Sunday, 28 April 2024

BỘ TRƯỞNG TÔ LÂM và HÀM Ý MUỐN "ĐẨY NHANH CÁC VỤ ÁN DƯ LUẬN XÃ HỘI QUAN TÂM" (RFA)

 



Bộ trưởng Tô Lâm và hàm ý muốn “đẩy nhanh các vụ án dư luận xã hội quan tâm”

RFA
2024.04.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-to-lam-and-his-intention-to-speed-up-cases-of-public-concern-04262024123131.html

 

Tại Hội nghị Giao ban Bộ Công an hôm 25/4/2024 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, vụ án dư luận xã hội quan tâm...

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-to-lam-and-his-intention-to-speed-up-cases-of-public-concern-04262024123131.html/@@images/bfe8a127-8665-4a22-8fe0-d8682cfabad5.jpeg

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Hội nghị Giao ban Bộ Công an hôm 25/4/2024 ở Hà Nội.  (Courtesy chinhphu.vn)

 

Từ Hà Nội hôm 26/4/2024, Nhà báo Lê Anh Hùng nhận định với RFA:

 

“Theo tôi họ phải lựa những vụ án nào vừa được lợi cho họ, vừa nhận được sự quan tâm của công chúng xã hội. Thực tế mà nói người dân quan tâm đến những vụ án liên quan đến vấn đề mang tính đạo đức hơn, mang tính chất đụng chạm lương tâm, lương tri của con người hơn... Chẳng hạn như vụ án của dân oan hay vụ án người dân bị tù oan chẳng hạn. Cái đấy không nằm trong lợi ích cơ quan chức năng, cho nên họ không điều tra, họ phớt lờ. Còn những vụ án liên quan đến tham nhũng thì tất nhiên nó cũng kích thích tính tò mò sự quan tâm từ công chúng, công chúng muốn thấy mức độ thối nát của chế độ như thế nào?”

 

Nhà báo Lê Anh Hùng cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công an nói như thế thì cũng đúng, chỉ có điều theo ông Hùng, có những cái công chúng quan tâm hơn thì Bộ Công an lại không để ý đến.

 

Dư luận xã hội tại Việt Nam hiện rất quan tâm những vụ án, mà các chuyên gia luật nhận định là án tử hình oan vẫn chưa được điều tra lại như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải hay Lê Văn Mạnh. Riêng tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9/2023, sau hơn 18 năm kêu oan trong một vụ án có nhiều tình tiết, bằng chứng không rõ ràng mà theo các luật sư là không đủ để kết tội.

 

Trở lại với yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 26/4/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng:

 

“Với những diễn biến chính trị trong thời gian qua, có thể thấy Tô Lâm đang rất muốn ngồi vào ghế Tổng Bí thư của ông Trọng. Và "cái lò" của ông Trọng đã bị Tô Lâm lợi dụng để thiêu rụi mọi cây cỏ trên con đường tiến thân của mình. Bởi vậy Bộ trưởng Bộ Công an không còn mặn mà với những vụ án nhỏ nữa, mà đang tập trung vào các vụ đại án để thanh trừng các thế lực chính trị có thể gây ảnh hưởng tới phe nhóm của Tô Lâm.

 

Khi kêu gọi ‘đẩy nhanh tiến độ các vụ án dư luận xã hội quan tâm’ thì không phải Tô Lâm chỉ nói tới Bộ Công an. Mà còn là một mệnh lệnh yêu cầu bên phía tuyên giáo phải đẩy mạnh dư luận tập trung vào các tập đoàn sân sau của đối thủ Tô Lâm. Đây là chiến lược thường thấy mà Tô Lâm đã và đang áp dụng trong thời gian qua: đầu tiên là tung tin dẫn dắt dư luận, sau đó bộ công an vào cuộc, và cuối cùng là triệt hạ đối thủ.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-to-lam-and-his-intention-to-speed-up-cases-of-public-concern-04262024123131.html/000_34q97rx.jpg/@@images/a8366cb7-dfdc-4f35-bfef-1ad0ddf211ec.jpeg

Ông Vương Đình Huệ khi còn là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hôm 23/10/2023. AFP.

 

Chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013. Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy khi trả lời RFA trước đây cho rằng, trong một thể chế độc đảng như Việt Nam, các quan chức cũng đồng thời là các đảng viên đảng Cộng sản. Việc chống tham nhũng ở Việt Nam trong tình hình hiện nay chủ yếu đến từ quyết định của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản, trong khi không có một sự độc lập nào từ nhánh tư pháp. Do đó, việc chống tham nhũng chỉ là một hình thức khác của việc xử lý nội bộ giữa các đảng viên với nhau.

Đồng quan điểm, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 26/4/2024 nhận định với RFA:

 

“Từ xưa đến nay, các vụ án liên quan đến vấn đề đấu đá trong nội bộ chóp bu Đảng Cộng sản, thì bao giờ cũng được quan tâm chỉ đạo một cách sát sao. Mặc dù những vụ án về những người dân oan hay những vụ án về những tử tù kêu oan được dư luận xã hội quan tâm đông đảo hơn rất nhiều. Trong khi đó đối với những vụ án tham nhũng hay những vụ án doanh nghiệp vi phạm pháp luật, thì ở cấp trung ương đều được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, ở cấp tỉnh thì thuộc Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.”

 

Theo luật sư Đài, như vậy rõ ràng Bộ Công an đang quan tâm đến quyền lực, lợi ích kinh tế của những quan chức của chế độ, nhiều hơn là quan tâm đến công việc hay sự oan ức hàng ngày của người dân. Ông Đài nói tiếp:

 

“Trong chế độ cộng sản Việt Nam thì hầu hết những sai phạm của những quan chức thuộc hàng cao nhất từ Bộ Chính trị đến Ban Bí thư, cho đến Ban Chấp hành Trung ương, thì đều được Bộ Công an là cơ quan có đầu mối thu thập tất cả thông tin sai phạm liên quan các quan chức này. Có thể năm năm trước hoặc 10 năm trước, ví dụ như trường hợp của ông Võ Văn Thưởng, những sai phạm ổng có liên quan bắt đầu từ năm 2011, khi ông ấy về làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi. Vụ án đấy đã bị chìm xuồng từ năm 2015, nhưng khi họ muốn hạ bệ nhau thì họ sẽ lôi những sai phạm từ 5 - 10 năm trước để họ xử lý nhau.”

 

Trong khi đó, theo luật sư Đài, những oan ức của người dân thì không bao giờ được được xem xét một cách thấu đáo như vậy.

 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII ngày 20/3/2024 ra thông báo đồng ý việc để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng- An ninh.

 

Lý do được nêu là ông Võ Văn Thưởng ‘đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.’

 

Truyền thông Nhà nước không đưa tin cụ thể những sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Đây là tập đoàn có các dự án lớn tại tỉnh Quảng Ngãi từ thời ông Thưởng còn là Bí thư tỉnh này khoá 2011 - 2014.

 

Mới nhất là vào ngày 26/4/2024, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ cũng đã từ chức, chỉ sau mấy tuần chủ tịch nước cũng phải từ nhiệm.

 

Lý do theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam: “Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.” Tuy nhiên cụ thể những vi phạm, khuyết điểm gì của ông Vương Đình Huệ không được nêu rõ.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Quy định chịu trách nhiệm về sai phạm của cấp dưới có áp dụng cho ông Vương Đình Huệ?

 

Luân chuyển cán bộ có giúp chống tham nhũng?

 

Cán bộ nộp lại tiền tham nhũng - “khắc phục hậu quả” hay “mua bán công lý”?

 

Luân chuyển cán bộ: phương thuốc hiệu nghiệm làm giảm tham nhũng?

 

Intel hoãn đầu tư thêm vào Việt Nam vì chính sách đối ngoại của Hà Nội?





No comments:

Post a Comment

View My Stats