Friday, 28 February 2014

Y HỌC & CHÍNH TRỊ CẦN SA (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
Thursday, February 27, 2014 1:51:43 PM

LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các bài viết của Việt Nguyên trên www.ngay-nay.com.

****
Khuynh hướng cấp tiến dưới thời Tổng Thống Obama có chiều thuận lợi, sau khi những tiểu bang chấp nhận hôn nhân đồng tính luyến ái và chính quyền liên bang đồng ý các chương trình lợi ích cho các người phối ngẫu đồng phái nay đến cây cần sa được phép trồng và thuốc hút được phép bán.

Ðầu năm 2014, tiểu bang Colorado cho phép bán cần sa (Marijuana) như bán thuốc lá cho những người trên 21 tuổi, đến mùa Xuân này, tiểu bang Washington đồng ý chấp thuận theo đạo luật I-502 cho mở 334 tiệm bán cây cần sa.


Tiểu bang California và năm tiểu bang khác hiện nay cho phép dùng cần sa trong việc trị liệu y khoa cũng sẽ theo bước chân vào năm 2016. Tiểu bang Alaska đã bỏ phiếu thuận hợp pháp hóa cần sa năm 2014. 58% dân Mỹ ủng hộ luật hợp pháp hóa cần sa trong năm nay, 10% cao hơn năm ngoái. Các tiểu bang bảo thủ miền Nam vẫn xem sử dụng cần sa là bất hợp pháp, có tội nặng nhất là New Orleans, Louisiana, bị bắt gặp quả tang dùng, hút Marijuana, người dùng có thể bị tù 20 năm khổ sai.
Tổng Thống Obama trong bài phỏng vấn với báo New Yorker vào tháng 1 năm 2014 cho biết ông đã hút cần sa hồi còn trẻ thời đi học, một thói quen xấu nhưng không thấy thói quen ấy khác với thói quen hút thuốc lá và cần sa (còn được gọi là Pot vì trồng trong chậu) không nguy hiểm hơn rượu. Câu tuyên bố của TT Obama gây nổi giận cho giới bảo thủ và nhân viên cơ quan kiểm soát thuốc phiện DEA vì tổng thống nói không dựa vào bằng chứng thống kê. Hiện nay rượu gây ra 80,000 cái chết mỗi năm với 240 tỷ Mỹ kim thiệt hại cho cá nhân và xã hội trong 4 năm từ 2006 đến 2010 trong khi đó chưa có con số thống kê về tai họa của cần sa ở Hoa Kỳ. Nhân câu nói của Tổng Thống Obama 18 dân biểu Dân Chủ đã áp lực với tổng thống đề nghị loại cần sa ra khỏi danh sách thuốc bất hợp pháp. Cả hai giới bảo thủ và cấp tiến bỏ qua phần sau câu trả lời: “Không khuyến khích và cũng đã nói cho các cô con gái của ông biết thói quen hút cần sa không lành mạnh và phí thì giờ vô ích.”

Cần sa, Marijuana (còn được gọi là cỏ, pot, dope, hash, joint, buddha, green...) là chất kích thích thần kinh lâu đời nhất và được dùng nhiều nhất. Thống kê cơ quan Y Tế Thế Giới WHO cho thấy trong năm 2008 có đến 160 triệu người hút cần sa ít nhất là một lần trong lứa tuổi từ 50 đến 65 và 30 triệu người Mỹ đã dùng cần sa trong năm ngoái. Cây cần sa thông dụng nhất là Cannabalis Sativa dễ trồng ở vùng nhiệt đới và nơi khí hậu ôn hòa. Danh từ Marijuana do người Mễ Tây Cơ đặt, có nghĩa là thuốc lá rẻ tiền. Các nhà khảo cổ đã cho thấy cần sa đã được dùng ở Á Châu 4,000 năm trước công nguyên. Người Hán dùng cần sa như là thuốc mê còn sử gia Hy Lạp Herodotus trong cuốn sử ký đầu tiên của thế giới đã tả đoàn quân “Rợ” Scythian khi đi ra trận, hút và ngửi khói cần sa đã cảm thấy ngây ngất hăng hái chiến đấu hơn. Người Trung Ðông hút cần sa qua chất nhựa của cây (Hashish). Hashish được sấy khô và ép thành mảnh nhỏ để hút có thể làm thành dầu để ăn, dầu là sản phẩm cần sa mạnh nhất. Ðời nhà Ðường đến thời kỳ suy đồi, Ðường Minh Hoàng, dùng đến 40% quần thần gốc Trung Ðông, mê các đạo sĩ đến từ Phương Tây. Truyền thuyết cho thấy nhà vua đã nhờ cây gậy mơ màng lên cung Quảng, cây gậy là ống điếu hút Hashish. Chất này vẫn còn thông dụng ở Trung Ðông nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1980, hơn 10% học sinh đệ nhị cấp ở Hoa kỳ hút cần sa mỗi ngày. Tổng Thống Ronald Reagan đã gọi cần sa là thuốc độc hại nhất ở Hoa Kỳ. Giáo Sư Kleiman tại Ðại Học Harvard đề nghị cấm cần sa, nếu hợp pháp hóa cần sa nước Mỹ sẽ phải đối phó với những nguy hiểm về xã hội và phí tổn cho cả người tiêu thụ lẫn gia đình và xã hội.

Năm 1970, Quốc Hội Hoa Kỳ liệt cần sa vào loại thuốc cần phải được kiểm soát loại I (loại có khuynh hướng dễ bị nghiện ngập, không có giá trị y khoa) các loại thuốc có chất ma túy như Morphine thuộc trong loại II. Sau đó đến thời Nixon “chiến tranh chống ma túy” tăng cao chất cần sa bị kiểm soát ngặt. Cơ quan kiểm soát thuốc liên bang DEA liệt cần sa vào loại I không có giá trị y khoa nhưng thật ra cần sa có giá trị y dược, thuốc chữa được các chứng buồn nôn, ói mửa, bệnh kém ăn, bệnh cườm xanh mắt (glaucoma) bệnh về đường ruột IBS (Irritable bowel syndrom,) khiến người bệnh có lúc bón có lúc đi chảy. Thuốc có tác dụng trên hệ thống cơ, bắp thịt, giúp các chứng bệnh về đường thần kinh bắp thịt như bệnh Multiple Sclerosis, bệnh động kinh và bệnh Lou Gehrig. Cần sa giảm được các chứng đau kinh niên nhưng không giảm được cơn đau cấp tính.

Vì những lý do trên, năm 1996, tiểu bang California cho phép dùng cần sa trong việc trị liệu, chính yếu là trị đau và trị ói mửa nhất là ói mửa vì các thuốc trị liệu ung thư. Ðến năm 2010 vì những lợi ích của cần sa, 41% người Mỹ đã đồng ý hợp pháp hóa cần sa, số giới trẻ đồng ý gấp đôi số người già.

