Vaccine
có hạn, sao không tiêm trước cho người dễ chết nhất?
HIỀN
MINH - LUẬT KHOA
02/07/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/07/vaccine-co-han-sao-khong-tiem-truoc-cho-nguoi-de-chet-nhat/
Ưu tiên bảo toàn
nhân mạng, hay ưu tiên đảm bảo “nồi cơm”?
Ảnh: Zing, Reuters, Báo Công thương. Đồ họa: Luật
Khoa.
Khi thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tổ chức đợt
tiêm vaccine “thần tốc” vào cuối tháng Sáu vừa qua, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được
chọn là đối tượng ưu tiên tiêm trước. [1]
Bộ Y tế lý giải rằng lựa chọn này nhằm đảm bảo
cho sự vận hành các chuỗi sản xuất được thông suốt. “Công nhân là lực lượng trực
tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, do đó trong bối cảnh này sẽ được
ưu tiên”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giải thích trên báo Tuổi Trẻ.
Kết thúc đợt tiêm, 44% số liều vaccine được dành cho người làm việc tại
các khu chế xuất, khu công nghiệp (tương đương hơn 312 nghìn người). [2] Phần
còn lại được phân chia rải rác tại những khu vực có nguy cơ cao.
Người trên 65 tuổi, dù là một nhóm ưu tiên
theo quy định của Bộ Y tế, không được tiêm trong đợt này. [3] Lý do được đưa ra là đợt
tiêm chủng này được tổ chức tại các điểm tiêm trong cộng đồng, còn tiêm chủng
cho người trên 65 tuổi thì cần thận trọng, phải thực hiện tại bệnh viện hoặc cơ
sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Logic ở đây là, muốn tiêm “thần tốc” thì phải
tổ chức nhiều điểm tiêm ở cộng đồng, mà nếu vậy thì chưa thể tiêm được cho nhóm
trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền, dù họ là nhóm có nguy cơ tử vong vì virus cao nhất,
theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. [4]
Bảo vệ “nồi cơm”
Với chỉ khoảng 800 nghìn liều vaccine, chiến
lược tiêm chủng diện rộng của TP. HCM trong đợt tiêm “thần tốc” vừa qua được
chuyên gia đánh giá là không hiệu quả. Trả lời Zing News hôm 27/6, Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc
Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên lâm sàng cao cấp tại Đại
học Sydney (Úc) cho rằng với độ phủ vaccine hiện tại chỉ khoảng 6%, thành phố
khó đạt mục tiêu giảm lây nhiễm cộng đồng. [5]
Trong khi đó, “nếu tiêm vaccine cho người có
nguy cơ tử vong, người cao tuổi, có bệnh lý nền thì sẽ giúp giảm ca bệnh nặng,
tử vong, giảm áp lực cho hệ thống y tế”, bà nhận định.
Dù vậy, Tiến sĩ Thu Anh vẫn nói trong bài báo
rằng bà đồng tình với chuyện tiêm vaccine cho công nhân để bảo vệ “nồi cơm” của
thành phố.
Tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân để đảm bảo
“nồi cơm” không phải là ý định riêng của TP. HCM. Việc này được Ban Chỉ đạo Quốc
gia Phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo từ đầu tháng Sáu. Những suất tiêm
vaccine sớm đã được dành cho hàng chục nghìn công nhân tại các nhà máy của Samsung và Foxconn tại Bắc Ninh và Bắc Giang, nhằm
nhanh chóng hồi phục chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp quan trọng thuộc
hai tỉnh này. [6]
Kế hoạch được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra
là đến hết tháng 8/2021, sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước.
[7] Đây là một kế hoạch tham vọng, nếu xét tình hình phân bổ vaccine nhỏ giọt như hiện nay. [8] Tính đến ngày 30/6, mới chỉ có hơn 3,7 triệu liều vaccine được tiêm trên cả nước. [9]
Theo ước tính, phải đến quý III năm nay thì lượng
vaccine mới về nhiều hơn. Tức là từ giờ cho đến lúc đó, một suất ưu tiên cho
công nhân để “bảo vệ nồi cơm” là một suất vaccine mất đi của những người có
nguy cơ tử vong cao vì virus SARS-CoV-2.
Việc này không tránh khỏi gây ra tranh cãi
trong cộng đồng. Đặc biệt là khi có thông tin công nhân của một nhà máy bia cũng được ưu tiên tiêm
vaccine trước trong đợt tiêm vừa qua của TP. HCM. [10]
Ưu tiên cho ai mới
phải?
Các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine miễn
phí tại Việt Nam được quy định theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ. [11]
Theo đó, có 9 nhóm được ưu tiên, cụ thể là:
1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm:
- Người
làm việc trong các cơ sở y tế;
- Người
tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp,
người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ
COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…);
- Quân đội;
Công an.
2. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải
quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
Người cung cấp dịch vụ
thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…;
3. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc
tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;
4. Người mắc
các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi;
5. Người sinh sống tại các vùng có dịch;
6. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
7. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao
động ở nước ngoài.
8. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Không có gì để bàn về nhóm thứ nhất, vì lực lượng
tuyến đầu chống dịch ở đâu cũng phải là ưu tiên hàng đầu. Họ giữ vai trò quan
trọng trong việc vận hành hệ thống y tế và an ninh, chống chọi với dịch bệnh, đảm
bảo an toàn cho nhiều người khác.
Có hai điều khác đáng bàn hơn trong tình hình hiện
tại.
Thứ nhất, công nhân trong các khu
công nghiệp, khu chế xuất thuộc nhóm nào trong số các nhóm ưu tiên này? Dù họ
quan trọng với nền kinh tế – “nồi cơm” chung, lĩnh vực của họ có chắc là thiết
yếu không? Chúng có thiết yếu hơn so với những shipper, những xe ôm công nghệ,
những công nhân vệ sinh, những người thu gom rác thải, những tiểu thương tại chợ
truyền thống?
Thứ hai, nhóm người mắc các bệnh
mạn tính và người trên 65 tuổi được xếp thứ năm, sau cán bộ ngoại giao, giáo
viên và các nhân viên hành chính – những người có thể làm công việc của mình
qua mạng. Con số này có thể không nhất thiết phản ánh thứ bậc ưu tiên trong quá
trình thực thi (có thể đồng thời tiêm cho nhiều nhóm ưu tiên trong danh sách),
nhưng nó ít nhiều phản ánh tư duy của người làm chính sách: tập trung tiêm cho
những người giúp giữ cho hệ thống vận hành.
Trong lý thuyết phổ biến về đánh giá rủi ro, [12] có hai yếu tố quan trọng cần cân nhắc,
đó là xác suất nếu một việc không mong muốn xảy ra (probability), và mức độ
nghiêm trọng của việc đó nếu nó xảy ra (severity). Nếu xét trường hợp những người
cao tuổi/ có bệnh nền, xác suất họ mắc COVID-19 có thể là thấp hơn so với những
người làm công việc phải tiếp xúc nhiều, nhưng nguy cơ tử vong nếu nhiễm bệnh lại
là cao nhất. Nghĩa là, nếu mục tiêu là giảm thiểu tỷ lệ tử vong, thì phải tập
trung tiêm vaccine phòng bệnh cho nhóm này.
Chính sách phân bổ vaccine của WHO phản ánh rõ rệt
ưu tiên trên. Theo đó, ba nhóm cần được tiêm vaccine đầu tiên là các nhân
viên y tế, người cao tuổi, và người có bệnh nền. [13] Hướng dẫn phân bổ vaccine
của Mỹ cũng làm rõ ưu tiên này. [14] Ngay sau các nhân viên y tế,
nhóm ưu tiên tiếp theo được chỉ định tiêm là những người cao tuổi, đặc biệt là
những người trong các viện dưỡng lão, vì họ có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc
tử vong nếu như mắc bệnh. Nhóm người lao động thiết yếu có thể được tiêm sau,
khi nguồn vaccine dồi dào hơn.
Tuần trước, thành phố Đài Bắc, Đài Loan bắt đầu lên danh
sách những người vô gia cư để tiêm vaccine. [15] Đài Loan cũng là nước
gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine, và họ đang xem người vô gia cư là một
nhóm ưu tiên tiêm trước. Bangkok, Thái Lan cũng thực hiện chính sách ưu tiên tương tự cho người vô gia cư. [16]
Các nhà nghiên cứu đưa ra hai lập luận ủng hộ việc này, một là nhiều người
trong số những người vô gia cư là người già, dẫn đến nguy cơ tử vong cao nếu mắc
bệnh, và hai là những người vô gia cư không có điều kiện để đảm bảo các tiêu
chuẩn vệ sinh cần thiết, lại sống ở những nơi nhiều người qua lại, dẫn đến xác
suất nhiễm bệnh và lây bệnh cao.
Tiêm vaccine như thế nào để đảm bảo hiệu quả
và công bằng là một bài toán khó, nhất là khi tình hình dịch bệnh liên tục thay
đổi. Các nhà toán học ở Mỹ đã dành nhiều thời gian để mô hình hóa và đánh giá
tác động của các phương án phân bổ vaccine khác nhau. Dù các mô hình biến thiên
ở nhiều yếu tố, chúng đều cùng ủng hộ một phương án: tiêm vaccine trước cho người lớn
tuổi để ngăn ngừa tử vong, sau đó mở rộng ra những nhóm khỏe mạnh hơn trong dân
số. [17]
Sẽ còn rất lâu cho đến khi có đủ vaccine cho tất
cả mọi người. Trong bối cảnh khan hiếm đó, trả lời đúng câu hỏi tiêm vaccine
cho ai trước có thể giúp cứu được rất nhiều nhân mạng.
Câu hỏi lớn vẫn là: Ưu tiên bảo toàn mạng sống
của những người dễ tổn thương nhất, hay ưu tiên đảm bảo “nồi cơm” bằng việc bảo
vệ những người khỏe mạnh trước tiên?
Tài liệu tham khảo:
1. Online T. T. (2021, June 19). TP.HCM
ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho công nhân. TUOI TRE ONLINE.
https://tuoitre.vn/tp-hcm-uu-tien-tiem-vac-xin-ngua-covid-19-cho-cong-nhan-20210619000134435.htm
2. Quân M. (2021, June 28). 710.773
người ở TPHCM được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong đợt 4. Tin tức mới nhất
24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn.
3. TP.HCM tạm thời chưa tiêm vaccine
COVID-19 cho người trên 65 tuổi. (2021, June 25). Giadinh.Net.Vn.
4. Access and allocation: how will
there be fair and equitable allocation of limited supplies? (2021,
January 12). WHO.
5. Hằng T. (2021, June 27). Bài
toán phân chia nguồn vaccine có hạn ở TP.HCM. ZingNews.vn.
https://zingnews.vn/bai-toan-phan-chia-nguon-vaccine-co-han-o-tphcm-post1230124.html
6. Tong, K. D. (2021, June 2). Vietnam
vaccinates Samsung workers amid battle with COVID variant. Nikkei
Asia.
7. Chinhphu.Vn (2021, June 11). Tiêm
vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân trong khu công nghiệp. Tin tức
mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn.
8. VGP News (2021b, June 30). Thủ
tướng làm việc gấp với Tập đoàn AstraZeneca thúc đẩy đưa vắc xin về nước sớm nhất.
TUOI TRE ONLINE.
9. Thái B. (2021, July 1). Sáng
1/7: TP Hồ Chí Minh có 158 ca mắc COVID-19, Việt Nam đã vượt 17.000 bệnh nhân.
Báo SKĐS Online.
10. Gần 500 công nhân nhà máy bia Sài
Gòn ở Củ Chi được tiêm vaccine phòng Covid-19. (2021, June 24). Báo điện tử
Tiền Phong.
11. Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng
vaccine phòng COVID-19
12. Markovic, I. (2021, March 24). How
to use the risk assessment matrix to organize your project better.
TMS.
https://tms-outsource.com/blog/posts/risk-assessment-matrix/
13. Access and allocation: how will
there be fair and equitable allocation of limited supplies? (2021,
January 12). WHO.
14. Stieg, C. (2020, December 15). When
Dr. Fauci and other experts say you can expect to get vaccinated for Covid-19.
CNBC.
15. Strong, M. (2021, June 22). Taipei
draws up list of homeless for COVID vaccination. Taiwan News.
https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4229454
16. Bangkok Post Public Company Limited.
(2021, June 18). First vaccine doses for city homeless. Https://Www.Bangkokpost.Com.
https://www.bangkokpost.com/thailand/general/2134063/first-vaccine-doses-for-city-homeless
17. Neimark, J. U. (2020, November
20). Doing the Touchy Math on Who Should Get a COVID Vaccine First.
Scientific American.
No comments:
Post a Comment