Thursday 30 March 2017

LÝ GIẢI CHÍNH SÁCH CHỐNG NHẬP CƯ CỦA TRUMP (Ricardo Hausmann - Project Syndicate)




Ricardo Hausmann  -  Project Syndicate  
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Mùa hè năm 2015, cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper có vẻ như sẽ đắc cử lần thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm ấy. Tuy nhiên, Đảng Bảo thủ của ông chỉ giành được 99 trong tổng số 338 ghế tại Hạ viện. Đảng này không giành được một đơn vị bầu cử nào tại Toronto hay toàn bộ vùng bờ biển Đại Tây Dương. Thay vào đó, Đảng Tự do do Justin Trudeau lãnh đạo đã chiếm được số ghế lớn thứ hai tại nghị viện trong lịch sử của mình, 184 ghế, dù xuất phát điểm chỉ ở vị trí thứ ba thời gian đầu chiến dịch tranh cử.

Tình thế đảo ngược vận may nhanh chóng này bị tác động bởi các sự kiện diễn ra cách đó hàng nghìn dặm. Vào đầu giờ ngày 2 tháng 9 năm 2015, tại Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, một gia đình người Kurd gốc Syria đã lên một chiếc xuồng để sang Hy Lạp. Vài phút sau, chiếc xuồng bị lật úp, Rihanna Kurdi cùng hai con là Ghalib và Aylan bị chết đuối. Một nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ có tên Nilüfer Demir đã cho đăng lên Twitter bức ảnh xác của cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi nằm trên bờ biển. Bức ảnh gây chấn động thế giới và nó cũng chấm dứt sự nghiệp chính trị của Harper.

Mùa xuân trước đó, Harper từng ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc tịch và Nhập cư Chris Alexander đánh giá lại chính sách nhập cư của Canada, nhằm đảm bảo những tên khủng bố sẽ không được cho nhập cảnh, một động thái khiến cho toàn hệ thống gần như chững lại. Trước đó một tháng, ông từng cân nhắc việc cấm sử dụng mạng che mặt niqab tại những nơi công cộng, làm dấy lên nghi ngờ về động cơ thực sự đằng sau quyết định đối với người tị nạn.

Tima Kurdi, dì của Aylan Kurdi, một người dân sống tại Vancouver, từng nỗ lực đưa Aylan và gia đình tới Canada nhưng không thành sau các quyết định nhằm vào người tị nạn của Harper. Bất ngờ thay, một chính sách nhằm mục đích bảo vệ người Canada trước chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã trở thành một chính sách xúc phạm đến cách người Canada nhận thức về chính mình: một xã hội giàu lòng yêu thương và khoan dung. Harper đã phải trả giá đắt vì điều đó.

Những sự kiện tương tự cũng xảy ra ở bên kia biên giới về phía nam. Ở đó, Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái, sau khi hứa với cử tri về lệnh cấm đi lại áp dụng đối với người Hồi giáo, một bức tường tại biên giới với Mexico, và cả một “lực lượng trục xuất người nhập cư.” Nỗ lực đầu tiên của Trump nhằm thực thi lệnh cấm đi lại đã bị tòa án ngăn cản sau khi gây ra tình trạng lộn xộn tại các sân bay, các trường đại học, và khiến nhiều gia đình bị chia cắt. Hiện chính quyền của Trump đang chuẩn bị một lệnh cấm đi lại mới.

Hai lý do, dựa trên một số tiến bộ mới đây trong ngành tâm lý học và khoa học thần kinh, có thể lý giải tại sao người Mỹ và người Canada lại có phản ứng khác biệt tới vậy. Lý do thứ nhất dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về hành vi ra quyết định trong môi trường không chắc chắn được đề xuất từ “thuyết triển vọng” (prospect  theory) do Daniel Kahneman and Amos Tversky phát triển vào những năm 1980 và 1990.

Bất cứ một hạn chế nhập cư nào, theo Kahneman and Tversky, đều ám chỉ sự đánh đổi giữa hai sai lầm. Sai lầm Loại I liên quan tới việc cho nhập cảnh những kẻ khủng bố tiềm tàng. Sai lầm Loại II liên quan tới việc ngăn chặn những người nước ngoài vô tội. Để hình thành một chính sách phù hợp đòi hỏi phải cân bằng được hai rủi ro này, xét đến so sánh xác suất xảy ra của cả hai khả năng, đồng thời mức độ bạn quan tâm tới cuộc sống yên bình của người dân và những gián đoạn trong hành trình của những người nhập cư tiềm tàng. Bạn sẵn sàng hủy hoại hay gây nguy hiểm cho bao nhiêu sinh mạng vô tội để tránh một cuộc tấn công khủng bố?