Tác dụng của cần sa tương phản, khi hút hay khi ăn, người dùng cảm thấy bay lơ lửng (“phê,” “get high”) và thư giãn nhưng người hút cần sa lần đầu lại có cảm giác lo lắng, sợ hãi. Những người hút cần sa thấy “phê” đâm ra nói nhiều, muốn tiếp xúc với mọi người chung quanh và thân thiện nhưng cũng có thể trở nên tư lự, cô đơn không muốn giao tế. Hút cần sa con người không còn biết phân biệt thời gian, không gian hay màu sắc, không biết đang ở đâu và âm nhạc trong phòng trở nên vang động. Khi dùng chất cần sa nhiều, người hút sẽ có ảo giác như chất LSD nên trong nghìn năm các phù thủy bộ lạc ở Mỹ Châu, Phi Châu, đã dùng cần sa trong các dịp tế lễ. Người Trung Hoa hút cần sa ít nhất thế giới nhưng vua Thần Nông Trung Hoa là người tìm ra trà sau đó trà xuất cảng đi khắp thế giới, trà có chất kích thích ephedrine làm khó ngủ và tăng áp huyết. Nhà vua là người đầu tiên dùng cần sa Cannabalis để chữa bệnh năm 2737 trước Tây lịch cùng với trà và nhân sâm. Hình vẽ cây cần sa có trong sách y học Trung Hoa. Cần sa đã được nhà vua dùng chữa hơn một trăm loại bệnh kể cả bệnh viêm khớp xương vì chất uric acid cao (gout) bệnh phong thấp, sốt rét và bệnh lãng trí. Trong sách y học Trung Hoa cần sa tiếp tục dùng để chữa chứng ói mửa, xuất huyết và bệnh ký sinh trùng.
Ở Âu Châu, bác sĩ Hy Lạp và La Mã cùng thời cũng dùng cần sa nhưng cẩn thận hơn vì dùng nhiều cần sa có thể làm liệt dương nhưng bác sĩ của Ðại Ðế La Mã Nero đã dùng cần sa để chữa nhiều thứ bệnh kể cả bệnh đau tai. Ðến năm 1839, bác sĩ người Anh ở Ấn Ðộ William O'Shanghnessy đã dùng cần sa, Cannbalis, để chữa đau, ói mửa, bệnh động kinh, để thư giãn các bắp thịt, nhờ ông chứng minh được tác dụng của cần sa mà cả nước Anh vào thế kỷ thứ 19 đã đua nhau “trồng cỏ” chữa bệnh. Nữ Hoàng Anh Victoria đã dùng cần sa để chữa chứng đau kinh nguyệt mỗi tháng của bà.

Hiện thời các bác sĩ biết rất ít về công dụng của hai chất hóa học chính của cần sa. Chất kích thích thần kinh chính là TCH (Delta-9-Tetra Hydrocannbinol) chất chính trong cây cần sa. Chất thứ hai là CBD (Cannalidiol), chất này không có ảnh hưởng trên tinh thần, trạng thái tỉnh thức hay trên khẩu vị. Ngoài hai chất trên cây cần sa còn có 460 chất khác và có 60 chất Cannabinoid tương tự chất THC. Khi hút cần sa, 20-50% chất hóa học THC thấm vào phổi. Khi ăn các chất hóa học được tiêu hóa bởi gan, ít lên óc, tụ lại trong mỡ. Khi chất THC lên óc, chất này kết hợp với nơi kết tụ làm tăng chất Dopamin.
Giáo Sư Raphael Mechoulam, hóa học gia Ðại Học Hebrew ở Jerusalem đã khám phá chất TCH năm 1964. Mùa Hè năm 2006, phụ tá của ông làm việc với Giáo Sư Jerome Groopman ở Mỹ đã khám phá các tác dụng mới của các chất hóa học Cannabinoids trên vi khuẩn Herpes, vi khuẩn gây ra bệnh ung thư Kaposi trên những người bệnh yếu miễn nhiễm như những người bị bệnh AIDS. Chất CBD không có tác dụng kích thích thần kinh có nhiều trong cây cần sa có thể chận đứng và thay đổi tác động tai hại của vi khuẩn. Các chất CBD làm thay đổi sự di chuyển của bạch huyết cầu đến chống các tế bào ung thư. Các cuộc nghiên cứu khác lại cho thấy chất THC ngăn sự phát triển và lan rộng bệnh ung thư phổi và chất CBD ngăn chặn tăng trưởng tế bào ung thư vú trên các tế bào trong phòng thử nghiệm.
Nhưng điều ngạc nhiên nhất là các nhà khoa học cùng phòng thử nghiệm đã khám phá ra hệ thống chất CBD có tự nhiên trong não con người bình thường. Năm 1988 chất CBD1 được tìm thấy, 5 năm sau đến chất CBD2. Chất protein CBD2 ít ở trong não nhưng nhiều trong tế bào bạch huyết cầu. Giáo Sư Raphael Mechoulam là người khám phá chất CBD đầu tiên, ông đặt tên chất này là chất “Anandamide” danh từ tiếng Phạn (Sankrit) Ananda có nghĩa là hạnh phúc,” “niềm vui.”

Các cuộc nghiên cứu về các chất hóa học trong cây cần sa có tự nhiên trong cơ thể con người hiện nay tăng gia trong các trung tâm nghiên cứu y học cũng như trong các đại dược phòng.

Trở ngại chính trong việc dùng cần sa để chữa bệnh là các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được một liều lượng chính xác, một tiêu chuẩn để chữa bệnh, cả về hai chất TCH và CBD. Phòng thí nghiệm cũng chưa đo được nồng độ chính xác như nồng độ rượu trong máu. Nồng độ TCH không chính xác, nếu người mới phi “xì ke” thì nồng độ TCH xuống rất nhanh trong vòng một giờ đồng hồ còn nếu người bị bệnh phải dùng nhiều cần sa thì cho chất TCH tồn tại trong máu nhiều ngày. Các thử nghiệm máu như vậy không cho biết nồng độ TCH trong máu của người mới hút cần sa trong 5 phút hay trong 5 giờ vừa qua nên tiêu chuẩn của cơ quan DEA là 5 nanogram trong máu để bắt người lái xe tội lái xe dưới ảnh hưởng thuốc (DUI) không chính xác. Chất TCH tác dụng trên não nhưng hút cần sa lâu có thể đưa đến các chứng bệnh thần kinh như loạn trí hay tâm phân liệt (Schizophrenia) hay không thì vấn đề này chưa được biết rõ. Ðiều chắc chắn là cần sa ảnh hưởng đến sự nhận thức và sự đáp ứng thần kinh tâm thể, chất TCH làm giảm trí nhớ ngắn hạn, người cảm thấy “phê” không thể tập trung tư tưởng. Hút cần sa, thi sĩ làm thơ bay bổng nhưng không tập trung tư tưởng, thơ tuôn ra lai láng nhưng không ai hiểu!

Ảnh hưởng đến hiệu suất của phi công do cần sa kéo dài đến 24 giờ, còn người lái xe hút cần sa dễ gây tai nạn bảy lần hơn so với người bình thường. Hút cần sa lâu có nghiện không? Vấn đề ấy vẫn còn được bàn cãi. Trong cuốn sách về định bệnh tâm trí DSM5, chứng “rối loạn vì dùng cần sa” được định bệnh khi có các triệu chứng: không khả năng làm việc, có vấn đề trong gia đình và xã hội. Giống như các thuốc phiện nghiện ngập khác, khi ngừng hút cần sa người nghiện sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, lo lắng và đôi khi bị chứng trầm cảm.

Tai hại nhất của cần sa đã được chứng minh là ảnh hưởng trên não của thai nhi. Trong khi có thai nếu người mẹ hút cần sa, chất TCH ảnh hưởng lên trên sự phát triển não bộ, chất TCH tấn công làm hư hại võ não.

Hợp pháp hóa cần sa có lợi cho những người hút vì cây cần sa đã được thử qua các loại bệnh về nấm, được khám xét kỹ lưỡng sự tai hại của các chất khử trùng dùng trong khi trồng cây.

Bác Sĩ Groopman đã thấy một trường hợp bệnh thiếu máu trên một phụ nữ hút cần sa lâu năm, khi ngừng hút, hồng huyết cầu của bà trở lại bình thường, chứng thiếu máu có lẽ gây ra do thuốc khử trùng.

