí, giành thêm được 10 tỷ USD hàng năm cho đầu tư công hoặc trả nợ vay.

Nhất thể hóa chức danh hai bộ máy đảng và chính quyền có được hay không ?

Bằng chủ trương nhất thể hóa, trên danh nghĩa tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực tổ chức và hiệu xuất quản lý, tiết kiệm ngân sách v.v... công việc sắp xếp lại tổ chức, nhất thể từng chức danh, từng vị trí, từ trung ương tới địa phương, thực chất sẽ là một chiến dịch thanh trừng nội bộ và củng cố vây cánh. Trong chiến dịch này, dự kiến sẽ được bàn thảo tại Hội nghị trung ương 6 vào quý III năm nay, những công cụ quyết định sẽ nằm trong tay ba nhân vật, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh và Trưởng Ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính.  Bằng cách làm này, Ban bí thư vô hiệu hóa hoàn toàn các thiết chế quyền lực khác như Quốc hội và Chính phủ.

Vào tháng 9/2016, ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã khởi động "nhất thể hóa" bằng bài trả lời phỏng vấn khá dài cho trang VietTimes với nhan đề "Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu".

"Giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy dù của Đảng hay của Nhà nước làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, giảm mạnh số các đầu mối bộ máy và tổ chức, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông - nhất nguyên chế. Nói cách khác, từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu. Chẳng hạn, một vài cơ quan có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau, nên chăng tính toán nhất nguyên hóa tối thiểu ở 3 cấp : trung ương ; tỉnh, thành phố ; quận, huyện, thị, theo phương châm : đa năng hóa bộ máy hay bộ máy đa năng".

Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 vào ngày 4/3, do Ban Tổ chức trung ương chủ trì, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh đã trực tiếp "phát biểu chỉ đạo".
Như vậy sau hơn một năm kể từ thời sóng gió ngay trước Đại hội 12, "nhất thể hóa" đã trở thành một đề nghị chính thức.

Giảm một nửa bộ máy quan liêu, giảm một nửa nhu cầu cán bộ trên toàn hệ thống và đặc biệt trên thượng tầng trung ương, đảng cộng sản đang rơi vào khủng hoảng thiếu trầm trọng các cán bộ cốt cán gọi là cán bộ nguồn. Như chính những đảng viên có chức vụ cũng không giấu giếm rằng "có đến 90% đảng viên có chức quyền tham nhũng". Nhất là sau các chiến dịch chống tham nhũng do chính ông Trọng khởi động, từ nay tới cuối năm, sẽ có sự ra đi của cả những ủy viên bộ chính trị cộm cán.

Nhưng vấn đề sẽ được đặt ra là khi nhất thể hóa hai chức năng chính trị và kỹ thuật vào làm một, thì yếu tố kỹ thuật bắt buộc phải giữ vai trò quyết định. Một cán bộ chuyên trách công tác đảng không thể đảm nhận chức năng điều hành sản xuất của một giám đốc hay một trưởng ngành. Cho đến hiện tại, giám đốc điều hành sản xuất thông thường là người thuộc ngành kỹ thuật và giữ chức phó bí thư. Bí thư đảng chỉ làm công tác chính trị thuần tuý, không có chức danh bên chính quyền.

Nếu nhất thể hóa chức danh đảng và chính quyền sẽ xảy ra một điều là phía chính quyền, bên kỹ thuật sẽ lấn sang chiếm chỗ của bên đảng chứ không có chiều ngược lại, như vậy là tạo ra mâu thuẫn ngay trong lòng tổ chức. Vì các cơ quan nắm quyền tổ chức, quyền xây dựng đảng, cụ thể là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Đinh Thế Huynh và ông Phạm Minh Chính là những người chịu trách nhiệm tổ chức cải tổ lại chỉ là những cán bộ chuyên trách đảng, không có nghiệp vụ kỹ thuật và chưa hề kinh qua quản trị sản xuất, không có kinh nghiệm về mặt chính quyền. Sẽ đặt ra một xu hướng là Thủ tướng sẽ kiêm nhiệm chức Tổng bí thư đảng, chứ không phải là Tổng bí thư đảng kiêm làm Thủ tướng.

Nếu Ban bí thư phát động nhất thể hóa, có khác gì tự tiêu diệt. Ban bí thư chỉ gồm những nhà lý luận chuyên nghiệp, những chuyên trách đảng nhà nghề, không được đào tạo kỹ trị và không kinh qua các chức vụ quản trị sản xuất.

Như vậy, nhất thể hóa không thể được thực hiện nếu chỉ nhằm mục tiêu tập quyền.
Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức trung ương, người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện nhất thể hóa, nguyên là Bí thư Quảng Ninh, nơi được giao khởi thủy các thí điểm nhất thể hóa cấp tỉnh, theo Nghị quyết Đại hội XI. Việc ông Chính trúng tuyển Ủy viên bộ chính trị tại Đại hội XII và giữ chức Trưởng ban Tổ chức trung ương đảng, chính là phản ánh quyết tâm của Bộ chính trị và của ông Nguyễn Phú Trọng và Ban bí thư.

Những hình thái trái ngược quy luật phát sinh từ cơ chế đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, đẩy đảng đứng trên hiến pháp và đứng ngoài hệ thống quản trị quốc gia, đã tạo ra những mâu thuẫn không thể khắc phục.

Biến hình như thế nào để đảng không đứng trên và đứng ngoài hệ thống mà vẫn giữ nguyên chế độ, giữ nguyên quyền lãnh đạo quốc gia ? Có nghĩa là làm thế nào để hợp thức hóa chế độ bằng con đường cải cách thể chế ? Câu hỏi đang chưa có đáp án.

Ở Trung Quốc, đảng cộng sản đã nhìn thấy trước sự vênh váo khập khiễng của thể chế đảng cai trị, nên từ nhiều năm, đã che giấu bằng cơ chế Tổng bí thư đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Nhưng từ Đại hội 18, Tập Cận Bình đã khởi động một cuộc cải cách tiếp tục. Với giấc mơ Trung Hoa trở thành siêu cường thủ lĩnh khu vực, chia thế giới với Mỹ, Tập Cận Bình biết rất rõ Trung Quốc không thể được chấp nhận vai trò dẫn dắt khu vực mà không phải là một quốc gia dân chủ.

Ông Tập Cận Bình đã tỏ ra bối rối khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói tuần trước, 15/03/2017, tại Singapore rằng, "Trung Quốc không thể dẫn dắt khu vực vì nước này phi dân chủ".

Và Tập Cận Bình lựa chọn giải pháp thông qua Quốc Hội.

Ông Ngô Tổ Lai, học giả Trung Quốc đang sinh sống tại Mỹ, nhận định : "Ông Tập Cận Bình có khả năng đang cân nhắc việc sau khi hết hai nhiệm kỳ giữ chức Tổng bí thư sẽ chuyển sang giữ chức Chủ tịch Ủy ban thường vụ của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, đồng thời sẽ đem quân quyền giao cho Đại hội Đại biểu nhân dân. Nếu làm như vậy thì quân đội và quốc gia sẽ thực sự thuộc về nhân dân, và có khả năng giải tán Đảng Cộng sản Trung Quốc một cách hợp pháp".

Dân chủ hóa Trung Quốc để trở thành thủ lĩnh khu vực, đấy chính là giấc mơ Trung Hoa, cũng đồng thời là giấc mơ của Tập Cận Bình, khi ông không che giấu tham vọng đưa cái tên của ông vượt qua Đặng Tiểu Bình để xếp ngang hàng với Mao Trạch Đông.

Ở Việt Nam, trí khôn của cái tinh hoa cộng sản chưa từng vượt qua cái tinh hoa ở Trung Nam Hải. Những gì Trung Quốc làm, mười năm sau mới đến được Việt Nam. Cứ theo lôgích này, thì dẫu có nhất thể hóa vào cuối năm nay, ông Đinh Thế Huynh cũng sẽ phải đợi ông Bình làm xong dân chủ tại Trung Quốc. Nếu ông Bình tiến hành hủy bỏ chế độ Ban thường vụ, bắt đầu tiến trình giải tán Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ Đại hội 19, thì ít ra cũng phải mất 10 năm nữa, khi ấy, chắc ông Đinh Thế Huynh đã phải về hưu.

Người ta sẽ phải nhìn vào ông Võ Văn Thưởng, trừ phi ông Đinh Thế Huynh có ý định vượt qua Trung Quốc, để chứng tỏ Văn hóa Hoa Hạ là văn hóa kế thừa nền văn hóa Lạc Việt, chứ không phải ngược lại.

Ngạn ngữ Việt có câu "theo voi ăn bã mía", không biết xuất hiện từ đời nào, nhưng chắc chắn là nhằm vào đội ngũ những cái đầu trong Bộ chính trị thời nay tại chế độ độc đảng cộng sản. Cứ đi sau con voi Tàu Cộng, thì chỉ còn "bã".

Paris, 25/03/2017
Bùi Quang Vơm 




No comments:

Post a Comment

View My Stats