Friday 30 July 2021

COVID-19 VẪN CÀN QUÉT TOÀN CẦU (Sài Gòn Nhỏ)

 


COVID-19 vẫn càn quét toàn cầu

Sài Gòn Nhỏ  
30 tháng 7, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/covid-19-dang-can-quet-toan-cau/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/02/COVID-Variants-variants-intermountainhealthcare.org_-800x450.jpg

Biến chủng COVID-19. Hình: Intermountainhealthcare.org

 

Đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở hầu như tất cả các quốc gia, kể cả những nước đã được xem là “ổn” nhưng cũng đang phải đối đầu với sự tái xuất của dịch bệnh.

 

Số ca nhiễm bệnh đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch nóng nhất ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có hơn 610,000 ca nhiễm mới và gần 9,500 người chết vì COVID-19.

 

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo Myanmar có nguy cơ trở thành quốc gia siêu lây nhiễm COVID-19 khi dịch bệnh bùng phát trên toàn quốc.

 

“Số ca nhiễm đang gia tăng phi mã ở đây. Tốc độ lây lan rất nhanh, tới ngưỡng đáng báo động. Myanmar đang trở thành khu vực siêu lây lan dịch bệnh với những biến chủng nguy hiểm và dễ lây như Delta. Điều này vô cùng nguy hiểm,” đặc phái viên của LHQ về Myanmar cho biết.

 

Theo số liệu từ chính quyền quân sự Myanmar, kể từ ngày 1 Tháng Sáu tới nay, quốc gia này ghi nhận hơn 4,600 ca tử vong vì COVID-19. Nhiều chuyên gia lo ngại, con số thực tế còn cao hơn. Hãng tin Irrawaddy của Myanmar cho biết nước này dự định xây thêm 10 lò hỏa táng tại thủ đô Yangon, để đối phó với tình trạng số người chết ngày một tăng.

 

“Tại Myanmar, hiện nay thường thấy ba hàng dài người dân. Một là đứng trước máy rút tiền, hai là đứng trước cơ sở cung cấp oxy và ba là trước các lò hỏa táng, nghĩa trang,” đặc phái viên Andrews nhận định về tình hình Myanmar.

 

Do ảnh hưởng nghiêm trọng từ COVID-19, hầu khắp các thành phố ở Myanmar đều trải qua tình trạng thiếu bình oxy, thiết bị y tế và thuốc men. Bên ngoài các căn nhà ở vùng phong tỏa, người dân phải treo cờ vàng, cờ trắng để cầu cứu, mong được hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men.

 

Cuộc đảo chính quân sự hồi Tháng Hai, dẫn tới khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng ở Myanmar, cũng khiến tình hình COVID-19 ở nước này nghiêm trọng hơn. Theo số liệu từ trang cập nhật Worldometers, Myanmar đã có gần 290,000 ca nhiễm và hơn 8,500 ca tử vong do COVID-19.

 

Với tình hình “dịch đang tấn công mạnh” ở Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định việc thực hiện giãn cách xã hội “chỉ làm phẳng hóa đường cong lây nhiễm”. Tính đến ngày 30 Tháng Bảy, Việt Nam ghi nhận hơn 133,000 ca nhiễm và 1,022 người chết vì COVID-19. Việt Nam đã phải lập thêm 12 trung tâm hồi sức tích cực (ICU) trên cả nước với tổng số 8,000 giường bệnh.

 

Tại Nhật Bản ngày 28 Tháng Bảy ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp với hơn 8,000 ca/ngày. Riêng tại thủ đô Tokyo, nơi đang diễn ra Olympic 2020, có thêm gần 3,200 ca nhiễm mới. Hệ thống y tế ở đây đang quá tải. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết chính phủ nước này sẽ nhanh chóng xem xét ban bố trình trạng khẩn cấp ở ba tỉnh giáp thủ đô Tokyo nếu nhận được yêu cầu từ các tỉnh này. Hiện Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và Okinawa.

 

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm gần 1,900 ca nhiễm mới. Với tình hình như hiện nay, giới chức Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm trong ngày ở nước này có thể lên đến 2,000 ca.

 

Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có số ca nhiễm mới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu Tháng Năm. Bộ Y tế nước này cho biết số ca tăng mạnh trở lại trong những tuần qua sau khi chính quyền dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế để chống dịch.

 

Tại Ukraine, Bộ trưởng Y tế Viktor Lyashko công bố những quy định phòng ngừa dịch bệnh mới, theo đó những hành khách nước ngoài đến Ukraine cần phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 thêm trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh nếu họ chưa được chích đủ hai liều vaccine phòng COVID-19.

 

Tương tự, Anh cũng đang trong làn sóng dịch bệnh mới, lây lan nhanh do biến thể Delta. Nhưng may mắn là quốc gia này đã chích vaccine phòng bệnh đầy đủ cho hơn 70% người trưởng thành.

 

Ở khu vực Trung Đông, số ca nhiễm tại Iran tiếp tục lên đỉnh mới, với gần 35,000 ca. Đây là lần thứ hai trong một tuần qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục.

 

Tại châu Phi, Maroc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, với gần 7,000 ca. Quốc gia Bắc Phi này hiện có gần 600,000 người nhiễm và hơn 9,600 người chết vì COVID-19.

 

Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky nhấn mạnh các số liệu cho thấy nguy cơ biến thể Delta lây lan như vũ bão. Các nghiên cứu của CDC đã chỉ ra những người đã chích vaccine, một khi nhiễm bệnh thì khả năng làm lây lan virus cũng giống như người chưa chích. Người dân ở những khu vực đang có số ca nhiễm tăng mạnh được khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng có không gian kín, ngay cả khi đã chích ngừa đủ vaccine COVID-19. Hiện nay Mỹ vẫn là quốc gia có số ca bệnh và tử vong cao nhất thế giới với 35,5 triệu ca nhiễm và gần 630,000 người chết.

 

Theo số liệu thống kê của worldometers.info, tính đến ngày 30 Tháng Bảy, toàn thế giới có gần 198 triệu người nhiễm, trong đó có hơn 4,2 triệu người chết vì đại dịch COVID-19.

 

--------------------------

Đọc thêm:

 

-Sài Gòn – tang thương trong tuyệt vọng

 

-Cựu Hồng y Theodore McCarrick bị buộc tội tấn công tình dục một thiếu niên

 

-Dùng bao cao su sửa thuyền kayak, xong đoạt huy chương vàng Olympic

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats