Monday, 22 July 2024

NỀN DÂN CHỦ ẨN MÌNH CHỜ THỜI Ở TRUNG QUỐC : TỪ PHÂN TÍCH QUYẾT ĐỊNH NĂM 2013 (Đỗ Thi / Luật Khoa tạp chí)

 



Nền dân chủ ẩn mình chờ thời ở Trung Quốc : Từ phân tích Quyết định năm 2013

Đỗ Thi

JUL 19, 2024
https://www.luatkhoa.com/2024/07/nen-dan-chu-an-minh-cho-thoi-o-trung-quoc-tu-phan-tich-quyet-dinh-nam-2013/

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/07/Tap-Can-Binh.jpg

Nguồn: Tingshu Wang/REUTERS, ISPI. Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Có một tinh thần tự do tồn tại trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng nó ít được giới quan sát Trung Quốc ở Việt Nam, Mỹ hay phương Tây chú ý. Bằng chứng cho sự tồn tại này là Quyết định năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ về cải cách toàn diện và sâu rộng.

 

Theo đó, có một bộ khung lý thuyết mà ĐCSTQ đã cố gắng xây dựng vào năm 2013 để thúc đẩy cuộc cải cách lần hai, tiếp nối cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình. Quyết định năm 2013 cho thấy một tư duy từng tồn tại trong giới tinh hoa chính trị của ĐCSTQ về việc chuyển hóa từ chế độ độc tài khép kín sang một thể chế tự do và cởi mở. Ngày nay, quyết định này đã bị rơi vào quên lãng, nhưng nó đáng được tìm hiểu.

 

                                                     ***

Có ba điểm đáng chú ý trong bài diễn văn của Tập Cận Bình vào ngày 19/8/2013, tức khoảng 10 tháng sau khi ông trở thành tổng bí thư. [1]

 

Một là chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Điều này thể hiện qua cách nhìn nhận rằng chủ nghĩa tư bản đã thoái trào và chủ nghĩa xã hội (trong đó Trung Quốc là trụ cột, là kẻ dẫn dắt) thì đang đi lên. Trung Quốc coi phương Tây là đối thủ, không phải là không gian để tương tác, hội nhập. Thời đại của Trung Quốc đã đến. Trung Quốc có vai trò lịch sử dẫn dắt thế giới đến với chủ nghĩa xã hội. 

 

Hai là tư tưởng xây dựng nền chính trị cực tả. Để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản phải kiểm soát tuyệt đối về tư tưởng. Điều này dẫn đến chính sách cải cách thể chế nhà nước sao cho đảng trực tiếp điều hành quốc gia thay vì chỉ lãnh đạo gián tiếp thông qua Chính phủ.

 

Ba là tầm nhìn về một nền kinh tế thị trường cực tả. Bên cạnh con đường kiểm soát chính trị và xã hội, đảng cũng phải kiểm soát các nguồn lực kinh tế. Quan điểm này đặt nhà nước vào vị trí trung tâm để kiểm soát mọi nguồn lực. 

 

Những điểm nêu trên sau đó đã được triển khai chi tiết hơn và tổng hợp thành “tư tưởng Tập Cận Bình" - tư tưởng mà cả hệ thống chính trị và giáo dục Trung Quốc đều phải học.

 

Các nhà quan sát Trung Quốc đã nói nhiều về tư tưởng Tập Cận Bình. Tuy nhiên, việc bỏ quên tinh thần đối lập từng hiện diện ngay trong nội bộ ĐCSTQ sẽ làm cho chúng ta thiếu cái nhìn toàn cảnh. Mặc dù đã bị gạt sang bên lề, tinh thần này vẫn có khả năng tái sinh và chiếm lấy vị trí trung tâm khi có cơ hội đến. Điều này có nghĩa là không chỉ nước Mỹ, hơn ai hết, chính Việt Nam, cần biết về hiện tượng tinh thần đó để suy nghĩ về con đường tương lai.

 

 

Dấu hiệu một cuộc tranh luận nội bộ?

 

Quyết định năm 2013 của Trung ương ĐCSTQ được công bố vào ngày 15/10/2013, ra đời hơn một năm sau khi Tập Cận Bình nắm quyền tổng bí thư. Hiện, văn bản này vẫn còn lưu trên website của Chính phủ Trung Quốc. [2]

 

Điều đáng nói, Quyết định năm 2013 phác họa những mục tiêu, lộ trình và giải pháp thực hiện để phát triển quốc gia hoàn toàn khác với quan điểm của Tập Cận Bình. Cụ thể, nó liệt kê ba định hướng nhằm mở ra con đường tự do cho Trung Quốc, đó là (1) xây dựng hệ thống chính trị có sự giám sát và cân bằng quyền lực, (2) một nền tư pháp độc lập, và (3) phát triển xã hội dân sự.

 

Điều này cũng cho thấy trong nội bộ ĐCSTQ đã từng xảy ra một cuộc tranh luận ngắn ngủi về con đường tương lai cho đất nước của họ. Tất nhiên, nó vẫn có khả năng tái sinh nếu có điều kiện thuận lợi.

 

Đơn cử như sự kiện diễn ra vào ngày 23/5/2024 khi Tập Cận Bình chủ tọa một hội nghị ở Tế Nam để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 3 của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa XX (khai mạc ngày 15/7). Hội nghị gồm các doanh nghiệp tư nhân, quốc doanh và nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng tham gia. Điều đáng nói, nội dung thảo luận chủ chốt của hội nghị là ưu tiên tăng trưởng kinh tế tư nhân và tạo ra cơ hội việc làm. [3] Đồng thời, Tập Cận Bình xuất hiện trong hội nghị này không phải với tư cách là người phát biểu chỉ đạo. Những người được mời cho ý kiến tham luận không phải là các chính trị gia mà là lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân và các kinh tế gia hàng đầu, trong đó có Giáo sư Zhou Yiren (Chu Kỳ Nhân) của Đại học Bắc Kinh, một người luôn nhất quán với tinh thần tự do trong "Quyết định" hơn mười năm trước. [4]

 

 

Đối chiếu các chủ trương, quan điểm

 

Một trong những chiến lược đối thoại của Quyết định năm 2013 là sử dụng lại những khái niệm của Tập Cận Bình, nhưng diễn giải nó theo tinh thần chính trị tự do. Cụ thể như sau:

 

Trước hết, “khóa quyền lực trong lồng hệ thống. Ngày 22/1/2013, sau khi nắm quyền tổng bí thư được ba tháng, Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ. Ông tuyên bố cần phải “đả hổ diệt ruồi” và xem “khóa quyền lực trong lồng hệ thống” như là một cơ chế trừng phạt để không còn ai dám tham nhũng. [5] Để làm được điều này, đòi hỏi phải tổ chức ra những hệ thống quyền lực vô biên, tuyệt đối, không ai kiểm soát được. Và cơ quan đó là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng.

 

Cơ quan này trước thời của Tập Cận Bình chỉ có chức năng điều tra hồ sơ của đảng viên, đề nghị kỷ luật những đảng viên sai phạm và thẩm tra lý lịch đảng viên cao cấp để bổ nhiệm. Nhưng bây giờ, Tập Cận Bình trao quyền cho cơ quan này đến mức nó lấn át quyền của Bộ Công an. Từ năm 2013 đến 2018, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Vương Kỳ Sơn, một thân tín của Tập Cận Bình, đã giúp tổng bí thư thực hiện chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.

 

Nhưng đến 2018, Tập Cận Bình đối mặt câu hỏi: Ai sẽ kiểm soát Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương?

 

Thế là ông lại lập ra một cơ quan khác có chức năng tương tự: Ủy ban Giám sát Quốc gia.

 

Trước Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10/2022, Ủy ban Giám sát Quốc gia đã “hạ gục” Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Tháng 1/2022, Đổng Hoành, Phó chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, tức cấp phó của Vương Kỳ Sơn, đã bị bắt và kết án tử hình treo (tức được giảm xuống còn tù chung thân sau hai năm) vì chính tội mà ông ta có trách nhiệm trừng trị: tham nhũng. [6] 

 

Trước đó, năm 2021, Ủy ban Giám sát Quốc gia đã bắt một chủ doanh nghiệp thân cận với Vương Kỳ Sơn là Trần Phong (Chen Feng). [7] Sau khi kết án Đổng Hoành, Tập Cận Bình cho bắt Diêu Khương (Yao Qing), cháu rể Vương Kỳ Sơn, với cáo buộc liên quan đến Trần Phong. [8]

 

Ngày 7/10/2022, trước đại hội hơn một tuần, Tập Cận Bình cho khai trừ đảng đối với Điền Huệ Vũ (Tian Huiyu), cựu thư ký của Vương Kỳ Sơn. [9] Sau đại hội, Vương Kỳ Sơn bị cho về vườn.

 

Tất nhiên, với cách quản trị quốc gia như vậy thì cũng sẽ đến lúc ông Tập phải đặt câu hỏi: Lập ra Ủy ban Giám sát Quốc gia để khống chế Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, vậy rồi đây ai sẽ kiểm soát Ủy ban Giám sát Quốc gia?

 

Đó là một câu hỏi mà mọi chế độ độc tài đều không thể trả lời. Họ cần lực lượng mạnh để đàn áp, kiểm soát và rồi đến lượt mình, họ không biết làm cách nào tin được lực lượng có quyền lực vô đối mà mình đẻ ra.

 

Quyết định năm 2013 cũng sử dụng lại khái niệm này, nhưng diễn giải lại. Theo đó, nó có nghĩa là chia tách hệ thống tư pháp sao cho độc lập với hệ thống hành chính. Cụ thể, Quyết định năm 2013 đặt ra vấn đề: “Kiên trì sử dụng hệ thống để quản lý quyền lực, công việc và con người, sao cho nhân dân giám sát quyền lực và để quyền lực vận hành dưới ánh mặt trời, là chiến lược cơ bản để khóa quyền lực trong lồng hệ thống”. [10]

 

Để thực hiện điều này, cần phải “đảm bảo việc thực thi các quyền tư pháp và kiểm sát một cách độc lập và vô tư theo quy định của pháp luật”. Nó cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu việc thành lập hệ thống tài phán tư pháp, tách biệt rõ ràng với các đơn vị hành chính, bảo đảm thực hiện thống nhất và đúng đắn pháp luật quốc gia. [11] Nói chung, không phải là giới tinh hoa trong ĐCSTQ không nhìn ra vấn đề và giải pháp. Quyết định năm 2013 cho thấy họ đã biết giải pháp căn cơ. Điều đáng buồn cho Trung Quốc là giải pháp và tinh thần đó vẫn bị đàn áp và chưa có cơ hội thực thi.

 

 

Thứ hai, vấn đề một đảng lãnh đạo, đa đảng hợp tác. Vấn đề kiểm soát quyền lực luôn đi đôi với chuyện "một đảng hay nhiều đảng". Đối với vấn đề đảng phái, Trung Quốc đứng trước một nghịch lý: một mặt, cần có quyền lực mạnh, đứng trên thượng đỉnh để thống nhất quốc gia, nhưng nó dẫn đến độc tài toàn trị, đàn áp nhân quyền, khống chế sức sáng tạo của xã hội. Độc tài toàn trị cũng tích tụ năng lượng phản kháng, gây nguy cơ khủng hoảng xã hội và chính trị khi quyền lực của trung ương suy yếu.

 

Mặt khác, Trung Quốc cần có dân chủ và tự do để phát huy sức sáng tạo của toàn xã hội, nhưng điều này có thể dẫn đến sự chia rẽ và tan rã. Nếu Trung Quốc không xây dựng được một hệ thống luật pháp khoa học để cơ chế dân chủ - tự do vận hành thì nguy cơ chia rẽ sẽ càng rõ ràng khi người ta nhìn sang một siêu cường khác có bề dày lịch sử vận hành chế độ dân chủ từ thời lập quốc như Mỹ.

 

Từ năm 1949, Mao Trạch Đông dựa trên lý thuyết “chế độ dân chủ mới” đã cho tổ chức khoảng tám đảng phái khác nhau, bao gồm: Ủy ban cách mạng Quốc Dân đảng Trung Quốc (Dân Cách), Đồng minh Dân chủ Trung Quốc (Dân Minh), Hội kiến quốc Dân chủ Trung Quốc (Dân Kiến), Hội xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến), Đảng Dân chủ Công nông Trung Quốc (Nông Công Đảng), Đảng Trí công Trung Quốc (Trí công Đảng), Học xã Cửu Tam, Đồng minh tự trị Dân chủ Đài Loan (Đài Minh). Nhưng các đảng phái này hoàn toàn không tham gia vào chính trị, thậm chí không hoạt động. Họ chỉ tồn tại về mặt hình thức, được ghi nhận trên giấy tờ, có văn phòng, tổ chức nhưng thành viên đều do ĐCSTQ bổ nhiệm và phần lớn là người từ lực lượng công an sang. ĐCSTQ vẫn kiểm soát toàn diện nền chính trị.

