Đón mừng Trần Huỳnh
Duy Thức trở về với nhà tù lớn
Đặng Đình Mạnh
| Người Việt Online
September
22, 2024 : 3:03 PM
https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/don-mung-tran-huynh-duy-thuc-tro-ve-voi-nha-tu-lon/
Trong
số hàng trăm tù nhân chính trị đang bị chế độ Cộng Sản cầm giữ, đày ải sau song
sắt nhà tù thì ai cũng xứng đáng được sớm trả tự do, thậm chí, trả tự do tất cả
và ngay lập tức để họ trở về đoàn tụ với gia đình. Vì lẽ, không ai trong số họ
là tội phạm. Họ phải chịu đựng sự tù đày chỉ vì họ yêu nước và họ xứng đáng tự
do hơn bất kỳ kẻ nào đã xét xử, cầm tù họ.
Ông
Trần Huỳnh Duy Thức (thứ hai, bên phải) gặp lại bạn bè sau khi được trả tự do.
(Hình: FB Lê Công Định)
Trong
số họ, có rất nhiều người được công chúng mong chờ được trả tự do nhất, vì bản
án của họ quá nặng nề, bất công và vì sự chịu đựng phi thường của họ trước nghịch
cảnh chỉ vì lý tưởng… thì ông Trần Huỳnh Duy Thức là một.
Trước
khi phải sa vào vòng lao lý, ông Thức đã là doanh nhân rất thành đạt trong lĩnh
vực công nghệ thông tin. Vào thời điểm ông kinh doanh, hầu như ông là một trong
số ít người tiên phong trong lĩnh vực này.
Tháng
Năm 2009, ông bị chế độ Cộng Sản trong nước bắt giữ cùng với những nhân vật hoạt
động bao gồm các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung. Tất cả đều
bị cáo buộc chung với tội danh hình sự “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân.”
Tháng
Giêng, 2010, vụ án bị mang ra xét xử, trong đó, riêng ông Trần Huỳnh Duy Thức bị
tuyên mức án nặng nhất, lên đến 16 năm tù giam.
Tuy
rằng lao tù của Cộng Sản không phải là những chuyến dạo chơi thú vị, mà là địa
ngục trần gian, nhất là khi nó kéo dài đến 16 năm trời ròng rã. Thế nhưng, ông
vẫn bình thản lắc đầu từ chối tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ để được đánh đổi sự tự
do.
Cũng
thế, lực lượng an ninh cũng đã nhiều lần thuyết phục ông nhận tội thì sẽ được
“khoan hồng,” giảm nhẹ hình phạt hoặc được đặc xá. Nhưng ông vẫn từ chối để khẳng
định sự vô tội của mình.
Ông
có lý tưởng của mình, mà có vẻ, những cái đầu chỉ để tính toán thiệt hơn của lực
lượng an ninh không thể nhìn ra được trước khi ngon ngọt dụ dỗ ông. Chúng chỉ
bó gọn trong vài lời của ông thưa với cha mẹ: “Con yêu ba mẹ rất nhiều, nhưng
con yêu đất nước này hơn.”
“Con
yêu đất nước này hơn,” và đó cũng là lý do ông chọn con đường dấn thân cho dù
việc kinh doanh đang ở thời khắc tốt nhất. Hàng loạt bài viết từ nhóm ông đăng
tải làm kinh động xã hội, làm thức tỉnh bao người, dĩ nhiên, cũng làm chế độ lo
sợ. Những đánh giá, phân tích, giải pháp, cũng như những dự đoán về tình hình
chính trị, kinh tế… đi đúng vào bản chất, thực trạng Việt Nam lúc bấy giờ. Cho
thấy sự uyên bác, tài thao lược và viễn kiến của những kẻ sĩ tài năng xứ sở này
tưởng chừng đã mai một.
Thậm
chí, khi đã bị giam giữ trong tình trạng bưng bít thông tin, cuộc sống như ngừng
trệ, thì những bức thư gởi về gia đình vẫn cho thấy ông không hề lạc hậu với thế
giới đang chuyển động nhanh chóng bên ngoài.
Hôm
qua, ngày 20 Tháng Chín, hơn bảy tháng trước ngày mãn hạn tù, hơn một ngày trước
lúc ông Tô Lâm tổng bí thư, chủ tịch nước, đáp chuyến bay đi phó hội tại Hoa Kỳ,
ông Thức được chế độ trả tự do như món quà ra mắt của tân nguyên thủ Việt Nam với
thế giới văn minh.
Không
thuyết phục được ông Thức đi tỵ nạn Hoa Kỳ để đánh đổi tự do, không thuyết phục
được ông Thức nhận tội để được giảm án, đặc xá… Thì xem ra, chuyến bay của ông
Tô Lâm mới là chuyến bay của kẻ thất trận. Chuyến bay đêm đưa ông Thức trở lại
Sài Gòn mới là chuyến bay của người chiến thắng. Những người đón tiếp ông Tô
Lâm chỉ là vì nghĩa vụ.
Nhưng
những người đón tiếp ông Thức vào giấc rạng sáng cùng với những lời đón chào nồng
nhiệt tràn đầy trên mạng xã hội mới là tiếng nói của nhân dân. Tiếng nói không
chỉ vì cảm phục mà còn là tiếng nói phản kháng với chế độ bất công.
Ông
Trần Huỳnh Duy Thức bị lôi ra tòa án ở Sài Gòn ngày 20 Tháng Giêng, 2010, và bị
áp đặt bản án 16 năm tù vì bị vu cho tội “hoạt động lật đổ” chế độ. (Hình:
VNA/AFP/Getty Images)
Lúc
này, thay vì ông cần phục hồi sức khỏe sau những trò hiểm ác của Cộng Sản trong
chốn lao tù; Thay vì ông cần những giây phút đoàn tụ ấm áp bên gia đình, bên
thân phụ già nua trông con hàng ngày từ hơn 15 năm qua; Thay vì ông cần thời
gian cập nhật lại cuộc sống chung quanh mình… Thì ông đã vội vã gởi lời chào đồng
bào mình với lời trấn an thật đẹp đẽ và thông điệp hy vọng về một tương lai
sáng sủa cho xứ sở: “Hãy tin rằng dân tộc ta đang bước vào một cuộc chuyển mình
vĩ đại không thể đảo ngược. Đó là tiến trình chuyển đổi ôn hòa được dẫn dắt bởi
trào lưu mềm với năng lượng mềm, giúp chuyển hóa mọi năng lượng giận dữ tích tụ
bao đời. Điều tốt đẹp đó đang đến gần hơn bao giờ hết. Mong quý đồng bào giữ vững
niềm tin!”
Xã
hội này, vốn đã quen lẩn tránh như đà điểu rúc đầu dưới cát, nhân dịp này, đã
muốn một lần và mãi mãi ngẩng cao đầu hay chưa?
No comments:
Post a Comment