Thursday, 11 July 2024

CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VẪN "Ì RA - VÔ TRÁCH NHIỆM" (Phạm Trần / Thông Luận)

 



Cán bộ, đảng viên vẫn "ì ra – vô trách nhiệm"

Phạm Trần

10/07/24

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/33436-can-b-d-ng-vien-v-n-i-ra-vo-trach-nhi-m

 

Tệ nạn "dưới đẩy lên, trên đùn xuống" và "vô trách nhiệm" không mới trong cán bộ, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng số người "sáng vác ô di tối vác về" vẫn khơi khơi trong hệ thống cầm quyền mới là điều lạ.

 

HÌNH : https://live.staticflickr.com/65535/53848629294_e766eb9012_n.jpg

 

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng nói : "Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm", nhưng không ai muốn về vườn vì chứng bệnh nan y "tham quyền cố vị" đã có trong máu thịt Đảng.

 

Vì vậy, ông Trọng mới than chua chát : "Thời gian qua, một bộ phận cán bộ vẫn chưa quán triệt tốt phương châm "đúng vai, thuộc bài" trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Đáng lo ngại hơn là không ít cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cấp cao làm việc thiếu chuyên nghiệp". (Báo Quân đội Nhân dân, 07-09/07/2024).

 

Họ "thiếu chuyên nghiệp" vì thiếu khả năng, sợ trách nhiệm nên tìm cách đùn đẩy cho người khác.Bằng chứng này đã được ông Nguyễn Đình Quyền, khi ấy là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thẳng thắn nêu : "Đi chấm thi chuyên viên cao cấp trong 5 năm qua, tôi thấy rất đáng lo ngại về trình độ của cán bộ, dường như không nâng lên mà còn có dấu hiệu đi xuống. Chúng tôi chấm phúc tra nhiều bài và thấy, có một số cán bộ đáng lẽ không nên cho đi thi, bởi bài viết của họ nguệch ngoạc được mấy chữ, không hiểu về nội dung. Khi bị chấm dưới điểm trung bình thì họ đề nghị phúc tra, thật là tchỉ ra 10 "biểu hiện" của chủ nghĩa cá nhân hiếu sự tự trọng... Tôi nghĩ rất đáng báo động về năng lực cán bộ".

 

Ông Quyền nói thêm : "Hết sức trăn trở khi hỏi thi vấn đáp, có những cán bộ cấp cao không nắm rõ, thậm chí là "rất lơ mơ" về nội dung công tác quản lý nhà nước".

 

Đùn đẩy - vô trách nhiệm

 

Đó là lý do báo Quân đội Nhân dân báo động: " Xuất hiện mối nguy đáng báo động là tình trạng "dưới đẩy lên, trên đùn xuống" trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của một số cơ quan và một bộ phận cán bộ, đảng viên".

 

Tại sao có tình trạng "trống đanh xuôi, kèn thổi ngược" như hiện nay ?

 

Quân đội Nhân dân trả lời : "Cái gốc của thực trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng là trình độ, năng lực của cán bộ còn yếu kém dẫn đến sợ làm sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật. Nắm nội dung công việc lơ mơ ; lười nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, văn bản liên quan ; thiếu sâu sát thực tiễn ; quan liêu, làm việc rập khuôn, máy móc ; tư tưởng ỷ lại chỉ trực đợi trên chỉ đạo xuống, dưới tham mưu lên... là điểm huyệt cốt tử tạo ra lực cản khiến chủ trương phân cấp, phân quyền khó đi vào thực tiễn".

 

Đáng chú ý là báo của Bộ Quốc phòng đã cảnh giác : "Cho đến nay, điều này vẫn là vấn đề đáng báo động khi tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ diễn ra ở không ít cấp, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là do trình độ, năng lực yếu của một bộ phận cán bộ".

 

Nhưng tại sao họ muốn đùn việc cho người khác làm để tránh trách nhiệm ?

 

Theo Quân đội Nhân dân vì : "Trình độ chuyên môn của họ còn nhiều hạn chế, cộng với việc thiếu hiểu biết, nắm không chắc về các quy định, hướng dẫn, chế độ, chính sách... dẫn tới việc nhận định, đánh giá tình hình chưa chính xác, không đưa ra được biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, gây ách tắc công việc, thậm chí mất cơ hội của không ít người dân, tổ chức, doanh nghiệp".

 

Vì những hạn chế trên mà họ đã : "Làm qua loa, đại khái... Chưa khi nào cụm từ "né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm" được nhắc nhiều như thời gian vừa qua bởi tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các ngành, các địa phương".

 

Hậu quả kéo dài

 

Đáng chú ý, theo bài báo : "Có những điều tưởng chừng rất đơn giản như câu chuyện một bóng điện hỏng, được người dân phản ánh, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền ở địa phương nhưng lại được trả lời là phải báo cáo và chờ thành phố giải quyết. Có những dự án trị giá nhiều tỷ đồng, nhưng thua lỗ, hoặc phải nằm đắp chiếu nhiều năm, nhưng vẫn chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai".

 

Chưa truy ra trách nhiệm vì cán bộ lãnh đạo đã lươn lẹo

khi áp dụng phương châm "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" để che chắn, lấp liếm khuyết diểm cá nhân", theo Quân đội Nhân dân.

 

Báo này viết : "Điều nguy hại là một số cán bộ hiểu sai lệch, méo mó nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" khi tất cả mọi việc đều ỷ vào tập thể, không có chính kiến, không dám quyết định bất cứ việc gì, thời cơ bị bỏ lỡ thì đã có tập thể là "tấm bình phong lớn" để che chắn, và cũng là chỗ để đẩy quả bóng trách nhiệm. Đáng lo hơn, khi những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở cơ quan, đơn vị, địa phương thì người đứng đầu ở nơi đó lại thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan, cho cơ chế, hay có chăng khi nhận trách nhiệm cũng là cộng dồn vào tập thể".

 

Vì trình độ chuyên môn và năng lực kém nên việc gì ở Việt Nam cũng chỉ "tiến được một bước", nhất là hai công tác chống tham nhũng và xây dựng đảng.

 

Những chứng bệnh "vô cảm, né tránh, đùn đẩy, vô trách nhiệm trong thực thi công vụ, vô liêm sỉ, coi rẻ danh dự, làm việc cầm chừng, bàng quan, vô trách nhiệm, ngay cả khi đất nước ở trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng", là những chữ báo Quân đội Nhân dân dùng để nói về trình độ và khả năng của đội ngũ can bộ, đảng viên hiện nay.

 

Như vậy hèn chi đất nước vẫn chậm tiến, nhân dân vẫn lạc hậu so với các nước láng giềnh. Bên cạnh đó, tệ nạn tôn thờ "chủ nghĩa cá nhân", "mất đoàn kết", "suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn tồn tại" là mối nguy khiến ông Nguyễn Phú Trọng phải lên tiếng : "Tôi đề nghị các đồng chí cần nắm chắc tình hình, làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược ; có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước, "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường". Tập trung các biện pháp phòng, chống thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, cài cắm nội gián của các thế lực địch, phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", nhất là ở các cơ quan trọng yếu, cơ mật".

 

Thêm lần nữa, ông Trọng ca tụng Công an đã "không để hình thành công khai tổ chức chính trị đối lập trong nội địa" (Diễn văn tại Đảng ủy Công an Trung ương ngày 04/07/2024 tại Hà Nội).

 

Chuyện cũ nói lại

 

Cũng nên biết, từ năm 2021, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã vạch ra 10 "biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân" để cán bộ "tự sửa mình", đó là :

 

1. Không quan tâm đến lợi ích chung, làm việc gì cũng chỉ mưu cầu cho lợi ích cá nhân ; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; ganh ghét, đố kị, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.

 

2. Háo danh, tự cao, tự đại, thích được ca ngợi, sùng bái bản thân, tham vọng quyền lực, địa vị ; chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích, chạy tội, mua và sử dụng bằng cấp giả, giấy tờ giả…

 

3. Thiếu ý thức và trách nhiệm với tập thể, không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác ; đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ…

 

4. Thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi ; sợ trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi ; giấu giếm, bao che và không trung thực về những khuyết điểm, sai phạm.

 

5. Ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, "thấy đúng không bảo vệ", "thấy sai không đấu tranh" ; tinh thần tự phê bình và phê bình thấp, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác…

 

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để tham ô, nhận hối lộ hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình trục lợi ; cố ý làm trái các quy chế, quy định, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

 

7. Cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm để chiếm đoạt tài sản của tập thể ; tham gia, xúi giục, cưỡng ép, mua chuộc người khác làm những việc trái chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đơn vị.

 

8. Độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, coi thường tập thể ; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, quan liêu, thiếu sâu sát ; xử lý các sai phạm của cấp dưới không cương quyết, thiếu khách quan ; thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội và nhân dân.

 

9. Coi thường lý luận, xa rời thực tiễn, lười học tập, rèn luyện, thích tự do, vô kỷ luật ; hoang mang, dao động, hoài nghi về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

 

10. Phai nhạt, phản bội mục tiêu, lý tưởng cách mạng ; nói, viết và làm không đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định, nguyên tắc của Đảng, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách (Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021).

 

Với 10 chứng bệnh nghiêm trọng này kéo dài mãi, liệu Đảng cộng sản Việt Nam có còn xứng đáng tồn tại để độc quyền cai trị đất nước hay không ?

 

Phạm Trần

(10/07/2024)

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats