Sunday 21 July 2024

TRUMPONOMICS SẼ LÀM ĐẮM CON TÀU KINH TẾ MỸ? (Trúc Phương / Người Việt)

 



Trumponomics sẽ làm đắm con tàu kinh tế Mỹ?

Trúc Phương/Người Việt

July 18, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trumponomics-se-lam-dam-con-tau-kinh-te-my/

 

Loạt bài bình luận về “Trumponomics 2.0” (Chính sách điều hành kinh tế của Donald Trump phiên bản 2.0) gần như đều có điểm chung: Chương trình “Nước Mỹ Trên Hết” của cựu Tổng Thống Donald Trump có thể khiến lạm phát cao hơn, dẫn đến một cuộc chiến thương mại với thế giới, gây thiệt hại nặng nề cho chính người Mỹ, và có thể đưa đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/07/A1-Trumponomics-con-tau-kinh-te-1536x1024.jpg

Nhiều nghiên cứu kinh tế từng kết luận rằng chính sách thuế mà cựu Tổng Thống Donald Trump áp đặt khi còn là tổng thống đã khiến xã hội Mỹ tổn thất nhiều hơn lợi ích mang lại. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)

 

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập cảng và 60% với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông dọa trục xuất hàng triệu công nhân không có giấy tờ (điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động vốn tồn tại ở một số khu vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp)…

 

Trong một nghiên cứu được công bố vào Tháng Sáu, Moody’s Analytics đã sử dụng mô hình riêng để xem xét bốn kịch bản gắn liền với kết quả bầu cử: Chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua tổng thống; chiến thắng của Cộng Hòa (GOP) tại Quốc Hội; chiến thắng của ông Biden; và chiến thắng của Dân Chủ ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện.

 

 

Trong kịch bản ông Trump giành được ghế tổng thống và GOP chiếm hai viện Quốc Hội, ông Trump sẽ xáo trộn toàn bộ chương trình kinh tế, từ thuế quan đến hàng loạt chính sách khác. Theo phân tích của Moody’s Analytics, khi thuế quan đẩy giá hàng hóa nhập cảng lên cao, lạm phát sẽ tăng từ khoảng 3% trong năm nay lên 3.6% vào năm 2025. Nghiên cứu cho biết, lạm phát và lãi suất cao ảnh hưởng đến thu nhập thực tế cũng như tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nền kinh tế sẽ hứng chịu một đợt suy thoái bắt đầu vào giữa năm 2025. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4.1% sẽ tăng lên hơn 5% vào giữa năm 2026.

 

                                                        ***

 

Về lý thuyết, Quốc Hội hoặc các tòa án địa phương có thể hạn chế một số chính sách có hại của ông Trump. Một trong những kịch bản của Moody’s là ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc nhưng quyền lực trong Quốc Hội vẫn bị chia rẽ. Khi đó, ông Trump sẽ tăng thuế nhập cảng 5% thay vì 10%; ít quyết liệt hơn trong việc trục xuất người nhập cư và không thể gia hạn chính sách giảm thuế cho người giàu từng đưa ra vào năm 2017. Dựa trên giả định này, mô hình Moody dự đoán lạm phát vẫn tiếp tục ở mức 3% vào năm 2025 và Ngân Hàng Trung Ương (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao. Kết quả, tăng trưởng GDP chậm lại khoảng 1% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.7%.

 

Về việc đánh thuế hàng hóa nhập cảng nói chung và hàng Trung Quốc nói riêng, giới kinh tế gia đã nhiều lần chứng minh rằng thiệt hại trực tiếp là người tiêu dùng Mỹ. Hồi Tháng Năm, hai tác giả Mary Lovely và Kimberly A. Clausing thuộc Peterson Institute for International Economics đã công bố một nghiên cứu cho thấy chính sách thuế nhập cảng của ông Trump sẽ khiến một gia đình Mỹ có thu nhập trung bình bị thất thoát khoảng $1,700 một năm, tương đương 2.7% khả năng chi tiêu của họ. Có 20% gia đình nghèo nhất sẽ chịu tổn thất thậm chí nặng hơn tính theo tỷ lệ phần trăm (khoảng 3.7%), trong khi thu nhập của 1% người giàu nhất tăng khoảng 1.4%.

 

 

Những người ủng hộ Trumponomics chỉ ra rằng chính quyền Biden cũng đánh thuế mạnh vào Trung Quốc. Trong thực tế, Tổng Thống Biden giữ nguyên một số mức thuế của ông Trump và gần đây còn áp đặt một số mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc, trong đó có chất bán dẫn, xe điện và pin mặt trời. Theo Tòa Bạch Ốc, mức thuế mới của ông Biden áp dụng cho khoảng $18 tỷ hàng xuất cảng của Trung Quốc; trong khi đó, dựa trên những tuyên bố của ông Trump, mức thuế mới của ông dường như áp dụng cho toàn bộ hàng hóa trị giá $3,400 tỷ. Đó là sự khác biệt giữa dao mổ và búa tạ – nhận định của ông Mark Zandi, chánh kinh tế gia thuộc Moody’s Analytics (dẫn lại từ The New Yorker, 15 Tháng Bảy).

 

Cần lưu ý, cả nghiên cứu của Moody’s và Viện Peterson đều không xem xét đến tác động kéo theo của “Trumponomics” – đặc biệt sự trả đũa từ các đối tác thương mại. Cần nhắc lại, khi ông Trump dựng hàng rào thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018, Bắc Kinh đã lập tức trả đũa bằng đòn thuế tương tự đối với hàng Mỹ, gây tổn hại cho nông dân và nhà sản xuất Mỹ. Nếu chính quyền mới của ông Trump đưa ra mức thuế phổ quát (universal tariffs – áp dụng cho nhiều quốc gia), các nước chắc chắn sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương tự, dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn diện.

 

                                                  ***

 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói rằng ông sẽ “ban hành những hạn chế mạnh mẽ mới đối với quyền sở hữu của Trung Quốc” đối với nhiều loại tài sản ở Mỹ, cấm người Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, và từng bước thực hiện lệnh cấm hoàn toàn nhập cảng các danh mục hàng hóa do Trung Quốc sản xuất – như điện tử, thép và dược phẩm.

 

Nhìn chung, kế hoạch của ông Trump đang gây lo lắng đối với một số chuyên gia có quan điểm kinh tế truyền thống. Ông Daniel M. Price, cố vấn kinh tế hàng đầu Tòa Bạch Ốc thời Tổng Thống George W. Bush, gọi những kế hoạch của ông Trump là “thất thường và phi lý.” Theo ông Daniel M. Price, những gì ông Trump làm sẽ dẫn đến thiệt hại cho chính nước Mỹ, với những tổn thất hữu hình mà chính người tiêu dùng và nhà sản xuất Hoa Kỳ gánh chịu. Nhiều nghiên cứu kinh tế từng kết luận rằng chính sách thuế mà ông Trump áp đặt khi còn là tổng thống đã khiến xã hội Mỹ tổn thất nhiều hơn lợi ích mang lại.

 

 

Nghiên cứu từ các nhà kinh tế tại Fed và Đại Học Chicago cho thấy mức thuế mà ông Trump áp đặt đối với máy giặt vào năm 2018 chỉ tạo ra khoảng… 1,800 việc làm, trong khi mức giá trung bình mà người tiêu dùng trả cho máy giặt và máy sấy mới lại tăng lên $86 và $92 mỗi chiếc. Bất chấp mức thuế mạnh của ông Trump, dữ liệu của Cơ Quan Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm đã tăng lên $901 tỷ vào năm 2020, từ $735 tỷ năm 2016.

 

Ông Trump còn kêu gọi thu hồi quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc bãi bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn và chính sách giảm thuế mà Mỹ dành cho Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001. Theo một nghiên cứu được công bố vào Tháng Mười Một, 2023, của Oxford Economics, việc thu hồi quy chế “tối huệ quốc” sẽ gây gián đoạn đáng kể cho nền kinh tế Mỹ. Ước tính việc tăng thuế sẽ dẫn đến tổn thất $1,600 tỷ cho nền kinh tế Mỹ và mất đi 744,000 việc làm trong năm năm.

 

Trong hồi ký “No Trade Is Free” (Broadside Books phát hành Tháng Sáu, 2023), ông Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế của ông Trump, thừa nhận rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Quốc và những doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng nhập cảng Trung Quốc luôn phản đối ý tưởng “chơi rắn” với Trung Quốc; rằng sự trả đũa không thể tránh khỏi của Trung Quốc nhằm gây tổn hại cho hàng xuất cảng của Mỹ sẽ tiếp tục “góp phần vào sự chia rẽ chiến lược” của hai nền kinh tế.

 

Trong “No Trade Is Free,” ông Robert Lighthizer viết: “Bất cứ ai thừa nhận rằng Trung Quốc là một vấn đề nhưng lại khẳng định rằng có một giải pháp kỳ diệu giúp xử lý vấn đề Trung Quốc mà không dẫn đến bất kỳ sự xáo trộn nào thì người ấy rất có thể là một kẻ nói dối, một kẻ ngốc, một kẻ hèn, một kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu hóa vô phương cứu chữa, hoặc (người ấy là) một sự kết hợp của những thứ như vậy.”

 

                                                           ***

 

Một cách công bằng, cũng phải kể ra rằng nhiều cuộc thăm dò đều cho thấy đa số cử tri tin tưởng vào khả năng xử lý nền kinh tế của ông Trump hơn ông Biden. Khoảng 51% cử tri hợp lệ cho biết họ tin ông Trump hơn trong việc xử lý nền kinh tế, so với 32% dành cho ông Biden – theo một cuộc thăm dò CNN được thực hiện cuối Tháng Sáu. Tương tự, cuộc thăm dò của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew công bố giữa Tháng Bảy cho thấy 54% cử tri hợp lệ cũng tin tưởng phần nào vào khả năng của ông Trump trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn liên quan chính sách kinh tế, so với 40% ý kiến ủng hộ ông Biden.

 

Ông Trump đã kiểm soát một nền kinh tế mạnh, cho đến khi xảy ra đại dịch COVID-19 vào Tháng Ba, 2020. Khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, ông kế thừa một nền kinh tế vận hành tốt. Từ lễ nhậm chức của ông Trump vào năm 2017 đến Tháng Hai, 2020, trung bình có 181,500 việc làm được bổ sung hàng tháng. Trước đại dịch, thu nhập trung bình của gia đình Mỹ đã được ghi nhận mức tăng đột biến lớn nhất trong hơn bốn thập niên – đạt mức cao kỷ lục $68,700 vào năm 2019, theo Cơ Quan Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ. Tỷ lệ nghèo giảm còn 10.5% – mức thấp nhất kể từ khi việc thống kê được thực hiện vào sáu thập niên trước đó.

 

Tuy nhiên, bằng nhiều thước đo, nền kinh tế dưới thời ông Biden (nhậm chức khi đại dịch vẫn còn) cũng rất mạnh. Khả năng phục hồi của thị trường lao động Mỹ trong hai năm qua đã vượt xa giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức dưới 4% trong 27 tháng. Trong khi đó, tỷ lệ có việc làm của phụ nữ đã tăng lên mức cao kỷ lục là 78.1% vào Tháng Năm. Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy lạm phát hàng năm ở mức 3%. Dù vậy, người dân không phải là kinh tế gia và họ không suy nghĩ như các nhà kinh tế. Họ không nhìn vào tốc độ thay đổi của giá tiêu dùng, cùng với tác động của nhiều yếu tố khách quan khác, mà nhìn vào giá một chục quả trứng hiện nay so với hai năm trước – nhận định của ông Bernard Yaros, kinh tế gia Mỹ làm việc trong Oxford Economics (dẫn lại từ CNN, 16 Tháng Bảy). Đó là lý do tại sao người ta than thở về “cuộc sống khó khăn” thời ông Biden. [qd]







No comments:

Post a Comment

View My Stats