Thursday, 5 September 2024

ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG KAMALA HARRIS CÓ CHÍNH SÁCH NHƯ THẾ NÀO VỚI TRUNG QUỐC (Trọng Thành / RFI)

 



Ứng viên tổng thống Kamala Harris có chính sách như thế nào với Trung Quốc ?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 03/09/2024 - 15:51 -  Sửa đổi ngày: 03/09/2024 - 16:08

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240903-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-kamala-harris-c%C3%B3-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ bầu cử Mỹ, hai ứng cử viên tranh cử tổng thống, bà Kamala Harris, đảng Dân Chủ và ông Donald Trump, đảng Cộng Hòa có chính sách ra sao với Trung Quốc? Theo một số nhà quan sát, bất luận ai là người chiến thắng, Trung Quốc sẽ tiếp tục được coi là đối thủ số một của nước Mỹ. Tuy nhiên, chính sách với Bắc Kinh của mỗi ứng cử viên có nhiều điểm khác biệt.

 

HÌNH :

Ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (T) và ứng viên phó tổng thống Tim Walz tại cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Philadelphia, Hoa Kỳ, ngày 06/08/2024. © Matt Rourke / AP

 

Chuyên gia về Trung Quốc Pierre-Antoine Donnet, trên Asialyst, phân tích chính sách đối với Trung Quốc của ứng cử viên Kamala Harris, sau khi bà lần đầu tiên đưa ra ‘‘một số dấu hiệu rõ ràng’’, trong bài diễn văn tại Đại hội toàn quốc đảng Dân Chủ hôm 22/08/2024. RFI xin giới thiệu một số nhận định chính của chuyên gia Pierre-Antoine Donnet. 

 

                                                              **

 

Điều gì nổi bật, đáng ghi nhận, trong phát biểu về chính sách với Trung Quốc của bà Kamala Harris so với đối thủ Donald Trump ?

 

Theo chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, trong bài diễn văn dài 40 phút, ứng cử viên Harris khẳng định rõ nếu bà trở thành tổng thống thì ‘‘nước Mỹ chứ không phải là Trung Quốc sẽ chiến thắng trong cuộc đua tranh’’ giành vị trí đứng đầu thế giới trong thế kỷ 21. Đây là lần đầu tiên, ứng viên Harris nói về các vấn đề đối ngoại. Trước đó, bà chỉ tập trung vào các chính sách trong nước. Ứng viên Harris nhấn mạnh đến sự tương phản cao độ trong chính sách với Trung Quốc so với cựu tổng thống Trump, đảng Cộng Hòa. Kamala Harris muốn ‘‘củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu’’ của nước Mỹ, với cam kết ‘‘sát cánh với Ukraina và các đồng minh NATO’’, chứ không phải chính sách ‘‘co cụm’’ (isolationniste) của cựu tổng thống, khi cầm quyền đã liên tục chỉ trích Hiệp ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO, và liên tục đòi các đồng minh ‘‘trả tiền’’ để được hưởng sự bảo trợ của Mỹ. Bà Harris cũng khẳng định ‘‘không thiết lập các quan hệ hữu hảo với các bạo chúa và các nhà độc tài, như Kim Jong Un’’, điều mà ông Trump đã nỗ lực thực thi đặc biệt là đã ba lần gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trong đó có cuộc gặp tại đường giới tuyến Liên Triều.

 

*

Chính sách với Trung Quốc của ứng cử viên Kamala Harris có gì giống và khác với các tổng thống phe Dân Chủ ?

 

Theo chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, có nhiều chỉ dấu cho thấy ứng cử viên Harris sẽ tiếp nối một phần chính sách rất cứng rắn của tổng thống Joe Biden với Trung Quốc ‘‘và các đồng minh tình thế’’ của Bắc Kinh, là Bắc Triều Tiên và Nga, nhưng bên cạnh đó, có dấu hiệu là chính sách với Trung Quốc của bà Harris sẽ mang đậm ‘‘tính uyển chuyển, thực tế’’, gần với chính sách thời Obama hơn là thời Biden.

