Tuesday, 9 July 2024

SINGAPORE, VÙNG ĐẤT THỬ NGHIỆM CÁC LOẠI RƯỢU PHA MỚI (Tuấn Thảo / RFI)

 



 

Singapore, vùng đất thử nghiệm các loại rượu pha mới  

Tuấn Thảo  /  RFI

Đăng ngày: 08/07/2024 - 15:03

https://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20240708-singapore-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BA%A5t-th%E1%BB%AD-nghi%E1%BB%87m-c%C3%A1c-lo%E1%BA%A1i-r%C6%B0%E1%BB%A3u-pha-m%E1%BB%9Bi

 

Kể từ đầu những năm 2010, Singapore đã bắt nhịp trào lưu quốc tế trong nghề pha chế cocktail. Từ Luân Đôn hay New York, một thế hệ trẻ chuyên về nghệ thuật rượu pha đến Singapore khởi nghiệp. Theo báo Le Monde, thế hệ này đã lập ra những tụ điểm giải trí, các quán bar thời thượng mang đầy tính sáng tạo, giúp cho ẩm thực Singapore thêm phần sinh động, nhịp sống về đêm trở nên náo nhiệt.

 

HÌNH :

Nhân viên chuẩn bị coctail « Singapore Sling » cho khách hàng tại một quán giải khát ở Singapore. Ảnh chụp ngày 25/01/2019. AFP - THEODORE LIM

 

 Vào trung tuần tháng 10 năm ngoái, Singapore đã tổ chức lễ trao giải 50 World's Best Bars dành cho những quán rượu ngon nhất thế giới. Giải nhất năm 2023 đã được trao cho Sips, một quán bar ở Barcelona. Thế nhưng, sự kiện nổi bật hơn cả là lần đầu tiên Singapore, một nước Đông Nam Á được chọn làm nơi trao giải thường niên, thay vì thành phố New York, Oslo hay Mexico vốn nổi tiếng trong nghề phục vụ cocktail. 

 

 

Singapore Sling : Truyền thống lâu đời pha chế cocktail

 

Không phải ngẫu nhiên mà Singapore trở nên quan trọng trong mắt các chuyên gia về mixology (nghệ thuật pha chế). Chỉ trong khoảng một thập niên, Singapore đã nhanh chóng trở thành một trong những thành phố dẫn đầu lãnh vực này, nhưng thật ra, truyền thống làm cocktail lại có từ lâu trên đảo quốc Sư tử.

 

Tại Singapore, một trong những khách sạn nổi tiếng nhất vẫn là Raffles Hotel được thành lập vào năm 1887 và được đặt tên theo phó thống đốc người Anh Thomas Stamford Raffles (1781-1826), người đã sáng lập nước Singapore. Trong khách sạn huyền thoại mang tên Raffles, loại cocktail ''Singapore Sling'' giờ đây đã hơn 100 tuổi và nằm trong số các loại rượu pha ''kinh điển'' mà bất cứ bartender nào trên thế giới cũng phải biết làm.

 

Tại quầy bar khách sạn Raffles, ông Ngiam Tong Boon, một chuyên viên pha rượu gốc Hoa đến từ Hải Nam, đã hoàn chỉnh vào năm 1915 công thức của loại ''Singapore Sling'' bằng cách pha trộn rượu gin với một chút rượu anh đào, rượu mùi Bénédictine, rượu cam Cointreau, rượu đắng Angostura, một chút xi rô đỏ, nước ép trái dứa và vài giọt chanh vắt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Singapore Sling đã trở thành một thức uống phổ biến trong giới thượng lưu thời bấy giờ.

 

Theo báo Le Monde, đảo quốc Sư tử không chỉ có ''Singapore Sling''. Tuy vẫn không quên truyền thống văn hóa lịch sử, nhưng cả một thế hệ trẻ tuổi lao vào tìm tòi công thức mới, thử nghiệm nhiều kiểu pha chế khác. Ngoài những ý tưởng hài hước trong cách đặt tên hay sử dụng khái niệm tương phản, cách tạo hương vị tinh tế để thuyết phục giới sành điệu, các chuyên viên pha chế ở Singapore còn tận dụng rất nhiều nguyên liệu địa phương như sả bằm, lá dứa, ớt tươi, hoa gừng, vỏ quế, bột nghệ, củ riềng, hoa đậu biếc ..... Các loại gia vị này cũng giúp tạo thêm mùi cho dòng sản phẩm rượu gin Singapore mang thương hiệu ''Brass Lion''.

 

Phong trào đổi mới nghệ thuật pha chế cocktail đã bắt đầu ở hai thành phố New York và Luân Đôn vào cuối những năm 1990. Từ Âu Mỹ, phong trào này đã lan rộng sang eo biển Malacca vào đầu những năm 2010. Lúc bấy giờ, Singapore không có nhiều quán bar chuyên phục vụ cocktail vào giờ tan sở (after work), cho nên ba luật sư người Mỹ Spencer Forhart, Paul Gabie và Snehal Patel mới thành lập vào năm 2011 quán bar tên là 28 HongKong Street, theo mô hình các quán rượu speakeasy ở Manhattan.

 

Quán bar này ngay lập tức thu hút đông đảo khách hàng nhờ công thức làm rượu pha ''độc lạ'', ưu tiên sử dụng nguyên liệu tươi, rượu mạnh cao cấp, các loại nước mùi ngâm gia vị hoặc xi rô tự làm. Do Singapore lúc bấy giờ không có nhập khẩu nhiều loại rượu ngoại thượng hạng, cho nên ba luật sư trẻ tuổi đã tranh thủ cơ hội này để thành lập Proof & Company, một công ty chuyên phân phối rượu mạnh thủ công và cao cấp. Sáng kiến ấy trở thành động cơ thúc đẩy nhiều doanh nhân khác lao vào ngành kinh doanh quán bar, đặc biệt các quán chuyên pha chế những loại cocktail mới.

 

Sau quán bar 28 HongKong Street, đến phiên nhà hàng Tippling Club được khai trương dưới sự điều hành của đầu bếp người Anh Ryan Clift. Theo lời ông Uno Jang, chủ quán bar Jigger & Pony, từng được xếp hạng thứ 14 trên danh sách 50 quán bar ngon nhất thế giới năm 2023, những năm 2010 là thời kỳ phát triển rất mạnh các quán bar theo chuyên đề ở Singapore. Như thể một tác giả đang ngồi trước một trang giấy trắng, tự do càng nhiều bao nhiêu, cảm hứng sáng tạo càng dồi dào bấy nhiêu.

 

Cũng như Bangkok, vị trí địa lý của Singapore biến thành phố này thành giao điểm quan trọng trên toàn vùng Đông Nam Á. Đất lành chim đậu, sự thịnh vượng tài chính cũng thu hút nhiều chuyên viên pha chế đến từ khắp nơi trên thế giới. Singapore có đủ loại quán bar, nhưng ngoài thực đơn đa dạng với đủ loại cocktail pha chế, các chủ quán còn rất chú trọng đến lối kiến trúc hài hòa và thiết kế tinh tế.

 

 

Ba quán Singapore trong số 50 quán bar ngon nhất thế giới

 

Trong số các địa chỉ nổi tiếng, có quán Night Hawk, tuy không gian nhỏ bé nhưng lại giành giải nhất của World's 50 Best dành cho quán bar có lối trang trí đẹp mắt nhất. Từ các dùng ánh sáng cho đến lối biến tấu sắc huyết dụ trong gam màu chủ đạo, quán bar này gợi lại khung cảnh bức tranh nổi tiếng ''Nighthawks'' của danh họa người Mỹ Edward Hopper.

 

Các trường phái nghệ thuật cũng như những biểu tượng của dòng văn hóa đại chúng (điện ảnh, thời trang hay âm nhạc) thường là nguồn cảm hứng trong lối thiết kế những quán bar này. Chẳng hạn như quán Smoke & Mirrors nằm trên sân thượng của Bảo tàng Quốc gia Singapore kết hợp mỗi thức uống với một tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong viện bảo tàng. Quầy bar của khách sạn Regent Singapore tái tạo một phần khung cảnh Art Déco như trong bộ phim ''The Great Gatsby'', phiên bản với Leonardo DiCaprio trong vai chính.

 

Quán bar Atlas (hạng thứ 48 trên danh sách 50 World's Best) có lối kiến trúc vuông vức đồ sộ nhưng lại gần giống với thành phố Gotham trong truyện tranh ''Batman'' (Người Dơi) nhiều hơn là thành phố New York những năm 1940 trong mắt của nhà văn F.Scott Fitzgerald. Ngoài vòm nhà khổng lồ, trang trí với nhiều tác phẩm hội họa màu xê pia, tiêu biểu cho trường phái Art Déco, quán bar Atlas còn nổi tiếng nhờ tủ tháp kính cao hơn 15 mét, ươi cất giữa một bộ sưu tập gồm khoảng 1.300 hiệu rượu gin khác nhau, biến quán bar này trở thành một trong những địa điểm độc đáo nhất trên thế giới. Khi được pha chế với các loại rượu mạnh có hơn 100 năm tuổi, như các chai gin có từ những năm 1920, một ly cocktail tại quán Atlas được bán với giá khoảng 200 euro một ly.

 

Tuy nhỏ bé về mặt diện tích, nhưng Singapore lại có đến 36 nhà hàng gắn sao Michelin, đứng hạng ba tại châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Hồng Kông, nhưng Singapore lại vượt trội so với Hàn Quốc (26), Đài Loan (20) hay Thái Lan (17). Đảo quốc Sư tử giờ đây phát triển thêm nghệ thuật pha chế ''mixology'' để củng cố vị thế của mình trên bản đồ ẩm thực thế giới, thu hút nhiều tài năng đến từ khắp nơi, họ cùng đeo đuổi một nghề đầy tiềm năng và nổi tiếng là không biên giới. 

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

VĂN HÓA - ẨM THỰC

Tom Collins, một trong những loại rượu pha lâu đời nhất

 

CUBA - ẨM THỰC

Mojito và Daiquiri của Cuba, hai loại rượu pha nổi tiếng thế giới

 

SINGAPORE - ẨM THỰC






No comments:

Post a Comment

View My Stats