Covid-19
cho biết xã hội chính trị Việt Nam không thay đổi sau hơn 30 năm
Nguyễn Khoa
31 tháng 7, 2021
Hàng chục ngàn công
nhân từ Sài Gòn bỏ chạy về quê trong cơn dịch bệnh này là hình ảnh trái ngược với
giấc mơ công nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh từ Facebook
Ai từng đi lại giữa miền Tây Nam bộ và Sài Gòn
trong những năm cuối 1970, đầu 1980 hẳn phải biết trạm kiểm soát Tân Hương nằm
gần thành phố Mỹ Tho.
Trạm này kiểm soát Quốc lộ số 1 từ Sài Gòn về
miền Tây (trước 1975 là quốc lộ 4). Gần như 24/7, bên ngoài trạm này là dòng xe
rất dài cả hai chiều nằm chờ kiểm soát. Các nhân viên công an, quản lý thị trường
chận bắt gạo, thịt, muối, cá mắm từ miền Tây đổ về nuôi sống hơn ba triệu người
Sài Gòn. Điều đặc biệt là xe hành khách (xe đò) nhiều hơn xe vận tải, mà những
chiếc xe đò này cũng biến thành xe vận tải với các thứ hàng kể trên. Việc kiểm
soát tịch thu diễn ra từng ly từng tí một, không để sót một thứ gì. Chiều ngược
lại kiểm soát nhanh hơn vì ít hàng hóa hơn, nhưng cũng được làm rất cẩn thận.
Tân Hương trở thành nỗi kinh hoàng của dân
chúng miền Nam lúc đó. Người đi buôn thì sợ mất hàng, khách lữ hành thì chờ cả
vài tiếng đồng hồ để qua trạm là chuyện thường. Và dĩ nhiên, muốn qua nhanh thì
mãi lộ!
Đó là thời kỳ mà sau này báo chí gọi là ngăn
sông cấm chợ, nhưng lúc ấy thì trên báo chí người ta lại hay nhắc đến câu cửa
miệng của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn, rằng Việt Nam đang
xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, với 400 quận huyện là 400
pháo đài công, nông, lâm, ngư nghiệp. Mà đã là pháo đài thì không có chuyện vận
chuyển hàng hóa qua lại. Các nhà quản lý cộng sản tuyên bố xử tử ngành thương
nghiệp.
Việc kiểm soát đã tạo điều kiện cho các viên
chức công an, quản lý thị trường phất lên. Sự nhũng lạm và hạch sách của họ trở
thành hình ảnh tiêu biểu cho xã hội Việt Nam lúc đó. Đôi khi họ hạch hỏi,
tịch thu cả những món đồ vật không phải là hàng hóa.
Nếu chính sách ngăn sông cấm chợ tuân theo ý
thức hệ là điều đáng trách trên bình diện vĩ mô của nền kinh tế quốc gia, thì
việc nhiệt tình cách mạng quá trớn của các viên chức là điều dễ thông cảm hơn
vào lúc đó, khi họ là những người viên chức thấp nhất trong bộ máy toàn trị khổng
lồ.
Nhưng hơn 30 năm sau ngày trạm Tân Hương bị
đóng cửa, các viên chức nhiệt tình cách mạng quá trớn vẫn còn, và rất đông đảo.
Họ xuất hiện trong chiến dịch phong tỏa, giới nghiêm các thành phố, khu phố, thị
trấn Việt Nam trong đợt bùng phát dịch Covid-19 giữa năm 2021. Đúng hơn họ là
thế hệ thứ hai, cũng có thể là thế hệ thứ ba, con cháu của những viên chức cấp
thấp thời ngăn sông cấm chợ trước kia. Họ khác cha ông họ ở giày dép quần áo
tinh tươm hơn, họ có điện thoại cầm tay… nhưng nhiệt tình cách mạng của họ vẫn
giống cha ông họ, ngăn chận từ ổ bánh mì cho tới băng vệ sinh phụ nữ.
Điều gì đang xảy
ra ở Việt Nam vậy?
Sau hơn 30 năm của cái gọi là “đổi mới”, ý thức
và năng lực của tầng lớp quan lại, sai dịch của hệ thống vẫn không thay đổi. Hệ
thống toàn trị vô cùng đông đảo vẫn không giảm bớt, mặt khác phải tăng lên theo
tỷ lệ tăng trưởng dân số, phải đảm bảo có đầy đủ các viên bí thư, từ tổng bí
thư đảng cho đến bí thư chi bộ khu phố.
Ở phía trên thượng tầng kiến trúc vẫn là một tầng
lớp được ưu tiên, ăn trên ngồi trốc với những quyền lực tuyệt đối về chính trị
như xưa và bây giờ lại được thêm những quyền lực về kinh tế.
Thời dịch giã, chỉ
có người dân chia sẻ cho nhau . Ảnh từ Facebook
Việc cải cách kinh tế hơn 30 năm qua làm cho
những nhu cầu cơ bản của dân chúng được thỏa mãn phần nào. Sự đầy đủ cơ bản này
che khuất đi một cấu trúc xưa cũ mà có người tưởng rằng đã biến mất trong quá
trình “đổi mới.”
Đại dịch Covid-19 làm cho cấu trúc ấy lộ
ra với một món hàng khan hiếm là vaccine trị Covid-19.
Câu chuyện người phụ nữ trẻ nhờ có bố (ông ngoại
các con cô ta) là kẻ có thế lực mà được tiêm chủng trước, minh chứng rất cụ thể
rằng cơ cấu xã hội cũ không hề thay đổi. Trong xã hội này, bề mặt là cào bằng
thụ hưởng, nhưng cấu trúc thực của nó là mạnh ai nấy lo một cách rừng rú. Và
trong khu rừng đó, những con thú có “ông ngoại” có thế lực, và những “con thú
ông ngoại” luôn là những kẻ trục lợi nhiều nhất, sống an toàn nhất.
Nếu trước kia, là cửa hàng thực phẩm dành cho
cán bộ cao cấp ở phố Tôn Đản, Hà Nội, là xe Volga dành cho cấp bộ trở lên, thì
nay là thuốc “xịn” Pfizer dành cho cán bộ cao cấp (theo lời viên Giám đốc Bệnh
viện Việt Xô trần tình với báo chí).
Vaccine Covid-19 năm 2021 chính là những lạng
thịt bò của những năm 1975-1985.
Hệ thống toàn trị và tầng lớp có đặc quyền đã
làm cho xã hội và quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng trước kia với
chính sách 400 pháo đài quái đản. Nay hệ thống đó có cơ không dập tắt được dịch
bệnh mà làm nó trầm trọng hơn. Lẽ ra phải dành ưu tiên cho người già và người
có bệnh “nền”, thuốc lại được ưu tiên cho tầng lớp lãnh đạo, đám công an che chắn
cho chế độ. Lớp dân chúng già cả sẽ trở thành nơi lưu dưỡng virus, có thể tạo
nên những biến dị nguy hiểm hơn.
Dịch bệnh cũng làm bộc lộ mâu thuẫn chính trị
vùng miền, với sự thống trị của miền Bắc, vốn là nơi phát xuất những đội quân
chiến thắng năm 1975. Trong những năm 1990, người ta dành kinh phí quốc gia để
xây dựng đường số 5 Hà Nội – Hải Phòng, hay đường số 18 Hải Dương – Quảng Ninh,
thay vì con đường nhiều hàng hóa hơn là Quốc lộ 1 Sài Gòn – Mỹ Tho, hay liên tỉnh
số 8 Sa Đéc – Long Xuyên. Việc này có thể được thông cảm vì hệ thống đường sá
miền Bắc quá tệ hại. Nhưng vào năm 2021, với một dân số gấp đôi, số người nhiễm
bệnh gấp ba Hà Nội, mà số liều vaccine phân phối về Sài Gòn lại ít hơn là điều
không thể tha thứ được.
Những nguồn tin từ bên trong cho biết rằng thành
phố Sài Gòn bị “cầm tay chỉ việc” trong việc chống dịch với những viên chức từ
Hà Nội vào.
Cấu trúc địa chính trị nội bộ đó tạo nên những
điều quái gở như chuyện các nhân viên, học sinh y tế từ Hải Dương vào Sài Gòn,
tưởng tượng mình đang đi “giải phóng miền Nam”. Hay là chuyện một cô nào đó gốc
miền Bắc lên mạng xã hội móc mỉa người Sài Gòn, rằng thì là Hà Nội tuyệt vời
hơn, “một thời đạn bom một thời hòa bình” (sic). Mà thành phố Sài Gòn lại là
nơi cung cấp nhiều tiền của nhất cho ngân sách quốc gia.
Năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế,
đã có người hy vọng rằng cải cách kinh tế sẽ kéo theo chính trị, nhưng điều đó
đã không xảy ra, và tệ hơn là xã hội vẫn không thay đổi. Những đặc quyền đặc lợi
vẫn tồn tại, trước kia là lạng thịt bò, ký gạo, thì nay là du học, vaccine….
Dắt díu nhau về quê
khi cuộc sống tạm bợ ở đô thị đã bị “phong tỏa”. Ảnh Facebook.
Nó không đổi vì cấu trúc chính trị tạo ra tầng
lớp đặc quyền đó không thay đổi.
Với hệ thống chính trị xã hội đó, Việt Nam đã
thất bại trong việc chuyển đổi một quốc gia nông nghiệp sang công nghiệp sau
hơn 30 năm cải cách. Hàng chục ngàn công nhân từ Sài Gòn bỏ chạy về quê trong
cơn dịch bệnh này là hình ảnh trái ngược với giấc mơ công nghiệp của Đảng Cộng
sản Việt Nam. Công nhân vẫn coi cuộc sống của họ ở đô thị là tạm bợ. Các đô thị
này không có một hệ thống an sinh xã hội để họ có thể định cư. Vẫn không có một
lớp công nhân đúng nghĩa mà chỉ là những người nông dân bán sức lao động giản
đơn cho các đại gia khu công nghiệp, hay những nhà tư bản nước ngoài.
Trong không khí xã hội chính trị ảm đạm đó người
ta thấy lóe lên một ánh sáng nho nhỏ. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy Sài
Gòn công khai nói với báo chí rằng ông mong người dân lượng thứ. Có lẽ ông là
người đầu tiên của lịch sử Việt Nam hiện đại xin lỗi dân chúng như vậy, không kể
những giọt nước mắt mị dân sau cuộc giết chóc cải cách ruộng đất 1955.
Người dân sẵn sàng lượng thứ cho ông Nên
thôi, nhưng còn hệ thống chính trị xã hội nhũng lạm vẫn ăn bám trên cơ thể Việt
Nam thì sao?
------------
NGUỒN : Viet-Studies.net
No comments:
Post a Comment