Tuesday, 23 April 2024

CHÂU Á TRƯỚC 'BÓNG MA' TRUMP 2.0 (Trúc Phương / Người Việt)

 



Châu Á trước ‘bóng ma’ Trump 2.0

Trúc Phương/Người Việt

April 21, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/chau-a-truoc-bong-ma-trump-2-0/

 

Trong khi châu Âu đang mất ngủ với khả năng cựu Tổng Thống Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc sau cuộc bầu cử 2024, châu Á đang nghĩ gì? Không như châu Âu, quan điểm và góc nhìn của giới chính trị gia lẫn người dân châu Á về Trump có phần trái ngược. Một số người khẳng định rằng Trump chỉ giỏi đánh võ mồm nhưng một số người tin rằng chỉ Trump mới đủ khả năng “dập” Trung Quốc….

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/04/My-Phi-Tap-Tran-1536x1024.jpg

Trực thăng Black Hawk của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và Philippines tập trận chung với Philippines tại Claveria, Cagayan, Philippines. Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay là vô cùng cần thiết để trấn an các đồng minh châu Á trước mối đe dọa từ Trung Quốc. (Hình minh họa: Ezra Acayan/Getty Images)

 

 

Trục và nan hoa

 

Mong muốn tăng cường liên minh an ninh của Nhật đã giải thích tại sao Thủ Tướng Nhật Kishida Fumio đến Tòa Bạch Ốc ngày 10 Tháng Tư 2024 để dự bữa tối với Tổng Thống Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo đã công bố loạt biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.

 

Ferdinand “Bongbong” Marcos, Tổng Thống Philippines, một đồng minh khác, cũng tham gia cùng Biden và Kishida vào ngày hôm sau. Tất cả cho thấy việc xây dựng liên minh châu Á của Mỹ tiếp tục phát triển. Nhìn chung, Mỹ và một số nước châu Á đang củng cố và bảo vệ các mối quan hệ để tránh những thiệt hại có thể có nếu Trump tái đắc cử sau cuộc bầu cử 2024.

 

Không như châu Âu, nơi NATO ràng buộc hàng chục quốc gia vào một hiệp ước phòng thủ chung, Mỹ có các hiệp ước song phương với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Philippines và Thái Lan, theo hệ thống “trục và nan hoa” (hub-and-spokes). Dưới thời Biden, Mỹ đã tìm cách thúc đẩy mối liên kết giữa các nước nhằm chống Trung Quốc. Các đồng minh của Mỹ phần lớn ủng hộ nỗ lực này, đặc biệt Nhật. Thủ Tướng Nhật Kishida nhấn mạnh rằng, hợp tác với “các quốc gia có cùng quan điểm” về các vấn đề an ninh “sẽ dẫn đến việc thiết lập một mạng lưới nhiều lớp và bằng cách mở rộng mạng lưới đó, chúng tôi có thể cải thiện khả năng răn đe.” Kishida nói thêm, thế giới đang ở một “bước ngoặt lịch sử” và đối mặt với một “môi trường an ninh rất phức tạp và đầy thách thức.”

 

Mỹ, Nhật và Nam Hàn hiện tổ chức các cuộc gặp cấp cao thường xuyên theo hình thức ba bên; Mỹ, Nhật và Philippines cũng tương tự. Ngày 8 Tháng Tư, bộ trưởng quốc phòng ba nước – Mỹ, Úc và Anh – cho biết họ đang “xem xét hợp tác” với Nhật Bản thông qua AUKUS (một hiệp ước quốc phòng được ký vào năm 2021). Kết quả là sự hội nhập lớn hơn giữa các lực lượng vũ trang trên toàn khu vực.

 

Những năm gần đây, các cuộc tập trận chung đã mở rộng với sự tham gia của nhiều đối tác hơn. Mỹ, Nhật, Úc và Philippines lần đầu tiên cùng tập trận ở Biển Đông vào ngày 7 Tháng Tư. Chia sẻ thông tin tình báo cũng mở rộng: Mỹ, Nhật và Nam Hàn hiện chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực. Biden và Kishida cũng công bố sáng kiến phòng không mới giữa Mỹ, Úc và Nhật Bản.

 

 

Bóng ma Trump đối với Châu Á

 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất bây giờ là vai trò lãnh đạo và mức độ cam kết của Mỹ. Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã làm lung lay tận gốc niềm tin của các đồng minh châu Á. Nếu Trump tái đắc cử, những lo lắng đó chắc chắn trở nên gay gắt hơn. Tại Nhật, nỗi sợ hãi được thể hiện bằng loạt từ đặc biệt: moshitora (có nghĩa “điều gì xảy ra nếu Trump tái xuất hiện?”), hobotora (“có thể là Trump)” và moutora (“đã là Trump”). Chẳng phải tự nhiên nhiều nhà ngoại giao châu Á đang nỗ lực tiếp cận đội ngũ cố vấn hiện tại của Trump.

 

Trong bài báo trung tuần Tháng Tư 2024, tờ Wall Street Journal cho biết, nhìn chung, châu Á đang lo ngại trước khả năng Trump tái đắc cử. Trong khi đó, trong bài báo gần đây, TIME cho biết, một số chuyên gia tin rằng chiến lược và chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vẫn an toàn, cho dù Washington xanh hay đỏ vào năm tới, bởi việc chống Trung Quốc là một trong số ít điều mà cho đến nay, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có cùng tiếng nói.

 

Collin Koh, nhà phân tích cấp cao tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, nói rằng bất chấp sự khó đoán của Trump, việc Mỹ từ bỏ các bước tiếp cận chiến lược mà chính quyền Biden đã thực hiện ở châu Á là điều “không thể tưởng được” trong quan hệ đối tác quốc phòng và kinh tế.

 

Koh nói: “Sự đồng thuận lưỡng đảng (trong chính trường Mỹ) về Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn; và ngay cả khi Trump muốn áp dụng một chính sách có phần biệt lập hơn, trước những thách thức toàn cầu hiện có, tôi không chắc liệu những người trong Quốc Hội Hoa Kỳ có sẵn sàng từ bỏ những gì họ coi là vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ ở [Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương] hay không.”

 

Tại Diễn Đàn Đối Thoại Raisina (Raisina Dialogue, New Delhi, Ấn Độ, tổ chức cuối Tháng Hai 2024), Ngoại Trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cũng bác bỏ những lo ngại rằng sự trở lại của Trump có thể mang lại thách thức.

 

Người ta tin rằng Mỹ luôn có lợi ích cốt lõi, bất kể ai nắm quyền. Trong By More Than Providence, quyển lịch sử xuất sắc về chính sách Hoa Kỳ ở châu Á phát hành năm 2017, cựu quan chức Tòa Bạch Ốc Michael J. Green đã đề cập quan điểm này. Ông viết: Mệnh lệnh chiến lược lâu dài của Washington là bảo đảm Thái Bình Dương vẫn là “nơi để các ý tưởng và hàng hóa của Mỹ chảy về phía Tây, chứ không phải để các mối đe dọa chảy về phía nước Mỹ.”

 

Trên Foreign Policy, James Crabtree (cựu giám đốc điều hành International Institute for Strategic Studies-Asia) cũng viết: “Trong hơn một thế kỷ, Hoa Kỳ luôn nhắm đến việc ngăn chặn một cường quốc đối thủ thống trị châu Âu hoặc châu Á. Đối mặt với thách thức từ sự nổi lên của Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh ngang hàng, ngay cả Trump cũng sẽ gặp khó khăn với chủ nghĩa biệt lập thuần túy, vì điều này đồng nghĩa với việc phải nhượng lại phần lớn châu Á cho Bắc Kinh. Cơn ác mộng khiến giới chức Tokyo và Seoul thức trắng đêm, về việc Trump đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh trong chuyện giảm can thiệp vào châu Á, vẫn khó xảy ra.”

 

Tuy nhiên, chẳng sự thận trọng nào là thừa. Trump là người vô nguyên tắc. Không ai có thể biết Trump sẽ làm gì. Hôm nay ghét và ngày mai ưa là tính cách của Trump. Trường hợp cụ thể gần đây nhất là “quan điểm” của Trump về TikTok. Khi ngồi ghế tổng thống, Trump kêu gọi dẹp TikTok; bây giờ khi Quốc Hội Mỹ chặn TikTok, Trump lại phản đối.

 

Bốn năm qua, Biden đã lãnh đạo và thực hiện chính sách năng động nhưng tỉnh táo đối với châu Á. Biden đã xây dựng lại, tái củng cố sức mạnh Hoa Kỳ, thiết kế lại các mối quan hệ đồng minh trong khu vực và cố gắng khôi phục khả năng răn đe chống Trung Quốc. Thật khó để dự đoán liệu chính quyền mới của Trump sẽ duy trì hay lật ngược những nỗ lực này.

 

Theo nhiều nhà quan sát, rất ít quan chức có kinh nghiệm ngoại giao quốc tế hiện diện trong bộ máy Trump nhiệm kỳ hai. Thay vào đó, bộ sậu của Trump sẽ gồm hầu hết những người cực kỳ trung thành. Nhà khoa học chính trị lừng danh Francis Fukuyama, tác giả cuốn The End of History, cũng phải thốt lên: “Nếu tôi là một đồng minh châu Á, tôi thực sự sẽ rất lo lắng.”

 

Nếu có thể dễ dàng từ bỏ Ukraine thì Trump hẳn không quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và một khi Trump công khai nói rằng Putin muốn làm gì thì làm thì việc Tập Cận Bình xâm chiếm Đài Loan có thể, với Trump, chẳng là chuyện của Mỹ.

 

Trong các đồng minh châu Á quan trọng của Mỹ, Nam Hàn có thể đối mặt mối nguy hiểm lớn nhất. Trong nhiệm kỳ trước, Trump đã dừng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Nam Hàn để xoa dịu lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. Trump còn “thề độc” sẽ rút 28,500 quân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

 

Christopher C. Miller (quyền bộ trưởng Quốc Phòng thời Trump 1.0, từ Tháng Mười Một 2020 đến Tháng Giêng 2021), trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Nam Hàn gần đây, lại nhắc đến việc giảm quân số Mỹ.

 

Cần biết, ngay cả khi Mỹ rời NATO, 31 thành viên còn lại vẫn có thể bao bọc và bảo vệ nhau, với kho vũ khí hạt nhân đủ mạnh để đương đầu Nga. Trong khi đó, các đồng minh châu Á phải tự lực cánh sinh và đối mặt với nhiều đe dọa, kể cả hạt nhân, từ Trung Quốc và Bắc Hàn. Tổng GDP của các thành viên NATO (không có Mỹ) gấp 10 lần Nga; tổng GDP của các đồng minh châu Á của Mỹ chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.

 

Richard Samuels thuộc Viện Công Nghệ Massachusetts nhận xét: “Họ (châu Á) không thể cân bằng sức mạnh của mình với Trung Quốc nếu không có Mỹ.” Nói cách khác, nan hoa Châu Á chỉ có thể quay nếu có trục Mỹ.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats