Mối đe dọa kép của
Trung Quốc đối với Châu Âu
Liana Fix và Heidi Crebo-Rediker | Foreign Affairs
Viên
Đăng Huy, biên
dịch
Nguyễn
Thế Phương, hiệu
đính
https://nghiencuuquocte.org/2024/09/19/moi-de-doa-kep-cua-trung-quoc-doi-voi-chau-au/
Cách
Bắc Kinh ủng hộ Moscow, cùng với tham vọng thống trị thị trường xe điện, đang
gây xói mòn an ninh của châu Âu.
Khi
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine, sự ủng hộ
của Trung Quốc đối với bộ máy chiến tranh của Nga đã khiến Mỹ và NATO lo lắng.
Bắc Kinh không chỉ giúp Moscow trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Mà Trung Quốc còn, thông qua việc cung cấp hàng hóa lưỡng dụng như chip máy
tính và phụ tùng máy móc, cung cấp một phần lớn nguồn lực đầu vào mà Putin cần
để duy trì lực lượng của mình. Vào thời điểm Ukraine đang phải vật lộn để xây dựng
nguồn lực quân sự của riêng mình, hoạt động thương mại này gây ra mối đe dọa
ngày càng lớn đối với các nước châu Âu kề cạnh Ukraine.
Trên
thực tế, việc chống lưng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine chỉ là một trong nhiều
cách Trung Quốc trở thành thách thức lớn đối với châu Âu. Năm 2024, Bắc Kinh
không chỉ đơn thuần là một đối thủ cạnh tranh hay địch thủ, như EU đã mô tả
về mối quan hệ của họ với Trung Quốc kể từ năm 2019. Bằng cách làm tràn
ngập các nước châu Âu với các tấm pin mặt trời giá rẻ và quan trọng nhất là xe
điện (EV) giá rẻ, Bắc Kinh cũng đe dọa sự tồn tại của các ngành công nghiệp nội
địa cốt lõi mà lục địa này phụ thuộc. Kết hợp với đường dây cứu trợ kinh tế và
quân sự mà họ đang cung cấp cho Nga, tình trạng dư thừa công nghiệp của Trung
Quốc—nghĩa là việc họ trợ cấp sản xuất nhiều hàng hóa hơn mức cần thiết và sau
đó bán phá giá ở thị trường nước ngoài—gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an
ninh và nền kinh tế của châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô.
Tuy
nhiên, bất chấp những lo ngại này, phản ứng của châu Âu vẫn còn dè dặt. Về vấn
đề Nga, Liên minh châu Âu mới chỉ đưa 10 công ty từ Trung Quốc vào danh sách trừng
phạt, ngoài các công ty có trụ sở tại Hồng Kông. Biện pháp này quá yếu đến nỗi
tính đến cuối tháng 8, Bắc Kinh vẫn chẳng buồn trả đũa. Trong chuyến thăm Bắc
Kinh vào mùa xuân, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
đã yêu cầu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cấm xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Putin đã có cuộc gặp riêng với Tập Cận Bình, trong đó
ông đã ký kết nhiều thỏa thuận kinh doanh và quốc phòng giữa Trung Quốc và Nga,
bao gồm cả việc mở rộng các cuộc tập trận quân sự. Về chính sách công nghiệp, mức
thuế quan hiện tại của châu Âu đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc gần như
không đủ để ngăn chặn làn sóng xe điện Trung Quốc giá rẻ hiện đang tràn ngập lục
địa này, để tạo đủ thời gian cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu bắt kịp và tồn
tại.
Cho
đến nay, nhiều biện pháp kinh tế mạnh mẽ nhất chống lại Bắc Kinh đến từ
Washington. Nhưng châu Âu không thể tiếp tục đẩy vấn đề này cho Mỹ. Cuộc chiến ở
Ukraine không thể kết thúc theo các điều khoản của Kyiv nếu Nga vẫn là một cửa
ngõ mở cho nguồn cung cấp của Trung Quốc, và châu Âu không thể tiếp tục thịnh
vượng nếu Trung Quốc gần như được tự do làm rỗng nền kinh tế công nghiệp của
châu Âu. May mắn thay, châu Âu có nhiều công cụ mà họ có thể sử dụng để đối mặt
với thách thức này—nhưng họ cần bắt đầu sử dụng chúng ngay bây giờ. Điều cần
thiết là Brussels và các quốc gia thành viên EU phải chứng minh rằng họ sẵn
sàng tự áp đặt chi phí lên Trung Quốc.
Quân
Đội “Sản Xuất tại Trung Quốc” của Nga
Tác
động của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine có thể là một trong những mối
đe dọa đối với an ninh châu Âu hiện nay bị xem nhẹ nhất. Người châu Âu cần từ bỏ
ảo tưởng rằng Bắc Kinh đang đứng ngoài cuộc chiến; Trung Quốc rõ ràng đã chọn
phe. Hãy xem xét quy mô lực lượng vũ trang của Nga. Vào tháng 4, các quan chức
NATO ước tính rằng quân đội Nga đã tăng 15% kể từ cuộc xâm lược Ukraine năm
2022. Theo các ước tính gần đây của Mỹ, phần lớn sự tăng trưởng này là nhờ sự hỗ
trợ của Bắc Kinh. Vào tháng 5, một báo cáo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế
ước tính rằng vào năm 2023, khoảng 90% lượng hàng nhập khẩu mà G7 nêu bật là
công nghệ mà Nga tìm kiếm để duy trì cuộc chiến của họ đến từ Trung Quốc.
Bắc
Kinh cũng đã tăng cường quan hệ quân sự với Moscow và các đồng minh thân cận của
họ. Vào tháng 7, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia các
cuộc tập trận với binh lính Belarus ở Belarus, đây là lần đầu tiên Trung Quốc
đưa binh lính của mình đến biên giới châu Âu của NATO. Cũng trong tháng 7, lực
lượng không quân của Nga và Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom chiến lược
trong một cuộc tập trận chung gần Alaska, khiến Mỹ và Canada phải điều động máy
bay chiến đấu để đối phó. Trong khi đó, Bắc Kinh đã thay đổi lập trường ngoại
giao đối với Ukraine, từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh về hòa bình được tổ
chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 vì Nga không có mặt. Thay vào đó, các quan chức
Trung Quốc đã cùng với chính phủ Brazil thúc đẩy kế hoạch hòa bình sáu điểm của
riêng họ, trong đó không đề cập đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine
và kêu gọi đóng băng xung đột dọc theo các đường ranh giới, cho phép Nga giữ những
phần lãnh thổ bị chiếm đóng.
Hiện
tại, Bắc Kinh tiếp tục tuân thủ các giới hạn về bản chất hỗ trợ quân sự cho Nga
và không gửi viện trợ quân sự sát thương. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngày càng
làm giảm ý nghĩa của hạn chế này bằng cách cung cấp cho Nga một lượng lớn hàng
hóa lưỡng dụng, cũng như các bộ phận và linh kiện quan trọng mà Moscow cần cho
cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ đã làm chậm quá trình vận chuyển một số hàng hóa này –
mà Trung Quốc đang điều phối phần lớn thông qua Hồng Kông – bằng cách sử dụng
các biện pháp trừng phạt. Vào cuối tháng 7, sau khi chính quyền Biden công khai
tuyên bố rằng họ đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng
Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đang áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất
khẩu đối với drone lưỡng dụng. Mặc dù vậy, như Bloomberg đã đưa tin, Trung Quốc
và Nga đang cùng nhau phát triển một loại drone tấn công mới tương tự như drone
Shahed của Iran, một dự án đưa Bắc Kinh đến gần hơn việc vượt qua ngưỡng viện
trợ sát thương. Trung Quốc không phải là một bên trung lập trong cuộc chiến
này.
Để
thuyết phục Bắc Kinh giảm đáng kể sự hỗ trợ của họ đối với Nga, châu Âu cần một
kế hoạch hành động phối hợp. Đầu tiên, cùng với Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu cần
thống nhất về các biện pháp trừng phạt mới và cứng rắn hơn, nhắm mục tiêu vào một
loạt các công ty và tổ chức tài chính Trung Quốc và có thể được mở rộng khi cần
thiết. Một cách tiếp cận tập thể như vậy, được thống nhất trước, sẽ phát đi tín
hiệu tới Bắc Kinh rằng châu Âu đã sẵn sàng ứng phó và tăng cường các biện pháp
trừng phạt nếu Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Nga. Điều này cũng sẽ làm rõ rằng vấn
đề Ukraine đủ quan trọng để các chính phủ châu Âu hành động bất chấp mối đe dọa
trả đũa từ Trung Quốc.
Khi
thực hiện các biện pháp này, các nhà lãnh đạo châu Âu nên truyền đạt chúng
trong các cuộc trò chuyện trực tiếp với Bắc Kinh. Trong nội bộ, các chính phủ
châu Âu cũng nên lên kế hoạch cho phản ứng có thể xảy ra của Bắc Kinh, bao gồm
cả việc chia sẻ chi phí kinh tế của bất kỳ hậu quả nào giữa các quốc gia thành
viên. Khi làm như vậy, họ có thể rút kinh nghiệm dựa trên sự chuẩn bị của châu
Âu cho cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, khi Ủy ban châu Âu xác định các
nước châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các lệnh trừng phạt đối với Nga
và đưa ra các con đường khả thi để giảm thiểu và chia sẻ gánh nặng.
Thứ
hai, người châu Âu cần sắp xếp các biện pháp hạn chế xuất khẩu của chính họ.
Vào tháng 6 năm 2023, các nhà phân tích từ Trường Kinh tế Kyiv phát hiện ra rằng
trong số 385 mặt hàng mà họ xác định là thành phần quan trọng cho sản xuất quân
sự, chưa đến một nửa nằm trong danh sách kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng của EU.
Điều này có nghĩa là nhiều hàng hóa lưỡng dụng có thể bị khai thác cho cuộc chiến
ở Ukraine vẫn đang đến được Nga. Vào tháng 2, EU đã cập nhật danh sách các Mặt
hàng Ưu tiên Cao Chung—hàng hóa lưỡng dụng và công nghệ tiên tiến phải chịu các
biện pháp trừng phạt—phối hợp với Nhật Bản, Anh và Mỹ. Nhưng nguồn cung cấp
công nghệ chiến trường của Nga liên tục phát triển, và để duy trì các biện pháp
trừng phạt hiệu quả, châu Âu cần liên tục cập nhật định nghĩa về hàng hóa lưỡng
dụng trong sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ.
EU
cũng nên tăng cường các nỗ lực thực thi để ngăn chặn thương mại gián tiếp với
Nga. Điều này đặc biệt quan trọng đối với hàng hóa EU được xuất khẩu sang Trung
Á và Nam Caucasus, nơi chúng có thể được chuyển tiếp đến Nga. Theo Viện
Brookings, kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vào
năm 2022, nhiều quốc gia EU đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về xuất khẩu sang
Kyrgyzstan, Georgia và các quốc gia khác, có thể bù đắp tới một phần ba lượng
xuất khẩu trực tiếp của EU sang Nga bị mất.
Cuối
cùng, các nhà lãnh đạo châu Âu cần nhận ra rằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với
Nga tuân theo logic chiến lược chứ không chỉ đơn thuần là thương mại hay kinh tế.
Bằng cách giúp duy trì cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Trung Quốc đang làm suy yếu
an ninh châu Âu, ngăn cản một chiến thắng của Ukraine có lợi cho phương Tây và
làm suy yếu trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo. Đồng thời, bằng cách chống
lưng cho chủ nghĩa bành trướng của Moscow, Bắc Kinh đang kiềm chế NATO và khiến
Mỹ không chú ý đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đài Loan. Do đó, việc áp đặt
chi phí lên Trung Quốc vì sự hỗ trợ của nước này đối với quân đội Nga không chỉ
là một bước đi chính trị quan trọng mà còn là bắt buộc đối với an ninh của châu
Âu và phương Tây.