 

Điểm đặc biệt đáng chú ý là ứng cử viên tổng thống Harris đã lựa chọn trong liên danh tranh cử thống đốc bang Tim Walz, một người có một ‘‘trải nghiệm cá nhân lâu dài’’ với Trung Quốc, và có thái độ dứt thoát chống lại chế độ toàn trị Trung Quốc. Pierre-Antoine Donnet dẫn lại nhận định của nhà Trung Quốc học François Godement (Viện Montaigne), đánh giá rất cao hiểu biết về Trung Quốc của Tim Walz bắt nguồn từ các trải nghiệm với Trung Quốc không phải với tư cách một quan chức hay doanh nhân nước ngoài, như ông Kevin Rudd, trước khi trở thành thủ tướng Úc. Tim Walz – người có khả năng trở thành phó tổng thống Mỹ, từng là thầy giáo tại một trường học tỉnh lẻ, tiếp xúc nhiều với giới trẻ Trung Quốc, từng đến Trung Quốc hơn 30 lần. Đây là điều khiến Bắc Kinh lo ngại. 

 

Sự kiệm lời của ứng cử viên Harris về chính sách Trung Quốc, nhưng khi được thể hiện lần đầu tiên mang những thông điệp rõ ràng, báo trước khả năng có những điều chỉnh đáng kể so với chính sách thời Joe Biden, ‘‘chủ động và mạnh mẽ hơn dự kiến’’, như nhận định của một nhà ngoại giao châu Âu với báo Nhật Nikkei Asia.

 

Việc liên danh với thống đốc bang Tim Walz là một át chủ bài trong chính sách Trung Quốc của bà Harris. Theo tuần báo Anh The Economist, cặp bài trùng Harris – Walz tạo ra hai thách thức lớn. Trước tiên, việc một phụ nữ da mầu được lựa chọn làm ứng viên tổng thống phản bác các tuyên truyền của Bắc Kinh lâu nay về một nước Mỹ ‘‘suy thoái, kỳ thị chủng tộc’’. Thách thức thứ hai là ứng viên phó tổng thống Mỹ hiểu rõ nhất về Trung Quốc từ nhiều thập niên nay.

 

*

Vì sao nói việc liên danh với thống đốc bang Tim Walz là át chủ bài trong chính sách với Trung Quốc của ứng cử viên tổng thống Kamala Harris ?

 

Trang mạng Hồng Kông South China Morning Post, hiện được đặt dưới sự kiểm soát chặt của Bắc Kinh, có bài viết dẫn lại nhận định của một nhà tranh đấu kỳ cựu người Hồng Kông vui mừng trước việc ông Tim Walz được chọn liên danh tranh cử với bà Harris. Kinh nghiệm của ứng viên phó tổng thống Mỹ này chắc chắn sẽ góp phần đắc lực cho cuộc tranh đấu vì dân chủ, nhân quyền cho Hồng Kông. ông Tim Walz được coi là người vừa không khoan nhượng với chế độ độc tài Bắc Kinh, lại vừa được hy vọng có khả năng tìm ra cách ứng xử phù hợp, đúng mức.

 

Từng là giảng viên tiếng Anh và lịch sử Mỹ tại trường trung học Quảng Đông, ông Tim Walz và vợ ông đã lập ra một doanh nghiệp để tạo cơ hội giúp sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học, sau vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, năm 1989. Ông gắn bó cuộc đời mình với Trung Quốc đến mức ông chọn lấy ngày cưới là 4/6 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát.

 

Khi trở thành thống đốc bang, ông đã nỗ lực siết chặt quan hệ giữa Minnesota và Đài Loan. Ông đã nhiều lần tiếp Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, và bị Bắc Kinh coi là kẻ thù.

 

Theo Jeff Moon, cựu trợ lý bộ trưởng Thương Mại Mỹ thời Obama, ứng viên phó tổng thống Walz sẽ là một trợ thủ đắc lực cho bà Harris nếu đắc cử, bởi ông hiểu rõ những nguy cơ trong chính sách ‘‘can dự’’, cũng có thể gọi là chính sách vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc, để tránh rơi vào các cạm bẫy của Bắc Kinh.

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats