Cần
tách môn Văn Học ra khỏi môn Tiếng Việt
Từ
nhiều năm nay, tôi luôn lặp lại điều này: Môn Ngữ văn phải là một môn dạy tiếng
Việt. Và khi đó, cái tên của nó có thể là (môn) Việt ngữ, Quốc ngữ.
Môn
học này trong nhà trường mấy chục năm qua chỉ có cấp Tiểu học là mang tên Tiếng
Việt, còn từ THCS đến THPT đều gọi là Ngữ văn, với phần văn học/ văn chương chiếm
vị trí và vai trò áp đảo. Là một người dạy học, tôi nhận thấy phần tiếng Việt ở
2 cấp học sau cùng này gần như chỉ gá vào “cho đủ thành phần”, còn trên thực tế,
cả trong dạy, học và thi cử, nó đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa.
Nó dẫn đến thực tế rằng đa số học sinh (và cả giáo viên) không biết (nói và) viết
tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả.
Dù
ai cũng biết rằng “văn chương là một loại hình nghệ thuật ngôn từ”, nhưng không
phải vì thế mà đồng nhất nó với ngôn ngữ của một quốc gia. Văn chương chỉ là một
loại “phong cách ngôn ngữ” bên cạnh các phong cách khác như ngôn ngữ hành
chính, ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ báo
chí… Trong khi đó, nó chưa hẳn đã là thứ “phong cách ngôn ngữ” mà người dân sử
dụng thường xuyên, liên tục và gắn chặt với cuộc sinh tồn của họ mỗi ngày, nếu
so với các dạng phong cách và các loại hình văn bản khác.
Bằng
việc đặt trọng tâm vào nội dung văn học/ văn chương, chúng ta đã biến môn học
quan trọng này thành một môn nghiên cứu/ phê bình văn học trong nhà trường phổ
thông. Tất nhiên, nó cũng chẳng tới đâu, vì lớt phớt, cưỡi ngựa xem hoa.
Văn
học/ văn chương là một môn nghệ thuật, cũng như hội họa, điêu khắc, âm nhạc,
sân khấu, điện ảnh… Tất nhiên, do tính lịch sử của mình, văn học/ văn chương có
thể quen thuộc hoặc có vị trí nhất định của nó trong toàn bộ tiến trình văn hóa
của một cộng đồng; tuy nhiên không phải vì thế mà dành cho nó một đặc ân bất
thường như cái cách mà nó đang được dạy trong nhà trường.
Cũng
như các môn nghệ thuật khác, văn học/ văn chương chỉ phù hợp với người có năng
khiếu. Chúng ta đã đối xử với môn Âm nhạc và Mỹ thuật một cách xứng đáng và hợp
lý, là cho chúng một vị trí trong chương trình học. Vậy, tại sao lại không cư xử
với văn chương theo cùng một cách như thế?
Môn
tiếng Việt (Việt ngữ/ Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình phổ thông
và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia (ví dụ như đưa vào đề
thi tốt nghiệp THPT). Còn Văn học/ Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với
Âm nhạc, Mỹ thuật… Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, lúc này, nó sẽ được những
học sinh có năng khiếu hoặc có đam mê hoặc có nhu cầu chọn học để thỏa chí hoặc
để theo đuổi nghề nghiệp.
Bắt
cả triệu học sinh phải học văn chương suốt bậc Phổ thông với tư cách là một loại
hình nghệ thuật, điều đó rất phản khoa học. Nó chẳng khác gì việc bắt tất cả đều
phải học Âm nhạc hay Mỹ thuật. Có bao nhiêu em thích văn chương, có bao nhiêu
em muốn chọn văn chương làm nghề nghiệp tương lai, mà quý vị lại bắt cả nước phải
học như thế? Và cái quan trọng là nó có ích gì, hay chỉ gây hại khi ép buộc những
ai không thích nhưng phải è cổ ra học thuộc văn mẫu?
Tiếng
Việt là thứ ta sử dụng hàng ngày, nó là một phương tiện, một công cụ trọng yếu
của mỗi người trong biểu đạt, chia sẻ, học hỏi, và thực hiện các quyền công dân
của mình. Nhưng, do không được dạy dỗ một cách đến nơi đến chốn, ngày nay dù học
suốt 12 năm ròng rã nhưng đa số không viết nổi một bài luận với chủ đề quen thuộc
trong cuộc sống hàng ngày, không trình bày nổi một sự việc khi gặp rắc rối,
không biểu lộ được quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội hàng ngày. Cả một
cộng đồng như ngô như ngọng.
Môn
Ngữ văn trong nhà trường thất bại, theo tôi, là vì thiếu khoa học ngay từ đầu
khi xác định mục tiêu và xây dựng nội dung, cấu trúc; tiếp theo là đặt ra tham
vọng quá lớn và phi lý khi đã cào bằng văn chương, bắt cả xã hội phải học và
thi.
Đã
đến lúc nên tách nó (văn chương) ra thành một môn riêng như Âm nhạc, Mỹ thuật,
và ai thích thì lựa chọn, như tất cả các môn tự chọn khác trong chương trình. Từ
đây, tập trung dạy tiếng Việt cho tử tế. Đó là cách cứu vãn tiếng Việt trước
tình thế quá bi thảm hiện nay.
Thái
Hạo
.
No comments:
Post a Comment