Sunday, 22 September 2024

TÔ LÂM THẢ TRẦN HUỲNH DUY THỨC VỚI QUYẾT TÂM ĐI GẦN VỚI HOA KỲ? (Nguyễn Văn Đài / Blog RFA)

 



Tô Lâm thả Trần Huỳnh Duy Thức với quyết tâm đi gần với Mỹ?

Nguyễn Văn Đài   |   Blog RFA

Thứ Sáu, 09/20/2024 - 22:45 — nguyenvandai

https://www.rfavietnam.com/node/8163

 

Một ngày trước chuyến công du tới Mỹ trên cương vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm đã trả tự do cho một số tù nhân chính trị.

 

Trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức là một trong những nhân vật được Mỹ và cộng đồng quốc tế quan tâm và tranh đấu cho tự do trong hơn một thập niên qua.

 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức sinh năm 1966, là một doanh nhân thành đạt trước khi bị bắt vào tháng 5 năm 2009. Sau đó, ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999. Cùng vụ với ông Thức còn có 3 người khác là Luật sư Lê Công Định, ông Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung.

 

Ở trong tù, ông Thức đã nhiều lần tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu Toà án Việt Nam xem xét lại bản án của ông và những đối xử bất công của trại giam.

 

Ông Thức cũng đã từng được Hoa Kỳ đề nghị đưa đi tị nạn, nhưng ông Thức đã từ chối vì ông ấy muốn được tự do tại Việt Nam.

 

Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền lực tuyệt đối ở nhiệm kỳ 2 Tổng bí thư và ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ công an. Không có tù nhân chính trị nào được trả tự do trước thời hạn ở Việt Nam.

 

Mặc dù Hoa Kỳ và các nước phương Tây gây áp lực thường xuyên.

 

Những tù nhân chính trị muốn được trả tự do sớm trước thời hạn chỉ có cách duy nhất là đi tị nạn ở nước ngoài.

 

 

Những dấu hiệu giảm nhẹ hình phạt tù với những người đối lập và bất đồng chính kiến.

 

Sau khi ông Tô Lâm nắm hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, một số những người bất đồng chính kiến bị kết án đã nhẹ hơn một chút so với trước đây.

 

Trước đây, Toà án của nhà nước cộng sản Việt Nam xét xử những người bất đồng chính kiến với các tội danh về chính trị thì ngoài hình phạt tù giam thì bao giờ cũng kèm theo hình phạt quản chế từ 2 tới 5 năm.

 

Ngày 15 tháng 8 năm 2024, ông Nguyễn Chí Tuyến bị kết án 5 năm tù giam, không có quản chế;

 

Ngày 10 tháng 9 năm 2024, ông Nguyễn Vũ Bình bị kết án 7 năm tù không có quản chế;

 

Ngày 16 tháng 9 năm 2024, ông Phan Vân Bách bị kết án 5 năm tù không có quản chế.

 

 

Ông Tô Lâm là một người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

 

Trong sự nghiệp chính trị của ông Tô Lâm hơn 40 năm thì tiếng xấu quá nhiều, mà tiếng tốt thì hầu như không có.

 

Ví dụ như vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin, Đức vào năm 2017, các vụ bắt cóc ông Trương Duy Nhất năm 2019, bắt cóc ông Đường Văn Thái năm 2023. Vụ ăn bò dát vàng tại London năm 2021 và ông Tô Lâm bị gán cho là theo “chủ nghĩa khoái lạc”, vụ tham nhũng MobiFone mua AVG,…

 

Thành tích vi phạm nhân quyền của ông Tô Lâm quá nghiêm trọng. Nhiều tổ chức chính trị của người Việt và quốc tế đã hợp tác cùng làm kiến nghị lên chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Úc, EU để yêu cầu trừng phạt ông Tô Lâm theo Luật Magnitsky.

 

 

Ông Tô Lâm có muốn cải thiện nhân quyền?

 

Ông Tô Lâm đương nhiên muốn cải thiện hình ảnh rất xấu của ông ta trước người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

 

Ông Tô Lâm cũng hiểu rõ là muốn cải thiện hình ảnh của ông ta thì phải cải thiện tình trạng nhân quyền.

 

Giảm áp bức, đàn áp người dân và những người đối lập, thả tự do cho tù chính trị, nới lỏng kiểm soát truyền thông mạng xã hội và xã hội dân sự,…

 

 

Ông Tô Lâm có thể thực hiện cải thiện nhân quyền được không?

 

Chắc chắn là được.

 

Với quyền lực thực tế hiện nay, ông Tô Lâm hoàn toàn có thể thực hiện việc cải thiện tình trạng nhân quyền.

 

Và ông Tô Lâm đã thực hiện được vài việc khởi đầu như giảm nhẹ án phạt với những người bất đồng chính kiến. Thả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng.

 

 

Mục đích của ông Tô Lâm cải thiện nhân quyền để cải thiện hình ảnh của ông ta thì còn mục đích nào khác?

 

Ông Tô Lâm đã tuyên bố chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

Người nào trên thế giới này cũng hiểu rõ rằng, một quốc gia muốn phát triển kinh tế hùng mạnh thì đều phải dựa vào vốn, công nghệ, thị trường, viện trợ, giúp đỡ của Hoa Kỳ.

 

Việt Nam không thể vươn mình nếu phụ thuộc vào Trung Quốc.

 

Ông Tô Lâm hiểu rõ hơn ai hết về điều này.

 

Dân chủ và nhân quyền luôn luôn là giá trị nền tảng của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam.

 

Và ông Tô Lâm đang cố gắng chứng mình rằng ông ta sẽ là đối tác tốt và đáng tin cậy của Hoa Kỳ.

 

Nhưng ông Tô Lâm mới chỉ thả có hai tù nhân chính trị trong tổng số gần 300 người là chưa đủ.

 

Hoa Kỳ cần phải thấy được cam kết một lộ trình cải thiện nhân quyền và dân chủ hoá Việt Nam từ ông Tô Lâm.

 

Chúng ta hãy cùng chờ đợi công bố quyết định đặc xá vào cuối tháng 9 này xem có bao nhiêu tù nhân chính trị sẽ được thả tự do.

 

Đất nước, dân tộc Việt Nam muốn có được tự do, dân chủ, hùng cường thực sự và nhanh chóng thì đừng bao giờ chỉ trông chờ vào sự tự nguyện cải thiện của cá nhân ông Tô Lâm và giới chóp bu CSVN.

 

Tất cả mọi người dân đều có trách nhiệm đấu tranh để giành lấy.

 

nguyenvandai's blog






No comments:

Post a Comment

View My Stats