Kéo
Châu Âu xuống
Ngay
cả khi việc cung cấp hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc giúp duy trì nỗ lực chiến
tranh của Nga, Bắc Kinh cũng đang đe dọa sự thịnh vượng của châu Âu thông qua
các chính sách công nghiệp của mình. Tình trạng dư thừa công suất trong ngành
công nghiệp ô tô của Trung Quốc hiện đang gây ra rủi ro lớn nhất cho châu Âu,
do vai trò quan trọng mà ngành công nghiệp ô tô châu Âu đóng góp vào tăng trưởng
và việc làm của khu vực này. Tuy nhiên, phản ứng của châu Âu đối với dòng xe điện
giá rẻ của Trung Quốc vẫn còn nhẹ so với các nước khác như Canada và Mỹ. Trong
quá khứ, việc Mỹ và châu Âu không phản ứng đủ mạnh mẽ trước “cú sốc Trung Quốc”
đầu tiên – làn sóng xuất khẩu sản phẩm sản xuất của Trung Quốc bắt đầu từ những
năm 1990 – đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều ngành công nghiệp bị tàn
phá, nhiều lĩnh vực kinh doanh sụp đổ, kéo theo đó là tình trạng mất việc làm
và sự suy giảm của hệ sinh thái đổi mới. Gần đây hơn, ngành công nghiệp pin mặt
trời đóng vai trò như một câu chuyện cảnh báo. Mặc dù châu Âu đã bắt đầu thiết
lập một ngành công nghiệp quan trọng của riêng mình, nhưng hành vi ăn cắp công
nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, kết hợp với trợ cấp khổng lồ, đã cho phép Trung
Quốc sản xuất quá mức và làm suy yếu cạnh tranh dựa trên thị trường ở châu Âu
và phần còn lại của thế giới. Tương tự như vậy, tình trạng dư thừa công suất của
Trung Quốc trong lĩnh vực thép và nhôm đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ nền sản
xuất có hiệu quả kinh tế trên toàn cầu và vẫn tiếp tục diễn ra cho đến ngày
nay.
Có
thể cho rằng, việc sản xuất lớn các tấm pin mặt trời giá rẻ của Trung Quốc đã
có lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, và lập luận tương tự
cũng có thể được đưa ra ngày nay đối với các loại xe điện và xe hybrid sạc điện
giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là khi xét đến việc châu Âu bắt buộc chuyển đổi
sang xe không phát thải vào năm 2035. Nhưng các nhà sản xuất ô tô của châu Âu tạo
thành một lĩnh vực thương mại chiến lược hơn nhiều so với các nhà sản xuất tấm
pin mặt trời. Ngành công nghiệp này trực tiếp chiếm hơn mười phần trăm việc làm
trong lĩnh vực sản xuất tại sáu quốc gia thành viên EU, chiếm khoảng 7% GDP của
EU và 8.5% việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Đức, với các nhà sản xuất lớn BMW,
Mercedes và Volkswagen, có nguy cơ cao nhất.
Đồng
thời, quy mô của mối đe dọa sản xuất của Trung Quốc là chưa hề có tiền lệ. Lượng
dư thừa công suất của Trung Quốc, khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng và vật liệu
quan trọng liên quan, cũng như các khoản trợ cấp không minh bạch của nước này
đã làm lu mờ các ví dụ trước đó như Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối thế kỷ XX. Nếu
không có các chiến lược phòng thủ và tấn công chu đáo, cũng như phản ứng tinh
vi đối với sự phụ thuộc của các công ty Đức vào thị trường Trung Quốc—đây là thị
trường lớn nhất đối với tất cả ba nhà sản xuất ô tô “lớn” của Đức—châu Âu có thể
chứng kiến ngành sản xuất ô tô trong nước của mình bị tàn phá. Các nhà sản xuất
ô tô Đức, những người đã chia sẻ bí quyết kỹ thuật quý giá với các đối tác liên
doanh Trung Quốc trong nhiều năm, đang nỗ lực chống lại sự can thiệp chính sách
của châu Âu với hy vọng duy trì sự thống trị, đặc biệt là trong thị trường xe
hơi phân khúc hạng sang của Trung Quốc. Ngoài thị phần, họ còn dựa vào công nghệ
EV của Trung Quốc, bao gồm cả phần mềm, điện tử và pin. Nhưng các công ty Đức
đang chiến đấu trong một trận chiến không thể thắng. Volkswagen đã giảm giá sâu
các loại xe của mình tại Trung Quốc để cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc,
và thị phần của Đức trong thị trường xe hơi sang trọng của Trung Quốc, đặc biệt
là trong lĩnh vực xe điện, dường như cũng sẽ nhường chỗ cho các thương hiệu
Trung Quốc.
Vào
tháng 8, Ủy ban Châu Âu đã sửa đổi và giảm thuế quan sơ bộ vào tháng 6 đối với
một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Trung Quốc, với mức thuế quan thay đổi
theo từng nhà sản xuất và mức cao nhất là 46,3% chỉ áp dụng cho các công ty
Trung Quốc không hợp tác với cuộc điều tra trợ cấp của EU. Mặc dù thấp hơn nhiều
so với dự đoán của nhiều nhà phân tích, nhưng các mức thuế quan này có thể sẽ
được các nhà lãnh đạo châu Âu xác nhận vào tháng 11. Các chuyên gia lo ngại rằng
chúng sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng nhập khẩu và đầu tư giá rẻ của Trung Quốc
vào sản xuất của châu Âu, để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô của chính
châu Âu có cơ hội bắt kịp và tồn tại. Không còn nhiều thời gian để lãng phí. Đến
năm 2023, xe điện và xe hybrid của Trung Quốc đã chiếm 37% tổng số xe nhập khẩu
vào châu Âu, và các thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc hiện đang cạnh tranh để
thay thế các công ty ô tô hàng đầu châu Âu. Các nhà quản lý châu Âu cũng phải cảnh
giác trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm lách luật của EU hoặc các quốc gia
thành viên bằng cách thiết lập các dây chuyền lắp ráp xe EV theo dạng xe tùy chỉnh
(kit car) của châu Âu cho những chiếc xe được sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài thị
trường xe năng lượng mới, Trung Quốc cũng đã tăng cường xuất khẩu ô tô động cơ
đốt trong truyền thống trên toàn cầu. Khi Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu ô
tô lớn nhất thế giới vào năm ngoái, khoảng ba phần tư số ô tô nước này xuất khẩu
chạy bằng xăng.
Chống
lại Bắc Kinh
Với
những rủi ro to lớn, Châu Âu nên tiếp cận mối đe dọa dư thừa công suất với cùng
logic chiến lược mà họ cần để giải quyết vấn đề Trung Quốc hỗ trợ bộ máy chiến
tranh của Nga. Châu Âu dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của sự trả đũa kinh tế
của Trung Quốc hơn so với Mỹ, nhưng họ không nên đánh giá thấp sức mạnh của
mình khi đưa ra phản ứng hiệu quả đối với hoạt động xuất khẩu ô tô của Trung Quốc.
Trung Quốc rất cần thị trường châu Âu vì các thị trường lớn khác, chẳng hạn như
Mỹ và Canada, đang nhanh chóng đóng cửa, trong khi những thị trường khác ở các
nước đang phát triển lại thiếu cơ sở hạ tầng hoặc hệ thống năng lượng để hỗ trợ
một thị trường xe điện lớn trong thời gian tới. Trong cuộc điều tra đang diễn
ra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp xe năng lượng
mới của họ, Ủy ban Châu Âu có nhiều đòn bẩy hơn các quan chức châu Âu có thể nhận
ra. EU nên sử dụng nó.
Đầu
tiên, EU nên xem xét tăng thuế quan vượt quá 46,3%. Các biện pháp thuế quan hiện
tại là một bước đi đúng hướng và tuân thủ cách tiếp cận dựa trên quy tắc. Nhưng
chúng có thể không đủ cao để chống lại các khoản trợ cấp toàn diện mà Trung Quốc
dành cho ngành công nghiệp của mình và do đó sẽ không hiệu quả như một chiến lược
phòng thủ. Hành động nghiêm khắc hơn của Washington và Ottawa nhằm bảo vệ ngành
công nghiệp ô tô trong nước của họ có nghĩa là ngày càng có nhiều hàng xuất khẩu
của Trung Quốc sẽ chuyển sang châu Âu, nơi một số quan chức sẵn sàng hy sinh
lĩnh vực ô tô châu Âu để đạt được các mục tiêu khí hậu và một số công ty sẵn
sàng thu hẹp quy mô hoạt động tại châu Âu để thành công ở Trung Quốc. Mỹ cho rằng
việc bảo vệ chống lại quy mô dư thừa công suất hoặc bán phá giá này không phải
là bảo hộ hoặc phản thương mại mà thay vào đó là một nỗ lực nhằm bảo vệ các
công ty và người lao động khỏi những méo mó phi thị trường khổng lồ của một nền
kinh tế lớn khác, với các tác động tiêu cực đáng kể về kinh tế. Mặc dù bằng
cách tăng thuế quan nhiều hơn, EU có thể có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến
thương mại gần với Trung Quốc và những thách thức tại WTO, nhưng cuối cùng, hoạt
động xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận châu
Âu. Với xu hướng của Bắc Kinh là để một thành viên EU chống lại một thành viên
khác và vũ khí hóa chuỗi cung ứng của mình, châu Âu cũng nên xem xét thiết lập
một cơ chế chia sẻ gánh nặng liên quan tới bất kỳ hậu quả nào từ một cuộc chiến
thương mại như vậy.
Thứ
hai, các quan chức châu Âu nên xem xét mượn một số chiến thuật của chính Trung
Quốc để đối phó với Bắc Kinh. EU muốn chào đón đầu tư, bao gồm cả từ các nhà sản
xuất ô tô và pin của Trung Quốc. Tại sao không xem xét chiến lược của Trung Quốc
để quản lý các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp chiến lược này? Trong vài thập
kỷ qua, Trung Quốc đã thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách hứa hẹn tiếp cận thị
trường xe thương mại và xe khách lớn nhất thế giới. Khi làm như vậy, Trung Quốc
có thể đặt ra các quy tắc tham gia, bao gồm các yêu cầu liên doanh, hạn chế sở
hữu, chuyển giao công nghệ, yêu cầu nội địa hóa và sử dụng một loạt các cơ chế
phi thị trường khác mang lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc. Châu Âu không cần
phải đi xa đến mức này, nhưng họ nên sử dụng lời hứa tiếp cận thị trường châu
Âu để áp đặt các yêu cầu và hạn chế.
Để
đi xa hơn, một cách tiếp cận liên quan có thể sử dụng hàng loạt công cụ của
EU—chẳng hạn như sàng lọc đầu tư nước ngoài—để hạn chế và quản lý đầu tư trực
tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào lĩnh vực xe điện châu Âu. Các biện
pháp kiểm soát như vậy có thể dựa trên các tiêu chí cụ thể liên quan đến an
ninh quốc gia, bảo vệ môi trường và các mối quan tâm về sức khỏe và an toàn,
cũng như các yêu cầu cấp bách để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và tránh
các rủi ro an ninh mạng được tích hợp trong phần cứng và phần mềm CNTT.
Thứ
ba, châu Âu nên tận dụng cơ hội đầu tư xe điện của Trung Quốc vào châu Âu để
xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn cho chuỗi cung ứng pin của chính họ. Ví dụ,
EU có thể yêu cầu các công ty xe điện Trung Quốc xây dựng các cơ sở tái chế pin
gần các địa điểm sản xuất ô tô mới để tìm nguồn cung cấp các khoáng chất và kim
loại quan trọng cần thiết cho việc sản xuất pin trong tương lai. Xe điện rõ
ràng phụ thuộc vào pin, điều này tạo thêm trở ngại cho các nhà sản xuất ô tô
châu Âu, những người phải phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô quan trọng
cho pin. Đáng chú ý, Trung Quốc gần như hoàn toàn thống trị việc tìm nguồn cung
ứng và tinh chế coban, niken và lithium. Theo thời gian, việc yêu cầu bố trí
các cơ sở tái chế pin ở châu Âu sẽ tăng cường khả năng tiếp cận vật liệu pin của
châu Âu trong tương lai đồng thời giảm sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các
nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Những đổi mới
trong công nghệ pin cũng có thể khiến sự phụ thuộc vào các vật liệu hiện có trở
nên lỗi thời, nhưng chúng có thể mất nhiều năm để tạo ra.
Trong
khi đó, Trung Quốc đang tăng cường các chiến thuật phi thị trường khắc nghiệt để
tràn ngập thị trường hàng hóa toàn cầu với các khoáng sản và kim loại quan trọng
đến mức khiến nhiều liên doanh phi Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường phải ngừng
kinh doanh. Động cơ duy nhất có thể để Trung Quốc làm như vậy là khóa chặt chuỗi
cung ứng toàn cầu có lợi cho Trung Quốc. Bằng cách kết hợp các chính sách FDI
được thiết kế cẩn thận với khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và giảm thiểu
carbon, châu Âu có thể đẩy lùi chiến lược bá quyền của Bắc Kinh.
Phải
hành động ngay
Với
hai chiến lược song hành là hỗ trợ quyết liệt cho Nga và nhanh chóng chinh phục
thị trường ô tô châu Âu, Trung Quốc hiện đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với sự
thịnh vượng và an ninh của châu Âu hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây. Đội ngũ
lãnh đạo mới của Brussels, trực thuộc Ủy ban mới hiện đang được thành lập sau
cuộc bầu cử quốc hội EU vào tháng 6, có vị trí đặc biệt để tăng cường phản ứng
của châu Âu đối với những rủi ro kép này. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von
der Leyen là người chỉ đạo chính sách Trung Quốc của Châu Âu và cuộc điều tra
trợ cấp chống lại Trung Quốc. Đại diện cấp cao sắp tới của EU Kaja Kallas nhận
thức rõ ràng về mối đe dọa từ sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga. Nhóm mới
phải thành lập một mặt trận thống nhất để thúc đẩy các quốc gia thành viên có
phản ứng mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Châu
Âu không có thời gian cho cách tiếp cận chậm rãi và từng bước. Ngược lại với cú
sốc Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1990, khi Mỹ phải hứng chịu sự mất mát lớn
về thị phần và việc làm trong lĩnh vực sản xuất, phiên bản sắp tới sẽ tác động
nặng nề nhất đến châu Âu. Nếu Bắc Kinh làm theo ý mình, châu Âu có thể chỉ còn
là một thị trường xuất khẩu phi công nghiệp hóa đối với hàng hóa và các ngành
công nghiệp của Trung Quốc, ngay cả khi châu Âu bị đe dọa bởi quân đội Nga đang
trỗi dậy ở biên giới. Và khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại
Nhà Trắng sẽ khuyến khích người châu Âu hành động ngay bây giờ và không sử dụng
Trung Quốc như một hàng rào chống lại các hành động thương mại hung hăng tiềm
tàng của Mỹ đối với châu Âu. Người châu Âu sẽ rất khó giải thích cho chính quyền
Trump thứ hai tại sao Mỹ nên hỗ trợ Ukraine và an ninh châu Âu nếu bản thân họ
không thể đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm
suy yếu cả hai. Hành động ngay bây giờ là vì lợi ích sâu sắc nhất của châu Âu.
------------------------
LIANA
FIX
là thành viên phụ trách Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn
Vai trò của Đức trong Chính sách Nga ở Châu Âu: Một cường quốc Đức mới?;
HEIDI CREBO-REDIKER
là thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Địa lý Greenberg tại Hội
đồng Quan hệ Đối ngoại. Bà phục vụ trong chính quyền Obama với tư cách là Nhà
kinh tế trưởng đầu tiên của Bộ Ngoại giao.
============================
Có
thể bạn quan tâm:
1.
Trung Quốc có thể cứu
vãn cuộc chiến của Putin ở Ukraine như thế nào?
2.
Tại sao châu Âu chưa thể tự chủ quân sự?
3.
Chỉ viện trợ của Mỹ sẽ
không cứu được Ukraine
4.
Tại sao Ukraine nên
tiếp tục tấn công vào các kho trữ dầu của Nga?
5.
Châu Âu cần một chính
sách Trung Quốc của riêng mình
6.
Trung Quốc và Nga có
thể làm tê liệt Internet như thế nào?
7.
Triển vọng hão huyền
của các cuộc tấn công thọc sâu vào Nga của Ukraine
8.
Điều gì xảy ra sau khi Nga thắng ở
Ukraine?
No comments:
Post a Comment