Saturday 7 September 2024

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG PHAN VĂN GIANG ĐI HOA KỲ : HỢP TÁC QUỐC PHÒNG VIỆT - MỸ THEO HƯỚNG NÀO? (RFA)

 



Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đi Hoa Kỳ: hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ theo hướng nào?

RFA
2024.09.06

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/defense-minister-phan-van-giang-visits-the-united-states-what-direction-is-vietnam-us-defense-cooperation-heading-09062024124023.html

 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang sẽ đến Hoa Kỳ trong tháng 9 sau chuyến thăm đến Philippines. Những dự báo về hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ ra sao, đang là vấn đề được giới chuyên gia quan tâm.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/defense-minister-phan-van-giang-visits-the-united-states-what-direction-is-vietnam-us-defense-cooperation-heading-09062024124023.html/@@images/4d1d2824-9551-418c-8040-94b884284930.jpeg

Bộ trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin gặp nhau ngày 10/6/2022, trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tại Singapore (ảnh minh họa)  -   REUTERS

 

 

Chuyển động quốc phòng

 

Việt Nam gần đây có một loạt chuyển động quốc phòng gây chú ý. Đầu tháng 8/2024, nước này lần đầu tiên cử tàu cảnh sát biển CSB 8002 đi diễn tập cùng với Philippines. Sáng 24/8, Việt Nam cử tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân đến Úc tham gia cuộc tập trận Kakadu. Báo Quân đội Nhân dân nhấn mạnh tàu 18 của Việt Nam "chỉ tham gia các hoạt động phi tác chiến" nhưng cho biết "đây là lần đầu tiên tàu Hải quân của Việt Nam tham gia Diễn tập Kakadu do Australia đăng cai tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1993."

 

Từ ngày 29 đến 31/8,  Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Philippines theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro. Sắp tới, từ ngày 7 đến 9/9, Bộ trưởng Giang sẽ đến thủ đô của Mỹ để gặp gỡ cấp cao với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Thông tin này được các quan chức Mỹ và Việt Nam nói với VOA trong ngày 30/8.

 

Theo kế hoạch, hai ông Phan Văn Giang và Austin được cho là sẽ thảo luận về hợp tác quốc phòng, bao gồm các chương trình huấn luyện, đào tạo, các chương trình giải quyết hậu quả từ thời chiến. Ngoài ra, hai phía Việt - Mỹ được cho là có thể sẽ ký một thỏa thuận mua bán thiết bị quân sự. 

 

Hàng loạt chuyển động trên khiến giới quan sát đặt câu hỏi, liệu điều đó có phản ánh một bước chuyển nào đó trong chính sách quốc phòng của Việt Nam hay không. 

 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, việc ông Giang đến Mỹ có thể là một bước đi thăm dò của cả hai bên. Định hướng của mối quan hệ này sẽ là nâng cao mối quan hệ trên thực tế để xứng đáng với tên gọi “đối tác chiến lược toàn diện”.

 

Quan hệ quốc phòng Việt Mỹ trước đây chỉ xoay quanh vấn đề giải quyết các di sản chiến tranh, thăm viếng, tặng tàu tuần tra. Có thể hai nước từ đây muốn thúc đẩy những hoạt động có ý nghĩa hơn. Trong đó, việc mua bán vũ khí sẽ là một trong những nội dung quan trọng của chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Phan Văn Giang. Ông Nguyễn Thế Phương nói tiếp: 

 

“Đây chắc chắc sẽ là một điểm hai bên sẽ thảo luận trong chuyến thăm của Bộ trưởng Phan Văn Giang tới Mỹ. Ngoài ra, hai bên sẽ thảo luận các hợp đồng mua sắm. Chính các hợp đồng mua sắm này mới là điểm nhấn của quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”. Nhưng chúng ta cần xem có thông tin gì mới trong chuyến thăm này hay không.”

 

 

Mua vũ khí hay tàu chiến?

 

Trao đổi với RFA, TS. Kelly A Grieco, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đại Chiến lược Tái thiết của Hoa Kỳ tại Stimson Center cho rằng, Việt Nam vốn lệ thuộc vào hệ thống vũ khí Nga. Ukraine đã kết hợp các loại vũ khí thuộc hệ vũ khí Nga với các vũ khí công nghệ mới mà Phương Tây hỗ trợ để đánh bại cuộc xâm lược của Nga. Vũ khí Nga đã được chứng minh là thất bại trước công nghệ quân sự mới. Điều đó thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi hệ vũ khí của những quốc gia lệ thuộc vũ khí Nga như Việt Nam.

 

Theo TS. Kelly, việc chuyển đổi của Việt Nam sẽ không phải là chuyển hẳn sang hệ vũ khí Mỹ vì điều đó bất khả thi. Chiến lược đúng đắn là đa dạng hóa một cách sáng tạo bằng cách kết hợp dần dần hai hệ thống vốn không tương thích nhau. Ấn Độ cũng nhìn bài học Ukraine để đa dạng hóa vũ khí theo con đường này.

 

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris 2, khi trao đổi với RFA, cho rằng năng lực tổng thể kinh tế - công nghiệp mới là động lực thực sự cho các hệ thống vũ khí mà Việt Nam đang muốn mua sắm.

 

Ông Trần Bằng cho rằng việc mua sắm thêm vũ khí là cần thiết, tuy nhiên, Việt Nam cần đặt năng lực công nghệ quốc phòng trong tổng thể năng lực công nghiệp nói chung. Lấy việc nâng cấp năng lực của hải quân và cảnh sát biển để phòng thủ ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan làm ví dụ.  Trần Bằng phân tích thêm: 

 

“Bây giờ bổ sung thêm tàu chiến lớn hơn thì cũng cần, nhưng cần loại nào thì cũng cần suy nghĩ thêm. Ví dụ sức mạnh hải quân Việt Nam thì không thể so sánh với quân khu phía Nam của Trung Quốc được, chưa nói đến toàn bộ hải quân Trung Quốc. Cho nên chạy đua thì Việt Nam tốn tiền. Nếu chạy đua về năng lực công nghiệp nội địa thì có thể giải thích được. Còn chỉ để mua sắm thì nói như Fukuzawa Yukichi ngày xưa thì nếu như nước Anh có một nghìn tàu chiến thì không phải là nước Nhật cũng phải có một nghìn tàu chiến. Vấn đề của một nghìn tàu chiến đó là có một vạn tàu buôn và mười vạn thủy thủ cũng rất nhiều hàng hóa. Nếu đem ngân sách đi mua tàu chiến thì chỉ dẫn đến kiệt quệ ngân sách chứ không nâng cao được năng lực thực sự. 

Bao giờ Việt Nam có các đường hàng hải rất mạnh, không phải các nước mang tàu đến lấy hàng đem đi mà Việt Nam tự mình đem đi được, rồi hệ thống luật pháp và dân trí được nâng cao thì lúc ấy việc có một nghìn tàu chiến là điều bắt buộc phải có. Còn bây giờ đầu tư mua tàu chiến thì cũng không có tác dụng gì.” 

 

Trong chuyến thăm Philippines tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã kí với người đồng cấp nước chủ nhà một “Ý định thư” (letter of intent). Chưa biết kết quả cụ thể tương lai sẽ thế nào, nhưng giới quan sát cho rằng, nó cho thấy một sự xích lại gần nhau giữa hai quốc gia tạm gọi là hai nước đối đầu với Trung Quốc mạnh mẽ nhất trên Biển Đông trong ASEAN ở thời điểm hiện tại.

 

Ông Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng điều đó  cho thấy một sự chủ động, tự tin hơn trong việc tương tác với các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông. Đó không phải là một bước nhảy vọt gì cả nhưng nó có bước tiến và khác biệt so với trước đây. Do đó, giới quan sát sẽ quan tâm theo dõi chuyển động quan hệ quốc phòng Việt Nam với Hoa Kỳ, một đồng minh hiệp ước của Philippines, sau chuyến thăm của ông Phan Văn Giang. 

 

---------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Cải tạo đảo ở Trường Sa, Việt Nam muốn gửi thông điệp gì đến Bắc Kinh?

Quân cảng Ream của Campuchia và nguy cơ Hải cảnh Trung Quốc xuống Vịnh Thái Lan

Việt Nam đệ trình thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông trong bối cảnh các tranh chấp chưa hạ nhiệt

Tại sao Việt Nam đệ trình thêm hồ sơ thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông?

Việt Nam cần làm gì khi Philippines đệ trình thềm lục địa mở rộng?







No comments:

Post a Comment

View My Stats