 

Quyết định năm 2013 cố gắng đi tìm một giải pháp chung và dường như muốn chuyển chế độ chính trị “độc tài cộng sản” của Trung Quốc thành một chế độ “độc tài mở” khi nhấn mạnh phải phát triển chế độ hợp tác đa đảng phái do ĐCSTQ lãnh đạo. [12]

 

Cụ thể, văn bản này viết: “Cải thiện tham vấn chính trị giữa ĐCSTQ và các đảng dân chủ, đồng thời lắng nghe cẩn thận ý kiến ​​của các đảng phái dân chủ và những người không thuộc đảng. Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đề xuất kế hoạch dựa trên các ưu tiên công việc hằng năm và tiến hành tham vấn thông qua các cuộc họp, hội nghị chuyên đề với tinh thần cởi mở, chân thành”. Quyết định cũng yêu cầu phát huy vai trò quan trọng của mặt trận thống nhất và cải cách hệ thống để các đảng phái dân chủ gửi đề xuất trực tiếp đến Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. [13]

 

Với cách tổ chức này, các đảng phái khác mặc dù vẫn do ĐCSTQ kiểm soát toàn diện nhưng sẽ thực hành những hoạt động có tính dân chủ trong hệ thống: tham vấn, đối thoại, tranh luận. Nếu những thực hành này được thực hiện và duy trì thường xuyên, cơ chế đó có thể sẽ từng bước xây dựng nền văn hóa chính trị dựa trên đối thoại ở Trung Quốc. Và tất nhiên, nó có thể chuyển hóa chính trị Trung Quốc sang nền dân chủ mà không cần bạo lực cách mạng.

 

 

Thứ ba, vấn đề nhân quyền. Quyết định năm 2013 yêu cầu phải cải thiện hệ thống bảo vệ tư pháp nhân quyền. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ nhân quyền; chuẩn hóa hơn nữa thủ tục tư pháp đối với việc niêm phong, tạm giữ, phong tỏa và xử lý tài sản liên quan đến các vụ án và “hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, sửa chữa và giải trình các vụ án oan sai, nghiêm cấm việc lấy tội bằng tra tấn, nhục hình, ngược đãi và thực hiện nghiêm quy tắc loại trừ chứng cứ trái pháp luật”. Ngoài ra, văn bản này còn định hướng giảm dần việc áp dụng hình phạt tử hình.

 

Cùng với nhân quyền là vấn đề xã hội dân sự, tức các cá nhân và tổ chức trong một xã hội độc lập với nhà nước. Từ lâu, yếu tố “độc lập với nhà nước” đã trở thành mối lo của các chế độ độc tài như ở Việt Nam và Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều bóp nghẹt hoạt động của xã hội dân sự, mặc dù phần lớn hoạt động của các tổ chức này đều không liên quan đến vấn đề quyền lực chính trị, mà tập trung vào các vấn đề xã hội, giáo dục, văn hóa.

 

Tại Trung Quốc, có một thời gian xã hội dân sự được dọn đường và chào đón. Quyết định năm 2013 không sử dụng khái niệm “xã hội dân sự” (“civil society” hay 间社会) mà dùng cách diễn đạt tương tự để biểu đạt tinh thần tôn trọng xã hội dân sự. Đó là khái niệm “tổ chức xã hội”, 社会组织

 

Có thể hiểu đây cũng giống như một “chiến thuật” đã từng xuất hiện ở Việt Nam khi các học giả dùng khái niệm “xã hội công dân” thay cho khái niệm “xã hội dân sự” vốn bị coi như “tội phạm” trong ngôn ngữ chính trị chính thống. [14]

 

Quyết định năm 2013 khẳng định phương hướng “kích thích sức sống của các tổ chức xã hội” và “xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chính quyền và xã hội, đẩy nhanh việc thực hiện tách bạch giữa chính quyền và xã hội” để từ đó thúc đẩy các tổ chức xã hội làm rõ quyền và trách nhiệm, tự quản lý theo pháp luật và phát huy vai trò của mình. [15] Ngoài ra, văn bản này còn đặt ra nhiệm vụ loại bỏ mọi rào cản thể chế và phân biệt đối xử trong vấn đề việc làm.

 

Nhưng trái ngược với tinh thần này, Tập Cận Bình sau đó đã thực hiện chế độ “hệ thống tín dụng xã hội”, sử dụng công nghệ cao để kiểm soát chặt chẽ đời sống của người dân [16] từ hoạt động mua bán, giao dịch kinh tế đến giao lưu xã hội. [17] Hệ thống này đã theo dõi và chấm điểm hầu như mọi hoạt động hằng ngày của con người. Nếu bạn mua một trò chơi, nó có thể làm giảm điểm số của bạn. Nếu bạn giao lưu với người có điểm số thấp thì điểm của bạn cũng có nguy cơ bị hạ xuống. [18] Nếu bạn có điểm số xã hội cao thì sẽ được ưu tiên tiếp cận người khác phái trên nền tảng kết nối tình duyên hơn những người bị điểm thấp. [19] Tất nhiên, rất nhiều quan điểm cho rằng hệ thống tín dụng xã hội là vi phạm pháp luật về chống kỳ thị và phân biệt đối xử. [20]

 

Nói thêm, đi kèm với tinh thần tôn trọng các tổ chức xã hội, Quyết định năm 2013 cũng yêu cầu thiết lập một cơ chế biểu đạt, khiếu nại, can thiệp tâm lý, hòa giải xung đột; cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích có trật tự, để các vấn đề của quần chúng có thể được báo cáo; mâu thuẫn có thể được giải quyết; quyền và lợi ích có thể được đảm bảo. Tất cả nhằm tạo lập một hệ thống phòng ngừa và giải quyết xung đột xã hội hiệu quả; hoàn thiện cơ chế đánh giá rủi ro ổn định xã hội do các quyết định lớn tạo ra, [21] thay vì áp chế cá nhân bằng công nghệ cao. 

 

 

Thứ tư, thị trường tự do. Việc mở cửa thị trường năm 1979 đã cứu Trung Quốc khỏi sa mạc điêu tàn của kinh tế cộng sản toàn trị thời Mao Trạch Đông. Từ đó, kinh tế Trung Quốc cất cánh ngoạn mục. Tuy nhiên, nó làm xã hội ngày càng phân tầng gay gắt.

 

Quyết định năm 2013 đưa ra một thông điệp trung tâm là tôn trọng thị trường. Cụ thể, Trung Quốc phải đi sâu vào việc cải cách thể chế kinh tế để làm cho thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực quốc gia. Đồng thời, phải thúc đẩy phân bổ nguồn lực theo quy luật, giá cả và cạnh tranh thị trường để tối đa hóa lợi ích và tối ưu hóa hiệu quả [22].

 

Văn bản này cũng tái cấu trúc chức năng của Chính phủ bằng cách khoanh vùng nhiệm vụ vĩ mô của nó là “duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và tối ưu hóa các dịch vụ công, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, tăng cường giám sát thị trường, duy trì trật tự thị trường, thúc đẩy phát triển bền vững và thúc đẩy sự thịnh vượng chung”. [23]

 

Tuy nhiên, dưới quyền của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bẻ lái khỏi con đường vạch ra ở Quyết định năm 2013.

 

Tập Cận Bình không chọn phương án cực đoan nhất của chủ nghĩa cộng sản cổ điển như thời kỳ Statin, Mao Trạch Đông là xóa bỏ thị trường, nhưng ông xem thị trường là một đối tượng mà ĐCSTQ phải kiểm soát. 

 

Tập Cận Bình hạ thấp vai trò của Chính phủ nhưng không phải để cho thị trường được tự do hơn, mà là để đưa vai trò điều hành nền kinh tế chủ yếu vào tay Đảng Cộng sản.

 

Hai cách tiếp cận khác nhau của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ năm 2013 và Tập Cận Bình đối với thị trường thể hiện rõ nhất đối với doanh nghiệp tư nhân.

 

Quyết định năm 2013 đặt ra phương hướng: kiên quyết khuyến khích, hỗ trợ và định hướng phát triển kinh tế ngoài nhà nước để khơi dậy sức sống và sức sáng tạo của khu vực này. Để đi theo hướng này, cần phải hoàn thiện hệ thống bảo vệ quyền sở hữu tài sản. [24]

 

Ngược lại, Tập Cận Bình thực thi chiến lược kiểm soát doanh nghiệp tư nhân chủ chốt của Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp công nghệ cao. Các đơn vị này bị buộc phải đầu tư vào và nhận góp vốn từ doanh nghiệp nhà nước.

