Sunday 26 March 2017

SỢ HÃI, HY VỌNG & TRỤC XUẤT (Mary Jordan, Kevin Sullivan và Scott Clement - The Washington Post)




Mary JordanKevin Sullivan và Scott Clement  -  The Washington Post
Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

(Lời người dịch: Trên các trang mạng cũng như qua các email, những người ủng hộ Trump và chống Trump vẫn còn tiếp tục tranh cãi nhau, có khi rất dữ dội, thậm chí đi đến chỗ mắng mỏ nhau đủ điều. Bài báo này cũng là chuyện chống Trump và ủng hộ Trump, xuất hiện trên một tờ báo được xem là có khuynh hướng chống-Trump, Washingtonpost. Nhưng khác một điều, nó kể lại một câu chuyện với những chi tiết rất đời thường, rất cụ thể, rất đơn giản. Nó cho thấy nước Mỹ vần tồn tại những vấn nạn, mà dù Trump hay Hillary hay một ai khác – và dù tại vị một hay hai hay ba… nhiệm kỳ tổng thống – cũng không thể giải quyết được ngay và giải quyết một lần là xong xuôi. Phóng sự này nêu lên một trong những vấn nạn đó: chuyện di dân. Xin mời.)        

(Bà Estes đang xem hình ảnh cũ) 

Vào lúc 4 giờ 30 sáng trong một ngày thứ hai lộng gió, Tamara Estes uống một viên B12 để có thêm năng lực và uống thêm dầu cá để trị chứng viêm khớp ngón tay. Dù uống thuốc ngủ hàng đêm, bà luôn luôn thức dậy sớm trước khi mặt trời mọc, sẵn sàng đi làm, một việc làm nhắc nhở về những điều khiến cho bà tức giận về nước Mỹ.

Bà là tài xế lái xe chở học sinh trên tuyến đường đi ngang qua khu Bắc Texas, nơi gồm toàn là người Mễ Tây Cơ cư trú bất hợp pháp. Bà đón khoảng chừng 100 [học sinh là] con cái họ và chở chúng đến các trường công lập được tài trợ bởi những người Mỹ đóng thuế. Trong đó có bà.

(Gia đình Nevarez, từ trái: con gái, Nevarez (cha), Rainier (con trai), Reyes (mẹ

Sống cạnh nhà bà là một gia đình di dân, và khoảng thời gian trước lúc rạng đông, họ cũng thức dậy khua động ồn ào. Khi người cha rời nhà đi làm ở một công trình xây cất nào đó, thì bà mẹ chiên trứng và đổ vào món bánh bắp nóng. Họ đã làm việc ở Mỹ cả hai thập niên chẳng có giấy tờ hợp pháp, nhưng bốn đứa con của họ được sinh ra ở đây và do đó, là những công dân Mỹ - hay, như Estes và tổng thống Trump thường gọi, đó là những “đứa bé mỏ neo” (anchor babies). Đứa lớn nhất, Rainier Corral, 15 tuổi, ra khỏi giường mang theo cặp sách và hộp kèn trumpet. Cậu ta là một đứa bé rắn chắc nặng 188 pound, chơi cho đội bóng bầu dục trường trung học, một học sinh xuất sắc muốn theo học ngành cơ khí tại trường Texas A&M. Gia đình của cậu luôn luôn tin ở vùng đất hứa Mỹ, nơi họ đã dành dụm đủ tiền để mua một căn nhà riêng và là nơi con cái đi học những trường tốt. Nhưng bây giờ khi [tổng thống] Trump dọa sẽ trục xuất hàng triệu người – và ngay cả thay đổi luật vốn đã cho con cái họ quốc tịch Mỹ -, họ rất sợ hãi.

Trong lúc đó, bà Estes lại tràn đầy niềm hy vọng. Đã nhiều năm rồi, bà cảm thấy bà đang sống trong một Giấc Mơ Mỹ nghịch đảo, cuộc sống bà cứ tụt hậu, mà bà tin rằng một phần là do những di dân bất hợp pháp đã lấy đi những việc làm tốt và khiến bà đóng thuế nhiều hơn. Giờ đây khi Trump hứa hẹn “lấy lại xứ sở của chúng ta”,bà nghĩ là cuộc sống bà sẽ khá hơn.

Đó chính là lý do chia rẽ họ ngay lúc khởi đầu của kỷ nguyên Trump: để cho một tổng thống giữ đúng lời hứa với hàng triệu cử tri da trắng thuộc giai cấp thợ thuyền bầu cho mình như Estes, Trump đe dọa trục xuất hàng triệu di dân thợ thuyền giống như gia đình ở nhà kế cận. 

Những đứa bé mỏ neo 

Trên quãng đường 20 dặm đến trạm xe nhà trường, khi lái xe, bà thường lắng nghe chương trình phát thanh có xu hướng bảo thủ, nơi bà thu lượm hầu hết tin tức trong ngày. Bà vặn làn sóng 660 AM để lắng nghe Mark Davis, một xuớng ngôn viên nổi danh ở Texas, ca ngợi Trump, bài bác những kẻ có xu hướng tự do và khiến cho bà hoài nhớ lại những tháng ngày đẹp đẽ hơn trước đó. Bà nói: “Tôi mong chúng tôi có thể trở lại thời kỳ khi chúng tôi có thể sống mà không phải bon chen lo lắng gì.” Bà Estes bây giờ 59 tuổi, ly dị, và kiếm được 24 ngàn mỗi năm. Với bốn ngày nữa mới có lương mới, bà chỉ còn đúng 118,72 đô la trong trương mục ngân hàng. Số lương mà bà kiếm được hơi quá nhiều để đủ điều kiện hưởng hầu hết trợ cấp chính phủ, nhưng lại quá ít để mua bảo hiểm sức khỏe với giá quá cao hàng tháng và những khoản khấu trừ ngoài khả năng. Khi bà bị gãy cánh tay năm rồi, bà bó lại bằng một thanh nẹp 15 đồng mua ở tiệm thuốc tây và  uống thuốc giảm đau cả tháng.

Theo cách nhìn của bà, đời sống có vẻ dễ dàng đối với những di dân Mễ bất hợp pháp hơn những người Mỹ da trắng giai cấp công nhân phải đóng thuế. Khi đời sống của bà trở nên khó khăn hơn, bà tin rằng của cải của những “kẻ bất hợp pháp” lại tăng lên và bà phải trả giá cho điều đó. [Điều đó] ít làm bà cay đắng hơn là “những dứa bé mỏ neo”, chúng đuợc hưởng những phúc lợi của chính phủ, kể cả Medicaid, được đi học trường công và được trợ giúp thực phẩm.  Bà Estes phẫn nộ vì phải trả giá cho tấm lưới an toàn của họ trong khi bà cảm thấy bà chẳng có gì. Bà nói, “Tôi không thể kéo hoàn cảnh tôi lùi lại thời gian 20 năm trước. Một phần là do lỗi của tôi. Một phần [khác] thì không do tôi.”

Chính phủ Hoa Kỳ đã cấp “quốc tịch do sinh đẻ” (birthright citizenship) cho những đứa bé sinh ra trên đất Mỹ, bất chấp tình trạng pháp lý của cha mẹ chúng, ngay từ sau cuộc Nội Chiến [1861-1865]. Quốc hội và các tiểu bang đã thừa nhận Tu Chính Án thứ 14 ghi vào Hiến Pháp vào năm 1868, chủ yếu là bảo đảm quyền công dân cho những người nô lệ vừa được giải phóng.

Trên ba thập niên vừa qua, ngoại trừ Canada, các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã bãi bỏ hay hạn chế cấp quyền công dân do sinh đẻ giữa lúc làn sóng di dân và tỵ nạn tăng cao. Nhưng ở Hoa Kỳ, mọi thứ vẫn duy trì như cũ. Năm 2014, 7% những trẻ con ra đời ở Mỹ - khoảng 275 ngàn  – là con cái của những người cư trú bất hợp pháp, theo Pew Research Center, một cơ quan thăm dò dư luận phi đảng phái. Ở Texas, những di dân không giấy tờ chiếm đến 1/4 tất cả các ca sinh nở được Medicaid tài trợ vào năm 2015 - hơn 54 ngàn trẻ sơ sinh – theo số liệu từ Sở Dịch Vụ Y Tế Texas (Texas Health and Human Services Commission). Cái giá phải trả của những người thọ thuế là 116 triệu đô la. Những người bảo vệ quyền công dân do sinh đẻ cho rằng hội nhập những di dân dự phần vào cái đã khiến cho Hoa Kỳ trở thành một quốc gia ngoại hạng, và do đó, phủ nhận quyền công dân của những trẻ con này sẽ tạo ra một số lượng lớn trẻ sơ sinh sống ngoài vòng pháp luật. [Trong lúc đó], những người chỉ trích thì cho rằng điều đó sẽ khuyến khích thêm số di dân bất hợp pháp và làm tiêu hao tài nguyên quốc gia. 

(Bà Tamara Estes đang cho gà ăn)

Bà Estes thích thú nghe Trump tấn công tình trạng quốc tịch do sinh đẻ trong cuộc vận động tranh cử khi ông phát biểu, “Một phụ nữ có thai. Đợi được chín tháng, bà ta bước qua biên giới, bà ta sinh con ở Mỹ, và chúng ta phải chăm sóc đứa bé này trong vòng 85 năm. Tôi không chấp nhận điều đó.” Các thăm dò dư luận cho thấy đại đa số người Mỹ chống đối việc trục xuất hàng loạt, nhưng những người ủng hộ nòng cốt của Trump tỏ ra rất kiên định về điều đó: theo thăm dò gần đây của CNN/Kaiser, 55 phần trăm những người da trắng không có bằng đại học muốn tất cả mọi người sống trong xứ sở này một cách bất hợp pháp phải bị trục xuất.

Nhìn vào đâu, bà Estes cũng đều được nhắc nhở rằng xứ sở của bà đang thay đổi. Số ghi danh học ở Texas của những người da trắng giảm xuống dưới 30%. Học sinh Tây Ban Nha chiếm đa số. [Cơ quan thăm dò] Pew [Research Center] ước tính hơn 13% các học sinh Texas là con cái của những di dân bất hợp pháp. Bà Estes muốn có một công việc có lương cao hơn nhưng rất khó kiếm lúc này đối với những ai chỉ biết nói tiếng Anh. Câu hỏi đầu tiên cho bất cứ cuộc phỏng vấn tìm việc nào là “anh/chị có biết nói tiếng Tây Ban Nha không?”(Habla español?). Bởi thế khi Trump bắt đầu nói chuyện về việc trục xuất những di dân bất hợp pháp, những người vốn “trực tiếp ganh đua với những công nhân Mỹ ở thế yếu” [theo cách nói của Trump], bà Estes đi tham dự những cuộc vận động của ông và mang về tấm bảng hiệu quảng cáo cho Trump cắm ngày trước bồn cỏ nhà bà. Bà bắt đầu được biết với tên “Trump Lady” (Bà Ủng Hộ Trump) trên xe buýt trường do bà lái, chiếc xe, vào buổi sáng thứ hai này, khi đến gần nơi trạm dừng đầu tiên, [bà nhìn thấy] một bé gái nhỏ nhắn thu mình trong chiếc áo choàng xám với chiếc cặp sách sau lưng, nói bằng tiếng Anh với bà mẹ chỉ biết nói tiếng Tây Ban Nha: “Con yêu mẹ!”

Trong vòng hai tiếng đồng hồ, bà Estes đón khoảng vài chục học sinh. Trên những ghế ngồi ngay sau lưng bà, bọn chúng trò chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ ngôn ngữ mà bà không hiểu. Bà cảm thấy lòng sôi sục giận về những đồng tiến thuế mà bà phải đóng để trả cho việc học hành của chúng. Nhưng tính bà vốn yêu thích trẻ con, vả bà không muốn bị mất việc làm. Cho nên, [dằn lòng ] bà mỉm cười và nói một câu vốn được lập đi lập lại nhiều lần:

“Nhớ cẩn thận khi bước xuống xe. Chúc tất cả các em một ngày tốt đẹp.” 

Giá cả và đóng góp     
         
Khi bà Estes bắt dầu đi làm, Rainier đang ở trong bếp nhà bên cạnh, kiểm tra điện thoại xem có tin tức gì mới không. Mẹ cậu, chị Azucena Reyes, 34 tuổi, hỏi cậu bằng tiếng Tây Ban Nha trong khi đang làm món trứng trên bếp: “Có uống cà phê không con?” “Không, mẹ,” cậu trả lời bằng tiếng Anh, trong lúc đẩy cốc cà phê đi để xem tin tức của trang mạng “Young Turks” trên YouTube, nhìn thấy tựa đề nổi bật: “Đội Trục Xuất của Trump đã ra quân.” Rainier ra đời 4 tháng sau khi chị Reyes, lúc đó [là một cô gái] 18 tuổi, nhập cảnh Hoa Kỳ bằng một hộ chiếu du lịch, hy vọng mang lại cho đứa con chị một đời sống tốt đẹp hơn đời sống mà cậu sẽ phải có trong một thành phố nhỏ nghèo nàn ở Durango, Mexico. Cậu luôn luôn cảm thấy mình là một người Mỹ hoàn toàn, chẳng khác gì với những bạn da trắng cùng lớp. Nhưng bây giờ, trong cái quận hạt đã bầu cho Trump đến 83%, bỗng nhiên, cậu nghe người ta nói như tát vào mặt: “Cút về xứ mày đi” hay “Đi cắt cỏ đi.”    
      
Tiếng đồn trục xuất lan khắp. Một người bạn nói với Reyes rằng những viên chức trục xuất đã bắt người tại chợ Walmart. Những người khác thì nói việc đó xảy ra ở một tiệm khác. Hay tại các rào chắn ngoài đường. Toàn gia đình bây giờ ở nhà thường xuyên hơn nhưng hôm qua vẫn đi nhà thờ, nhập cùng với cả 1400 người khác tại một thánh lễ công giáo sử dụng tiếng Tây Ban Nha. Vị linh mục của họ nói có nhiều người hơn đã bỏ đi lễ, sợ rằng các viên chức đặc vụ liên bang có thể đang giám sát nhà thờ. Chị Reyes cũng lo lắng nhưng chị nói chị và gia đình chị đồng ý cho phỏng vấn về câu chuyện vì họ muốn người ta hiểu rõ hơn những người di dân vốn đang bị đe dọa trục xuất. Chị nói, giữa quá nhiều “sự bất trắc và sợ hãi, tôi hy vọng chúng tôi có thể làm một số điều tốt.”

Đối với Rainier, những gì đang xảy ra thật không công bằng. Người Mỹ thuê những người bất hợp pháp xây nhà cho họ, gặt hái mùa màng cho họ, cắt cỏ vườn tược cho họ, rửa chén đĩa cho họ. Họ cảm thấy hạnh phúc khi làm những việc nhọc nhằn, lương thấp chẳng ai muốn. Bù lại, họ thích được sống không sợ hãi vì phải bị trục xuất. Rainier tin rằng những gia đình giống như gia đình cậu đang là nguyên nhân cho những vấn đề mà họ không tạo ra. Cậu nói, “Hầu hết trong số họ là những người bình thường đang cố tìm cách có một đời sống tốt đẹp hơn. Trục xuất những người có hồ sơ tội phạm thì không sao. Còn trục xuất những gia đình không làm điều gì sai trái thì là chuyện khác.”

    (Rainier đang chơi đàn) 

Tổng thống Trump lý luận rằng những di dân bất hợp pháp cướp công ăn việc làm của những người công nhân Mỹ, hạ thấp tiền lương của họ và là gánh nặng cho chính phủ. Các nghiên cứu xác nhận điều này có phần đúng, ít nhất là trong ngắn hạn. Năm rồi, một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng do “National Academìes of Sciences” thực hiện tìm thấy rằng những công nhân không giấy tờ có thể hạ thấp luơng bổng chút ít đối với loại công việc ít đòi hỏi kỹ năng. Nhưng cuộc nghiên cứu đó cũng cho thấy “từ ít đến chẳng có hiệu quả tiêu cực nào trên lương bổng nói chung và trên công việc của những người công nhân Mỹ trong dài hạn.” Cùng một nghiên cứu cho thấy rằng những di dân mới đến là gánh nặng cho những người trả thuế, nhất là chi phí giáo dục con cái họ. Nhưng những đứa trẻ này, và con cái của họ về sau, không những đã bù vào khoảng chi phí đó, mà còn đóng thuế cho tiểu bang và cho các chính quyền địa phương nhiều hơn là các dịch vụ mà họ thụ hưởng. Hầu hết những nhà kinh tế không quy cho những di dân bất hợp pháp về sự suy đồi của giai cấp công nhân Mỹ. Họ lý luận rằng những di dân đó làm gia tăng tài sản quốc gia bằng cách trám vào những việc làm lương thấp không ai muốn, góp phần hạ thấp giá cả của nhiều hàng hóa và dịch vụ.

Cha mẹ của Rainier đã nhiều năm làm công việc lau chùi nhà cửa, làm công nhân trong một nhà máy keo dán, lắp đặt phòng tắm, lót gỗ chân tường. Bốn năm trước, họ thu góp tiền tiết kiệm mua một căn nhà nhỏ bị nhà băng kéo, trả 40 ngàn đô la tiền mặt. Bây giờ họ trả thuế tài sản 1,400 đô la hàng năm. Họ khai thuế lợi tức liên bang khoảng chừng 30 ngàn nguyên năm, bao gồm cả phần tiền giữ lại cho An Sinh Xã Hội và Medicare - những phúc lợi mà có lẽ họ không bao giờ nhận được. Tính trên toàn quốc, những di dân bất hợp pháp trả khoảng chừng 11,7 tỷđô la hàng năm thuế lợi tức tiểu bang và địa phương, thuế mua bán và thuế tài sản, kể cả 1,5 tỷ ở Texas, theo số liệu của cơ quan “Institute on Taxation and Economic Policy.” Và hơn 4 triệu người không có số An Sinh Xã Hội - hầu hết đều là di dân bất hợp pháp - nạp thuế lợi tức liên bang sử dụng số “Individual Taxpayer Identification” (Căn Cước Thuế Cá Nhân) do “Sở Thuế Liên Bang” (IRS) cấp phát.

Gia đình Rainier đã cố gắng hợp pháp hóa tình trạng di dân của họ trong vòng hai thập niên qua. Từ năm 1997, cha cậu, Nicolas Nevarez, 38 tuổi,  đã nạp đơn xin cấp một thẻ thường trú nhân xuyên qua thân phụ mình, một công nhân bất hợp pháp được cấp quốc tịch theo chương trình ân xá 1986 của tổng thống Reagan. Năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ phát hành chỉ 801 giấy thị thực nhập cảnh thuộc diện của anh - một người lớn Mễ có gia đình, con của một công dân Mỹ - trong một danh sách chờ hơn 240 ngàn người. Luật sư của Nevarez bảo anh phải kiên nhẫn. Nevarez nói, “Tôi cố gắng làm đúng thủ tục mọi việc. Nhưng đã 20 năm nay rồi mà?” [không thấy kết quả]

Nevarez và Reyes không có bảo hiểm sức khỏe và thường lo sẽ bị bệnh, mặc dầu con cái họ lại được hưởng Medicaid. Khi Rainier cần mổ đầu gối năm rồi, cậu được bao trả toàn bộ chi phí. Cha mẹ cậu nói cậu nên xem trọng cơ hội mà cậu có khi sống ở Hoa Kỳ - và cậu đã nghe lời. Nhưng cậu không biết làm sao để trả tiền học đại học, cho nên, cậu nghĩ đến chuyện đăng ký vào quân đội Mỹ ngay sau khi hoàn tất trung học. “Đó là xứ sở tôi và tôi muốn phục vụ,” cậu vừa nói vừa xách hộp đựng kèn và cặp sách rồi đi học. 

Tụt xuống từ giai cấp trung lưu 

Sau khi chấm dứt chuyến đưa đón sáng, bà Estes đậu chiếc xe buýt vàng và bấm giờ nghỉ. Lúc đó là 9 giờ sáng. Chuyến chiều bắt đầu vào lúc 2 giờ 30. Quá tốn xăng lái đi lái về, bà phải ngồi đợi [hơn 5 tiếng đồng hồ] trong chiếc xe Honda của bà đậu trong bãi đậu xe, không được trả đồng lương nào.

Bà ăn một cái bánh nướng xốp lấy ra từ cái túi nhựa và lắng nghe đài phát thanh, nơi Mark Davis ca ngợi tuần lễ đầu tiên của tổng thống Trump sau khi nhậm chức. Estes nghĩ rằng Trump đã có một khởi đầu tuyệt đẹp. Bà muốn  chào mừng vị tân tổng thống khi ông phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức rằng “Những người đàn ông và đàn bà bị lãng quên của xứ sở chúng ta sẽ không còn bị quên lãng nữa.” Bà có cảm tưởng như thể Trump đang nói trực tiếp với chính bà.

Estes sinh trưởng ở Dallas, trong một ngôi nhà lớn có hồ bơi. Bà có cả con ngựa riêng của mình. Mẹ bà chết khi bà mới lên 4, nên bà sống với cha, chủ một tiệm  kinh doanh nhỏ thường lái chiếc xe Thunderbird màu đỏ có thể mở mui (convertible). Nhưng rồi ông mất khi bà lên 19. Bà vội vàng lập gia đình, có hai con và ly dị lúc 26 tuổi. Bà đã làm nhiều việc trong cuộc đời mà được trả lương càng ngày càng ít. Bà đã từng là kỹ thuật viên mổ (scrub tech) ở một bệnh viện, một giao dịch viên chuyên giao các bản thiết kế nhà cửa cho thiết kế viên, một tài xế đưa đón khách đi sòng bạc. Mấy năm trước đây, bà chuyển về ở vùng bắc Dallas, nơi bà có thể mua một căn nhà nhỏ trên một mảnh đất rộng 2 acre tách ra từ một dải đất rộng của những cánh đồng lúa mì.

Bây giờ, ở tuổi [gần] 60, là người đã từng được nuôi nấng trong tiện nghi của một gia đình thượng lưu, bà hiện sống trong nỗi căng thẳng của một công nhân. Bà tiếc là đã không đi học đại học và trở thành một bác sĩ thú y. Qua đài phát thanh, bà nghe rằng những việc làm tốt dành cho những người chỉ có bằng trung học đã vì toàn cầu hóa và tự động hóa đánh cắp: đó là Trung Quốc và người máy. Bà biết rằng phải cần nhiều thời gian để Trump mới có thể mang công ăn việc làm trở lại. Nhưng bà rùng mình  khi thấy ông tiếp thục thực hiện lời hứa là đuổi cổ những “người bất hợp pháp”. “Họ sẽ ra khỏi chốn này hết sức nhanh,” Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử vào tháng 9 năm 2015, trong khi Estes và 20 ngàn người khác reo hò cổ vũ. Bà cũng cảm thấy khoan khoái khi có một tổng thống rốt cuộc đang nói về “những đứa bé mỏ neo.”

Hầu hết những học giả luật đều nói rằng thu hồi quyền công dân do sinh đẻ (birthright citizenship) sẽ cần một tu chính án khác, một tiến trình phức tạp đòi hỏi sự chuẩn thuận của 2/3 thành viên hai viện quốc hội và sự phê chuẩn của ¾ tổng số các tiểu bang. Tuy nhiên, Trump, đã đề xuất một cách đơn giản là thách đố sự biện giải hiện hành [luật quốc tịch] tại tòa án.  Theo ông, qua lời phát biển trong một lần đi vận động, “Một số luật sư rất, rất giỏi” tin chắc rằng con cái của những di dân không giấy tờ là “không có quốc tịch Hoa Kỳ.”

Vào tháng 1, dân biểu cộng hòa (bang Iowa) Steve King tái giới thiệu Đạo Luật Quyền Công Dân Do Sinh Đẻ (Birthright Citizenship Act), theo đó quốc tịch chỉ được cấp cho một đứa bé nếu ít nhất một trong hai cha mẹ đã là công dân Mỹ, hoặc là một thường trú nhân hợp pháp hay một người không phải công dân nhưng phục vụ trong quân đội Mỹ. Một số viên chức Texas đã theo đuổi một phương pháp kín đáo (backdoor approach) nhằm cắt phúc lợi cho những đứa trẻ có cha mẹ bất hợp pháp bằng cách giới hạn những hình thức nhận dạng phụ huynh các em sẽ chấp nhận khi phát hành giấy khai sinh. Một khi không có giấy khai sinh, một đứa trẻ không thể chứng minh quyền công dân và do đó không tiếp cận được với các phúc lợi của chính phủ.

Sau khi những phụ huynh Mễ và Trung Mỹ kiện ở tòa án liên bang, những viên chức Texas năm ngoái đồng ý thừa nhận thêm nhiều hình thức nhận dạng, bao gồm những thẻ căn cước bầu cử ở Mễ Tây Cơ – nhưng chỉ sau khi hơn một ngàn trẻ sơ sinh đã bị từ chối giấy khai sinh, theo lời Jennifer Harbury, một luật sư làm việc với Texas Rio Grande Legal Aid. “Phe chống di dân rõ ràng là rất được khích lệ,” Harbury nói.

Ngồi trong xe, Estes đổi sóng qua đài 820 AM, nơi Rush Limbaugh đang lên giọng: “Di dân là lý do chính khiến cho Donald Trump đắc cử. Người ta đang ca ngợi những cuộc bố ráp [di dân] do ICE thực hiện.” (Ghi chú của ngưòi dịch: ICE=Immigration and Customs Enforcement/Cơ quan Cưỡng Chế Hải Quan và Di Dân). 

Giống nhau nhưng quá xa nhau 

Vào lúc bà Estes chấm dứt tuyến đường lái xe và trở về nhà, mặt trời đã lặn hẳn. Đèn xe chiếu sáng cả căn nhà nhỏ của bà, và những con chó bắt đầu sủa vang. Bà có nuôi thêm chó Doberman (một loại chó Đức) để kiếm thêm tiền.

Ít phút sau, anh Nevarez cũng lái xe vào nhà.

Công vệc hàng ngày đều đặn tương tự nhau ở cả hai ngôi nhà tiền chế nhỏ này, nằm trên một con đường phẳng lót nhựa đi vào vùng đồng cỏ Bắc Texas. Cả hai gia đình đều nuôi gà và chó, làm việc suốt ngày với số lương ít ỏi và đi nhà thờ cầu nguyện vào mỗi Chúa Nhật. Cả bốn năm nay, những người láng giềng đó hiếm khi trò chuyện với nhau. Có lần, Nevarez và một số di dân Mễ giúp Estes đào một huyệt mộ cho một trong những con chó của bà. Bà tỏ ra có chút thân thiện. Nhưng rồi tấm bảng hiệu quảng cáo cho Trump xuất hiện trên bãi cỏ trước nhà bà khiến họ mỗi ngày mỗi cách xa nhau thêm.

Tại bàn ăn trong bếp, Rainier, mới tập điền kinh xong, nhai ngấu nghiến bốn cái “enchiladas” (bánh bắp nhân thịt). Cha cậu ăn ít miếng. Anh ta mệt và chẳng muốn nói nhiều. Anh ta suốt ngày đứng trên cái thang cao 30 bộ, lắp cửa cho những ngôi nhà. Tóc anh lấm tấm bột mạt cưa. Ở nhà kế bên, Estes đang ở trong bếp, quá mệt không nấu ăn nổi. Thỉnh thoảng, bà ăn một ít miếng phô-ma sau khi làm một số việc lặt vặt buổi chiều. Nhưng khi bà kiểm tra tủ lạnh, chẳng còn gì trong đó. Bà chán nản buông mình xuống ghế. Bà nói rằng sự chống đối của bà đối với những “kẻ bất hợp pháp” không phải là chuyện cá nhân. Bà nói khi bà cần giúp một việc gì quanh nhà, những người láng giềng Tây Ban Nha sẵn sàng giúp trước khi “những người láng giềng da trắng của tôi giúp.” Bà nói bà không muốn những đứa trẻ trên xe buýt của bà nghĩ rằng bà là kẻ vô lương tâm khi bà ủng hộ những cuộc bố ráp bắt người để trục xuất. Nhưng bà nói một cái gì đó cần phải thay đổi.
Bà bật truyền hình. Bà đã thu lại 8 giờ trực tiếp truyền hình buổi lễ nhậm chức từ kênh C-SPAN [của tổng thống Trump] và một phim tài liệu dài hai giờ về Trump từ kênh “Lịch Sử”, bây giờ mới bắt đầu xem.

(Trong buổi lễ,] Trump lớn tiếng: “Họ là những kẻ thất bại. Họ là những đứa trẻ con!”
Bà cười. Chắc chắn là ông ta đang pha trò.

Giọng oang oang của Trump vang lên trong căn nhà nhỏ của bà: “Giai cấp công nhân sẽ đánh trả lại!”

Bà thốt lên: “Đúng vậy, đúng vậy!” 

TDN(24/3/2017)

-------------------------------

Nguyên bản: Fear, Hope and Deportations
Tác giả: Mary JordanKevin Sullivan và Scott Clement. Hình ảnh: Linda Davidson
(Washingtonpost ngày 18/3/2017)
.
Xem nguyên văn ở:





No comments:

Post a Comment

View My Stats