Kahneman and Tversky lập luận rằng khi tính toán tới các khả năng, người ta thường mắc sai lầm theo hệ thống. Họ phạm phải điều này khi lục tìm trong trí nhớ về những sự kiện tương tự. Nếu họ được nhắc lại những vụ tấn công tại Paris và Nice, họ sẽ đánh giá quá mức khả năng xảy ra khủng bố. Nếu họ được xem bức ảnh về cậu bé Aylan Kurdi, có thể họ sẽ nghĩ ngược lại.

Bằng cách thao túng ấn tượng về một ký ức, bạn tác động tới nhận thức về rủi ro và sự cân nhắc các quyết định. Điều này có thể là lý do vì sao phe của Trump đã phóng đại các rủi ro của tấn công khủng bố bằng cách “sáng tác” thêm nhiều tên gọi mới cho các sự kiện tưởng tượng, chẳng hạn như “Bowling Green Massacre” (Thảm sát tại Bowling Green), và gần đây hơn là “last night in Sweden” (đêm hôm qua tại Thụy Điển) [đây là những sự kiện không có thật – NBT].

Trump có thể lập luận rằng bất kỳ một rủi ro nào nhằm vào người Mỹ đều không thể chấp nhận được, dù cho có bao nhiêu Aylan Kurdi phải chết hay bao nhiêu cuộc đời bị hủy hoại đi chăng nữa. Song, trong trường hợp này, làm sao ông ta có thể yêu cầu lính Mỹ đặt mạng sống của họ vào nguy hiểm tại Mosul hay Kandahar? Yêu cầu người lính phải  hi sinh như vậy liệu chẳng phải phần nào là không thỏa đáng hay sao, nếu Trump lo lắng cho sự bình yên của những người khác đến vậy? Và có phải người Mỹ có truyền thống vô cảm trước những thứ xảy đến với người dân các quốc gia khác?

Lý giải thứ hai đến từ các nghiên cứu tâm lý, được tóm tắt bởi Bruce Hood trong cuốn sách mới đây của ông, The Self Illusion, liên quan tới vai trò của ý thức khi ra quyết định. Nghiên cứu mới đây từ phòng thí nghiệm chỉ ra rằng các suy nghĩ có ý thức của chúng ta sinh ra các lý do cho nhiều quyết định mà não bộ chúng ta thường đưa ra một cách vô thức.

Ví dụ, nguyên Tổng thống Mỹ George W. Bush có thể đã quyết định xâm lược Iraq và lật đổ Saddam Hussein vì nhiều lý do: ưu thế chiến lược, lo ngại nhân đạo, hay thậm chí là sự cạnh tranh với cha mình. Phần lớn trong số này đều không liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt (mà Bush cáo buộc Iraq sở hữu – NBT). Song người ta vẫn sử dụng lập luận về loại vũ khí này bởi vì đó là lý do dễ biện minh nhất nếu xét đến bối cảnh lúc đó.

Liệu lệnh cấm đi lại có thực sự là nhằm bảo vệ người Mỹ hay có những động cơ nào khác? Hãy xét tới thực tế rằng lệnh cấm này được áp dụng đối với bảy quốc gia. Tại sao quốc tịch một người tị nạn lại được coi là một công cụ dự đoán hữu hiệu để đánh giá ai có khả năng là khủng bố? Xét cho cùng, không một người tị nạn Hồi giáo nào từng phạm tội khủng bố tại Mỹ, và cũng không một hành động khủng bố nào tại Mỹ từng được thực hiện bởi người dân của bảy nước mà Trump đang nhắm tới.

Một bệnh nhân ung thư người Syria hay một học giả lỗi lạc người Iran liệu có trở nên nguy hiểm hơn chỉ vì quê hương gốc gác của họ? Liệu chúng ta có thể không tin tưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo khi họ đưa ra những đánh giá này nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ thông tin về quê hương của người tị nạn?

Vấn đề ở đây là lệnh cấm đi lại áp dụng đối với người Hồi giáo, hay bức tường biên giới với Mexico cũng vậy, có thể không liên quan nhiều tới các lý lẽ mà họ đưa ra nhằm biện minh so với những cân nhắc, thậm chí vô thức, khác. Xét cho cùng, chính sách này không phải do cơ quan an ninh nội địa đề ra mà chính là do Stephen Bannon, một “chiến binh văn hóa” tận tụy của Trump.

Người ta có thể ủng hộ những biện pháp này vì lo rằng nếu người nào không thực sự giống “chúng ta” cũng được phép trở thành một phần của “chúng ta”, chúng ta sẽ không còn thực sự là “chúng ta” nữa. Song chúng ta có thực sự là “chúng ta” nếu như bản thân chúng ta khép lại lòng khoan dung và tình yêu thương?

*
Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard và là Giáo sư ngành Kinh tế tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Refugees as Weapons of Mass Destruction




No comments:

Post a Comment

View My Stats