Ở Hoa Kỳ chưa có trường hợp chết vì hút cần sa mặc dù cơ quan kiểm soát bệnh CDC ở Atlanta nghĩ rằng có 26 cái chết từ 1999 đến 2007 gây ra do cần sa vì áp huyết tăng, nhịp tim tăng hay tim đập thất nhịp. Cái chết được xác nhận bởi bác sĩ khám nghiệm duy nhất ở Anh, bà Gemina Moss 31 tuổi, vào tháng 10 năm ngoái, nồng độ TCH cao trong tim và gan. Về kinh nghiệm cá nhân, một ngày sau khi Tổng Thống Obama nói cần sa không tai hại như rượu, một bệnh nhân đã hốt hoảng đến phòng cấp cứu bệnh viện St. Luke đúng vào ngày tôi làm việc. Anh bệnh nhân 24 tuổi ngất xỉu khi đến phòng cấp cứu, tim đập đến 180 nhịp một phút. Anh cho biết mỗi lần anh hút 4 điếu cần sa (synthetic Marijuana) và mỗi ngày hút mười lần! Anh suýt chết chỉ vì hiểu lầm câu nói của Tổng Thống Obama!
Các tiểu bang đua nhau hợp pháp hóa cần sa vì lý do thương mại là chính. Trên thị trường một ounce cần sa tốt trị giá từ 250 đến 300 Mỹ kim. Hợp pháp hóa cần sa đem đến 2.34 tỷ Mỹ kim cho các tiểu bang so với lợi tức 1.43 tỷ hiện nay. Các tiểu bang hy vọng sẽ thâu thuế trên những người tiêu thụ và thị trường chợ đen sẽ biến mất. 

Thị trường hai tiểu bang Colorado và Washington sẽ cho biết ai đúng ai sai. Chợ đen cần sa sẽ biến mất hay sẽ xuống giá để cạnh tranh với giá nhà nước, cung cấp cần sa từ Mễ Tây Cơ sẽ giảm vì hợp pháp hóa cần sa hay kỹ nghệ “trồng cỏ” ở Hoa Kỳ sẽ tăng? Trước mắt thuế chưa thu nhưng đã thấy con số người lái xe DUI sẽ gia tăng vì cần sa dùng thay cho rượu và những người nghiện bao giờ cũng uống rượu trong khi “phi xì ke.” Nghiện ngập đưa đến tai nạn, bệnh và bạo hành trong gia đình và xã hội.

Chiến tranh chống ma túy đang đi đến khúc quanh mới với Tổng Thống Obama.

------------------------------

Tác giả Viet Nguyên viết: "một bệnh nhân đã hốt hoảng đến phòng cấp cứu bệnh viện St. Luke đúng vào ngày tôi làm việc. Anh bệnh nhân 24 tuổi ngất xỉu khi đến phòng cấp cứu, tim đập đến 180 nhịp một phút."
Tôi nghĩ tác giả đã không nói rỏ cho đọc giả hiểu " synthetic marijuana" (cỏ phun chất hóa hoc lên trên) KHÁC với "plant gowth, regular marijuana" (cây cần sa trồng tự nhiên) mà tiểu bang Colorado và Washington hợp thức hóa.
Synthetic Marijuana là đồ độc hại, được chế ra trong lab. Nó dùng một loại cỏ không phải là cần sa, rồi phun lên cỏ này chất hóa học nhân tạo, chế ra từ trong phòng lab, hợp chất hóa học này được chế ra với mục đích làm cho giống chât THC như có tự nhiên trong cây cần sa trồng trên đất. (nói nôm na giống như đường mía và đường hóa hoc).
Synthetic marijuana có thể mạnh hơn 80 - 100 lần chất THC có tự nhiên trong cây cần sa thường. Chất THC nhân tạo này có rất nhiều loại khác nhau tùy vào cái thành phần hợp chất trộn lại. Những hợp chất nhân tạo (THC nhân tạo) được biết đến, đều bị tiểu bang Colorado bỏ vô sổ đen cấm, bất hợp pháp.



No comments:

Post a Comment

View My Stats