Friday, 28 February 2014

TRÒ CHƠI NGUY HIỂM Ở CRIMEA (Bridget Kendall - BBC)




Bridget Kendall
Phóng viên ngoại giao, BBC News
Cập nhật: 17:48 GMT - thứ sáu, 28 tháng 2, 2014

Ukraine đã tố cáo hải quân Nga thi hành “xâm lược có vũ trang” tại một phi trường ở vùng tự trị Crimea.
Phóng viên BBC Bridget Kendall tìm hiểu góc nhìn của Moscow về cuộc khủng hoảng.

Chính thức mà nói, bộ quốc phòng và ngoại giao Nga không bình luận về cáo buộc của Kiev.
Người phát ngôn của ông Vladimir Putin kể lại khi tổng thống gặp các nghị sĩ, chuyện này không nằm trong ưu tiên của ông.

Bức tranh mà Moscow đưa ra là các sự kiện ở Crimea tự nó xảy ra – là phản ứng tự nhiên của người dân nói tiếng Nga cảm thấy bị chính quyền mới ở Kiev đe dọa.
“Và tại sao không?” Moscow biện luận. Dùng sức mạnh nhân dân và dân quân để thách thức chế độ chính là điều mà đối lập ở Kiev đã làm.
Thật khó biết Kremlin có đứng đằng sau hay không.

Chẳng ai thừa nhận công khai, nhưng có dấu hiệu chính phủ Nga đang cứng rắn hơn.
Ông Yanukovych được cho trú ẩn, được phép tuyên bố ông là tổng thống hợp pháp, rằng chính phủ mới ở Kiev là kết quả của cuộc đảo chính phi pháp của bọn cực đoan.
Một số nghị sĩ cao cấp của Nga gần với Kremlin cũng nói gần giống vậy.

Thú vị khi Viktor Yanukovych nói rõ rằng Crimea không nên tách khỏi Ukraine.
Các nguồn chính thống ở Nga cũng không ai kêu gọi tách Crimea khỏi Ukraine.
Có lẽ vì giới chức Nga đang đi dây – giữa thách thức chính quyền ở Kiev và giữ quan hệ tốt với phương Tây.
Họ biết vấn đề chia cắt sẽ dẫn tới sự đối đầu thực sự về chính trị và ngoại giao.

Câu hỏi cho Tổng thống Putin là ông có thể đẩy nó đi xa tới đâu mà không dẫn đến đối đầu toàn diện.
Có thể ông nghĩ mình sẽ làm được cả hai – khuyến khích Crimea tự trị nhiều hơn nhưng không tách hẳn; chỉ trích Kiev nhưng không đổ vỡ quan hệ; và làm chính quyền non trẻ Ukraine lo lắng bởi hoạt động ở đường biên giới mà không xảy ra xâm lược.

Bằng cách đó, khi gọi điện cho các thủ đô phương Tây, ông có thể tiếp tục trấn an rằng dự định của Nga chỉ mang tính hòa bình.
Nhưng đó là trò chơi nguy hiểm. Nếu căng thẳng gia tăng nữa, có thể không tránh khỏi khủng hoảng toàn diện giữa Đông và Tây.

---------------------------------------------------------

Bridget Kendall
Phóng viên ngoại giao, BBC News
Cập nhật: 14:26 GMT - thứ sáu, 28 tháng 2, 2014

Tin về việc Viktor Yanukovych đã xuất hiện ở Nga có vẻ rất quan trọng.
Ông ta không chỉ được giới chức Nga cho trú ẩn, mà họ còn cho phép một thông cáo nhân danh ông đọc trên truyền hình Nga, được các hãng tin chính của Nga phát đi. Trong thông điệp này, ông tuyên bố chính thức mình vẫn là tổng thống Ukraine và lên án chính phủ mới ở Ukraine là “những kẻ cực đoan” còn quốc hội là phi pháp.

Chưa rõ vì sao chính phủ Nga bảo vệ ông hay vì sao quyết định cho ông ta diễn đàn công khai để thách thức chính phủ mới ở Ukraine.

Cho đến giờ, ngay cả những người từng ủng hộ ông Yanukovych ở Ukraine và nhiều nghị sĩ Nga ở Moscow đã quy cung cách lãnh đạo của ông Yanukovych là nguyên do chính cho khó khăn của Ukraine.
Một nghị sĩ cao cấp của Nga thậm chí tuyên bố hôm thứ Tư rằng Nga sẽ không cho ông chỗ trú chân, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Nga.
Vậy điện Kremlin nay sẽ gắn bó hay tách khỏi tuyên bố của ông Yanukovych?

Kremlin cũng phê phán chính phủ mới ở Kiev, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của họ và cảnh báo quyền lợi của Nga ở Ukraine bị đe dọa.
Bộ ngoại giao Nga ra cảnh báo Nga sẽ bảo vệ quyền của đồng bào nếu bị các chính phủ nước ngoài xâm phạm.

Đây có thể chỉ là ví dụ về cách Nga muốn tăng sức ép lên chính quyền mới ở Kiev để ghi nhớ lo ngại và sự nghi ngờ của Nga.
Sẽ đáng lo ngại hơn nếu đây là một phần của chiến dịch được phối hợp cẩn thận, mà cũng dính líu đến nước cờ của các nhóm vũ trang thân Nga đã chiếm quốc hội ở Crimea và các tòa nhà chính phủ ở Simferopol tuần này.

Không có bằng chứng là Moscow biết hay chuẩn thuận hành động trên. Nhưng việc chúng xảy ra ngay khi ông Yanukovych xuất hiện và ông ta được phép thách thức Kiev từ Moscow, thật khiến người ta phải suy nghĩ.

-------------------------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 16:26 GMT - thứ sáu, 28 tháng 2, 2014

Viktor Yanukovych thề tranh đấu vì Ukraine trong lần xuất hiện công khai đầu tiên từ khi ông bị mất chức tổng thống Ukraine.
Phát biểu ở Nga, ông nói mình không bị “lật đổ” mà buộc phải rời Ukraine vì đe dọa tính mạng.

Căng thẳng đang gia tăng ở vùng Crimea, với đa số là người Nga. Ukraine nói quân Nga đã chiếm hai sân bay ở đó.
Moscow bác bỏ cáo buộc của Kiev.

Ông Yanukovych nói căng thẳng ở Crimea “có thể hiểu được” nhưng khẳng định hành động quân sự không phải là giải pháp.
Ông nói ông muốn Crimea vẫn thuộc về Ukraine.

“Tôi dự định tiếp tục tranh đấu cho tương lai của Ukraine, chống lại khủng bố và sợ hãi,” ông Yanukovych nói tại cuộc họp báo ở thành phố Rostov trên sông Đông.
“Tôi không thể tìm lời để mô tả chính quyền mới này. Đó là những kẻ ủng hộ bạo lực – quốc hội Ukraine là phi pháp.”
“Những gì đang diễn ra là sự vô luật pháp, không có uy quyền, và khủng bố. Các quyết định ở quốc hội là do đe dọa.”

Ông khẳng định mình “chẳng trốn đi đâu”. Theo ông, xe ô tô của ông bị bắn trong lúc ông rời Kiev đi Kharkiv và ông phải đi vòng quanh Ukraine vì sợ an toàn cho bản thân và gia đình.
Ông nói mình đến được Nga nhờ “một sĩ quan trẻ yêu nước” và được một người bạn cho trú ở Rostov, gần biên giới Ukraine.

Phát biểu bằng tiếng Nga, ông Yanukovych nói ông sẽ quay về Ukraine “ngay khi nào có bảo đảm cho an ninh của tôi và gia đình”.
Ông nói sẽ không tham gia bầu cử dự định ngày 25/5 vì đây là cuộc bầu cử “phi pháp”.
Ông nhắc lại cách duy nhất vượt qua khủng hoảng là thi hành thỏa hiệp được EU ủng hộ mà ông đã ký với phe đối lập ngay trước khi bị truất phế.

Trước đó, trưởng công tố tại Ukraine nói sẽ yêu cầu Nga dẫn độ ông Yanukovych với cáo buộc thảm sát gây ra cái chết của hơn 80 người trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.

Truy nã

Ukraine đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với ông Yanukovych, Bộ trưởng Nội vụ lâm thời tuyên bố hôm thứ Hai.
Trong ngày thứ Năm, Tổng thống lâm thời Ukraine Olexander Turchynov đã cảnh báo Nga không được có bất kỳ "sự gây hấn quân sự" nào ở Crimea, vùng có nhiều người thân Nga sau khi lực lượng an ninh Ukraine được đặt trong tình trạng báo động do trụ sở chính phủ ở đây bị các tay súng chiếm giữ.
Cờ Nga đã được treo lên trên hai tòa trụ sở ở thủ phủ Simferopol của Crimea.
Vụ này là một bằng chứng nữa cho thấy tình hình căng thẳng trong khu vực, theo phóng viên BBC Mark Lowen tại Crimea.
Hoa Kỳ và Nato đều đã cảnh báo Nga không để căng thẳng leo thang.
Các quốc gia Phương Tây kêu gọi Moscow hãy làm giảm căng thẳng ở vùng Crimea sau khi các tay súng chiếm trụ sở nhà nước tại vùng thuộc Ukraine nhưng có đông người nói tiếng Nga.




No comments:

Post a Comment

View My Stats