Wednesday 11 September 2024

UKRAINE MUỐN TÂY PHƯƠNG CHO ĐÁNH VÀO CÁC KHO VÕ KHÍ TRÊN ĐẤT NGA (Người Việt Online)

 



Ukraine muốn Tây Phương cho đánh vào các kho võ khí trên đất Nga

Người Việt Online

September 10, 2024 : 8:23 AM

 https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/ukraine-muon-tay-phuong-cho-danh-vao-cac-kho-vo-khi-tren-dat-nga/

 

KYIV, Ukraine (NV)Hôm Thứ Hai, 9 Tháng Chín, một viên chức cấp cao tại Ukraine cho biết, các đồng minh Tây Phương phải cho phép Ukraine sử dụng nguồn khí tài được quân viện để tấn công các nhà kho quân sự bên trong lãnh thổ Nga, vì có nguồn tin tương đối chắc chắn cho rằng Iran đã tuồn hỏa tiễn đạn đạo cho dã tâm xâm lược của Điện Kremlin, thông tấn xã AP loan tin.

 

Hoa Kỳ nói với các đồng minh rằng họ tin rằng Iran đưa hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn tới Nga để tiếp tay cho cuộc chiến tại Ukraine, hai nguồn tin thông thuộc với vấn đề này nói với hãng tin AP vào cuối tuần.

 

Các quốc gia Tây Phương ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến do dự không cho quân đội tấn công các mục tiêu trên lãnh Nga, vì lo ngại rằng họ có thể vướng vào vòng xoáy xung đột lớn nhất tại Âu Châu từ thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng Andrii Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine cho biết “đó là phòng vệ chứ không phải gây hấn.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/09/GettyImages-2148008959-1536x993.jpg

Một máy bay không người lái của Ukraine ở Chasiv Yar, vùng Donetsk ngày 22 Tháng Tư, 2024 (Hình: ANATOLII STEPANOV/AFP/Getty Images)

 

“Nhằm đáp trả lại hành động tuồn hỏa tiễn đạn đạo cho Nga, Ukraine phải được phép phá hủy các nhà kho cất giữ số hỏa tiễn bằng võ khí Tây Phương nhằm tránh tình trạng khủng bố,” Yermak cho biết trên Telegram. Ông không chỉ mặt đặt tên quốc gia nào đang cung cấp hỏa tiễn.

 

Nga liên tục oanh kích Ukraine bằng hỏa tiễn tầm xa và máy bay không người lái, làm hơn 10,000 thường dân thiệt mạng từ lúc bùng nổ cuộc xâm lược vào Tháng Hai 2022, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc. Các đợt pháo kích này cũng chặn đứng hoạt động sản xuất điện tại Ukraine.

 

Tuy nhiên, không những Ukraine không chùn bước mà còn phát động một cuộc đột kích táo bạo gần đây nhắm vào khu vực Kursk thuộc Nga, ngay trong lúc nỗ lực ngăn chặn một cuộc tấn công nhắm vào khu vực Donetsk thuộc miền Đông Ukraine.

 

Nga nhận được máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất từ năm 2022. Việc Iran có lẽ thản nhiên tuồn hỏa tiễn đạn đạo cho Nga cũng khiến các chính phủ Tây Phương lo ngại do Tổng Thống Vladimir Putin còn liên lạc với các quốc gia khác để hỗ trợ Điện Kremlin.

 

Hôm Thứ Hai, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về các nguồn tin liên quan tới hỏa tiễn của Iran rằng “không phải lúc nào thông tin này cũng đúng.”

 

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Iran là đồng minh quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi đang phát triển quan hệ song phương về thương mại và kinh tế. Chúng tôi đang hợp tác nhiều hơn và đối thoại trong rất nhiều lãnh vực, trong đó có cả những lãnh vực tối mật nhất, và sẽ giữ nguyên chính sách này vì lợi ích của người dân ở cả hai quốc gia.”

 

Tại Iran, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nasser Kanaani phủ nhận việc Tehran tiếp tay cho Nga bằng số hỏa tiễn.

 

“Chúng tôi quả quyết rằng Iran không dính dáng gì tới việc tuồn võ khí cho bất kỳ một phe nào trong cuộc chiến và chúng tôi nhận định rằng những lời tố cáo này có mưu toan chính trị từ một số bên,” Kanaani cho biết.

 

Hôm Thứ Bảy, Bộ Ngoại Giao Ukraine “đứng ngồi không yên” trước khả năng Iran tuồn hỏa tiễn cho Nga.

 

“Để chứng minh bằng hành động, Iran phải dứt khoát cắt đứt đường dây tuồn võ khí cho Nga, chứ không chỉ nói suông, có như vậy mới cho thấy sự thành thật trong tuyên bố của giới lãnh tụ chính trị rằng Iran không nhúng tay vào việc châm dầu vào lửa cho cỗ máy chiến tranh tử thần của Nga,” một tuyên bố cho biết.

 

Cuối tuần qua, tại London, Giám Đốc CIA William Burns cảnh cáo về mạng nhện quốc phòng chằng chịt đang phát triển và “đáng lo ngại” giữa các thế lực Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn. Ông cho biết các vây cánh đó đe dọa cả Ukraine lẫn các đồng minh Tây Phương tại Trung Đông.

 

Hôm Thứ Hai, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố các cuộc tập trận hải quân và không quân phối hợp với Nga, bắt đầu vào Tháng Chín.

 

Mặc dù Trung Quốc không trực tiếp tuồn võ khí cho Nga, nhưng họ cũng trở thành một đường dây kinh tế quan trọng với tư cách là khách hàng hàng đầu của dầu khí Nga. Trung Quốc cũng cung cấp thiết bị điện tử và các mặt hàng khác cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. (TTHN)

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats