Wednesday, 26 February 2014

KHỦNG HOẢNG UKRAINA & LỰA CHỌN CỦA NGA (BBC)




BBC
Cập nhật: 09:21 GMT - thứ tư, 26 tháng 2, 2014

Nga đã bày tỏ quan ngại và tức giận sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị người biểu tình lật đổ tại Ukraine. Giáo sư Andrei Zagorski, phân tích gia chính trị tại Viện Kinh tế và Quan hệ Quốc tế Moscow, xem xét các lựa chọn của Điện Kremlin trong tình hình khủng hoảng hiện thời.

Moscow đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ban lãnh đạo mới ở Ukraine, trong khi ngừng hỗ trợ tài chính và triệu hồi đại sứ của mình từ Kiev. Thế nhưng đây không phải là các quyết định không thể thay đổi được vì chính trị Ukraine chuyển động từng ngày.

Nga đang phải cân nhắc nhiều điều. Tổng thống Vladimir Putin đang tìm cách kéo Ukraine vào một liên minh hải quan do Nga đứng đầu và nhiều thế kỷ nay, hai nước cùng chia sẻ số phận chung.

Phục dựng lại vị thế trước kia không còn là phương án khả thi đối với Moscow - Nga không thể thay đổi được những gì đã diễn ra, và dường như cũng không quan tâm lắm tới việc đưa ông Yanukovych trở lại.

Phát triển một phong trào đối lập với Kiev tại các khu vực nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine có những giới hạn của nó. Và ý tưởng chơi lá bài chia rẽ không dễ làm và không mấy hấp dẫn với Moscow, cho dù đã có những diễn biến gần đây ở cảng chiến lược và căn cứ hải quân Sevastopol, Crimea.

Người biểu tình thân Nga ở Sevastopol tuyên bố phải bảo vệ thành phố của họ khỏi tay các "phần tử cực đoan" ở Kiev, và có tin rằng Nga có thể sẽ tạo điều kiện để người dân Crimea xin hộ chiếu Nga một cách dễ dàng hơn. Crimea mới chỉ được chuyển cho Ukraine vào năm 1954, dưới thời Soviet.

Tư duy chiến lược

Trọng tâm chính yếu của Moscow hiện nay có thể là ủng hộ sự hình thành một lớp lãnh đạo chính trị mới có sức thu hút toàn dân, đặc biệt ở khu vực phía đông, để thay thế đảng của ông Yanukovych. Những người này sau đó có thể thách thức lại các đảng phái đã tổ chức đợt biểu tình chống Yanukovych trong ba tháng vừa qua.

Cố gắng sử dụng các biện pháp truyền thống trong tình cảnh hiện nay ở Ukraine sẽ không có hiệu quả cho Moscow.

Tăng giá gas hay giảm cung cấp, tìm cách khơi sâu khủng hoảng kinh tế hay hạn chế nhập khẩu hàng từ Ukraine đều có thể gây khó khăn cho chính quyền mới tại Ukraine.

Thế nhưng ngược lại, chúng có thể khiến cho xu hướng nghiêng về Âu châu của Ukraine càng mạnh mẽ hơn và làm gia tăng tâm lý bài Nga trong nền chính trị Ukraine. Các biện pháp kinh tế như vậy đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng tới khu vực phía đông Ukraine vốn thân Nga vì quan hệ kinh tế và văn hóa truyền thống.

Ngừng cấp khí gas cho Ukraine cũng có thể khiến Moscow gặp bất đồng với EU.

Ukraine đã khôi phục lại Hiến pháp 2004 với nhiều quyền lực cho Quốc hội và chính phủ hơn là tổng thống.

Bởi vậy một giải pháp cho khủng hoảng chính trị hiện tại ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào kỳ bầu cử Quốc hội mùa hè tới hơn là bầu cử tổng thống vào 25/5.

Cuộc bầu cử Quốc hội sẽ cho Nga và EU động lực để hợp tác. Cả Moscow và Brussels đều không muốn nhìn thấy một nước Ukraine sụp đổ. Cả hai bên cần quan tâm tới thiết lập một chính phủ hợp pháp và bầu cử công bằng.

Brussels mong muốn chính phủ mới có được sự ủng hộ tối đa của người dân, còn Moscow thì muốn cân bằng lại dàn xếp chính trị hiện thời ở Ukraine.

Tốt nhất cho cả Nga và EU là quyết định ký thỏa thuận liên minh hợp tác EU-Ukraine chưa được đưa ra vội.

Quyết định của ông Yanukovych không ký thỏa thuận này đã gây ra làn sóng biểu tình hồi tháng 11. Thế nhưng nếu Ukraine ký nó bây giờ thì điều này sẽ được hiểu là thất bại chiến lược của Nga.

Thỏa thuận này có thể chờ tới khi tình hình chính trị và kinh tế ở Ukraine bình ổn mới ký.

Các bài liên quan



No comments:

Post a Comment

View My Stats