 

Trong tình thế đan cài giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, phía nhà nước đương nhiên nắm vai trò chủ đạo trong hoạch định chiến lược phát triển của công ty và quyết định các vấn đề nhân sự chủ chốt. Tuy chưa đến mức quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân nhưng Tập Cận Bình vẫn can thiệp để đặt họ vào vòng kiểm soát.

 

Ngoài ra, Quyết định năm 2013 còn yêu cầu tuân thủ các quyền, cơ hội và các quy tắc bình đẳng; bãi bỏ các quy định vô lý đối với nền kinh tế ngoài công lập; loại bỏ các rào cản tiềm ẩn khác nhau. [25] Nhưng Tập Cận Bình đi con đường ngược lại khi làm cho doanh nghiệp nhà nước trở thành nhân tố thống trị trên thị trường bằng cách trộn lẫn về mặt quyền sở hữu giữa nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân chủ chốt.

 

 

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

 

Quyết định năm 2013 đã xây dựng một bộ khung lý thuyết cho sự phát triển tương lai của Trung Quốc ở thời điểm bước ngoặt lịch sử, bởi nhiều định chế, triết lý của cuộc cải cách thời Đặng Tiểu Bình không còn phát huy tác dụng trong bối cảnh mới.

 

Để thích ứng, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ năm 2013 đã nhìn thấy rằng Trung Quốc cần một động lực mới, với một cuộc cải cách mới. Cuộc cải cách lần hai này phải lấy “thị trường” và “tự do” làm trung tâm, nhưng tiếc là Tập Cận Bình lại dẫn đất nước lún sâu vào con đường độc tài.

 

Tuy nhiên, tinh thần ấy đã sinh ra và vẫn còn ở đó, ngầm ẩn như lò magma đang ngủ yên của một ngọn núi lửa và chỉ chờ cơ hội phun trào. Một ví dụ dễ thấy là cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid cuối năm 2022 đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình yêu cầu Tập Cận Bình từ chức và đòi tự do dân chủ. [26]

 

Xem xét trong bối cảnh lớn hơn là cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, có thể nói yếu tố cốt lõi của mối quan hệ này là những thách thức của siêu cường mới nổi đối với siêu cường đương nhiệm.

 

Từ năm 2018 đến nay, Mỹ đã định vị cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống, tự do và toàn trị, dân chủ và độc tài. Lựa chọn trước mắt của Việt Nam về việc đi theo hệ giá trị nào sẽ có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển và tồn vong rất lâu dài về sau của đất nước.

 

---------------

Chú thích

 

[1] Sau khi Tập Cận Bình thực hiện bài giảng đó, có một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa tin và tóm tắt về nội dung nhưng không đăng toàn văn. Sau đó, đến ngày 4/11/2013, trang China Digital Times đã đăng toàn văn bài giảng của Tập. 传习近平8•19讲话全文:言论方面要敢抓敢管敢于亮剑, 11/04/2013. https://chinadigitaltimes.net/chinese/321001.html

[2] 中共中央关于全面深化改革若干重大问题的决定, 15/11/2013 (Quyết định năm 2013: Quyết định của Trung ương ĐCSTQ về một số vấn đề lớn liên quan đến cải cách sâu rộng toàn diện đất nước, 15/11/2013). Đây là nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ nhưng hiện website của ĐCSTQ không lưu văn bản này. Văn bản vẫn được lưu trên website của Chính phủ Trung Quốc. Các trích dẫn trong bài được lấy từ văn bản này. http://www.gov.cn/jrzg/2013-11/15/content_2528179.htm

Bản chúng tôi lưu trữ: https://web.archive.org/web/20230306062144/http://www.gov.cn/jrzg/2013-11/15/content_2528179.htm

[3] ‘SCMP’ (South China Morning Post24 May 2024) <https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3263995/xi-jinping-meeting-underlines-chinas-economic-growth-priority-message-clearer-ever-analysts-say> accessed 2 July 2024 

[4] The Economist, ‘Xi Jinping’s Surprising New Source of Economic Advice’ (The Economist30 May 2024) <https://www.economist.com/finance-and-economics/2024/05/30/xi-jinpings-surprising-new-source-of-economic-advice> accessed 2 July 2024 

[5] 习近平强调有腐必反有贪必肃 权力关进笼子里, 20130122 (Xi Jinping stresses that Corruption must be countered and suppressed, power must be locked in a system cage). https://www.chinanews.com.cn/gn/2013/01-22/4510583.shtml

Xi Jinping vows 'power within cage of regulations', By AN BAIJIE (China Daily). Updated: 2013-01-23 01:39. https://www.chinadaily.com.cn/china/2013-01/23/content_16157933.htm

[6] Former disciplinary inspector given suspended death sentence for graft, Source: XinhuaEditor: huaxia 2022-01-28 20:24:02. https://english.news.cn/20220128/86a0f11ae8f94788b060a325ff91d77d/c.html

[7] HNA Group’s chairman and CEO taken by police in China. https://www.cnn.com/2021/09/27/business/hna-group-chen-feng-china-intl-hnk/index.html

[8] Xi Jinping’s Quest for Control Over China Targets Even Old Friends, by Chun Han WongFollow, Oct. 16, 2022. https://www.wsj.com/articles/xi-jinping-china-anticorruption-11665925166

[9] 招行原行长田惠宇被资理财”. https://finance.caixin.com/2022-10-08/101948751.html

[10] [11] [12] Xem [2]

[14] Xem: Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Quang Thái, Xã hội công dân Việt Nam dưới góc nhìn thể chế, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2018 (Tạp chí Tia sáng, 4 June 2010)<https://tiasang.com.vn/dien-dan/xa-hoi-cong-dan-mot-trong-nhung-tien-de-br-de-xay-dung-xa-hoi-cong-san-3145/ > accessed 29 April 2024 

[15] Xem [2]

[16] “Đề cương quy hoạch xây dựng hệ thống tín dụng xã hội”, bản tiếng Trung Quốc: 社会信用体系建设规划纲要. http://www.gov.cn/zhengce/content/2014-06/27/content_8913.htm

Bản dịch tiếng Anh của TS. Rogier Creemers: Planning Outline for the Construction of a Social Credit System (2014-2020). https://chinacopyrightandmedia.wordpress.com/2014/06/14/planning-outline-for-the-construction-of-a-social-credit-system-2014-2020/

[17] Kevin Hong, Big data meets Big Brother as China moves to rate its citizens, Wired, 21.10.2017. https://www.wired.co.uk/article/chinese-government-social-credit-score-privacy-invasion

[18] Big data meets Big Brother as China moves to rate its citizens. https://www.wired.co.uk/article/chinese-government-social-credit-score-privacy-invasion

[19] The tyranny of algorithms is part of our lives: soon they could rate everything we do. https://www.theguardian.com/commentisfree/2018/mar/05/algorithms-rate-credit-scores-finances-data

[20] Tuy nhiên, ở một xã hội mà giá trị của mỗi con người bị đặt xuống thấp hơn cái gọi là "tập thể", cách vận hành xã hội bằng hệ thống "tín dụng xã hội" có thể được coi là bình thường. Không có gì bất ngờ khi một nghiên cứu xã hội học phát hiện ra rằng các nhóm xã hội ở Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát về quan điểm đối với với chế độ "tín dụng xã hội" đã bày tỏ mức độ đồng thuận cao. Cư dân thành thị, giàu có, bằng cấp học vấn cao cũng thể hiện sự tán thành mạnh mẽ nhất với chủ trương này, tương tự với người cao tuổi thuộc thế hệ trước. Bởi lẽ họ đề cao sự "trung thực xã hội" hơn là bảo vệ quyền riêng tư. Sự xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân được coi là một đánh đổi có thể chấp nhận được đối với họ để đảm bảo cái gọi là sự "trung thực". Xem: Genia Kostka, China’s social credit systems and public opinion: Explaining high levels of approval, New Media & Society, 2019, Vol. 21(7) 1565–1593. https://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1177/1461444819826402

[21] [22] [23] [24] [25] Xem [2]

[26] Wong T, ‘China Covid: Protests Continue in Major Cities across the Country’ (Bbc.com27 November 2022) <https://www.bbc.com/news/world-asia-63771109> accessed 21 May 2024






No comments:

Post a Comment

View My Stats