Thursday 19 September 2024

NHẬP CƯ : THỦ TƯỚNG ANH MUỐN NOI GƯƠNG "MÔ HÌNH" CỦA Ý (Phan Minh / RFI)

 



Nhập cư : Thủ tướng Anh muốn noi gương “mô hình” của Ý  

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 18/09/2024 - 16:14  -  Sửa đổi ngày: 19/09/2024 - 15:38

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240918-nh%E1%BA%ADp-c%C6%B0-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-anh-mu%E1%BB%91n-noi-g%C6%B0%C6%A1ng-m%C3%B4-h%C3%ACnh-c%E1%BB%A7a-%C3%BD

 

Tình hình nhập cư ở châu Âu, máy nhắn tin của các chiến binh Hezbollah đồng loạt phát nổ là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 18/09/2024.

 

HÌNH :

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni (P) tiếp đồng nhiệm Anh Quốc Keir Starmer tại Roma, Ý, ngày 16/09/2024. AP - Phil Noble

 

Nhật báo Le Monde dành trang nhất chú ý đến việc thủ tướng Anh Quốc Keir Starmer muốn lấy cảm hứng từ các chính sách của đồng nhiệm Ý Giorgia Meloni áp dụng với các nước châu Phi để giải quyết vấn đề nhập cư. Hiện nay, chiến lược kiểm soát biên giới của Luân Đôn chỉ giới hạn ở việc tăng cường cuộc chiến chống lại những kẻ buôn người.

 

Le Monde nhận định thủ tướng Ý Meloni vốn có rất nhiều điểm tương đồng với cựu thủ tướng Anh Rishi Sunak, một nhân vật bảo thủ ủng hộ việc trục xuất những người xin tị nạn sang Rwanda. Mặc dù từng cam kết các chính sách của Anh Quốc sẽ “thay đổi”, thủ tướng Starmer đã nối gót người tiền nhiệm và tăng cường tình hữu nghị với người đồng cấp Ý trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Roma hôm 16/09.

 

Nhân chuyến công du Ý, Keir Starmer đã ca ngợi Roma “tiến bộ đáng kể” trong cuộc chiến chống những kẻ buôn người và hạn chế nhập cư. Tờ báo nhấn mạnh, một ngày sau thảm kịch mới ở biển Manche, xảy ra vào đêm 14 rạng sáng 15/09, khiến 8 người thiệt mạng, thủ tướng Starmer muốn nhanh chóng tìm ra những giải pháp để ứng phó với dòng người ồ ạt tìm cách xin tị nạn tại Anh Quốc.

 

Với gần 22.000 người đã vượt qua biển Manche để đến Anh Quốc kể từ ngày 01/01/2024, chủ đề nhập cư đang là mối bận tâm rất lớn ở Luân Đôn. Cuộc bạo loạn phân biệt chủng tộc hồi đầu tháng 8 cho thấy những kẻ bị kích động theo phe cực hữu có thể sẽ lợi dụng nỗi sợ hãi do di dân khơi dậy để gieo rắc bạo lực, buộc thủ tướng Starmer đưa ra những phát biểu cứng rắn chống lại di dân, không khác những phát biểu trước kia của đảng Bảo Thủ. Tuy nhiên, khác với chính phủ tiền nhiệm, Keir Starmer không nói sẽ “ngăn chặn” những chiếc thuyền băng qua eo biển Manche và đã chấm dứt “thỏa thuận Rwanda”.

 

Về phần mình, thủ tướng Ý Giorgia Meloni ca ngợi “mô hình” của Roma, sau khi đã ký một thỏa thuận với Tirana về di dân xin tị nạn từ Albania. Ý đã tài trợ cho xây dựng hai trung tâm thanh lọc ở đất nước Balkan này, với sức chứa 3.000 người. Những di dân được tàu quân sự Ý giải cứu ở vùng biển quốc tế sẽ được đưa vào đó.

 

Nhân chuyến thăm Albania vào tháng 6 vừa qua, bà Meloni đã nhấn mạnh thỏa thuận mà Roma ký kết với Tirana “có thể sẽ được nhiều quốc gia khác sao chép, và có thể sẽ mang lại một giải pháp về mặt cơ cấu cho Liên Hiệp châu Âu (EU)”.

 

 

Chủ đề nhập cư khiến châu Âu “đau đầu”

 

Cùng chủ đề, trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nhấn mạnh các quan chức châu Âu bất lực trong việc giải quyết làn sóng di cư liên tục gia tăng trong những năm qua là một hiện tượng rất đáng lo ngại. Đến năm 2100, dân số châu Phi sẽ tăng hơn gấp đôi, lên hơn 2 tỷ người. Khi đó, các nền dân chủ phương Tây có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều hơn bao giờ hết khi nhận những di dân tới từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, chiến tranh và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

 

Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi phải chăng đây là thời điểm mang tính bước ngoặt ? Bạo lực, chủ nghĩa Hồi Giáo, văn hóa bản địa bị đe dọa, hội nhập kém… Ở khắp nơi, tình trạng nhập cư dường như đã vượt tầm kiểm soát của nhà chức trách. Dư luận, vốn không bao giờ được hỏi ý kiến về chủ đề này, đang ngày càng bất bình, thậm chí là phẫn nộ, được thể hiện trên đường phố hay trong các cuộc bỏ phiếu. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu đang dần thức tỉnh, sau khi nhận thức được về mối đe dọa. Nước Ý của Giorgia Meloni với chủ nghĩa dân túy đang là tấm gương để thủ tướng Anh Keir Starmer phải noi theo. Nước Đức, từng rất hào phóng, đang giải phóng bản thân khỏi các hiệp định Schengen, ký kết vào năm 1985, và khôi phục quyền kiểm soát các cửa khẩu biên giới.

 

Còn tại Pháp, ở vùng Pas-de-Calais phía bắc, một nhóm người di cư vừa mới tấn công 3 thợ săn, điều chưa từng xảy ra trước đây ! Michel Barnier coi nhập cư là một trong những chủ đề ưu tiên khi bước vào điện Matignon. Tân thủ tướng muốn hành động một cách “cứng rắn và nhân văn”. Tuy nhiên, sẽ không có gì thay đổi nếu vế thứ hai lại lấn át vế đầu tiên.

Le Figaro kết luận chính quyền phải tỏ ra cứng rắn hơn trong việc tiếp nhận hồ sơ, trục xuất, cấp thị thực hay nhập tịch. Nếu không có đa số tuyệt đối ở Quốc Hội, nhiệm vụ của chính phủ dường như sẽ hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nếu không có quyết định dũng cảm nào được đưa ra, hố ngăn cách giữa chính quyền với dư luận sẽ tiếp tục gia tăng.

 

 

Chiến dịch quân sự tinh vi của Israel chống Hezbollah

 

Nhìn sang Trung Đông, tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về hàng nghìn thành viên tổ chức Hezbollah là nạn nhân của vụ nổ máy nhắn tin vào hôm qua. Chiến dịch được cho là do Israel thực hiện đã khiến nhiều người chết và hàng nghìn người bị thương.

Hoạt động quân sự chưa từng có mà không ai nhận trách nhiệm ở Liban và Syria là minh chứng cho một chiến dịch nhạy bén của cơ quan tình báo Israel, gây bàng hoàng giống như vụ tấn khủng bố đẫm máu của tổ chức Palestine Hamas ngày 07/10/2023. Cuộc tấn công hội tụ mọi yếu tố, từ sự táo bạo, sức mạnh công nghệ, sự chuẩn bị kín đáo, sự thờ ơ với những hậu quả chính trị, tốc độ của chiến dịch và thành quả đạt được. Hàng nghìn máy nhắn tin đã phát nổ cùng lúc trên khắp Liban, trong một cuộc tấn công phối hợp nhắm vào các thành viên của Hezbollah, trong bối cảnh lực lượng dân quân thân Iran đã gia tăng các vụ oanh kích vào miền bắc Israel trong những tuần gần đây. Theo báo cáo tổn thất tạm thời, đã có 9 người thiệt mạng và hơn 2.800 người bị thương, trong đó có 200 người đang trong tình trạng nguy kịch, khiến Hezbollah phải thừa nhận đã có “những lỗ hổng trầm trọng về an ninh”.

 

Nhật báo thiên tả nhấn mạnh điều gây ấn tượng trong chiến dịch này, đó là một vấn đề rất phức tạp được giải quyết bằng biện pháp hết sức đơn giản. Quân đội Israel vốn đứng trước thách thức phải loại bỏ hàng trăm chiến binh Hezbollah trà trộn trong dân chúng Liban, trong bối cảnh Hoa Kỳ cấm Nhà nước Do Thái ném bom xuống Liban. Làm thế nào để tìm ra chiến binh Hezbollah, bằng cách nào có thể xác định vị trí và loại bỏ nhóm chiến binh này là một vấn đề nan giải đối với Israel. Đây là một bài toán dường như không có lời giải. Giải pháp cho nổ các thiết bị liên lạc cá nhân mà Hezbollah đã cung cấp cho các thành viên đột nhiên làm giảm đáng kể gánh nặng cho Israel.

 

Vốn cảnh giác với điện thoại thông minh mà tình báo Israel có thể nghe lén một cách dễ dàng, Hezbollah đã đặt mua hàng nghìn máy nhắn tin. Những thiết bị nhỏ và lỗi thời này cho phép nhận tin nhắn bằng sóng vô tuyến. Lực lượng dân quân thân Iran đã cam kết sẽ tiến hành “cuộc trả thù khủng khiếp” chống Israel.

 

 

Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh gây lo ngại

 

Về lĩnh vực y tế, trang nhất của tờ La Croix quan tâm đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể gây ra hơn 39 triệu ca tử vong từ giờ đến năm 2050, theo một nghiên cứu được tạp chí khoa học The Lancet công bố hôm qua.

 

Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng kháng thuốc kháng sinh sẽ là nguyên nhân gây ra 8,22 triệu ca tử vong mỗi năm từ giờ đến năm 2050, tăng 74,5% so với năm 2021. Từ năm 1990 đến năm 2021, mỗi năm đã có hơn một triệu người chết do kháng thuốc kháng sinh.

 

Emmanuel Piednoir, trưởng khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Avranches-Granville (Manche), lưu ý “đây là những con số đáng báo động và trầm trọng hơn nhiều so với tất cả các dự đoán trước đây”. Nhật báo Công Giáo nhận định hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến do kháng sinh ngày càng được dùng một cách vô tội vạ. Bác sĩ Piednoir nhận định : “Vi khuẩn luôn tìm cách tự vệ, và càng bị tấn công thì càng trở nên kiên cường. Kết quả là chúng ta đang phải đối mặt với một dịch bệnh tiềm tàng, có thể trở thành một vấn đề nan giải đối với sức khỏe cộng đồng.”

 

Philippe Glaser, chuyên gia ngành kháng thuốc kháng sinh tại viện Pasteur, cho biết thêm : “Tình trạng kháng thuốc kháng sinh là một hiện tượng với diễn biến tương đối chậm và chúng tôi ghi nhận sự phát triển lặng lẽ, và đó là điều đáng lo ngại.” Nhà nhân chủng học Charlotte Brives, tác giả cuốn “Đối mặt với hiện tượng kháng thuốc kháng sinh”, tóm tắt rằng “đối với xã hội, các hãng dược phẩm hay hệ thống y tế nói chung, tình trạng kháng thuốc kháng sinh trầm trọng không kém bệnh ung thư”.

 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Lancet giải thích rằng việc cải thiện trong khâu điều trị nhiễm trùng đi kèm với sự cẩn trọng trong cách tiếp cận thuốc kháng sinh có thể ngăn ngừa nhiều ca tử vong. Emmanuel Piednoir thuật lại : “Vào những năm 1990-2000, tỷ lệ kháng thuốc đã lên đến 40%. Nhờ các chính sách sử dụng kháng sinh hợp lý đi kèm với các biện pháp giữ gìn vệ sinh, tỷ lệ kháng thuốc đã giảm xuống còn khoảng 15%.” Ngoài ra, các bác sĩ cũng cần phải hạn chế kê thuốc kháng sinh, vì Pháp hiện là nước kê loại thuốc này nhiều thứ tư châu Âu.

 

Một giải pháp khác là tìm ra những loại kháng sinh mới. Philippe Glaser giải thích rằng các nhà nghiên cứu đang rất tích cực tìm ra những công thức mới, nhưng gặp phải một số khó khăn : Ngoài việc phải có hiệu quả với bệnh nhân, các loại kháng sinh này phải mang lại lợi nhuận cho các hãng dược phẩm.

 

 

Thiên tai đáng báo động ở châu Âu

 

Về lĩnh vực khí hậu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết nói về thảm họa thời tiết đang gia tăng với tốc độ chóng mặt ở châu Âu. Sau những đợt nắng nóng hay cháy rừng, giờ đến lượt lũ lụt tàn phá Trung và Đông Âu trong những ngày gần đây. Cơn bão Boris đã tàn phá nhiều thành phố ở Rumani, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Slovakia và Áo.

 

Từ ngày 13/09, khu vực này đã chìm trong lượng nước mưa nhiều đáng kinh ngạc. Nước sông dâng cao đã cuốn trôi các cây cầu và nhiều ngôi làng hoàn toàn chìm dưới nước. Số nạn nhân thiệt mạng tiếp tục tăng. Tính đến hôm qua 17/09, đã có ít nhất 21 người chết và hàng trăm nghìn người vẫn bị ảnh hưởng khi phải sống trong tình trạng mất điện hay phải sơ tán.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐỨC - KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI

Đức tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới để chống nhập cư trái phép

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats