Thursday 19 September 2024

ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG : CHIẾN LƯỢC VŨ KHÍ CHỐNG HẠM "NHIỀU VÀ RẺ" CỦA MỸ ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC (Anh Vũ / RFI)

 



Ấn Độ-Thái Bình Dương : Chiến lược vũ khí chống hạm "nhiều và rẻ" của Mỹ để đối phó với Trung Quốc  

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 18/09/2024 - 14:47

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240918-an-do-thai-binh-duong-chien-luoc-vu-khi-chong-ham-nhieu-va-re-cua-my-de-doi-pho-voi-trung-quoc

 

Reuters hôm 17/09/2024 cho biết Hoa Kỳ đang xây dựng một kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo trong nỗ lực tăng cường sức mạnh cho lực lượng nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Chiến đấu cơ F-35 của Hải Quân Mỹ tham gia cuộc tập trận Annualex 23 xuất phát từ hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ngoài khơi Nhật Bản, ngày 11/11/2023. AP - Mari Yamaguchi

 

Hãng tin Anh dẫn nguồn từ một chủ tịch - tổng giám đốc của một tập đoàn công nghiệp chế tạo tên lửa cho biết, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina đã thúc đẩy Hoa Kỳ phải có một triết lý mới về vấn đề vũ khí là phải nhiều và giá thành hợp lý, hay nói một cách khác là rẻ.

 

Sách lược mới này của Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của được giới phân tích quân sự. Euan Graham, nhà phân tích cao cấp của Viện Chính Sách Chiến Lược Úc, được Reuters trích dẫn nhận định sự thay đổi của Mỹ là « phản ứng tự nhiên đối với những gì Trung Quốc đã và đang làm », ý muốn nói đến kho vũ khí trên biển và tên lửa đạn đạo thông thường mà Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa không ngừng.

 

Thực tế, thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh các thử nghiệm loại vũ khí có tên gọi Quicksink, một loại bom tự dẫn đường có thể bám theo các mục tiêu di động, và đặc biệt là giá thành sản xuất hạ. Tháng trước, trong vịnh Mêhicô, quân đội Mỹ đã sử dụng oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-2 để thử nghiệm loại bom Quicksink tấn công mục tiêu là các tàu chiến.

 

Theo giới chuyên gia quân sự, Trung Quốc vẫn luôn chiếm ưu thế đáng kể về số lượng tên lửa chống hạm, đặt trên tàu chiến cũng như trong đất liền. Nhưng với việc Mỹ tăng nhanh sản xuất Quicksink, khoảng cách ưu thế này sẽ được rút ngắn lại đáng kể.

 

Bom Quicksink đang được triển khai và do tập đoàn Boeing chế tạo. Bộ chỉ huy lực lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ muốn có hàng nghìn vũ khí này, theo một lãnh đạo của tập toàn chế tạo, vì lý do bảo mật không đưa ra con số cụ thể. Quan chức điều hành này khẳng định, nếu quân đội Mỹ có đủ vũ khí « giá rẻ », hệ thống phòng thủ của tàu chiến Trung Quốc sẽ bị áp đảo.

 

Trong một kịch bản như vậy, quân đội Mỹ có thể sử dụng các loại tên lửa chống hạm tầm xa (LRASSM) hay tên lửa SM-6 để hư hại tàu chiến và hệ thống radar của Trung Quốc, sau đó sẽ sử dụng bom « rẻ tiền » Quicksink oanh tạc.

 

Theo giới quân sự, Hoa Kỳ đã tích lũy một số lượng đa dạng các vũ khí chống hạm ở Châu Á. Hồi tháng Tư năm nay, quân đội Mỹ đã triển khai tại Philippines, trong một cuộc tập trận, các dàn phóng tên lửa cơ động Typhon, cũng là loại giá rẻ, chế tạo từ những thiết bị đã có sẵn, có thể dùng để phóng các loại tên lửa SM-6 và Tomahawk vào các mục tiêu trên biển.

Điều quan trọng là các loại vũ khí này tương đối dễ sản xuất và có thể giúp Hoa Kỳ cùng các đồng minh nhanh chóng bắt kịp cuộc chạy đua tên lửa tại  Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn trước.

 

Mặc dù quân đội Hoa Kỳ đã từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến ​​sẽ được mua trong năm năm tới, theo các tài liệu của chính phủ về  giao dịch mua sắm quân sự. Các tài liệu cũng cho thấy, hàng nghìn tên lửa Tomahawk và hàng trăm nghìn tên lửa JDAM đã có trong kho vũ khí của Hoa Kỳ. Việc bố trí vũ khí chống hạm ở những nơi như Philippines là nhằm đặt vùng Biển Đông vào tầm ngắm. Đó cũng là  nơi Trung Quốc ngày càng lấn lướt đòi gần hết chủ quyền, bất chấp các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đài Loan phản đối.

 

Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, thực chất thì đây là cuộc đua về số lượng, trong đó Mỹ đang nỗ lực san bằng sân chơi trước Trung Quốc. Chuyên gia này dẫn ví dụ lực lượng Houthi, đồng minh của Iran, sử dụng vũ khí chống hạm công nghệ thấp để bắn vào các tàu vận tải dân sự ở Hồng Hải, buộc Hoa Kỳ và các nước khác phải triển khai vũ khí tốn kém để phòng thủ chống lại và  ông nhận định : « Ngay cả khi anh có một kho vũ khí nhỏ hơn gồm các hệ thống tên lửa tấn công như vậy, anh vẫn có thể tạo ra một số khả năng răn đe ».

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats